Chủ tịch Hà Nội: Bắt đầu có lây nhiễm chéo, kích hoạt giám sát qua GPS
Theo Chủ tịch TP Hà Nội, dịch bệnh ở giai đoạn 2, không loại trừ trên địa bàn Hà Nội sẽ có những ca nhiễm lây nhiễm chéo và dấu hiệu sẽ tăng lên
Chiều 18/3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội.
Bắt đầu có trường hợp lây nhiễm chéo
Theo ông Nguyễn Đức Chung, tính từ 6/3 khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên (BN số 17) đến nay Hà Nội mới bước vào tuần thứ 2 giai đoạn dịch.
“Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nếu không định hình lại sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, không khoa học chúng ta sẽ không đủ sức đi tiếp chặng đường tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị thành viên Ban chỉ đạo, các đơn vị có phân tích để bước đi những bước tiếp theo vì không loại trừ thời gian tới sẽ có những ca nhiễm và dấu hiệu sẽ tăng lên.
“Trong giai đoạn 1 phải đối phó nguồn lây từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì giai đoạn này chúng ta phải đối phó với nguy cơ dịch từ tất cả các quốc gia có dịch trên thế giới mà chỉ cần lọt vào 1 trường hợp có thể kéo theo 9 trường hợp như ở Bình Thuận. Chúng ta cũng đang chứng kiến bắt đầu có trường hợp lây nhiễm chéo trên địa bàn từ cán bộ đang làm công vụ như trường hợp nhân viên an ninh sân bay Nội Bài. Có thể hôm nay và ngày mai trên địa bàn Hà Nội có thể tăng lên 7 đến 8 ca” – ông Nguyễn Đức Chung cảnh báo.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội xác định trên địa bàn Hà Nội nguồn lây nhiễm chính hiện nay là từ nước ngoài. Thứ hai là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng từ những trường hợp du học sinh trở về, các du khách nước ngoài đã đến Hà Nội từ ngày 3-6/3 đã tiếp xúc với một số người trên đia bàn sau đó đi vào miền Nam, miền Trung và về nước. Nguồn thứ ba liên quan đến các cán bộ đang làm nhiệm vụ, tiếp xúc trực tiếp với công dân đang tổ chức cách ly.
Video đang HOT
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến chiều 18/3
Kích hoạt giám sát bằng GPS
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các quận, huyện cần nhanh chóng hoạch định lại nguồn lực, cơ sở vật chất trước diễn biến của tình hình dịch bệnh lây lan. Trên cơ sở kế hoạch, kịch bản mà Thành phố đã đưa ra, các quận huyện cần phân công nhiệm vụ hợp lý.
Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cần tiếp tục xét nghiệm, các cơ sở y tế phải đào tạo nguồn lực có khả năng lấy mẫu, để có lấy được 1.500 đến 3.000 mẫu/ngày. Nếu vậy phải có ít nhất là 800 cán bộ.
Bên cạnh đó, có các biện pháp mạnh mẽ trong giám sát cộng đồng về việc tổ chức cách ly. Tổ dân phố tăng cường tuyên tuyền công dân tự giác khai báo. Các đội cơ động phải trực 24/24, khi có thông tin của người dân là phải triển khai nhiệm vụ ngay.
“Hằng ngày, Thành phố đang tiếp nhận 600-800, 1.000 người dân về nước. Có thể, Thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người về nước trong những ngày tới. Vì vậy, Hà Nội quyết định tổ chức cách ly tập trung để phòng ngừa” – ông Chung nhấn mạnh.
Những trường hợp cần phải cách ly là những người từ nước ngoài tại các khu tập trung; cách ly F1 tại bệnh viện; cách ly F2 tại nhà. Thành phố sẽ kích hoạt giám sát cộng đồng bằng GPS để giám sát tại nơi ở.
Ngoài ra, đối với những người là người nước ngoài đã nhập cảnh mà là trường hợp F1; cán bộ ngoại giao, các khách sạn đã cam kết bố trí khoảng 1.500 – 2.000 chỗ cho những người này. Còn các trường hợp cách ly để chữa bệnh đều tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Hà Nộiđã chuẩn bị 6 bệnh viện cấp thành phố để hỗ trợ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
“Thành phố đã chuẩn bị 4 nơi cách ly để phòng ngừa, đảm bảo trong thời gian cách ly ăn ở có người phục vụ”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.
Đ.Hưng/VOV.VN
Nghiên cứu sản xuất robot hỗ trợ điều trị Covid -19
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất kit thử Covid-19 và khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đề phòng các kịch bản xấu hơn, có thể nghiên cứu để sản xuất các robot dịch vụ, nhằm chống lây nhiễm chéo.
Quang cảnh buổi họp. (Ảnh: Bích Liên)
Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã họp gấp với các nhà khoa học, chuyên gia y tế bàn các giải pháp từ góc độ khoa học công nghệ hỗ trợ phòng, chống Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, tại Chỉ thị số 13, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vaccine phòng bệnh Covid-19, sớm đưa Kit thử vào sử dụng.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất kit thử Covid-19 và khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, để đề phòng các kịch bản xấu hơn, cần có sớm các giải pháp hỗ trợ điều trị. Trước mắt, có thể nghiên cứu để sản xuất các robot dịch vụ, nhằm chống lây nhiễm chéo.
Bởi trên thực tế, hiện các bác sỹ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 phải chịu nhiều áp lực, lo ngại lây nhiễm cho gia đình và cả bản thân họ trong khi công việc điều trị cũng có nhiều nguy cơ. Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa các bề mặt và hỗ trợ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, thì các y, bác sĩ sẽ được giảm tải. Về lâu dài, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, cần triển khai hướng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh, bởi đây là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất, cần đánh giá, xây dựng các khu vực được kiểm soát nhằm tránh lây nhiễm, phát triển các buồng khử khuẩn, đầu tư các máy thở và chủ động nguồn ôxi phòng trường hợp nhiều người mắc bệnh Covid-19, cũng như mở rộng số mạng lưới các đơn vị được xét nghiệm Covid-19...
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong bối cảnh hiện nay, lượng công việc nhằm hỗ trợ phục vụ, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2 và người cách ly khá nhiều, tạo áp lực cho đội ngũ y bác sỹ. Trong trường hợp dịch bùng phát hơn nữa, khối lượng công việc sẽ càng nhiều hơn. Tại Trung Quốc, nhiều bệnh viện có robot hỗ trợ bệnh nhân làm những việc đơn giản như đưa cơm cho người cách ly, lau dọn, khử khuẩn sàn nhà.
GS. TS Nguyễn Văn Kính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho một đơn vị có năng lực tiến hành sản xuất robot hỗ trợ phục vụ trong ngành Y tế, trước mắt có thể tập trung vào việc lau dọn, khử khuẩn sàn nhà, đưa cơm, đưa thuốc bệnh nhân.
Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo, Bộ Y tế cũng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên sản xuất robot nhằm hỗ trợ ngành Y tế trong công tác phục vụ bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và những người cách ly.
Trước các đề xuất của các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, với những trường hợp cấp bách, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp cho các đơn vị trong nước thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc SARS-CoV-2, phục vụ công tác phòng, chống dịch; nghiên cứu dịch tễ học SARS-CoV-2; đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Bích Liên (dangcongsan.vn)
TP Hồ Chí Minh: Không phát hiện lây nhiễm chéo, chung cư Hòa Bình được gỡ bỏ lệnh hạn chế ra vào Từ chiều nay (16/3), lệnh hạn chế ra vào tại chung cư Hòa Bình (90A, Lý Thường Kiệt, quận 10) được gỡ bỏ, chỉ còn 7 hộ sát nhà của bệnh nhân thứ 48 là tiếp tục được cách ly. TP chính thức gỡ bỏ hạn chế ra vào chung cư Hòa Bình từ chiều nay (16/3) Mới đây, Sở Thông tin và...