Chủ tịch Đà Nẵng: ‘Ra đường mà rác thải tràn lan là trách nhiệm của chính quyền’
Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định, nếu ra đường mà rác thải tràn lan, không thu gom thì đó là trách nhiệm của chính quyền.
Chiều 27/11, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo sở Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT), Tài nguyên – Môi trường (TNMT) và các cơ quan liên quan về đề án phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Điểm tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường trên đường Bùi Tá Hán, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT TP. Đà Nẵng cho biết, đã cử đoàn đi học tập cách phân loại rác tại nguồn ở Nhật Bản về góp phần triển khai tại TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại từng hộ gia đình tới các điểm trung chuyển, tập kết rác tại các khu dân cư, đầu tư phương tiện vận chuyển về xử lý. Ngoài ra, còn có cả chế tài xử lý người dân không tuân thủ quy trình phân loại rác tại nguồn.
Ông Hùng nhấn mạnh, vai trò cộng đồng, ý thức của người dân sẽ góp vai quan trọng thành công hay không trong công tác phân loại rác tại nguồn.
“Dù có đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại đến đâu thì cũng không thể xử lý được vấn đề nếu việc phân loại rác thải ngay tại nguồn không được thực hiện triệt để. Phải khẳng định, ý thức của người dân là vấn đề mấu chốt”, ông Hùng nói.
Giám đốc sở TNMT TP. Đà Nẵng cũng không quên cảnh báo những thách thức mà Đà Nẵng có thể gặp phải như: rác hỗn hợp phát sinh nước rỉ mùi hôi; người dân có tâm lý không muốn lưu rác trong nhà; thiếu điểm trung chuyển, điểm hẹn thu rác; chưa có nhà máy xử lý rác thải…
Về việc thí điểm phân loại rác tại nguồn, thời gian qua đã được triển khai tại quận Hải Châu và cho kết quả khá khả quan khi người dân thực hiện tốt. Lãnh đạo UBND quận Hải Châu cho biết, hiệu quả của việc thí điểm này là rất tốt và hiện nay đã được nhân rộng thêm tại quận Thanh Khê, Sơn Trà.
“Từ khi thí điểm đến nay, quận đã bán được rác phế liệu lên hơn 1,2 tỷ đồng và dùng cho quỹ vì người nghèo. Người dân các phường rất ủng hộ phân loại rác tại nguồn”, lãnh đạo quận Hải Châu nói.
Tuy nhiên, thực tế đáng quan ngại là người dân thì phân loại rác tại nguồn, nhưng khi đem ra điểm tập kết, rác lại được đổ nhào với nhau rồi chở đi.
Video đang HOT
Thí điểm phân loại rác tại nguồn ở quận Hải Châu được người dân, các hội đoàn thể tích cực tham gia.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, lo nhất là không thay đổi được thói quen và tâm lý, ý thức của người dân, nhưng khi thí điểm tại quận Hải Châu thì người dân làm rất tốt. Vì vậy, Sở TNMT cùng các đơn vị liên quan phải khẩn trương thực hiện đề án.
Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần phát động một cuộc “cách mạng” thật sự để phân loại rác tại nguồn. “Hiện tại vấn đề rác đang rất nghiêm trọng và Đà Nẵng lại đang xây dựng thành phố môi trường nên cần phát động một cuộc cách mạng xử lý rác, phân loại rác tại nguồn. Phải làm quyết liệt để thành công. Nghiên cứu cho bằng được loại xe nhỏ, có thể dùng cả xe điện chạy vào từng kiệt hẻm thu gom rác cho dân. Nghiên cứu thu gom từng loại rác theo ngày”, ông Thơ nói.
Cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, thành phố sẽ tài trợ mua sắm toàn bộ thùng phân loại rác cho người dân và đầu tư xe cộ, điểm trung chuyển, tập kết đồng bộ để làm cuộc “cách mạng” vì thành phố môi trường. Tại một số khu vực dân cư không còn đất trống để làm điểm tập kết thì thành phố sẽ mua lại nhà, đất của người dân rồi đầu tư thành nơi tập kết để vận chuyển rác.
TP. Đà Nẵng dự tính sẽ triển khai đồng loạt việc phân loại rác tại nguồn vào khoảng tháng 5/2019. Với lộ trình đến giai đoạn 2023-2025 thu gom 5 nhóm rác có thể tái chế.
Trước đó, trong cuộc họp UBND thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ cũng đã đề cập đến việc Đà Nẵng phải làm một cuộc cách mạng về thu gom, xử lý rác và giao cho Giám đốc Sở TNMT làm “tổng tư lệnh”.
Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, tất cả phải vào cuộc, mà bắt đầu từ mỗi người dân. Cần chấn chỉnh quyết liệt về vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn. “Nếu ra đường mà rác thải tràn lan, không thu gom thì đó là trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, người dân cũng cần phải hiểu rằng, tất cả phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng thu gom, xử lý rác thải, bắt đầu từ người dân”, ông Thơ nói.
Cũng tại cuộc họp này, ông Tô Văn Hùng cho biết, cần phải thông tin để người dân hiểu rõ về việc đóng cửa bãi rác Khánh Sơn vào năm 2020. “Năm 2020 đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, nhưng không có nghĩa là đóng cửa hoàn toàn mà nó vẫn phải hoạt động thêm vài năm nữa để xử lý hàng loạt vấn đề”, ông Hùng nói.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mới đây, tại Hội thảo quốc tế “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững”, Đà Nẵng đã giới thiệu, mời gọi đầu tư Dự án Khu liên hiệp xử lý rác đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bãi rác Khánh Sơn sẽ phải đóng cửa vào năm 2020 nên Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư Dự án Khu liên hiệp xử lý rác.
Đại diện Sở Kế hoạch-Đầu tư cho biết, yêu cầu của nhà máy là xử lý triệt để rác thải, không gây ô nhiễm thứ cấp và đáp ứng tốt công suất thay đổi trong tương lai. Để thực hiện dự án này, Đà Nẵng có sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về cung cấp dịch vụ tư vấn giao dịch. Hiện ADB đã hoàn thành bước nghiên cứu khả thi cho dự án. Đà Nẵng kêu gọi các tổ chức, nhà đầu gửi thư tham gia dự thầu.
Cũng cần nhắc lại, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện đề án “Thành phố môi trường” được 10 năm, nhưng hiện còn rất nhiều điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân vẫn chữa được giải quyết. Trong số này, có bãi rác Khánh Sơn.
XUÂN TIẾN
Theo VTC
Từ 24-11, người dân phải phân loại rác trước khi vứt
Từ ngày 24-11, nếu người dân ở TP.HCM không tự phân loại rác trước khi vứt thì đơn vị thu gom có quyền từ chối tiếp nhận rác.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 44/2018 về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Theo quyết định này, người dân phải phân loại rác tại nguồn trước khi bỏ vào bịch rác chuyển giao cho đơn vị thu gom rác.
Không phân loại sẽ bị phạt
Thành phố khuyến khích người dân sử dụng các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường như sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ. Các túi chứa được dán nhãn, ghi chữ có màu sắc khác nhau hoặc đánh dấu để dễ nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
Việc tổ chức thu gom cũng được quy định rõ. Cụ thể, chất thải hữu cơ được tổ chức thu gom thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại sẽ được thu gom vào các ngày còn lại. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương, UBND các quận, huyện tổ chức, sắp xếp thời gian thu gom phù hợp.
Các hộ gia đình khi có phát sinh chất thải đột xuất hay có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mà có nhu cầu được tổ chức thu gom hằng ngày hai nhóm chất thải thì phải trả thêm chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển.
Người dân được quyền giám sát và phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất thu gom theo quy định.
Đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình khi họ không phân loại, chuyển giao đúng theo quy định.
Trường hợp hộ gia đình không chấp hành phân loại, chuyển giao rác theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (ba lần trở lên trong một tuần) thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thành Phục đã được UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM hướng dẫn phân loại rác trước khi bỏ đi. Ảnh: ĐÀO TRANG
Phải hướng dẫn cụ thể cho dân
Bà Lê Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4, quận Tân Bình, cho biết: "Từ hai tháng trước, phường 4 đã triển khai phân loại rác tại nguồn trong hẻm 33 đường Trường Sơn và nhận được sự ủng hộ của người dân. Trong đợt vận động này, UBND phường đã xuống từng nhà dân để tuyên truyền, hướng dẫn cách phân biệt và xử lý từng loại rác. Nhiều người ban đầu cũng phản ứng vì ngại rắc rối nhưng khi nghe chúng tôi tuyên truyền thì đã làm theo".
"Gia đình tôi không phải ai cũng biết thu gom rác, nhiều lúc cũng bỏ lộn từ thùng rác này sang thùng rác khác. Đến khi UBND phường tổ chức hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà, lúc này mọi người biết cách. Vì vậy, trước khi áp dụng quy định này, các địa phương cần tuyên truyền cụ thể tới từng hộ gia đình để người dân thay đổi thói quen bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc phân loại rác tại nguồn cần thực hiện đồng bộ ở toàn TP.HCM. Bởi trên thực tế người dân chúng tôi phân loại rác tại nguồn, sau đó nhiều đơn vị thu gom rác dân lập lại trộn lẫn các loại rác lại với nhau, như vậy thì lãng phí".
Ông NGUYỄN THÀNH PHỤC, phường 4, quận Tân Bình
Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, nhận định: Ngoài việc hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thì việc quản lý các cơ sở rác dân lập hiện còn nhiều khó khăn. Đa số các đơn vị này tự hợp đồng với các hộ dân nên phường rất khó quản lý và xử lý. Nhiều trường hợp đơn vị thu gom rác tiếp nhận rác khó tiêu hủy rồi sau đó đi vứt xuống kênh rạch.
Bà Bùi Thị Kim Oanh, phường 4, quận Tân Bình nhận định: "Lâu nay, người dân chưa biết phân loại rác tại nguồn nên thường bỏ chung một mối. Nhiều lúc gia đình có rác là chất thải rắn khó tiêu hủy phải năn nỉ người gom rác mà họ vẫn không thu. Khi Quyết định 44/2018 có hiệu lực, người dân có quyền giám sát đơn vị thu gom rác có lấy rác đúng giờ, có phân loại hay không. Từ đó, chính quyền có thể xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm".
Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết hiện nay UBND phường mới tiếp nhận và vận động, tuyên truyền đến người dân. Theo bà Cúc, khó khăn khi thực hiện Quyết định 44/2018 là các cơ sở vật chất của các đơn vị thu gom rác dân lập còn hạn chế nên khó triển khai đúng tiến độ. UBND phường đang phân loại rác tại nguồn tại các tuyến đường do Công ty Dịch vụ công ích quản lý như đường Độc Lập, Trần Hưng Đạo, các chung cư trên đường Âu Cơ... Việc xử phạt chưa thể thực hiện ngay mà cần có thời gian hướng dẫn, chuyển đổi để người dân thích nghi.
Phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu không phân loại rác
Trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Điều 20 của nghị định này có quy định:
Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
Người Sài Gòn không phân loại rác sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng Từ 24/11, các hộ dân phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm. UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom...