Chủ tịch DABACO Nguyễn Như So: Tôi không sợ dịch tả lợn châu Phi
Theo tâm sự của ông Nguyễn Như So- Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam, những ngày này ông và cả tập đoàn đang “căng như dây đàn” bởi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhưng theo lời ông, dịch này không đáng sợ, cái đáng sợ là truyền thông không đúng cách, dẫn đến sự hoang mang không cần thiết và rối.
Ông Nguyễn Như So- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Ảnh: Trần Quang
Theo lời ông Nguyễn Như So, mặc dù đã lường trước được dịch tả lợn châu Phi trước sau gì cũng vào Việt Nam, song không ngờ tốc độ lây lan và phạm vi ảnh hưởng lại lớn như thế. Hiện Dabaco đang có tổng đàn lợn khoảng 500.000-600.000 con, bao gồm cả lợn của công ty, lợn liên kết với các hộ nông dân, lợn được nuôi gia công… Song đến thời điểm này, toàn bộ đàn lợn của Dabaco vẫn đang được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh.
Đến thời điểm này, cả nước đã có tới 60 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với trên 2,83 triệu con lợn bị chêt và tiêu hủy, “tâm trạng” của ông và tập đoàn trong thời điểm này như thế nào?
- Tâm trạng gì nữa, chúng tôi đang căng thẳng lắm, không bị thần kinh là may mắn lắm rồi. Những ngày này, tôi hầu như không ngủ được, rất mệt mỏi để lo đối phó với dịch bệnh, thời điểm mới xảy ra dịch vừa lo chống dịch, vừa phải lo đảm bảo đầu ra.
Có những ngày, các lò mổ của công ty đã phải giảm công suất tối đa, lợn đến lứa xuất chuồng không bán được, vì người dân lo ngại dịch bệnh. Đến nay, tuy giá lợn có nhích lên đôi chút, nhưng cũng chỉ rơi vào điểm hòa vốn (khoảng 38.000-39.000 đồng/kg). Tuy vậy, Dabaco vẫn có cách phòng, chống dịch bệnh của riêng mình, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn.
Bất cứ ai làm chăn nuôi đều coi dịch bệnh là kẻ thù số 1, nhưng ông lại từng tuyên bố “dịch bệnh không đáng sợ”, liệu điều này có hơi mâu thuẫn không, thưa ông?
- Với bất cứ ngành sản xuất kinh doanh nào thì cũng phải đối mặt với những rủi ro chứ không riêng gì ngành nông nghiệp mà cụ thể là chăn nuôi. Hiện nay cả nước đang phải gồng mình đối phó với dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi cũng không phải ngoại lệ, nhưng tôi vẫn nói rằng: Dịch bệnh không đáng sợ, truyền thông sai cách mới nguy hiểm.
Chúng ta đều biết, dịch tả châu Phi có từ hàng trăm năm nay ở nhiều quốc gia chứ không phải mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa kể trước đó đã có rất nhiều loại dịch bệnh xảy ra như: mở mồm long móng, tai xanh ở lợn; cúm gia cầm…
Thế nên, cần phải khẳng định với một nước nông nghiệp, việc đối mặt với dịch bệnh là bình thường, giống như phải “sống chung với lũ” thôi, nhưng cái quan trọng nhất cần xác định: dịch bệnh nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người, dịch bệnh nào có cơ chế lây lan từ động vật sang người. Từ đó, mới có cách phòng chống, ngăn chặn quyết liệt, đồng thời tuyên truyền mạnh để người dân thấy được tác hại của dịch bệnh đó.
Video đang HOT
Còn dịch tả châu Phi rõ ràng không gây bệnh trên người, thế thì chúng ta cũng cần phải truyền thông thế nào để người dân không quay lưng lại với thịt lợn, nhờ đó ngành chăn nuôi mới có thể trụ vững sau dịch bệnh.
Có một điều quan trọng trong việc xác định và khoanh vùng dịch bệnh. Đó là ngành thú y cần làm rõ địa phương đó có bao nhiêu con lợn bị dịch và số lượng bao nhiêu thì nên công bố dịch. Chứ nếu cả đàn chỉ 1 vài con, thậm chí 10 con có dấu hiệu thì cần cách ly, thực hiện các xét nghiệm, chứ không nên công bố dịch rồi tiêu hủy cả đàn mấy trăm con. Làm như thế vô cùng lãng phí và tổn thất về kinh tế mà nông dân phải gánh chịu là vô cùng nặng nề.
Một trại chăn nuôi lợn của Dabaco.
Hiện Dabaco đang triển khai những biện pháp nào để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, thưa ông?
- Chúng tôi ưu tiên các biện pháp an toàn sinh học lên trước tiên như thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khủ trùng môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi. Tại các trang trại chăn nuôi của công ty, thời điểm này chúng tôi đã ra quy định cấm tất cả người lạ không được ra vào trại. Vào những ngày này, ngay cả tôi cũng không được vào trại để đảm bảo cách ly an toàn tuyệt đối với dịch bệnh.
Theo ông, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì để đảm bảo bền vững?
- Tôi cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp để tháo gỡ, không chỉ có dịch tả lợn châu Phi, mà cả dịch lở mồm long móng. Cả năm 2017 đến quý 1 năm 2018 giá thấp. Tất cả các nhà chăn nuôi đang chồng chất khó khăn, kể cả doanh nghiệp và người nông dân
Điều quan trọng là nên kiểm soát thông tin, cân đối giải pháp thông tin. Ở Trung Quốc chỉ công bố 102 hộ bị dịch tả lợn Châu Phi, nhưng hiện nay chúng ta công bố vài nghìn xã. Vậy thì chúng ta có bao nhiêu ổ dịch, mỗi ổ dịch bao nhiêu con. Cần phải suy nghĩ là 1 – 2 con có công bố không, hay là bao nhiêu con mới công bố.
Mặt khác, phải có kịch bản truyền thông, hướng dẫn, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng không tẩy chay với thịt lợn. Và cần có cơ chế chính sách để người dân không bán tháo, bán chạy lợn ốm, bệnh thông qua việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo để thông tin rằng dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Bởi hiện nay, rất nhiều trường học ra văn bản không sử dụng thịt lợn trong bếp ăn học đường. Nếu không làm tốt vấn đề này thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi lợn chưa nhiễm dịch bệnh. Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, cần tạo điều kiện cho các đàn lợn, sản phẩm lợn được thông thương tiêu thụ để ổn định sản xuất.
Về công tác giết mổ, cần tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ, và có lộ trình cấm các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm, khuyến khích xây dựng các lò mổ tập trung. Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy giết mổ tập trung.
Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Hỗ trợ bằng nhiều cách, và tôi cho rằng tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn là quan trọng nhất.
Nhìn lại, có thể thấy, trong mấy năm trở lại đây, ngành chăn nuôi lợn liên tục đối mặt với khó khăn, từ giá cả sụt giảm, tới dịch lở mồm long móng và giờ là dịch tả lợn châu Phi. Ông đánh giá như thế nào về ngành chăn nuôi hiện này?
- Đúng là, ngành chăn nuôi lợn mấy năm trở lại đây vô cùng khó khăn, có thể nói là… tan nát. Năm 2016 là khủng hoảng về giá, vừa qua được cơn khủng hoảng đó thì đến dịch lở mồm long móng, rồi giờ là dịch tả châu Phi. Bản thân chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, song chúng tôi đảm bảo toàn bộ sản phẩm được chế biến từ thịt cung cấp ra thị trường đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Về lâu dài, chúng ta cần thực hiện tốt luật chăn nuôi. Như Dabaco, chúng tôi đang tiến hành nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau như thành lập các công ty chăn nuôi trực thuộc tập đoàn, triển khai mô hình chăn nuôi gia công, mô hình chăn nuôi có liên kết với nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Dabaco cũng nổi tiếng trên thị trường khi sở hữu nhiều giống lợn có năng suất và chất lượng cao. Các loại lợn giống gốc như Duroc, Pietrian, Landrace, Yorkshire đều được công ty nhập khẩu trực tiếp từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ, Đài Loan… về để nhân đàn và lai tạo ra những giống lợn mới tích hợp các đặc tính ưu việt của một số giống lợn ngoại cho năng suất, chất lượng cao và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và hàng năm công ty đều nhập mới để làm tươi máu đàn giống gốc.
Theo Danviet
Lâm Đồng: Phát hiện dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên
Tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện ổ dịch tả lợn Châu phi đầu tiên tại thôn An Bình, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng và đang tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Sáng ngày 25/6, đại diện UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đã phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại địa phương.
Cụ thể, ổ dịch này xuất hiện từ hai trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng và ông Nguyễn Lượng (thôn An Bình, xã Liên Hiệp) với tổng đàn của hai hộ khoảng 1.840 con. Tính đến sáng ngày 25/6 địa phương đã tiến hành tiêu hủy 16 con heo mẹ mắc bệnh.
Lực lượng chức năng tiến hành cân để tiêu hủy lợn mắc bệnh.
Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: " Ngày 21/6, sau khi tiếp nhận tin báo có heo của hai hộ gia đình trên bị chết, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn tiêu hủy số lượng heo chết. Bên cạnh đó, địa phương đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan chức năng xét nghiệm xác định nguyên nhân heo bị chết. Đến chiều ngày 22/6, Chi cục Thú y vùng V có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi".
Huyện Đức Trọng đang thử nghiệm phương pháp tiêu hủy lợn dịch bằng cách đốt.
Ngay sau đó, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương trong công tác trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện, trọng tâm là địa bàn xã Liên Hiệp.
Hiện nay, địa phương đang thực hiện các bước tiêu độc, khử trùng cho hai trang trại lợn phát hiện dịch. Song song với đó hai chốt kiểm dịch động vật tại điểm đầu xã (thôn An Hiệp) và điểm cuối xã (thôn An Tĩnh) nằm trên quốc lộ 27 cũng được tăng cường giám sát.
Các chốt kiểm dịch động vật được tăng cường hoạt động, túc trực ngày đêm.
Đức Trọng được xem là huyện có số đàn lợn lớn nhất tỉnh với khoảng 92.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại có 91 hộ với 59.500 con. Như vậy, tính đến sáng ngày 25/6, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 60/63 tỉnh thành trên cả nước.
Theo Danviet
Giá heo hơi hôm nay 25/6: Bắc cao, Nam thấp, Trung ổn định Việc dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp khiến giá heo hơi tại thị trường miền Nam giảm, trong khi đó, giá heo hơi hôm nay tại thị trường miền Bắc, miền Trung ổn định ở mức 33.000 - 41.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại thị trường miền Bắc So với nhiều địa phương khác, giá heo...