Chủ nhà trọ đuổi người thuê ở TP.HCM: Dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở người khác
Luật sư cho rằng hành vi đuổi người thuê ra khỏi nhà của bà chủ trọ ở TP.HCM có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác, cho dù người đó chậm nộp tiền nhà.
Mạng xã hội đang lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh và thông tin về chủ trọ ở TP.HCM đòi đuổi cô gái thuê nhà vì chậm thanh toán.
Theo thông tin trong đoạn video, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với giá 22 triệu đồng/tháng, đặt cọc 50 triệu đồng, đã thuê được 14 tháng (vừa ở vừa cho thuê lại).
Do ảnh hưởng của COVID-19, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày. Sang ngày thứ 8, chủ nhà đuổi đi, giữ lại toàn bộ tiền cọc.
Chủ nhà trọ ở TP.HCM đuổi người thuê vì chậm thanh toán tiền nhà. (Ảnh cắt từ clip)
Theo luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết, Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Điều 12 Luật Cư trú quy định: “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Đô, người thuê nhà ở và sử dụng căn nhà bằng hợp đồng thuê với chủ nhà. Như vậy, chỗ ở của người thuê nhà trong vụ việc trên là chỗ ở hợp pháp, được xác lập bằng hợp đồng thuê nhà.
“ Mọi tranh chấp phát sinh đối với hợp đồng này, nếu các bên không thương lượng được thì một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Dù người thuê nhà không thanh toán đúng hạn thì chủ nhà cũng không được quyền đuổi ra khỏi nhà.
Chủ nhà có quyền yêu cầu tòa án giải quyết buộc người thuê nhà trả lại nhà do vi phạm hợp đồng. Việc cưỡng chế, buộc người thuê nhà trả lại nhà phải được thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, và phải được thực hiện bởi cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Hơn nữa, người thuê nhà chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày thì chủ nhà cũng không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê“, ông Đô phân tích.
Theo luật sư, khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở quy định: “ Chủ nhà chỉ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở khi bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng”.
Trong vụ việc này, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày thì chủ nhà không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chưa kể, dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng, là lý do chính đáng dẫn đến việc chậm thanh toán tiền thuê nhà.
Luật sư Đô cho rằng, hành vi đuổi người thuê ra khỏi nhà như trên là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người thuê nhà, có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự.
“ Xét ở khía cạnh xã hội, trong thời điểm Nhà nước và cộng đồng xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, với tinh thần nhường cơm, sẻ áo, nhiều cá nhân, tổ chức có nghĩa cử vì cộng đồng. Không ít chủ nhà trọ ở TP.HCM và các tỉnh khác chia sẻ khó khăn với người lao động bằng cách giảm, miễn tiền thuê nhà.
Trong bối cảnh này, chưa xét ở khía cạnh pháp lý thì hành động của chủ nhà trọ trong vụ việc nêu trên có lẽ không hợp tình người”, luật sư Đô nói.
Video: Chủ nhà trọ giữ tiền cọc, đuổi khách giữa mùa dịch gây bức xúc
TRƯƠNG HUYỀN
Chủ trọ ở TP.HCM bị dân mạng bịa chuyện đuổi đánh bác bảo vệ già
Bác bảo vệ nghèo không trả được tiền nhà, chủ trọ không đòi. Thế nhưng dân mạng lại nói bác bị đánh đập, đuổi đi giữa mùa dịch. Có người còn tới tận nơi dọa tạt sơn, đốt nhà.
Câu chuyện ông Đào Kim Hải (62 tuổi, bảo vệ) mất việc, bị chủ trọ đuổi đi vì thiếu tiền nhà giữa mùa dịch Covid-19 đang được chia sẻ trên nhiều diễn đàn lớn thu hút sự chú ý của dân mạng.
Thương cảm trước hoàn cảnh của ông, nhiều người kêu gọi quyên góp, giúp đỡ để ông vượt qua mùa dịch khó khăn. Đồng thời mọi người cũng lên án, ném đá vì cho rằng chủ trọ của ông Hải quá tuyệt tình, cư xử quá đáng.
Tuy nhiên, theo xác minh của Zing, việc ông Hải bị chủ nhà trọ đánh đập, đuổi đi giữa mùa dịch là hoàn toàn sai.
Ông Hải mất việc, gặp khó khăn giữa mùa dịch. Ảnh: FB.
Chủ trọ mất ngủ vì bị dân mạng đòi tạt sơn, đốt nhà
Sáng 8/4, phóng viên tìm gặp anh Thảo - chủ số nhà 150/25 đường Bến Vân Đồn (TP.HCM), nơi ông Hải từng ở trọ - để tìm hiểu.
"Chuyện tôi đánh đập, đuổi ông Hải đi vì thiếu tiền nhà giữa mùa dịch là hoàn toàn sai sự thật. Mấy ngày nay, tôi mất ngủ khi phải đọc hàng nghìn bình luận chửi bới, dọa tạt sơn, đốt nhà. Có người còn tìm đến tận nơi chụp hình nhà tôi đăng lên để cùng ném đá", anh Thảo kể.
Anh Thảo cho biết, ông Hải có ở trọ nhà mình. Sau đó, ông tự chuyển đi chứ không phải bị đuổi. Thậm chí ông ở trọ thiếu khoảng 5 triệu tiền nhà anh cũng chưa một lần đòi ông trả.
Chuyện cũng xảy ra cách đây hơn 2 tháng, chứ không phải cách đây một tuần, như thêu dệt trên mạng. Lúc đó ông vẫn chưa bị mất việc. Toàn bộ đồ đạc ông để lại đều được anh Thảo bảo quản, giữ gìn.
Cách đây 3 ngày, ông có trở lại và xin ở tiếp, còn tiền thuê thì để ông từ từ trả sau. Anh Thảo đồng ý. Anh còn chở ông đi chuộc lại giấy tờ, chứng minh thư ông cầm cố trước đó rồi đưa ông đi khám bệnh, lấy thuốc khi ông bị ốm.
Những thông tin sai sự thật, nói anh ngược đãi và đuổi người già giữa mùa dịch trên mạng khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn. Anh đã đề nghị các fanpage gỡ bài hoặc đính chính thông tin sai lệch nhưng không được đồng ý.
Sau khi biết được chuyện của ông Hải qua mạng, chủ một trại hòm ở đường Tôn Thất Thuyết đã đến nhà anh Thảo đưa ông về. Hiện ông Hải sống tại đó và được lo liệu mọi chi phí ăn ở, có công việc tại trại hòm.
Ông Hải khẳng định không có chuyện ông bị chủ trọ đuổi. Hiện ông được chủ một trại hòm đưa về nhà, lo liệu mọi chi phí ăn ở.
Trò chuyện với Zing, ông Hải khẳng định những gì anh Thảo nói là chính xác. "Tôi không hiểu vì sao trên mạng lại vẽ ra câu chuyện như vậy. Thảo thương tôi và không có chuyện tôi bị đánh hay đuổi đi".
Ông kể thêm, ông ở nhà anh Thảo được 2 tháng nhưng không có tiền trả nên cảm thấy ngại và tự bỏ ra ngoài. "Tôi làm bảo vệ có lương nhưng bị người ta lừa gạt hết. Gần đây, vì bệnh viêm phổi, tôi hay bị ho. Giữa mùa dịch bệnh, người ta sợ tôi làm bảo vệ ở đó sẽ làm khách hàng sợ nên cho tôi nghỉ. Từ khi mất việc, tôi hay ngủ ở công viên, bến xe buýt, sống bằng cơm từ thiện".
Cả ông Hải và anh Thảo đều hy vọng dân mạng biết được sự thực để không tiếp tục chỉ trích sai người.
'Tôi ở đây được lo đủ rồi, hãy dành quà cho người khó khăn hơn'
Ông Hải quê ở Vũng Tàu. Khoảng 20 năm trước, vợ ông bệnh nặng nên ông phải bán nhà để chữa bệnh cho vợ. Sau khi vợ mất vài năm, người con duy nhất cũng qua đời vì tai nạn. Sau đó, ông bươn chải một mình, làm nhiều nghề mưu sinh, chuyển nhiều nơi ở.
Những ngày qua, biết chuyện của ông, các mạnh thường quân đã tìm đến và gửi tặng tiền, quà, nhu yếu phẩm để hỗ trợ. Nhiều người còn gọi điện giới thiệu công việc cho ông.
Ông Hải cho hay mình rất vui khi được chủ trại hòm giúp đỡ: "Anh Bình (chủ trại hòm - PV) coi tôi như cha mẹ trong nhà, lo liệu hết mọi thứ, còn cho tôi việc làm".
Ông cũng kể hiện vẫn còn nhiều người liên hệ để giúp đỡ, gửi quà nhưng ông từ chối, xin phép không nhận nữa: "Tôi ở đây được lo liệu đủ rồi, xin hãy dành những phần quà đó cho người khó khăn khác".
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc phải ngừng bán vé số hay thực hiện quy định giãn cách xã hội khiến nhiều người thu nhập thấp tại TP.HCM gặp khó khăn. Ông Hải cho rằng nhiều người vất vả, thiếu thốn hơn mình nên muốn sự giúp đỡ được san sẻ đều cho họ.
Đào Phương
Cho thuê ngôi nhà sạch đẹp nhưng nhận về là một bãi rác Và đống gạch đá hoang tàn, chủ nhà thậm chí còn bị đe dọa tính mạng Không chỉ có rác rưởi chất đầy nhà, tường và cửa sổ bị phá vỡ, chủ nhà thậm chí còn nhận được những lời đe dọa đáng sợ. Mới đây, một người phụ nữ Anh đã chia sẻ lên mạng xã hội những hình ảnh kinh hoàng về thiệt hại của ngôi nhà nghỉ dưỡng của cô ở Tây Ban Nha. Cụ thể,...