Chủ nhà trọ bắt sinh viên… xoa bóp
Sẽ là may nếu sinh viên thuê được một căn phòng tốt, chủ trọ dễ tính (Ảnh: minh họa)
“Sợ nhất là ban đêm, bà chủ nhà bị khó thở, cứ nằm phòng ngoài hổn hển gọi tên từng đứa ra ngoài nhà xoa bóp giúp…”.
Chuyện thuê trọ vốn được nhiều sinh viên đánh giá đôi khi là sự… may rủi. Sẽ là may nếu sinh viên thuê được một căn phòng tốt, chủ trọ dễ tính. Và sẽ là rất rủi nếu gặp phải chủ trọ tai quái, luôn nghĩ ra trăm phương nghìn cách để hạch sách nhằm thu lợi nhuận cao. Mối quan hệ chủ trọ – sinh viên luôn đặt trong tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Nhiều sinh viên khi đã chuyển trọ vẫn không thể quên những bi hài khi bị chủ trọ quản lý bằng “kỷ luật thép”.
Xóm trọ… không thân thiện
Phạm C. (Đại học Lao động Xã hội) khá may mắn khi tìm được một căn phòng trọ rộng rãi (ở cùng chủ) đủ để ở 3 người chỉ với giá 700 nghìn/tháng, điện nước tính theo giá Nhà nước nên có tháng chỉ hết dăm bảy chục nghìn cả tiền điện lẫn tiền nước.
Chủ trọ của C. là một bà lão 80 tuổi, con cái đều lập gia đình cả nên chỉ mình bà sống trong căn nhà rộng. Tưởng rằng có thể trọ tại đây nốt thời sinh viên, nhưng sự thật là chỉ 3 tháng sau, C. cùng hai người bạn đã phải tức tốc chuyển phòng bởi những quy định hết sức ngặt nghèo của bà lão: hạn chế tối đa bạn bè tới chơi, nghiêm cấm dẫn bạn trai về phòng, quét nhà 3 lần/ ngày, tiền nhà đóng trước 1 tháng…
Cô bạn này bày tỏ: “Ở đây rẻ thật, nhưng ở trọ mà có cảm giác như… ở tù. Bạn mình ở quê lên mà không dám dẫn vào phòng chơi. Không quét nhà thì bà mắng là “đồ con gái mà lười”, hễ quét nhà là bà lấy cái giẻ lau, rê đi rê lại và bảo vẫn còn bẩn. Khi gội đầu, rửa bát, giặt quần áo… bà lão cũng đứng canh để xem chúng mình có sử dụng nhiều nước không.
Phòng mình ở trong nên rất tối, muốn học bài ban ngày cũng phải bật điện nhưng cứ hễ bật đèn là bị bà mắng. Trong khi đó tiền điện tiền nước đều do bọn mình trả. Sợ nhất là ban đêm, bà bị khó thở, cứ nằm phòng ngoài hổn hển gọi tên từng đứa ra ngoài nhà xoa bóp giúp. Không ra thì sợ bà bị làm sao, nhưng đúng là khi nghe giọng bà rên rỉ, chúng mình cứ co rúm người lại, có đứa cả đêm mất ngủ”.
Thậm chí, có lần C. với bạn cùng phòng đều đi gội đầu, nhưng vì 2 người có vẻ ngoài quá giống nhau nên bà lão đã quát ầm lên khi cho rằng C. phí phạm nước đến nỗi cùng một lúc gội đầu… 2 lần. Trong câu mắng đó, bà lão còn gọi C. là “đồ nhà thổ”. Sau lần đó, C. nhất quyết chuyển trọ.
C. chia sẻ: “Hôm mình chuyển đi, bác bán quán nước bên cạnh mới cho biết: Bà lão khó tính thế mà các cháu ở được 3 tháng là kỷ lục đấy, phòng đấy rẻ thật, nhưng trước các cháu chẳng có ai trụ nổi 1 tháng, có người vừa chuyển tới, 1 tuần sau đã thấy dọn đồ”.
Còn với Nguyễn T. (Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), bi hài xảy ra ngay tại khâu tìm phòng trọ. Năm đầu tiên, T. ở ký túc xá. Nhưng muốn tự do hơn nên T. chuyển ra ở ngoại trú.
Video đang HOT
T. mừng vô cùng khi người bạn mà T. nhờ đã tìm giúp một căn phòng nhỏ, ở gần trường mà giá cả rất phải chăng. Hơn nữa, khi người bạn này hỏi số tiền đặt cọc chủ trọ chỉ đáp: “Không phải đặt cọc, đặt kèo gì cả. Chiều mai bảo bạn đến xem phòng, nếu ưng thì chuyển đồ đến luôn”. Nghe bạn kể, T đã mừng thầm vì chủ nhà có vẻ “thoáng tính”.
Chiều hôm sau, T. đến xem phòng. Nhưng chỉ vừa nhìn thấy T., chủ nhà đã khó chịu: “Thôi thôi, mai không phải chuyển đồ, chuyển đạc gì nữa nhá.” Đang lơ ngơ chẳng hiểu chuyện gì, thì T. nghe thấy người bạn thì thầm: “Thôi về đi, ông bà chủ bị ác cảm vì cậu mặc quần sooc, áo hai dây đấy. Cậu mà trọ ở đây chắc mùa hè cũng phải mặc áo len cao cổ”. Mặc dù tiếc hùi hụi, nhưng T. cũng đành ngậm ngùi ra đi bởi quy định có một không hai của chủ trọ này.
“Trâu dữ mất họ, chủ trọ dữ… hết bạn bè”
Năm đầu tiên, vừa chân ướt chân ráo nhập học, Thu P. (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), theo lời khuyên của các anh chị sinh viên đi trước là cứ thuê tạm một căn phòng nhỏ, ở một mình rồi khi quen bạn quen bè thì rủ nhau về ở cùng cho vui, P. liền thuê tạm một căn phòng ở khu Cầu Giấy để tiện đường đi học.
Nhiều sinh viên khi đã chuyển trọ vẫn không thể quên những bi hài khi bị chủ trọ quản lý bằng “kỷ luật thép” (Ảnh: minh họa)
Căn phòng của P. rộng 8m (nằm trong một dãy trọ cấp 4 ở đường Dương Quảng Hàm) cũng không có gì là khang trang nhưng cũng được “hét” lên giá 800 nghìn/1 tháng, điện nước cũng theo giá “cắt cổ”.
Theo như đúng lời của chủ trọ thì “giờ phòng trọ nó đắt, Nhà nước tăng giá điện giá nước nên thu tiền cũng phải cao hơn trước kia, trọ được thì trọ không thì đi tìm phòng khác”. Nghe lời tuyên bố “xanh rờn” đó, P. cũng đã run, nhưng vì để có chỗ ăn học tạm thời nên đành cố chịu.
Nhưng khó chịu thực sự của P. không phải bởi tiền phòng mà chính là bởi cái chuồng chó được đặt ngay trước cửa phòng. P tâm sự: “ Con chó đó là của con trai chủ nhà. Nó là giống chó tốt, lại thông minh nên được anh ta rất quý. Bạn bè mình tới chơi là con chó giằng xích lao ra. Cũng may là xích chắc chắn nên chưa đứa nào bị cắn. Dù vậy nhưng đứa nào cũng sợ, chẳng dám đến lần thứ hai. Nhiều khi muốn mời bạn về thăm phòng mà cũng ngại”.
Từ khi anh con trai chủ nhà bị bắt đi cai nghiện thì con chó được chuyển vào chuồng. Cả mẹ và vợ của anh ta chẳng ai nhòm ngó, dọn dẹp chuồng khiến cái chuồng chó trở nên bốc mùi hôi thối. Đặc biệt là khi nắng gắt thì không ai muốn ở lại phòng.
P. cùng vài người trong xóm trọ có góp ý với chủ nhà chuyển chuồng chó ra chỗ khác, nhưng đáp lại tấm chân tình ấy là những câu mắng “xơi xơi” vào mặt: “Chuyển gì mà chuyển, cứ để nó ở đấy. Nếu phải chuyển thì là chuyển người thuê trọ chứ không phải chuyển chó”.
Sau lần đó, P. hạ quyết tâm chuyển trọ: “Họ coi mình còn không bằng con chó thì còn thiết tha gì chuyện ở lại nữa”.
Trần H. (Đại học Mở) thì bức xúc: “Một lần, mình tới thăm phòng đứa bạn thân hồi cấp 3. Nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình tới đó. Lúc mình đến chơi, mình chào rất to nhưng chủ nhà cũng chẳng thèm đáp lại một câu. Bực nhất là lúc mình đi vệ sinh, chủ nhà cứ ngồi ngoài nhà nói bóng nói gió: “Nhà này chưa thiếu nước… đến mức phải nhờ người tới tè hộ”. Lúc đó mình chỉ muốn nổi điên lên, nhưng sợ đứa bạn đang thuê trọ khó xử nên đành im lặng. Giờ có cho thêm tiền mình cũng không bao giờ đến đó nữa”.
Chủ trọ nắm trong tay “quyền sinh quyền sát”, nên để sống yên ổn, nhiều sinh viên chọn cách im lặng. Số khác không chịu đựng được thì chọn cách chuyển trọ.
Nhiều khi “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, tránh được “quy định sắt” nhiều sinh viên ngay lập tức gặp phải “quy định thép” ở chỗ trọ mới. Và như thế, mối quan hệ giữa chủ trọ với sinh viên có lẽ chẳng bao giờ hết “ nóng”.
Theo Vietnamnet
Sinh viên lao đao trong cơn bão giá
Trong các "nạn nhân" của cơn bão giá những tháng cuối năm này, có lẽ giới sinh viên là cơ cực nhất...
Khổ vì giá "leo" cao
"Đến hẹn lại lên", cứ những tháng cuối năm, hầu hết các mặt hàng từ đồ gia dụng cho đến thực phẩm đều tăng giá mạnh khiến dân tình "sốt xình xịch". Trong số đó, cơ cực nhất phải kể đến "giới sinh viên".
Đa phần phải chịu cảnh từ quê lên thành phố trọ học, tiền chu cấp của gia đình không tăng vì thế nhiều sinh viên phải chắt bóp, tiết kiệm lắm mới "chống chọi" được cơn bão giá.
Tại xóm trọ trong làng Phùng Khoang, Thanh Xuân, Hà Nội, từ khi giá cả tăng cao, nhiều sinh viên xóm trọ nơi Hoài, sinh viên ĐH Hà Nội, ở đã phải chuyển từ xe máy sang đi xe đạp, xe bus để cắt giảm chi phí.
Sự tiết kiệm cũng len lỏi vào từng bữa ăn của các cư dân xóm trọ. "Tương, cà, mắm, muối... cái gì cũng đắt. Lắm lúc cầm tiền ra chợ so đo mãi chả biết mua gì. Đợt trước, bữa cơm còn có ít thịt kho hay cá rán, giờ thì cả tuần hết trứng vịt rán đến đậu sốt. Ngán lắm nhưng bọn em vẫn chỉ dám ăn có thế vì nếu ăn như cũ thì chỉ hai tuần là hết veo tiền", Hoài kể. Thậm chí, theo lời Hoài, rau, thứ thực phẩm tưởng "rẻ như bèo", giờ cũng hạn chế theo kiểu "một mớ chia đôi ăn cả ngày".
Sự tiết kiệm "len lỏi" vào từng bữa cơm sinh viên. Ảnh minh họa
Không những thế, lợi dụng đà tăng giá, nhiều sinh viên còn "méo mặt" vì bị chủ trọ ép tăng giá phòng trọ. Nguyễn Hữu Thuận, sinh viên ĐH Kiến Trúc rầu rĩ kể: "Từ đầu năm đến giờ, chủ trọ tăng giá hai lần rồi. Mới tuần trước em từ quê lên thì lại nghe "hung tin" tiếp tục tăng thêm 100 nghìn đồng/ phòng với lý do "giá cả tăng". Biết bị chèn ép nhưng có cãi lại cũng chả được nên đành chịu".
Thuận cho biết, tiền điện từ 3000 đồng/ 1 số giờ chủ thu lên 3500 đồng/ số, tiền nước cũng bị "đội giá" từ 50.000 đồng/ người lên 70.000 đồng/ người. "Cứ đà này không biết phải chống chọi thế nào nữa", Thuận than thở.
Nhiều chủ trọ lợi dụng đà tăng giá để ép giá nhà trọ.
&'Cày đêm' để có thêm tiền học
Theo lời Thuận, chưa kể những khoản chi tiêu ngoài dự kiến, tiền học, tiền ăn hàng tháng của những học sinh ở trọ để ôn thi ĐH cũng mất ngót hai triệu đồng. Trong khi giá cả đang đà tăng giá, không ít học sinh, gia đình khó khăn, tiền chu cấp của bố mẹ không đủ, phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, vì chưa có đủ kiến thức, ít kinh nghiệm, lại bị sức ép thi cử đè nặng, sinh viên đi làm thêm thường không có nhiều sự lựa chọn. Họ thường làm các nghề phổ thông và cơ động thời gian như gia sư, bán hàng, phát tờ rơi, thậm chí là... tẩm quất.
22h, khu trọ học sinh, sinh viên ở Xóm Lẻ, Hà Đông mới bắt đầu nhộn nhịp. Nguyễn Thị Hoa (Thanh Hóa), ở xóm trọ này cho biết: "Giờ này bọn em mới ăn cơm tối vì có bạn làm thêm nên đến giờ mới về". Bản thân Hoa cũng chạy bàn cà phê. Hoa kể, do học tín chỉ, không cố định thời gian nên tìm việc ban ngày rất khó, vì thế Hoa phải tìm những công việc "ca 3". Hoa kể rời học là cô đạp xe một mạch từ trường đã chỗ làm ngót chục cây số. "Nhiều hôm tắc đường, vội về em cũng không kịp ăn cơm tối, bữa ăn bữa bỏ là chuyện thường xuyên", Hoa bộc bạch.
Còn Lê Đức Quân, trọ ở Cầu Giấy, vốn học được võ vẽ nghề đông y từ ông nội, thì chọn cho mình nghề tẩm quất. Mỗi tuần ba buổi, Quân may mắn có một chỗ làm ổn định với mức lương 50.000 đồng một buổi ở một cơ sở tẩm quất, châm cứu tư nhân.
Lê Trang
Theo Bưu điện Việt Nam
Năm mới, sinh viên điêu đứng với giá phòng... mới "Giá phòng từ tháng này tăng thêm 100.000 đồng, lên 1,6 triệu con nhé!", đúng ngày đầu năm mới, chủ nhà "xông đất" báo tin làm Nguyệt và Lai rụng rời. Thế là phải cắt thêm một khoản chi tiêu nữa khi mức sống đã bị cắt giảm tối đa. Sang năm mới, rất nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn TP HCM...