Chủ sở hữu ứng dụng Now lỗ gần 2 tỷ đồng mỗi ngày
Càng ghi nhận doanh thu cao, Foody càng báo lỗ nặng. Năm 2019, chủ sở hữu ứng dụng Now thu về 519 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm tới 650 tỷ.
Thời gian qua, nhiều nhân viên giao hàng của Now tại Hà Nội bày tỏ sự bức xúc với chính sách ghép đơn của ứng dụng này. Họ cho rằng chính sách ghép đơn của Now có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế.
Trao đổi với Zing , đại diện Now tuyên bố tài xế có thể chủ động trong việc có nhận đơn ghép hay không, với trường hợp không nhận đơn ngay từ đầu, hiệu suất giao hàng sẽ không bị ảnh hưởng.
Now (trước đây là Delivery Now) là dịch vụ giao hàng trực tuyến được ra mắt từ năm 2016, bởi Công ty Cổ phần Foody. Trước khi GrabFood, GoFood và Baemin xuất hiện và lớn mạnh, Now nắm giữ “ngôi vương” ở mảng giao đồ ăn trực tuyến trong suốt một khoảng thời gian dài.
Tài xế Now bức xúc cho rằng cách xử lý đơn ghép của hãng làm giảm thu nhập. Ảnh: Chí Hùng.
Sau 5 năm hoạt động, Now đã phát triển được hệ thống đối tác nhà hàng dày đặc, tuy nhiên, vẫn liên tục phải tung ra những chiến dịch khuyến mại cho khách hàng để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành.
Video đang HOT
Foody – công ty sở hữu ứng dụng Now – được thành lập vào tháng 6/2012 bởi ông Đặng Hoàng Minh (sinh năm 1984, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty). Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là cổng thông tin, cụ thể là dịch vụ thương mại điện tử, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội.
Năm 2015, Foody đầu tư thêm các lĩnh vực mới gồm du lịch, làm đẹp, sức khỏe, mua sắm, giáo dục và dịch vụ cưới hỏi. Cũng trong năm này, Foody được Sea – công ty công nghệ tại Singapore – đầu tư từ giai đoạn gọi vốn series B.
Giai đoạn 2016-2019, nguồn thu của Foody lên nhanh, thậm chí thường đạt mức tăng trưởng 3 con số. Cụ thể năm 2016, doanh thu thuần của công ty đạt 32 tỷ đồng, bằng với lãi gộp (giá vốn hàng bán bằng 0). Tuy nhiên, việc phải chịu quá nhiều chi phí khiến cuối năm doanh nghiệp phải báo lỗ 40 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Foody âm đến 112 tỷ đồng, dù doanh thu tăng gấp 4 lần (lên 130 tỷ). Lúc này, biên lợi nhuận gộp chỉ còn là 34%.
Thời điểm tháng 7/2017, nhà sáng lập Foody chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Con số ở thời điểm hiện tại có thể đã cao hơn nhiều. Now còn mở rộng sang các mảng giao thực phẩm, rượu bia, hoa, hàng tiêu dùng nhanh, thuốc và giặt ủi.
Khoảng tháng 9/2017, một nguồn tin từ DealstreetAsia cho biết Sea đã mua lại 82% cổ phần của Foody với giá 64 triệu USD, tương đương gần 1.500 tỷ đồng.
Dẫu vậy, sang năm 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu ứng dụng Now âm còn nhiều hơn cả nguồn thu. Số lỗ lần lượt là 433 tỷ đồng rồi 650 tỷ, trong khi doanh thu thuần năm 2018 là 255 tỷ, năm 2019 là 519 tỷ. Riêng năm 2019, mỗi ngày Foody lỗ 1,8 tỷ đồng.
Dù làm ăn kém hiệu quả, số lỗ lũy kế của Foody chưa vượt quá vốn điều lệ. Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 672 tỷ đồng (tăng 204 tỷ đồng so với cùng kỳ), trong đó vốn chủ sở hữu là 244 tỷ, chiếm 36%.
Trong lần điều chỉnh vốn gần nhất vào tháng 3/2020, Foody đã tăng vốn điều lệ thêm 225 triệu đồng, lên 26,2 tỷ. Trong đó, vốn nước ngoài chiếm tới 99%, do cổ đông Airview Investment Private Limited góp.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt quy mô khoảng 38 triệu USD năm 2020 và sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.
Nghiên cứu của Kantar TNS – công ty đa quốc gia nghiên cứu thị trường tại Việt Nam – cũng chỉ ra rằng doanh thu thị trường này có tốc độ tăng trưởng trung bình 28,5%/ năm, lên tới 449 triệu USD vào năm 2023.
Nhà nội chỉ nhận mà không muốn trao gì cho chúng tôi
Tôi 29 tuổi, lấy chồng được 6 năm, đang làm nhân sự cho một công ty đa quốc gia. Chồng hơn tôi hai tuổi, đi công tác nhiều, thu nhập gấp đôi tôi.
Ảnh minh họa
Chúng tôi có một bé trai 5 tuổi, hai mẹ con đang sống ở nhà ngoại để tiện cho công việc và tiết kiệm chi phí. Ông bà ngoại đã về hưu, em tôi cũng tốt nghiệp đại học và đi làm. Vợ chồng xác định tự túc và rất may mắn có ông bà ngoại hỗ trợ. Hàng tháng, tôi gửi ông bà tiền học và tiền ăn của hai mẹ con, tham gia một gói bảo hiểm cho con trai. Chúng tôi được ông bà cho một mảnh đất và tự mua căn hộ với 40% giá trị, còn lại mượn ngân hàng. Ngoài ra, chúng tôi có tài trợ tiền học phí cho em chồng từ lúc đang học lớp 12 tới giờ là học cao đẳng.
Nhà bố mẹ chồng đông con, đến thời điểm hiện tại chỉ còn một em gái chồng đang đi học, những anh chị em còn lại đã có công việc và thu nhập trung bình. Bố mẹ chồng ở quê cách nhà tôi khoảng 120 km, làm nông, có vườn trồng cây ăn trái, ao cá, nuôi thêm nhiều gia cầm, thế nhưng luôn trong tình trạng không có tiền và rất hay gọi điện xin tiền các con. Riêng vợ chồng tôi đã tài trợ tiền học phí cho em chồng nên các khoản xin vặt bố mẹ hạn chế hơn, tầm 3 - 4 lần trong một năm và mỗi lần khoảng 2 triệu.
Bố mẹ chồng tôi gần 60 tuổi, xuề xòa, quan niệm chỉ cần lo cho con đi học, nuôi ăn ngày 3 bữa chứ không dạy dỗ, quan tâm tinh thần con cái. Khi các con đã đi làm thì mặc định làm ở Sài Gòn tiền nhiều, xin là phải cho, nếu không cho ông bà sẽ kể công. Tính ông bà sĩ diện, hay dòm ngó anh em xung quanh, người ta mua sắm gì mới là ông bà cũng muốn có, con ai làm lương cao và cho được bố mẹ họ thì ông bà so sánh và chì chiết con mình, trong khi ông bà không hiểu là con người ta được như vậy cũng do bố mẹ họ vun đắp, động viên phần nào. Ông bà cũng không có một khoản tiết kiệm nào để dưỡng già.
Về chồng tôi, là người lành tính, thật thà và thẳng thắn. Chúng tôi là bạn học đại học cùng trường, sau này đi làm thì lấy nhau. Anh sống đơn giản và vô tư, đặc biệt là lười biếng khi cần quyết định các vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản, con cái nên phó thác cho tôi. Tôi là người tìm hiểu, đưa ra định hướng và tự quyết luôn. Chồng cũng không phải người chu đáo hay sâu sắc. Các dịp lễ, sinh nhật, tôi thường nhắc và đòi quà; dù đòi trước cả một tháng anh cũng không có vì đã đưa hết lương cho tôi rồi, lúc tôi làm quá lên thì anh mua cho có, chứ không thật sự đầu tư. Riết rồi tôi quy ra tiền, yêu cầu anh chuyển khoản. Tôi chăm lo cho chồng đầy đủ, từ những thứ nhỏ nhất như trang phục, ngoại hình, thậm chí cho tới cả định hướng công việc, tìm công ty phù hợp và cách giao tiếp đồng nghiệp. Sếp và đồng nghiệp công ty anh thỉnh thoảng vẫn nói anh lấy được tôi quá khỏe, mọi thứ có tôi tư duy và sắp xếp, chồng chỉ cần làm theo.
Anh luôn nhường nhịn bố mẹ chồng, các em và bà con xa, cũng nhường nhịn tôi trong cuộc sống nhưng thường xuyên vì những người không đâu mà ảnh hưởng tình cảm với tôi. Ví dụ, lúc gia đình bên anh ăn uống, bà con ngồi nói chuyện khích bác nhau, động tới anh, anh chỉ cười. Tôi ở đó đợi xem anh phản ứng ra sao, rốt cuộc anh im lặng. Khi những người đó nói động chạm tới tôi, tôi nhịn tới lần thứ ba mới nói vào mặt họ một cách nghiệt ngã thì anh cho rằng vợ ghê gớm, không nể mặt chồng và coi thường bà con nhà chồng. Cũng nhờ vậy, những người đó không dám lộng ngôn trước mặt tôi nữa. Tất nhiên, sau lưng họ vẫn rêu rao tôi láo, chồng tôi nhu nhược, không dám và không biết dạy vợ.
Anh luôn muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là anh em bà con bên nội, cũng hỏi qua tôi trước khi giúp họ. Tôi hiểu anh giúp người là do bản tính tốt, nhưng cũng có vài phần sĩ diện trong đó. Những người bà con mà anh giúp thường không bao giờ họ qua lại, chỉ khi họ cần mới liên lạc anh. Tôi không can ngăn anh giúp đỡ nhưng chỉ đồng ý giúp một phần hoặc số tiền nhỏ, bằng chính tiền của anh kiếm ra. Tôi hiểu họ chỉ đang lợi dụng anh, sẽ ỷ lại và mượn thêm nhiều lần nữa.
Anh không từ chối khi người khác cần nhưng lúc anh gặp khó khăn thì nhớ tới ông bà ngoại đầu tiên. Khi đó tôi hỏi sao anh không nhờ người nhà nội trước, anh trả lời rằng họ nghèo, biết thừa họ không có để giúp thì hỏi làm gì cho mất công. Hướng giải quyết của tôi là mỗi người xoay một nửa, tuyệt đối không làm phiền hay ỷ lại ông bà ngoại. Tôi là người biết điều, không hề keo kiệt. Tôi sinh con ở nhà ngoại 3 tháng rưỡi, sau đó mang con lên Sài Gòn để đi làm lại. Mẹ chồng lên chăm cháu đến khi con tôi tròn 7 tháng thì về lại quê cơm nước cho bố chồng. Khi mẹ về, tôi biếu tiền đầy đủ, coi như trả tiền thuê bà trông cháu hơn 3 tháng, mua quần áo tặng bà, các dịp lễ gửi quà và biếu tiền. Khi chồng hoặc tôi bệnh và phải mổ, bố mẹ chồng cũng chỉ gọi điện hỏi thăm chứ không có mặt, lý do là ngại không muốn lên, dù ông bà ở nhà không bận gì và khoảng cách cũng không xa. Chính những lúc như vậy tôi lại thấy uất ức vì chúng tôi luôn có trách nhiệm với các đòi hỏi của bố mẹ chồng, nhưng khi khó khăn hay bệnh tật lại không thấy họ đâu. Tiền của con cái thì bố mẹ chồng luôn tìm mọi cách bòn rút, từ cái thẻ điện thoại nhưng không thể hiện trách nhiệm.
Sau nhiều chuyện, tôi không mặn mà với họ mà chỉ làm đúng nghĩa vụ của mình. Tôi quan niệm, không cái gì hiển nhiên, tình cảm cũng cần phải vun đắp và đầu tư, chỉ có mình tôi hay chồng cho đi trong khi những người khác chỉ biết nhận thì tôi thà không có những người bà con này. Tôi mạnh mẽ hơn chồng, cũng thương chồng nhiều, khi thấy mọi người lợi dụng anh là lại thương anh hơn. Chồng đối xử tốt và được gia đình tôi quý mến, tin tưởng; thế nhưng nếu anh cứ mãi im lặng để mặc mọi người đối xử như hiện tại thì tôi lại dằn vặt anh. Tôi tự nhủ phải lơ những người đó đi để sống mà không biết làm sao để chồng cũng đối xử trong giới hạn với những người đó, từ đó trân trọng vợ hơn. Xin mọi người tư vấn giúp tôi.