Chủ tịch Hà Nội: Phải thu hồi hàng triệu ô tô, xe máy “quá đát”
Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, phải có biện pháp thu hồi hàng triệu ô tô, xe máy đã hết hạn sử dụng.
Ngày 17/2, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố xác định ô nhiễm không khí ở mức báo động đỏ. Chính vì vậy, từ năm 2016, thành phố cho lắp đặt các trạm quan trắc không khí.
Hiện nay, thành phố đã lắp đặt xong 10 trạm quan trắc không khí. Ông Chung dự kiến trong năm 2017, thành phố sẽ lắp thêm khoảng 70 trạm quan trắc không khí. Từ các trạm quan trắc này, thành phố sẽ có toàn bộ các thông số liên quan đến không khí, đặc biệt là ở các tuyến đường trọng điểm để xác định nguyên nhân ô nhiễm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với lãnh đạo thành phố Hà Nội về các dự án giao thông
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, qua hai tháng các trạm quan trắc không khí đi vào hoạt động, cho thấy nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội có liên quan đến xả thái của xe máy và ô tô.
“Qua thống kê chúng ta có 2,5 triệu xe máy quá đát, trước năm 2000. Vấn đề này, thành phố cũng đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Báo cáo Phó Thủ tướng về các tuyến đường sắt đô thị, ông Chung cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cơ bản đã hoàn thành, đến tháng 9 tới sẽ đưa vào chạy thử. Còn tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã giải quyết được các vướng mắc liên quan đến thủ tục và hoàn thành trên 30% khối lượng công việc. Đơn vị thi công cam kết đến quý I/2021 sẽ đưa vào hoạt động.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tiến độ mở rộng đường vành đai 3 ở Hà Nội
Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị. Hiện mới có 2 tuyến đang được gấp rút thi công. Ông Chung cũng thông tin vừa qua, thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn mong muốn tham gia xây dựng các tuyến metro. Vấn đề này đã được thành phố báo cáo Chính phủ.
Kết lại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh việc Hà Nội chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại. Theo Phó Thủ tướng, việc huy động nội lực để thực hiện các dự án giao thông cũng là chủ trương của Chính phủ, vì hiện nay đi vay kinh phí từ bên ngoài không dễ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội, nếu nhà đầu tư nội tham gia phải đảm bảo được an toàn khi thi công. Vấn đề cốt lõi của xây dựng các tuyến metro là đảm bảo nhanh, rẻ và an toàn. “Đã có nhà đầu tư nội đăng ký rồi, Hà Nội cũng xem xét kỹ họ sẽ làm thế nào. Bên cạnh đó phải mời các tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu, phản biện”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội: "Đê bê tông chịu được lực, an toàn khi mưa bão"
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nếu chuyển đê (sông Hồng) đất sang đê bê tông, sẽ mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m. Và với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông hoàn toàn có thể chịu lực, an toàn khi mưa bão.
Sáng 16/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phối hợp giữa hai bên. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện có 825 nghìn người dân sống bên vùng bãi các con sông. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, bức bách khi không có trường học, không trạm y tế, hệ thống điện không được xây. Do vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thành phố đang khẩn trương lập quy hoạch các tuyến đê, đặc biệt là các đoạn đê sông Hồng chạy qua địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
"Nếu chúng ta quy hoạch nhanh, Hà Nội sẽ triển khai được việc xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội để phục vụ cho người dân ở đây", ông Chung nói và đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Hà Nội ngay từ đầu để triển khai nhanh vấn đề này phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân sống quanh bãi các con sông của thành phố.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung cũng nói rõ, Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê của sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
"Nếu chuyển đê đất sang đê bê tông, chúng ta mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m nữa. Như thế kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và sẽ cân, giao thông sẽ thuận lợi và lưu thông tốt hơn", ông Nguyễn Đức Chung giải thích.
Mặt khác khu vực dọc đê từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, người dân đã xây nhà kín, nên theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, mặt đê bê tông sẽ không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước.
"Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông hoàn toàn có thể chịu lực, an toàn khi mưa bão", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói và nêu kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để có thể triển khai dự án này.
Về phía Bộ NN&PTNN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cũng khẳng định lại, Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Nếu thay đê bê tông, Hà Nội sẽ có điều kiện mở rộng hai bên đường
Tại cuộc họp, ông Hoài cũng nhấn mạnh về công tác quản lý đê điều, dù đánh giá cao công tác quản lý, nâng cấp đê điều của Hà Nội nhưng ông cũng chỉ ra từ 2011-2016, Hà Nội có 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều. Tuy nhiên đến nay, thành phố mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ, chưa đến 10%. Phó Tổng cục Thủy lợi đề nghị "các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm những sai phạm này".
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố, hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có chiều dài hơn 231 km từ đê cấp II đến cấp đặc biệt. Những năm qua, trung ương, Hà Nội đã đầu tư duy tu, sửa chữa bảo đảm mặt cao công trình chống lũ, sửa chữa mặt đê và xây dựng hành lang để phục vụ công tác phòng, chống lũ bão.
Tuy nhiên, trên hệ thống đê còn nhiều đoạn chưa bảo đảm mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại, một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa, trong khi các tuyến đê này là các tuyến đê cấp đặc biệt và cấp I. Các tuyến kè bảo vệ bờ, còn 146,6 km/265 km chưa được gia cố, trong đó có 40 km có nguy cơ sạt lở cao và 4 km các tuyến kè cũ đã hư hỏng.
Thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT đầu tư kinh phí để nâng cấp hệ thống đê; thực hiện các dự án kè gia cố chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.
Về công tác xử lý vi phạm trong quản lý đê điều UBND TP Hà Nội cho biết lực lượng chuyên trách của Sở NN&PTNT đã lập biên bản, gửi đến lãnh đạo quận, huyện, xã, phường. Đồng thời, thành phố cũng đã có chương trình giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm.
Quang Phong
Theo Dantri
Quận 1 kiến nghị xem xét lại việc lắp barie trên vỉa hè Cho rằng có nhiều ý kiến về việc lắp barie gây khó khăn cho người đi bộ, nhất là người khiếm thị, người khuyết tật đi xe lăn, UBND quận 1 kiến nghị Sở GTVT TP xem xét lại tính pháp lý và hợp lý của việc lắp barie trên một vỉa hè một số tuyến đường trung tâm. Theo UBND quận 1,...