Chủ rẫy cà phê bị trâu điên tấn công
Sáng 18/12, ông Chu cùng hơn chục nhân công đang thu hái cà phê tại thôn Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), bất ngờ con trâu đực hơn 300 kg xông đến tấn công khiến ông chủ rẫy bị thương nặng.
Do vườn cà phê xanh tốt nên mọi người gần như không thấy nhau và không ai phát hiện có trâu lạ. “Nghe tiếng la hét của ông Chu, hơn chục nhân công chạy tới. Con trâu hung hãn đâm sừng vào cổ ông chủ khiến máu chảy nhiều. Phần lưng, tay của nạn nhân bầm tím”, một nhân chứng kể.
Chỉ đến khi có đông người xua đuổi, con trâu mới buông tha nạn nhân và phóng chạy mất hút. Ngay sau đó ông Chu được đưa đi cấp cứu.
Theo người dân địa phương, trâu ở vùng Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương thường được đồng bào dân tộc thả rông từng đàn ngoài rừng. Thỉnh thoảng trâu phá hàng rào đột nhập vào vườn rau, cà phê phá nát hoa màu của người dân. Những vườn có ủ phân xác mắm để bón cho cây được trâu rất thích vì có mùi thơm.
Theo VNE
Ồ ạt hái cà phê non
Cà phê còn non vẫn được hái đem về nhà - Ảnh: Trân Hiêu
Vì sợ bị hái trộm, hàng chục ngàn nông dân ở Tây nguyên sẵn sàng tuốt hết cà phê còn non về nhà.
Giá cà phê trong những ngày này tại thị trường các tỉnh Tây nguyên đang ở mức khá cao, cà phê nhân xô khoảng 41.600 đồng/kg, cà phê tươi 8.500 - 8.700 đồng/kg. Được giá, hàng chục ngàn nông dân trong vùng bắt đầu ồ ạt hái cà phê bán ra thị trường. Hàng trăm ngàn vườn cà phê, đa số quả còn xanh đã bị hái trụi. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm trước. Nguyên nhân là cứ vào vụ thu hái cà phê, nông dân lại thấp thỏm với nạn hái trộm. Ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ nhưng cứ đến hẹn lại lên, mùa hái cà phê cũng là mùa... ăn cướp. Anh Nguyễn Văn Hoàng ở H.Đắk Đoa (Gia Lai) cho biết: "Tôi có 3 ha cà phê, dù còn nhiều quả non nhưng cũng đang tìm nhân công để hái sớm. Suốt nhiều ngày nay đã có những đối tượng khả nghi lượn lờ ở các vườn cà phê. Chúng tôi phải cắt cử người trông coi, khổ lắm".
Nạn trộm cà phê ngày càng táo tợn. Có vườn bị trộm đột nhập chặt cả cây để tuốt quả cho nhanh. Và giải pháp "xanh nhà hơn già đồng" đã được nông dân áp dụng. Ông Nguyễn Minh Đường, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây nguyên, nói: "Chúng tôi sẵn sàng thu mua với giá cao hơn thị trường từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn đối với cà phê chín đỏ, tức là có tỷ lệ hạt đen vỡ thấp dưới 5% theo tiêu chuẩn cà phê của Việt Nam, nhưng ở đây hầu hết là cà phê được hái non". Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng phòng Phát triển cộng đồng về một dự án cà phê sạch của Công ty cà phê Trung Nguyên, cho biết: "Chúng tôi đã trả thêm 400.000 đồng/tấn so với giá thị trường nếu nông dân bán cà phê chín đỏ trên dưới 80%...". Dù vậy, việc mua được số lượng lớn cà phê có chất lượng như yêu cầu là rất khó khăn. Công ty TNHH cà phê Gia Lai từng thất bại khi nhập cả máy móc chế biến cà phê chín đỏ, trả thêm tiền cho người dân để thu mua cà phê chín nhưng không thể thực hiện được.
Vùng chuyên canh cà phê Tây nguyên mỗi năm thu về khoảng 2,5 - 2,8 tỉ USD. Theo tính toán, cứ khoảng 4,2 - 4,3 kg cà phê tươi chín, sau khi phơi sẽ thu được 1 kg quả khô cà phê non thì phải khoảng 4,7 kg tươi mới được 1 kg khô. Tình trạng mất cắp khiến nông dân phải hái cà phê non không chỉ gây thiệt hại cho người trồng mà còn làm giảm chất lượng cà phê xuất khẩu, giảm uy tín của cà phê Việt Nam.
Theo TNO
Dân không nghe theo tin đồn bịa đặt "ngày tận thế" Theo xác nhận của ông Tăng Ngọc Hào, Trưởng thôn 6, xã Tiên Mỹ (Tiên Phước, Quảng Nam), tại địa phương có tin đồn về "ngày tận thế" nhưng qua sự vận động của chính quyền nên không xảy ra tình trạng người dân mua lương thực dự trữ, bán trâu, bò, tài sản lấy tiền tiêu xài. Liên tục khoảng một tuần...