Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tìm bằng được người không chịu cách ly
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận Hà Đông tìm bằng được trường hợp đã có quyết định giám sát tại nhà để phòng chống dịch virus corona nhưng chưa tìm thấy.
Cuối giờ chiều nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên địa bàn TP.
Theo ông Chung, các địa phương phải đi từng nhà vận động người dân, những đối tượng được đưa vào diện giám sát, cách ly tuân thủ chặt chẽ quy định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tất cả những trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh thì phải dùng xe chuyên dụng của Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển đến các cơ sở y tế có nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị.
Ông Chung cũng nhấn mạnh, biện pháp cách ly là vô cùng quan trọng trong công tác phòng dịch nCoV. Hiện trên toàn TP có gần 800 người thuộc diện phải giám sát.
Tuy nhiên, tại quận Hà Đông có trường hợp đã có quyết định giám sát tại nhà nhưng hiện lực lượng chức năng chưa tìm thấy. Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo quận “phải tìm bằng được trường hợp này”.
Theo ông Chung, bài học từ Vĩnh Phúc đã cho thấy có việc lây chéo giữa những người thân trong một gia đình mà tới 17 ngày sau mới phát bệnh.
“Cần rút kinh nghiệm ở trường hợp này. Do đó, tôi đề nghị tất cả các quận huyện làm tốt công tác tuyên truyền để những người phải cách ly tuân thủ quy định, vừa đảm bảo sức khoẻ cho bản thân vừa an toàn cho cộng đồng”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Ông cũng chỉ ra kinh nghiệm một số nước như Úc hay Mỹ khi họ đón công dân từ vùng dịch Vũ Hán về đều đưa ra đảo riêng giám sát trong vòng 14 ngày, khi không có dấu hiệu bệnh mới được trở về gia đình.
Giám sát y tế với 819 người
PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến thời điểm 15h hôm nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV.
Số trường hợp phải giám sát y tế là 819 người, trong đó giám sát tại bệnh viện 48 trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút nCov (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 37 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài).
Video đang HOT
Trong số 48 đối tượng cách ly, hiện đã có 45 trường hợp xét nghiệm âm tính với nCoV.
Ông Hạnh nhận định, hiện nay dịch bệnh xâm nhập có ca lây thứ phát tại nước ta, nguy cơ dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng rất lớn.
Ông nhấn mạnh về vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác phòng dịch là cách ly. Trong đó theo quy định có 3 trường hợp phải cách ly: nghi ngờ (ho sốt, khó thở cộng yếu tố dịch tễ…); tất cả những trường hợp từ Hồ Bắc hay qua Hồ Bắc về Việt Nam cũng phải cách ly tập trung.
“Đối tượng thứ 3 đi từ vùng có dịch về nhưng hoàn toàn khoẻ mạnh thì sẽ giám sát tại nhà. Ngành y tế phối hợp với công an, địa phương giám sát, trong đó y tế sẽ đi kiểm tra sức khoẻ những đối tượng này ngày 2 lần”, ông Hạnh nói.
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, đơn vị đã chuẩn bị 2 khu vực tiếp nhận người Việt Nam ở các quốc gia có dịch trở về; kê được gần 1.000 giường, đảm bảo các vật dụng cần thiết.
Đồng thời tiến hành tẩy trùng, phun Cloramin B trong và ngoài doanh trại. Tổ chức các khu vực cách ly riêng; phân khu các khu vực chức năng, bộ phận phục vụ. Tổ chức 2 khu vực bếp sẵn sàng bảo đảm hậu cần. Ngoài ra, còn có bố trí khu vực chung cho các gia đình.
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô kiến nghị, khi tiếp nhận, đề nghị TP tạo điều kiện tăng cường lực lượng cho 2 đội cơ động từ 25-30 người. Đồng thời đề nghị trang bị vật tư y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc… khi có trường hợp nghi ngờ sốt sẽ chuyển đến bệnh viện.
Về bệnh viện dã chiến, Bộ Tư lệnh Thủ đô đang xây dựng phương án; đã có địa điểm bảo đảm các cấp độ, các phòng, ban chức năng; nếu có quyết định chính thức sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
Hương Quỳnh
Theo vietnamnet.vn
Bổ sung thành viên BCĐQG phòng, chống dịch bệnh virus Corona
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 216/QĐ-TTg bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Ban Chỉ đạo họp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh do virus nCoV gây ra. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Cụ thể, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia gồm:
1. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
2. Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
3. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên.
4. Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thành viên.
5. Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên.
Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế phòng, chống dịch bệnh này.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh.
Thành lập 4 tiểu ban chống dịch nCoV
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra vừa ký Quyết định số 80/QĐ-BCĐQG về việc thành lập các tiểu ban chống dịch.
Quyết định nêu rõ, thành lập 04 Tiểu ban chống dịch để tham mưu, giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) gồm:
1. Tiểu ban Giám sát.
2. Tiểu ban Điều trị.
3. Tiểu ban Truyền thông
4. Tiểu ban Hậu cần.
Tiểu ban Giám sát do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; ông Hoàng Đăng Nhiễu, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Tiểu ban; ông Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Phó trưởng Tiểu ban.
Thành viên Tiểu ban Giám sát gồm đại diện các Bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.
Tiểu ban Điều trị do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Tiểu ban; ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban.
Thành viên Tiểu ban Điều trị gồm đại diện các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.
Tiểu ban Truyền thông do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban.
Thành viên Tiểu ban Truyền thông gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.
Tiểu ban Hậu cần do ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó trưởng Tiểu ban; ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Tiểu ban.
Thành viên Tiểu ban Hậu cần gồm đại diện các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.
Các Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp và các nhiệm vụ do Trưởng ban chỉ đạo giao.
Trưởng các Tiểu ban có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Tiểu ban, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban.
Theo danviet.vn
Người phụ nữ bị sốt rồi tử vong âm tính với virus corona Chiều 7/2, lãnh đạo Sở Y tế Ninh Bình cho biết, bệnh nhân Đ.T.Y tử vong khi điều trị sốt tại Khoa Cách ly bệnh viện đa khoa tỉnh có kết quả âm tính với virus corona. Trước đó, ngày 3/2, chị Đ.T.Y (SN 1972, trú xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Changxin VN...