‘Chú ơi, đừng lấy mẹ con’: May mà có các diễn viên nhí
“ Chú ơi, đừng lấy mẹ con” muốn miêu tả một lát cắt về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại – nơi có những ông bố, bà mẹ đơn thân thành đạt trong công việc và có những xung đột trong cuộc sống cá nhân. Tiếc thay, bộ phim không thể hiện tốt điều mình muốn nói.
Trước khi công chiếu, bộ phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con đã được tung loạt ảnh poster khá dễ thương, nhiều người cũng đã chia sẻ những hình ảnh này và bày tỏ hy vọng phim dễ thương. Nhưng rồi, niềm hy vọng đã thay thế bằng sự tiếc nuối vì diễn xuất vụng về của diễn viên, kịch bản lỏng lẻo, dựng phim không chắc tay… May có dàn diễn viên nhí và phụ đem lại những phân cảnh duyên dáng cho bộ phim.
2 diễn viên nhí Hữu Khang và Chu Diệp Anh được nhiều cảm tình của khán giả
Chú ơi, đừng lấy mẹ con kể về câu chuyện của người mẹ đơn thân tên Tiên. Cô đang có công việc tốt, thất bại trong tình yêu một lần, có tình yêu mới và phải đối mặt với một đứa con trai “già trước tuổi” nếu muốn kết hôn. Đông Bắc cũng là người đàn ông thành đạt, yêu Tiên và đang đơn thân nuôi đứa con gái chừng 4, 5 tuổi. Ông bố đơn thân gặp rắc rối với tình yêu của mình khi bị “ông cụ non” lúc nào cũng sợ anh “làm đám cưới với mẹ Tiên” và phải trải qua một số thử thách để chứng minh tình yêu của mình: liệu khi yêu Tiên, anh có đủ luôn tình yêu thương dành cho đứa con của cô?
Đạo diễn Đinh Tiến Vũ (kiêm luôn vai trò biên kịch của bộ phim này) muốn xây dựng một bộ phim về tình cảm gia đình nhẹ nhàng và đã xây dựng các tình huống “nhẹ” đến mức nhạt. Các tình tiết xung quanh nhân vật Tiên không đủ làm cho khán giả thấy rõ cô giỏi trong công việc, tất bật giữa công việc và con cái, căng thẳng mỗi khi đối mặt với đứa con cắc cớ bày nhiều trò ngăn cản mẹ và người yêu đến với nhau…
An Nguy và Kiều Minh Tuấn trong một cảnh phim
Nhân vật Đông Bắc cũng chỉ được diễn tả sự thành đạt bằng hình ảnh chạy xe sang, ở nhà đẹp, ăn mặc bảnh bao… thiếu hẳn các chi tiết thuyết phục khán giả anh là người giỏi giang và giàu tình cảm. Không có chi tiết nào trong phim để lại ấn tượng thú vị cho khán giả.
Ba bộ phim Việt ra mắt trong tháng 8 là Song Lang, Chàng vợ của em và Mùa viết tình ca đã được viết thoại rất tốt, những tưởng các nhân vật của phim Việt đã biết “đối thoại” chuyên nghiệp, các biên kịch đã bắt đầu có kỹ năng trau chuốt sao cho từng lời nhân vật của mình nói ra đều gây “ép phê” cho khán giả nhưng với Chú ơi, đừng lấy mẹ con thì vẫn thấy công việc viết thoại cho nhân vật chưa bao giờ dễ dàng.
Video đang HOT
Cả bộ phim gần như chỉ có câu: “Trả lời như thi hoa hậu” qua cách thoại “cà chớn” của nghệ sĩ Lê Thiện (vai bà nội Tiên) trong phân đoạn bà nội bắt Đông Bắc trả lời 3 câu hỏi khiến khán giả thích thú. Ngoài các nhân vật được cài cắm hợp lý, phim có các nhân vật xuất hiện rất… trớt quớt như vai cameo Đức Phúc làm lãng phí 1 phút thời lượng phim hay cảnh cha ruột bé Nhện từ đâu… đùng đùng xuất hiện.
Tiên không phải là một nhân vật quá khó nhưng đối với An Nguy – cô diễn viên tay ngang – thì đây vẫn là một vai “nặng kí” mà cô chưa thể làm tròn. An Nguy gần như không biết diễn.
Suốt hơn 90 phút của phim cô chỉ thể hiện được vài biểu cảm cười, khóc (rất cố gắng) cho tất cả các tình huống xảy ra với nhân vật của mình, ngoài ra không diễn tả được các chuyển biến tâm lý của nhân vật với những rắc rối mà cô gặp phải như khi đứa con cản trở tình yêu của mình, hoặc khi đứa con bị bắt cóc và “giải cứu” được hay lúc đột ngột gặp lại người yêu cũ là cha ruột bé Nhện…
Có lẽ cách diễn của An Nguy đã làm khó diễn viên lồng tiếng, không thể đẩy thoại lên để “cứu” nhân vật trong khi biểu cảm của An Nguy “ngang phè phè” như vậy.
Kiều Minh Tuấn cũng không thể làm mình nổi bật ở vai Đông Bắc như hồi phim Em chưa 18. Đông Bắc của Tuấn chỉ hiền lành đến phát chán rồi đột nhiên mạnh mẽ lạ kỳ để cứu đứa con trai của người yêu. Thiếu những cảnh quay cho thấy những tình cảm bên trong đã thôi thúc Đông Bắc vốn hiền lành đã bất chấp tất cả mà cứu đứa bé.
Kiều Minh Tuấn và nam ca sĩ Will từng có cơ hội hợp tác chung trong phim “Em chưa 18″
Ngược lại, các diễn viên nhí và diễn viên phụ của Chú ơi, đừng lấy mẹ con đã làm tốt vai diễn của mình. Hai bé Hữu Khang (vai Nhện) và Chu Diệp Anh (vai Bảo Ngọc) trong trẻo, đáng yêu, đặc biệt là Hữu Khang với… kinh nghiệm đóng phim truyền hình, phim ngắn, phim điện ảnh đã biết diễn xuất bằng mắt. Hai bé cùng với các diễn viên nhí diễn cảnh tắm sông, rượt đuổi bé Nhện cũng kịp để lại cảm tình nơi khán giả.
Will (vai cha bé Nhện) xuất hiện khá đột ngột, về mặt kịch bản thì không tốt nhưng về diễn xuất của diễn viên này thì khá ổn. Diễn viên Trung Ruồi thể hiện người phụ huynh chạy xích lô – một nhân vật… rất phụ – xuất hiện chừng 2 cảnh đã thay đổi không khí của bộ phim, gây cười, đẩy tâm trạng của khán giả tốt hơn lên.
Ý tứ về một bộ phim gia đình, không có nhân vật xấu, đem lại những cảm xúc nhẹ nhàng là điều tốt nhưng Đinh Tiến Vũ chưa cho khán giả thấy sự chắc tay của anh trong việc viết kịch bản cũng như công tác đạo diễn.
Theo Thegioitiepthi.vn
Bất ngờ "Chàng vợ của em" kéo 1 triệu người xem đến rạp trong tháng Ngâu
Bộ phim Chàng vợ của em đã gây sốt khi kép 1 triệu người xem đến rạp xem trong tháng Ngâu tạo nên hiệu ứng tích cực cho phim Việt.
Theo lý giải thì lâu nay, nhiều nhà sản xuất đã không còn coi dịp lễ, Tết là thời điểm vàng để đưa phim ra rạp, nhất là đối với các bộ phim không mang tính giải trí cao hoặc phim làm về đề tài kinh dị. Vì thế, thay vì chọn dịp cuối năm - Tết Tây hoặc Tết ta - thì đưa phim ra rạp vào các tháng khác trong năm được xem là sự lựa chọn an toàn, hạn chế rủi ro về mặt doanh thu.
Bộ phim Chàng vợ của em (nhà sản xuất Charlie Nguyễn) đang dẫn đầu về mặt doanh thu
Cơn mưa lời khen không tạo nên cú hích doanh thu
Đáng nói hơn, tháng 8 năm nay cũng trùng vào tháng 7 Âm lịch - tháng Ngâu - vốn được xem là làm gì cũng khó gặp may mắn. Bởi vậy, việc các đơn vị sản xuất không ngại đưa phim ra rạp vào tháng này cũng được xem là một sự dũng cảm, phá bỏ rào cản tâm lý kể trên.
Tuy nhiên, so với con số 4 phim made in Vietnam thì số lượng 23 phim ngoại ồ ạt đổ bộ ngoài rạp chiếu trong tháng vừa qua lại có sức áp đảo rất lớn, góp phần không nhỏ trong việc thu hút sự quan tâm và lựa chọn của người xem. Kết quả là doanh thu mà các bộ phim Việt đạt được dừng ở con số khá khiêm tốn, thậm chí là thất bại.
Một trong những thất bại đáng tiếc nhất phải kể đến bộ phim Song Lang mà Ngô Thanh Vân đứng ra sản xuất. Sau vài ngày ra rạp, các suất chiếu của phim ở nhiều rạp buộc phải cắt bớt đi vì không đáp ứng đủ số người xem. Đến giờ, nhà sản xuất cũng không tiết lộ về doanh thu mà Song Lang đạt được ngoại trừ việc khẳng định sau 2 ngày ra rạp, phim đạt doanh thu cao hơn so với doanh thu mà Cô Ba Sài Gòn (một bộ phim cũng làm về đề tài khơi gợi và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống mà Ngô Thanh Vân sản xuất) lập được sau ngày đầu công chiếu. Trong khi đó, Song Lang nhận về rất nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn, truyền thông lẫn khán giả, thậm chí còn được kỳ vọng đủ sức gây ấn tượng nếu được chọn là đại diện phim Việt tranh giải Oscar.
Mặc dù vậy, cơn mưa lời khen không đủ sức tạo nên cú hích doanh thu cho bộ phim về đề tài cải lương này. Trang Fanpage về phim được lập ra nhưng cũng chỉ thu hút hơn 700 lượt yêu thích và chưa đến 1.000 lượt theo dõi - minh chứng cho thấy sức quan tâm hết sức khiêm tốn mà khán giả dành cho phim. Vì thế, xét về mặt doanh thu thì có thể nói Song Lang đã thất bại.
Đây chắc chắn là sự thật phũ phàng chẳng nhà sản xuất nào mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận. Tất nhiên, lỗi không phải do tháng cô hồn mà bởi bản thân bộ phim cải lương và đam mỹ này tự thân nó đã kén khán giả, lại không phải phim mang màu sắc thị trường mà thiên hướng nghệ thuật rõ rệt. Thế nên, cho dù không phải cạnh tranh với 3 phim Việt cùng 23 phim ngoại còn lại thì khả năng kéo người xem đến rạp cũng còn hạn chế.
Bộ phim Song Lang (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân) có thiên hướng nghệ thuật rõ rệt đã thất bại hoàn toàn về mặt doanh thu
Phim Việt phải cạnh tranh với bom tấn quốc tế
Trong số 3 phim còn lại thì tính đến hiện giờ, Chàng vợ của em do Charlie Nguyễn sản xuất và Thái Hòa đóng vai nam chính đang dẫn đầu về mặt doanh thu. Sau chưa đầy 2 tuần công chiếu ngoài rạp (cộng thêm một số suất chiếu sớm) trong tháng Ngâu, bộ phim này đã bán được 1 triệu vé và đang thu về 70 tỷ đồng cho nhà sản xuất cùng đơn vị phát hành. Doanh thu này so với Em chưa 18 (bộ phim trước đó mà Charlie Nguyễn sản xuất) thì chưa thấm vào đâu, song so với các phim ra rạp trong tháng 8 vừa qua thì lại là kỷ lục. Phim có thể nói là một tác phẩm giải trí, hài hước nhẹ nhàng, dễ xem.
Hai phim còn lại ra rạp vào tháng 8-2018 là Trường học Bá vương, Tìm vợ cho bà sau khi ra rạp đều khá kín tiếng về doanh thu - một cách để người ta ngầm hiểu phim doanh thu không cao, hoặc không ngoại trừ khả năng bị lỗ. Một số phim được kỳ vọng có khả năng đem về doanh thu khá như Mùa viết tình ca và Hoán đổi thì chọn ra rạp vào thời điểm đầu tháng 9-2018.
Một lần nữa, sự thắng thế về mặt doanh thu của phim giải trí so với phim nghệ thuật được nhìn nhận rõ ràng. Tuy nhiên, không phải phim giải trí nào cũng đem về doanh thu cao cho nhà sản xuất, nhất là vào thời điểm tháng 8 phải cạnh tranh với rất nhiều phim bom tấn ngoại nhập. Bởi vậy, doanh thu mà Chàng vợ của em đạt được tuy có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà sản xuất nhưng có thể xem là kỳ tích đối với phim Việt ra rạp trong tháng 8 vừa qua.
Hai bộ phim Trường học Bá vương và Tìm vợ cho bà sau khi ra rạp đều khá kín tiếng về doanh thu
So với con số 4 phim made in Vietnam thì số lượng 23 phim ngoại ồ ạt đổ bộ ngoài rạp chiếu trong tháng 8 vừa qua lại có sức áp đảo rất lớn, góp phần không nhỏ trong việc thu hút sự quan tâm và lựa chọn của người xem. Bởi vậy, kỷ lục phim Việt Chàng vợ của em đạt doanh thu 70 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu ra rạp, là đáng nể!
Bích Hậu
Theo An ninh thủ đô
Phim Việt tháng Chín: Sự 'lên ngôi' của phim đề tài gia đình Một cảnh trong phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con!" (Ảnh: Đoàn làm phim) Một trong những điểm nổi bật của những bộ phim Việt chính thức ra mắt khán giả trong tháng Chín là cùng khai thác đề tài gia đình, đề cao giá trị của tình thân thông qua những câu chuyện gần gũi. Bên cạnh các nghệ sỹ gạo cội...