Chủ tịch Hà Nội kêu gọi nhân dân không để kẻ xấu lợi dụng kích động
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa gửi công điện hỏa tốc yêu cầu cơ quan chức năng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời kêu gọi nhân dân Thủ đô không để kẻ xấu lợi dụng kích động làm những việc quá khích.
Công điện của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, trong những ngày vừa qua, nhân dân Thủ đô và cả nước đã biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoa Hải Dương 981 trái phép là việc làm chính đáng. Nhưng tại một số tỉnh, thành phố đã có một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất, trong đó có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, gây mất chật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân, môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Hà Nội kêu gọi nhân dân không để kẻ xấu lợi dụng kích động làm những việc quá khích (ảnh minh họa)
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – yêu cầu các cấp ngành chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân không tham gia tuần hành, biểu tình làm ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông vầ đời sống sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
Các cơ quan chức năng của Hà Nội thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi và bảo đả an toàn tuyệt đối cho người, doanh nghiệp và cơ quan nước ngoài trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế.
Công an thành phố phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp đã và đang được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo trong những ngày qua, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để thực hiện mưu đồ và hành động chống phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước.
Công an thành phố cũng được giao nhiệm vụ xử lý nghiêm các hành vi của đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, tổ chức quốc tế; bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy… tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không có những hành vi phạm pháp luật, không nghe kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ nhau công tác, học tập và lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao.
UBND thành phố Hà Nội kêu gọi và đề nghị các cấp ngành, các tầng lớp nhân dân Thủ đô tăng cường đoàn kết thống nhất, biểu thị lòng yêu nước, yêu Thủ đô thông qua việc ra sức lao động, học tập, đảm bảo quốc phòng, an ninh và ổn định đời sống nhân dân. Không để kẻ xấu lợi dụng kích động làm những việc quá khích gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh của Thủ đô và đất nước.
Quang Phong
Theo dantri
Video đang HOT
'Biểu tình quá khích có thể tạo hình ảnh xấu về Việt Nam'
Tôi tin sự quá khích vừa qua chỉ là hành vi tự phát nhất thời của một số người hoặc do một số động cơ không lành mạnh", giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ về ứng xử của của người dân để thể hiện lòng yêu nước.
- Những ngày vừa qua, người dân nhiều nơi trong cả nước đã bày tỏ lòng yêu nước bằng cách xuống đường, tuần hành phản đối Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mức độ phản ứng lần này so với những sự kiện trước đây thế nào, thưa ông?
- Đây không phải lần đầu tiên người dân biểu tình phản đối hành động có tính chất khiêu khích, xâm lăng của nhà cầm quyền Trung Quốc. Năm 2011, khi xảy ra vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, người dân cũng đã xuống đường. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ nước ta là người Việt ở trong nước và nước ngoài lại tự động tập hợp biểu tình phản đối những hành động đó. Nhưng lần này, sự phẫn nộ của người dân đã ở mức cao hơn rất nhiều.
Qua theo dõi tình hình từ vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh đến nay, có thể thấy rõ là sự nhẫn nhịn, mềm mỏng của chúng ta không có hiệu quả. Tiếp nối các triều đại phong kiến trước đây, nhà cầm quyền Trung Nam Hải không hề thay đổi tư tưởng bành trướng, bá quyền, thậm chí càng ngày càng tỏ ra hung hăng, nóng lòng độc chiếm Biển Đông và các vùng biển xung quanh. Đó là sự hung hăng, sốt ruột của một cường quốc "sinh sau đẻ muộn", muốn tranh giành quyền ảnh hưởng với các cường quốc khác. Điều này chứng tỏ những cuộc biểu tình phản đối của người dân từ trước tới nay đối với hành vi gây hấn, xâm lăng của Trung Quốc là cần thiết và là hậu thuẫn quan trọng cho đối sách của Nhà nước.
- Tuy nhiên, mấy ngày qua đã xuất hiện những hành vi quá khích như nhà máy đập phá ở Bình Dương, xô xát dẫn đến chết người ở Hà Tĩnh. Ông nhìn nhận về điều này như thế nào?
- Những hành vi quá khích đang ảnh hưởng đến trật tự an ninh, đồng thời có thể đưa lại một hình ảnh xấu xí về Việt Nam, gây bất lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao cũng như việc tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Vũng Ánh sáng 14/5 ( Ảnh Lao động)
Chúng ta không có quyền xâm phạm, phá hủy tài sản của người khác, bất kể đó là người dân hay nhà đầu tư, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Ngược lại, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ tài sản và quyền tự do kinh doanh cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư từ Trung Quốc và từ các nước khác.
Chúng ta phẫn nộ trước hành vi khiêu khích, xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc nhưng chúng ta phải phân biệt được nhà cầm quyền với người dân Trung Quốc. Chúng ta càng tranh thủ được thiện cảm của người dân Trung Quốc và thế giới trong sự việc này thì càng thêm nhiều cơ hội đấu tranh thắng lợi.
Nhà cầm quyền Trung Quốc có thể lợi dụng hành vi quá khích của một số người để tuyên truyền làm giảm sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đó là chưa kể môi trường làm ăn sẽ xấu đi, doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngại đầu tư vào Việt Nam.
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Chính quyền cần cử ra những nhân vật có thẩm quyền và uy tín ở địa phương để giải thích, thuyết phục người dân hành xử cho đúng pháp luật". Ảnh: Mạnh Thắng.
- Cơ quan chức năng xác minh có nhiều kẻ kích động trong vụ việc này. Ông nghĩ sao về "bàn tay" hay một tổ chức đã đứng ra dẫn dắt, xúi giục?
- Tôi cho nguyên nhân lớn nhất ở đây là sự thiếu kiềm chế của người dân, một số người biểu tình có thể vì họ cảm thấy lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nặng nề. Với hàng chục nghìn người lao động phẫn nộ, biểu tình mang tính chất tự phát, không có nghiệp đoàn đứng ra tổ chức, lãnh đạo thì chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể gây thành đám cháy lớn.
Bên cạnh đó, cũng có thể hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc đã thổi bùng lên cả những bất bình chất chứa lâu nay của anh chị em công nhân với một số chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý, người lao động Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng có một số người lợi dụng, thậm chí có phần tử khiêu khích được cài vào, tạo cớ cho đối phương la lối là có thể có. Các cơ quan chức năng cần làm rõ hơn vấn đề này, nhưng cũng nên tránh quy chụp đơn giản, vội vàng.
- Theo ông, biện pháp ổn định tình hình nào cần áp dụng trong hoàn cảnh này?
- Biện pháp hàng đầu là tuyên truyền cho người dân qua các phương tiện thông tin, qua tổ chức đoàn thể, để người dân hiểu rõ hơn đường lối, chính sách, pháp luật và đạo lý Việt Nam. Mỗi người dân cần kiểm soát hành động của mình, ứng xử một cách văn minh, sáng suốt, ngay trong lúc phẫn nộ nhất.
Trong trường hợp này, chính quyền cần cử ra những nhân vật có thẩm quyền và uy tín ở địa phương để giải thích, thuyết phục người dân hành xử cho đúng pháp luật. Bởi nếu càng xử lý thô bạo thì phản ứng càng cao, từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, thành đám cháy lan rộng khó giải quyết.
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn phải đi sâu đi sát với người lao động, giác ngộ và bảo vệ quyền lợi của người lao động, làm cho người lao động tin tưởng, gắn bó với công đoàn, từ đó nắm lại vai trò lãnh đạo người lao động và chủ động tổ chức các hoạt động yêu nước của họ.
Quốc hội cần sớm xây dựng và ban hành Luật Biểu tình để điều chỉnh quan hệ và hành vi xã hội. Với trình độ dân trí và ý thức dân chủ cao như hiện nay, không nên nghĩ một cách đơn giản là người dân ai cũng chờ chỉ đạo của chính quyền, làm những gì chính quyền muốn. Nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ luôn luôn ở vào thế bị động, chữa cháy.
Biểu tình không xảy ra ở riêng nước nào và rất nhiều nước có cách giải quyết hợp lý. Ở ta, nếu có Luật Biểu tình tạo hành lang pháp lý và có tổ chức công đoàn thực sự mạnh thì mọi việc dễ giải quyết hơn.
Nụ cười của người công nhân Trung Quốc ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) khi nhận được sự chia sẻ của người Việt Nam. Ảnh: Bạn đọc cung cấp.
- Ở một góc độ khác, trong cộng đồng đã xuất hiện những kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, khách sạn không đón tiếp người Trung Quốc. Quan điểm của ông về những lời kêu gọi ?
- Phản ứng đó thể hiện cảm xúc mạnh tại thời điểm này của người dân. Việc tẩy chay không vi phạm pháp luật nhưng gây thiệt hại cho cả hai bên chứ không riêng bên nào. Đây là vấn đề khác hẳn hành động đập phá tài sản. Nó là một cung bậc thể hiện thái độ người dân, qua đó phía Trung Quốc sẽ hiểu hơn tình cảm, thái độ của người Việt Nam.
Cá nhân tôi nếu bây giờ bảo đi công tác hay du lịch ở Trung Quốc, chắc chắn tôi không đi. Trên thực tế, năm 2012, có tổ chức mời tôi tham gia đoàn công tác sang Trung Quốc nhưng tôi từ chối.
Hành vi tẩy chay của người Việt Nam có dịu xuống hay chấm dứt không còn phụ thuộc vào cách hành xử tiếp theo của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nếu họ đàm phán và rút cái giàn khoan tham lam nhưng vô ích và tốn kém đó, chắc phản ứng của người dân Việt Nam cũng sẽ khác.
- Phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương ngày 14/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tình hình Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt". Phát biểu của Tổng bí thư có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này?
- Tâm trạng xã hội bây giờ rất đa dạng. Nhưng dù tâm trạng thế nào, người dân cũng chờ đợi ý kiến này của Tổng Bí thư. Bởi vì Hội nghị Trung ương 9 diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm: độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị đe dọa nghiêm trọng; người dân cần được biết cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng lãnh đạo bàn và có quyết sách về vấn đề này như thế nào.
Là người dân, tôi ủng hộ quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Càng những lúc khó khăn, chúng ta càng cần bình tĩnh, sáng suốt. Kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc nhưng phải áp dụng những biện pháp có hiệu quả và xử sự đúng là một dân tộc văn minh, tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế cũng như của chính những người yêu chuộng hòa bình, công lý ở Trung Quốc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây, nhờ có chính sách đúng đắn, chúng ta đã tranh thủ được thiện cảm của người dân thế giới nói chung và của người dân Pháp, Mỹ nói riêng, qua đó thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, vì hòa bình ở Việt Nam của nhân dân thế giới, trong đó có những người yêu chuộng hòa bình, công lý ở Pháp và Mỹ. Đó là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta.
Đến bây giờ thế kỷ 21 rồi, chúng ta càng không có lý do gì để hành xử quá khích. Tôi tin sự quá khích ấy chỉ là hành vi tự phát nhất thời của một số người nhất định hoặc do một số động cơ không lành mạnh. Hành vi ứng xử sáng suốt, thông minh của người Việt Nam là vũ khí rất mạnh trong cuộc đấu tranh đối với hành vi sai trái của tập đoàn bá quyền Trung Quốc.
Theo Zing
Chủ tịch Quốc hội: "Phải tỉnh táo, rất nóng mà rất lạnh trong tình hình này" Trong kỳ họp Quốc hội thứ 7 bắt đầu vào tuần tới, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại trên vùng biển của Việt Nam. Thảo luận về nội dung chuẩn bị cho kỳ họp tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 16/5, Chủ...