Chủ tịch Cuba yêu cầu Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận, trả lại Guantanamo
Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 28/1 đã nêu ra các điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế kéo dài nửa thế kỷ qua, trả lại Vịnh Guantanamo và đưa Havana khỏi danh sách khủng bố.
Chủ tịch Cuba Raul Castro. (Ảnh: AP)
“Vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết: lệnh cấm vận về kinh tế, thương mại và tài chính. Điều này gây tổn hại lớn về kinh tế và con người và vi phạm các quyền lợi quốc tế”, ông Castro nói.
“Việc thiết lập quan hệ ngoại giao là điểm khởi đầu cho một tiến trình tiến tới bình thường hóa quan hệ, nhưng điều này sẽ không thể chừng nào lệnh cấm vận vẫn còn”, lãnh đạo Cuba nhấn mạnh.
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng các nước Caribê và Mỹ Latinh (CELAC) tại Costa Rica ngày 28/1, Chủ tịch Castro cho hay chặng đường tiến tới việc chấm dứt lệnh cấm vận “có thể dài và gian nan”.
Ông Castro đưa ra các bình luận trên một tuần sau khi một phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Havana trong 35 năm qua và các quan chức Cuba đã có các cuộc đàm phán lịch sử nhằm mở lại đại sứ quán và phục hồi mối quan hệ vốn bị cắt đứt vào năm 1961.
Cuba lâu nay cáo buộc rằng lệnh cấm vấn của Mỹ đã gây ra các khó khăn về kinh tế đối với nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước đã kêu gọi quốc hội chấm dứt lệnh cấm vận được áp đặt từ năm 1962.
Hồi đầu tháng này, ông Obama đã sử dụng các quyền hành pháp để nới lỏng các hạn chế và thương mại và đi lại với Cuba, gia tăng sức ép lên lệnh cấm vận.
Video đang HOT
Nhưng ông Castro nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa.
“Ông ấy nên sử dụng quyền hành pháp để thay đổi hẳn quy mô của lệnh cấm vận, thậm chí không cần quyết định của quốc hội”, ông Castro nói.
Nhà lãnh đạo Cuba cho hay ông cũng muốn Mỹ đưa Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố của Washington. Ngoài ra, ông còn yêu cầu Mỹ trả lại vịnh Guantanamo, nơi hải quân Mỹ có một căn cứ đang được sử dụng để giam giữ các nghi phạm khủng bố.
Một yêu cầu nữa của Cuba là thay đổi các chính sách nhập cư của Mỹ. Chính sách hiện thời của Washington cho phép người Cuba ở lại Mỹ nếu họ đặt chân lên đất Mỹ và được tiếp cận quyền cư trú lâu dài nhanh chóng.
Cuba nói rằng các chính sách nhập cư của Mỹ đã gây ra các vụ vượt biên trái phép và chảy máu chất xám.
Chủ tịch Castro cho hay phái đoàn của ông đã vạch ra các điều kiện trên với các quan chức Mỹ trong cuộc gặp lịch sử hồi tuần trước và cần tổ chức thêm nhiều cuộc đàm phán nữa để giải quyết các vấn đề trên.
“Chúng tôi đã chia sẻ với Tổng thống Mỹ mong muốn thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ song phương một khi quan hệ ngoại giao được phục hồi. Điều này đòi hỏi hai bên phải có các biện pháp nhằm cải thiện bầu không khí giữa hai nước”, ông Castro nói.
Theo Dantri/AFP
Mỹ chọn chuyên cơ mới cho ông chủ Nhà Trắng
Quân đội Mỹ ngày 28/1 cho biết đã chọn máy bay Boeing 747-8 cho một phi đội chuyên cơ tổng thống Không lực Một mới, thay thế phi đội hiện thời.
Một chiếc Boeing 747-8 (Ảnh: AFP)
Chuyên cơ Không lực Một mà Tổng thống Mỹ sử dụng hiện nay - được sơn màu trắng và xanh - cũng là một chiếc 747 nhưng cũ hơn nhiều vì được chế tạo từ hơn 20 năm trước.
"Boeing 747-8 là máy bay duy nhất được chế tạo tại Mỹ đáp ứng các khả năng cần thiết nhằm thực hiện sứ mệnh hỗ trợ tổng thống", Tư lệnh không quân Mỹ Deborah James cho biết trong một tuyên bố hôm qua.
Mặc dù phi đội 747-200 của tổng thống hiện nay đã hoạt động rất tốt trong những năm qua nhưng bà James cho biết "đã đến lúc phải nâng cấp".
Lầu Năm Góc đã cân nhắc Boeing 747-8 và máy bay A380 do tập đoàn Airbus của châu Âu chế tạo, mặc dù các nhà phân tích dự đoán rằng Boeing nhiều khả năng được lựa chọn.
Giới chức Lầu Năm Góc cho hay họ đã lựa chọn 747-8 mà không cần một cuộc cạnh tranh chính thức và sẽ thảo luận với Boeing để đi tới các chi tiết của một hợp đồng.
"Trung tâm chỉ huy di động"
Chuyên cơ tổng thống Không lực Một từ lâu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh Mỹ và cũng là nơi diễn ra các khoảnh khắc lịch sử, trong đó có lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Lyndon Johnson trên máy bay vào năm 1963, ít giờ sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Chuyên cơ tổng thống Mỹ hiện thời là Boeing 747-200, được sơn màu trắng và xanh (Ảnh: Telegraph)
Chuyên cơ tổng thống thường được mô tả trong các bộ phim của Hollywood và là nguồn cảm hứng cho bộ phim năm 1997 mang tên "Không lực Một", trong đó tổng thống Mỹ, do Harrison Ford đóng, phải chiến đấu với những tên không tặc.
Với thiết bị liên lạc an toàn và nhiều thiết bị hiện đại khác, Không lực Một được thiết kế như một trung tâm chỉ huy di động và từng thực hiện vai trò này trong thời gian ngắn sau các vụ khủng bố 11/9/2001.
Nó cũng có một dãy phòng dành cho tổng thống, bao gồm một phòng làm việc rộng, một phòng họp và một khu vực y tế có khả năng phục vụ như một phòng mổ.
Không lực một đủ chỗ cho khoảng 100 người và cũng có các khu vực dành cho đội trợ lý cấp cao, các mật vụ và các đội ngũ nhân viên khác.
Không lực Một, về mặt kỹ thuật, là số hiệu điều khiển không lưu được dùng để gọi bất kỳ một chiếc phi cơ phản lực nào của không quân Mỹ đang chuyên chở tổng thống, nhưng tên gọi này lại được dùng chủ yếu cho các máy bay chuyên phục vụ việc đi lại của nhà lãnh đạo Mỹ.
Phi đội chuyên cơ tổng thống hiện thời bao gồm 2 máy bay phản lực cỡ lớn đã được đưa vào sử dụng từ năm 1991, được không quân Mỹ đánh ký hiệu VC-25A.
Chiếc đầu tiên trong phi đội mới sẽ không sẵn sàng trước năm 2018, vì vậy ông chủ Nhà Trắng hiện thời, Barack Obama, sẽ không có cơ hội đi trên chuyên cơ mới.
An Bình
Theo Dantri/AFP
Mỹ bỏ tù nhà khoa học vì làm gián điệp hạt nhân Một nhà khoa học Mỹ ngày 28/1 đã bị kết án 5 năm tù giam vì âm mưu trợ giúp Venezuela chế tạo một vũ khí hạt nhân bằng cách tiết lộ thông tin mật, Bộ tư pháp Mỹ cho hay. Vợ chồng Mascheroni (Ảnh: NBC) Ông Pedro Leonardo Mascheroni, 79 tuổi, và người vợ Marjorie Roxby Mascheroni, 71 tuổi, đã nhận tội...