Chủ tịch Hải Phòng: ‘Vụ Tiên Lãng cứ theo luật mà làm’
“Nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan, cá nhân nào thì xử lý không bao che. Quan điểm của tôi rõ ràng, cứ theo luật mà làm”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền khẳng định với báo chí chiều 1/2 về vụ cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng.
Theo ông Điền, các vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang trong quá trình rà soát, tuần tới sẽ xong và có kết quả. Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên Môi trường đang làm việc độc lập với sở chức năng và huyện Tiên Lãng chứ không qua thành phố. Nội dung làm việc liên quan tới trình tự thủ tục cấp đất, quá trình cưỡng chế và sau khi cưỡng chế.
“Quan điểm của tôi rõ ràng, cứ theo luật mà làm. Ai sai thì xử lý người đó, còn việc chống người thi hành công vụ thì phải xử lý. Nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan nào, cá nhân nào thì cũng xử lý, không bao che. Đúng thì phải khẳng định, sai đến đâu xử đến đấy, đồng chí nào sai thì phải xử lý theo sai phạm đó”, ông Điền khẳng định.
Video đang HOT
Ngày 23/1 (mùng 1 Tết), sau khi công an xã và những “người lạ” rút khỏi đầm, người thân ông Đoàn Văn Vươn đã về dựng lều ngay trên nền nhà đổ nát. Ảnh: Quang Vinh.
Theo người đứng đầu thành phố Hải Phòng, việc thực thi cưỡng chế đối với đầm tôm gia đình ông Vươn được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, với những hệ lụy phát sinh, đích thân ông Điền đã chỉ đạo UBND các huyện và xã khi cưỡng chế phải làm cẩn thận, nghiêm ngặt hơn và báo cáo về UBND thành phố.
“Khi cưỡng chế có sử dụng lực lượng thì không những phải báo cáo UBND thành phố mà còn phải báo cáo thường trực thành ủy, phải làm hết sức thận trọng. Qua vụ việc này, UBND huyện Tiên Lãng cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc”, ông Dương Anh Điền nói.
Liên quan tới việc hủy hoại tài sản, đánh bắt hải sản trong đầm nhà ông Vươn, Chủ tịch Hải Phòng cho biết, đang giao cho cơ quan chức năng xử lý. Trước đó bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) đã có đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi hủy hoại ngôi nhà hai tầng và các tài sản trên phần đất không thuộc diện bị cưỡng chế. Ngoài ra, nhiều người lạ còn tháo cống, dùng kích điện để vét sạch thủy sản trong khu đầm gia đình ông Vươn nuôi, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Giám đốc Công an thành phố Đỗ Hữu Ca xác nhận, đã nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương và đang điều tra xác minh. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật dù là bất cứ ai”, ông Ca nói.
Cũng trong ngày 1/2, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên Môi trường làm việc ngày thứ hai tại huyện Tiên Lãng. Đoàn đã đến khu vực đầm bãi của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang. Dự kiến, sau khi thu thập đủ các thông tin và có kết luận sơ bộ, đoàn sẽ làm việc với UBND thành phố Hải Phòng.
Giới luật sư cho rằng cần tách riêng việc phá hủy căn nhà và chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Vươn ra làm một vụ án riêng và cần được điều tra xử lý sớm.
Theo VNExpress
GĐ Công an TP Hải Phòng: "Công an không phá nhà ông Vươn"
Đại tá Đỗ Hữu Ca cho biết đã nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) cho rằng thuỷ hải sản và hoa màu đã bị thu hoạch bất chính.
Trưa 1/2, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc công an TP. Hải Phòng cho biết: Công an TP. Hải Phòng đã nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) cho rằng thuỷ hải sản và hoa màu đã bị thu hoạch bất chính. "Tôi đã giao cho phòng CSĐT (công an TP. Hải Phòng) điều tra, làm rõ các nội dung tố cáo".
Theo ông Ca, nếu coi căn nhà đã bị phá của ông Quý là nhà ở thì việc xây dựng căn nhà này là trái phép.
Nhận định về hành vi giết người, chống người thi hành công vụ của Đoàn Văn Vươn, ông Đỗ Hữu Ca đánh giá là rất nghiêm trọng. Trước khi cưỡng chế, bao giờ chính quyền cũng có thông báo, thương thuyết một thời gian.
Nhưng trong trường hợp nhà ông Vươn, khi lực lượng cưỡng chế mới tiến đến gần (còn cách khảng 100 m nữa mới tới) thì đã bị nổ mìn chống lại rồi. Sau khi vụ việc xảy ra, kiểm tra hiện trường thì thấy căn nhà đã được trang bị như một "pháo đài" được bao bọc bởi rơm với nhiều vũ khí.
Khi được hỏi lý do có cả lực lượng công an và quân đội trong vụ cưỡng chế, Đại tá Đỗ Hữu Ca nói: Ban cưỡng chế là ban liên ngành. Trong ban cưỡng chế thường có nhiều thành phần khác nhau gồm: công an, quân đội, dân phòng, hội phụ nữ...
Các lực lượng này đến nhằm mục đích giám sát hành vi cưỡng chế đúng pháp luật và ngăn chặn bạo lực trái pháp luật nếu trong quá trình cưỡng chế nảy sinh.
Trước đó, đã có thông tin cho rằng, trong và sau vụ cưỡng chế, không chỉ có lực lượng cưỡng chế của huyện mà còn có cả một số đối tượng lạ mặt liên quan đến việc phá tài sản, rồi chính các đối tượng này thu hoạch hoa lợi từ đầm nhà ông Vươn và nhà ông Quý. Về vấn đề này, Đại tá Ca cũng khẳng định nếu phát hiện thấy có dấu hiệu hình sự trong việc này sẽ khởi tố vụ án.
Cùng về vấn đề dư luận nghi ngờ công an trong lực lượng cưỡng chế đã san phẳng căn nhà của gia đình ông Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế, ông Ca thêm một lần nữa khẳng định: Công an trong lực lượng cưỡng chế không được lệnh phá.
Và CBCS công an không phá căn nhà vì sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi, có lực lượng công an khác đến ghi nhận hiện trường rồi cũng rút chứ không phá gì cả. Hiện trường còn lại thuộc trách nhiệm của huyện.
Theo Giáo Dục VN
Chính quyền thuê "người ngoài" trông coi đầm ông Vươn! Ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn bị bắt, chính quyền huyện Tiên Lãng tuyên bố đã giao cho UBND xã Vinh Quang bảo vệ khu đầm, nhưng lãnh đạo xã Vinh Quang lại thuê người bảo vệ đầm để rồi sau đó, hàng chục tấn thủy sản trong đầm đã bị vét sạch. Chiều 31.1, trả lời PV Thanh Niên, ông Lê...