Chủ tịch Đà Nẵng chỉ đạo nóng, đình chỉ thi công khu biệt thự trên núi Sơn Trà
Công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên núi Sơn Trà (Đà Nẵng) chưa đánh giá tác động môi trường, chưa được cấp phép xây dựng nhưng vẫn thi công vừa bị Chủ tịch Đà Nẵng đình chỉ.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Đà Nẵng, kiểm tra công trình khách sạn không phép trên núi Sơn Trà và đình chỉ xây dựng ngay lập tức
Ngày 19/3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã đi kiểm tra công trình du lịch sinh thái biển Tiên Sa ở núi Sơn Trà (quận Sơn Trà) do công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.
Công trình được một người dân phát hiện và phản ảnh đến chính quyền. Ông Thơ cho hay, đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng UBND quận Sơn Trà kiểm tra toàn diện và báo cáo lại.
Ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, công trình được cấp phép từ năm 2009. Giấy phép cho chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông.
Cuối năm 2016, chủ đầu tư có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng thay đổi quy hoạch để xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Công trình đang thi công bên trong ở rừng Sơn Trà mà không có giấy phép xây dựng, chưa đánh giá tác động môi trường.
“Chủ đầu tư xin thay đổi quy hoạch xây dựng nhưng UBND TP Đà Nẵng chưa cấp phép xây dựng mới.
Video đang HOT
Chủ đầu tư đã xây 40 phần móng biệt thự không có giấy phép. Họ đã hoàn thiện hết thủ tục nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Họ xin giấy phép mới với 86 căn biệt thự”, ông Dũng nói.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng cho hay, bản ĐTM của chủ đầu tư còn thiếu nhiều nội dung và giải pháp xử lý môi trường chưa hợp lý. Do vậy, Sở Tài nguyên môi trường không thể thông qua bản ĐTM của chủ đầu tư. Sở cũng yêu cầu mô tả dự án rõ ràng, chi tiết, đánh giá việc sử dụng nước, hiện trạng môi trường…
“ĐTM phải đầy đủ mới có thể thông qua được. Sở Tài nguyên môi trường chưa thông qua ĐTM thì chưa được phép thi công bất cứ công trình nào”, ông Nam khẳng định.
Đặc biệt, nhiều người bức xúc khi chủ đầu tư chưa hoàn thành ĐTM nhưng Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, đơn vị quản lý đất rừng, đã đồng ý cho dọn dẹp, chặt phá cây rừng để…làm củi.
Chủ đầu tư chưa có đánh giá tác động môi trường nhưng rừng đã bị phá.
“Diện tích đất này được quy hoạch từ năm 2006 không còn là đất rừng mà là đất khác. Trạng thái rừng chủ yếu là đất trống, rừng nghèo.
Chủ đầu tư đã xin mua lại cây rừng trong diện tích trên với số tiền 78 triệu để làm củi”, ông Trần Viết Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng nói.
Tuy nhiên, trước câu hỏi tại sao chủ đầu tư chưa hoàn thành ĐTM mà Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng ý cho chủ đầu tư dọn dẹp, chặt phá cây rừng, ông Phương tỏ ra bối rối.
Ông Phương cho biết, không nắm được quy định và sẽ kiểm tra lại sau!?
Những phần móng, hạng mục không phép trong công trình.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện chủ đầu tư là công ty cổ phần Biển Tiên Sa, doanh nghiệp vì nôn nóng hoàn thành công trình vào cuối năm 2017 nên đã thi công các hạng mục khi chưa có giấy phép. Ông Sơn bày tỏ mong muốn được chính quyền Đà Nẵng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục thi công công trình, hoàn thành đúng tiến độ.
Đại diện chủ đầu tư nêu lý do xây dựng không phép là vì nóng vội.
Tại buổi khảo sát, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Đà Nẵng, đã đình chỉ thi công ngay lập tức công trình. Ông Thơ yêu cầu Sở Xây dựng, quận Sơn Trà giám sát và kiểm tra thường xuyên.
Ông Thơ cũng nhận định, công trình đã được quy hoạch, Thủ tướng phê duyệt từ năm 2009. Chủ đầu tư chỉ xin điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016.
“Họ có cái lỗi là thi công khi chưa hoàn thành ĐTM nên chưa có giấy phép. Chủ đầu tư dừng thi công ngay để hoàn thiện hồ sơ. Các cơ quan chức năng phải giám sát kỹ, đừng để họ thi công tiếp”, ông Thơ nói.
Cũng theo Chủ tịch Đà Nẵng, rừng ở bán đảo Sơn Trà rất quý. Chính quyền Đà Nẵng đang hết sức giữ gìn rừng để bảo vệ môi trường sinh thái thiên nhiên. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch của thành phố cũng đang khai thác rừng Sơn Trà. Chính quyền sẽ sử dụng đúng và hợp lý nguồn tài nguyên này.
(Theo Soha News)
Thủ tướng giao Đà Nẵng nghiên cứu lại dự án hầm chui sông Hàn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo sơ bộ về dự án hầm chui sông Hàn trị giá 4.700 tỷ đồng và giao cho Đà Nẵng nghiên cứu lại để bổ sung vào quy hoạch.
Tối 8/3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố vừa báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án hầm chui sông Hàn. "Thủ tướng giao Đà Nẵng nghiên cứu lại dự án để bổ sung vào quy hoạch của thành phố. Đây là dự án lớn, Thủ tướng mới nghe một giờ nên chưa hết các vấn đề", ông Thơ nói.
Chủ tịch Đà Nẵng khẳng định không có chuyện Thủ tướng chỉ đạo dừng dự án như một số thông tin đang lan truyền trên Facebook. "Đà Nẵng sẽ bổ sung quy hoạch hầm chui vượt sông Hàn theo đúng thủ tục về xây dựng cơ bản. Sau đó các bộ sẽ nghiên cứu kỹ và tham mưu cho Thủ tướng", ông Thơ nhấn mạnh.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Thủ tướng chưa giao thời gian cụ thể cho Đà Nẵng nghiên cứu lại dự án, nhưng việc bổ sung quy hoạch cũng cần thời gian chứ không thể nhanh chóng.
Khu vực sông Đà Nẵng dự định làm dự án hầm chui nằm giữa cầu Thuận Phước và cầu quay sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trước đó giữa tháng 6/2016, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nghe báo cáo phương án làm hầm của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- Bộ Giao thông Vận tải) với tổng chiều dài 1.315 m (trong đó đoạn hầm chìm dài 900 m), quy mô 6 làn xe cơ giới. Vị trí làm hầm là cuối đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn (quận Sơn Trà).
Sau khi tổ chức thi tuyển quốc tế phương án công trình vượt sông Hàn, dù 6 trong 7 phương án tham gia chọn làm cầu, chiều 27/12/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định phương án làm hầm thẳng(đã sửa đổi so với phương án trước) của BRITEC. Dự án có kinh phí 4.700 tỷ đồng, khoảng 210 hộ dân ở hai đầu nút vào hầm sẽ được đền bù giải tỏa để thi công.
Chủ trương làm hầm của lãnh đạo TP Đà Nẵng đang nhận ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng thành phố chưa cần thiết làm hầm vượt sông vì phải chi ra số tiền lớn, chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm rất lớn. Thay vào đó, nên làm cầu thay vì làm hầm, với chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng, hoặc nâng cấp cầu quay hiện tại chỉ tốn khoảng 1.500 tỷ đồng.
Hiện Đà Nẵng có khoảng 1,1 triệu dân với 60.000 ôtô, 800.000 xe máy. Quãng đường 12 km từ cầu Đỏ về cầu Thuận Phước có 11 cây cầu vượt sông, với khoảng cách gần 1,1 km một công trình.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Chủ tịch Đà Nẵng đội mưa động viên người bán hoa Tết Nghe nguyện vọng của những người bán hoa Tết dưới tiết mưa như trút, thưa thớt khách mua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói sẽ hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương. Ngày 25/1 (28 tháng Chạp năm Bính Thân), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng 2 Phó chủ tịch thành phố đi khảo sát...