Chủ nhà hàng gom vỏ lon gây quỹ gần trăm triệu đồng/năm tặng học sinh nghèo
Với mong muốn giúp đỡ các em học sinh nghèo và các hoàn cảnh khó khăn, anh Lê Kim Long (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã gom vỏ lon của nhà hàng đem bán và trích một phần lợi nhuận kinh doanh hàng năm để gây quỹ.
Với số quỹ trên, trong 4 năm qua, mỗi năm anh Lê Kim Long (SN 1980, chủ một nhà hàng ở thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã giúp 50 suất quà cho các em học sinh nghèo và hơn 80 gia đình khó khăn trên địa bàn huyện.
Sau mỗi ngày làm việc, anh Long lại gom toàn bộ vỏ lon ở nhà hàng sau đó đem bán để gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Long sinh ra và lớn lên tại làng chài Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), cuộc sống khó khăn nên mỗi lần đi học được nhận những món quà từ người khác trao tặng, anh cảm thấy rất hạnh phúc và cảm động.
Chính vì thế, anh luôn tâm niệm một điều, nếu sau này thành công, anh sẽ góp phần nhỏ bé để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như anh đã từng nhận được.
Hoạt động tặng quà cho học sinh nghèo được anh Long thực hiện thường xuyên 4 năm nay.
“Tôi muốn trẻ em nghèo được đón nhận được những món quà ý nghĩa để lấy đó làm động lực phấn đấu trong học tập, sau này trở thành người tốt cho xã hội” – anh Long nói.
Lớn lên, anh Long đi lao động ở nước ngoài với mong muốn thoát cảnh khó khăn. Năm 2015, sau khi dành dụm được số vốn kha khá, anh về quê mở nhà hàng.
Dù bận rộn với việc kinh doanh, phát triển nhà hàng, nhưng suốt 4 năm qua, ngày ngày anh Long lại tranh thủ gom từng vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt sau khi khách hàng sử dụng rồi bán lấy tiền và trích một phần lợi nhuận của quán để giúp đỡ người nghèo và các em học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Anh Long cũng đặt thùng gây quỹ từ thiện giúp trẻ mồ côi và người tàn tật tại quán để kêu gọi sự giúp đỡ của khách hàng, các nhà hảo tâm khi đến đây.
Trong tổng số tiền anh Long bỏ ra làm từ thiện mỗi năm từ 70 đến 100 triệu đồng thì phần từ bán vỏ lon chiếm từ 20 – 30%.
Video đang HOT
Riêng năm 2019 vừa qua, anh đã gom được 30 triệu đồng tiền bán vỏ lon, cùng với 60 triệu đồng trích từ tiền lợi nhuận nhà hàng để làm từ thiện trên địa bàn huyện Lộc Hà.
Vừa là chủ nhà hàng, vừa là đầu bếp, công việc bận rộn nhưng anh Long vẫn hăng say với công tác thiện nguyện.
Được biết, lúc đầu, anh Long chỉ trao quà trong địa bàn xã Thạch Kim nhưng dần dần mở rộng ra địa bàn xã Thạch Bằng cũ (nay là thị trấn Lộc Hà) và xã Thạch Mỹ.
Mỗi năm từ việc gom vỏ lon, trích lợi nhuận nhà hàng, anh Long trao tặng 50 phần quà (mỗi phần trị giá từ 200 – 300 ngàn đồng) ở 5 trường học thuộc 3 địa bàn xã Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà và xã Thạch Mỹ; trao 80 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá từ 300 đến 2 triệu đồng ở xã Thạch Kim và thị trấn Lộc Hà.
Những món quà của anh Long góp phần giúp học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài ra, anh còn đóng góp lớn vào chương trình Tết vì người nghèo và các chương trình khác do địa phương và các hội đoàn thể trên địa bàn tổ chức.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Châu – Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Bằng cho biết, dù kinh doanh chưa lớn nhưng nhiều năm liền anh Long đều đến trường và tận tay trao tặng những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh nghèo.
“Từ những phần quà của anh Long đã góp phần giúp những em học sinh khó khăn có điều kiện vươn lên. Anh ấy làm từ thiện bằng tấm lòng thực sự không vì một mục đích nào khác. Nhà trường rất cảm động trước tấm lòng của anh Long” – thầy Châu nói.
Tiến Hiệp
"Lớn lên, con muốn trở thành bộ đội biên phòng!"
Nhiều năm về trước, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát động một chương trình lớn và ý nghĩa mang tên "Nâng bước em đến trường". Từ đó cho đến nay, rất nhiều lứa học sinh hiếu học, nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế đã được các đồn biên phòng nhận đỡ đầu, trợ cấp và giúp đỡ trong học tập.
Hầu hết các em đã nỗ lực cố gắng, vượt lên nghịch cảnh để có những thành tích học tập tốt nhất. Trong một chuyến công tác dài ở các đồn biên phòng Cà Mau, Bạc Liêu những ngày cận Tết, tôi đã được gặp những mảnh đời, những số phận éo le khác nhau, nhưng các em có cùng chung một ước mơ, nỗ lực học tập, vươn lên để tự thay đổi số phận mình.
Cán bộ đồn biên phòng Khánh Tiến thăm hỏi gia đình cháu Lê Ngọc Huy, Lê Quốc Khải ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau
Phận đời nơi đất Mũi
Đại úy Nguyễn Việt Bắc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi, dù đã dăm lần gọi điện chỉ đường thì xe chúng tôi vẫn đi lạc. Vòng đi vòng lại mấy lần mới tìm được lối rẽ vào chợ. Đến chợ là hết lối đường bộ, từ đây trở đi, chúng tôi phải di chuyển bằng ghe thêm vài km đường sông nữa mới đến được Đồn Biên phòng Đất Mũi.
Đại úy Nguyễn Việt Bắc kể, đồn mới chuyển về "định cư" ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển chưa được bao lâu. Trước đây, đồn nằm ngay sát biển, nhưng rồi bị triều cường và sạt lở, thành ra phải chuyển về vị trí như bây giờ. Đồn Biên phòng Đất Mũi phụ trách quản lý địa bàn 2 xã biên giới là Đất Mũi và An Viên với một đường bờ biển dài 45,9km. Không chỉ là lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, những người lính mang quân hàm xanh còn tích cực hỗ trợ những người dân ở đây xóa đói, giảm nghèo. Một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa được quần chúng đánh giá cao và thu được nhiều "trái ngọt" là hoạt động "Nâng bước em tới trường".
Như nhiều đồn biên phòng khác, Đồn Biên phòng Đất Mũi cũng nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng nhiều lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thiếu tá Lê Văn Thanh, một cán bộ của đồn đã đưa chúng tôi tới thăm gia đình em Vũ Thị Kim Yến. Yến là một trong những "đứa con" mà cán bộ đồn hỗ trợ học tập trong suốt nhiều năm qua. Mùa này nước sông cạn, di chuyển bằng ghe để đến được nhà Yến khá khó khăn. Cân nhắc mãi, thiếu tá Lê Văn Thanh bảo, thôi đi xe máy.
Đường đến nhà Yến quãng 4-5km, khá khó đi vì nhỏ, hẹp và xuyên qua các khu dân cư. Yến cũng mới chuyển về ấp Rạch Tàu từ năm ngoái do nhà cũ đã sạt lở và bị sóng biển cuốn trôi. Bố em mất trong một vụ tai nạn đường sông, còn mẹ đã bỏ đi đâu chẳng rõ. Cô bé sống với ông bà nội mà ông bà thì già yếu lắm. Cả nhà trông chờ vào khoản thu nhập từ nghề câu cá của ông.
Khi chúng tôi đến thăm, ông bà nội Yến đều ở nhà, bà nội Yến ngân ngấn nước mắt nắm lấy tay tôi thật chặt rồi kể về những ngày tháng bà đi xin sữa nuôi cháu. Lúc khỏe đã đành, lúc Yến ốm thì vất vả vô cùng. Bây giờ cô bé đã chững chạc lắm rồi, học đến lớp 8, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Nhưng ông bà thì yếu dần đi. Bà mắc bệnh tim, trái gió trở trời thì "thở thôi cũng đã mệt".
Ông Võ Văn Kiến (ông nội Yến) sinh năm 1962 mà già nua, khắc khổ, cứ kể mãi về hôm triều cường nhấn ngôi nhà của ông và vài chục hộ khác xuống biển. Chẳng kể đêm hôm, các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đất Mũi lăn xả vào giúp dân lánh nạn, di chuyển đồ đạc. Khi chính quyền cấp cho mảnh đất ở thôn Rạch Tàu, cũng chính những người lính mang quân hàm xanh lại tiếp tục giúp dân dựng nhà, ổn định cuộc sống.
Ngôi nhà của ông chẳng có gì đáng giá, nhưng góc học tập của Yến thì sáng lên bởi những tờ giấy khen. Bà nội Yến, rút ra từ ngăn bàn tờ giấy khen mới tinh, còn chưa kịp dán lên tường: "Đây cô đọc giúp tôi xem người ta ghi gì, tôi già rồi mắt mũi mờ đi, chẳng còn đọc được nữa. Con bé Yến nó may, được các chú biên phòng hỗ trợ học tập, chứ nếu không vợ chồng già chúng tôi chẳng biết nuôi nấng nó thế nào" - bà Nhâm nói mà nước mắt cứ chảy trên gò má đầy những nếp nhăn.
Cán bộ đồn biên phòng Đất Mũi thường xuyên có các chuyến thăm hỏi và chung tay cùng người dân xây dựng lại nhà cửa sau mỗi đợt thiên tai
Những đứa trẻ vắng hơi mẹ
Cũng từ nhiều năm nay, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Khánh Tiến (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) thường xuyên nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những đứa trẻ lớn lên sống thiếu sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, nhưng chúng lại có được sự chăm sóc, yêu thương của những người lính nơi địa đầu Tổ quốc.
Nhà em Nguyễn Mộng Nghi cách Đồn Biên phòng Khánh Tiến chỉ mấy chục bước chân, nhưng đó cũng là một gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Bố Nghi là anh Nguyễn Văn Sơn, năm nay 50 tuổi mắc bệnh gout rất nặng, chân tay nổi cục rồi co rút lại, chẳng còn đủ sức lao động. Ông bà nội Nghi đều đã xấp xỉ tuổi 80, mẹ em bỏ đi lấy chồng mới từ khi con mới 4-5 tuổi. Cũng có lần Nghi được mẹ về đón đi, nhưng đó là những chuỗi ngày kinh hoàng bởi em thường xuyên phải chịu những trận đòn roi của cả bố dượng lẫn mẹ đẻ.
Đánh mãi cũng chán, mẹ Nghi trả em về với bà nội và bặt vô âm tín. Hôm tôi đến thăm nhà, Nghi đang ốm không thể đi học được. Bà nội em run run bảo, cháu nó sốt 39,5 độ, nếu mà không hạ chắc phải đưa ra Đồn Biên phòng Khánh Tiến nhờ bác sĩ ở đó khám xem sao. Dân ở đây, ốm đau gì cứ gọi các chú Biên phòng. Bố Nghi bệnh tật, cứ ngồi im khi chúng tôi nói chuyện, ai hỏi gì cũng chỉ cười. Tâm sự với chúng tôi, bà nội Nghi cứ kéo vạt áo lên lau nước mắt.
Bà bảo, nếu không có các chú Biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ để cháu tiếp tục tới trường thì chắc Nghi cũng đã nghỉ học từ lâu vì gia đình không gánh nổi. Bà dùng từ biết ơn để nói về tình cảm với những chiến sĩ Biên phòng. Bởi lẽ, các anh luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Cũng nằm trong danh sách đỡ đầu của Đồn Biên phòng Khánh Tiến còn có 2 anh em Lê Ngọc Huy (lớp 9) và Lê Quốc Khải (lớp 8). Nhà Huy và Khải ở cách đồn gần 10km. Trước năm 2017, để đến được nhà Huy, Khải ngoài đi ghe chẳng có cách nào khác. Nhưng bây giờ con đường ven kênh mới làm xong, thành ra đi lại bằng xe máy cũng tiện. Bố mẹ Huy, Khải mất trong một tai nạn điện giật khi cả 2 còn nhỏ. Cô Lê Thị Út (cô ruột của các em) khi ấy mới ngoài 20 tuổi chưa chồng con gì chẳng còn cách nào khác là chăm lo cho các cháu.
Cô Út bảo, ban đầu thì vất vả lắm vì không có kinh nghiệm nuôi trẻ con, nhưng bây giờ thì quen rồi. Chồng của cô sau này cũng thông cảm với hoàn cảnh của vợ mà xắn tay vào cùng nuôi dạy mấy đứa nhỏ. Một nách 3 đứa trẻ, tính cả đứa con đẻ mới lên 3, cô Út lao vào làm kinh tế. Nhà có mấy đìa tôm nên gần đây cũng có thu nhập. Cô Út bảo, những năm khó khăn, vất vả nhất cô đã được Đồn Biên phòng Khánh Tiên ghé vai đỡ đần. Những ngày tháng đó, cô không bao giờ quên.
Bà nội bé Vũ Thị Kim Yến khoe với phóng viên thành tích học tập của cháu và cảm ơn các CBCS ở đồn biên phòng Đất Mũi
Con chỉ muốn giống bố
"Lớn lên con sẽ theo nghề của các chú, con sẽ trở thành Bộ đội Biên phòng" - Nguyễn Tuấn Thanh, cậu bé đang học lớp 10 Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) đã quả quyết như vậy. Thanh là một trong những đứa con của Đồn Biên phòng Gành Hào, 4 năm trước, khi đang học lớp 6 thì em được Đồn Biên phòng Gành Hào đón về nuôi dưỡng. Nhà Thanh ở ấp Lam Điền, xã Long Điền Tây huyện Đông Hải, ba mẹ em ai mướn gì thì làm đấy, tiền công chẳng đủ nuôi con ăn học.
Lúc Thanh đang học lớp 6 suýt nữa phải bỏ giữa chừng vì "tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền học". Rồi em được các chú bộ đội đón về nuôi và dạy dỗ. Bây giờ thì Thanh đã quá quen với cuộc sống ở đồn, trường cách vài cây số nên em tự đi học bằng xe đạp. Hết giờ học thì về giúp các chú làm vườn, phụ cơm nước, chơi thể thao. Suốt từ lớp 1 cho đến lớp 10, năm nào Thanh cũng đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến.
Trong câu chuyện với tôi, Thanh nhắc nhiều đến bố Công. Bố Công mà cậu bé nhắc đến với lòng yêu kính là Trung tá Trần Đức Công - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào. Chia sẻ với chúng tôi về chương trình "Nâng bước em đến trường" và những đứa con của đồn, anh bảo, cái khó nhất là gắn bó được tình cảm của các con để từ đó lũ trẻ tin tưởng và chia sẻ.
Thỉnh thoảng bố mẹ Thanh đến thăm con, thấy điều kiện ăn ở, học tập ở đồn quá tốt thì mừng lắm. Mẹ Thanh còn bảo, nhà em còn một cháu nữa, hay là em mang lên đồn gửi nốt cho các anh. Không chỉ có Thanh, những đứa con khác của Đồn Biên phòng Gành Hào như Nguyễn Yến Ngọc (SN 2004), Kha Duy Tiền (SN 2006) đều nỗ lực cố gắng để đạt được những thành tích cao trong học tập. Đáng chú ý có em Phạm Khánh Duy (SN 2000) vừa thi đỗ Đại học Ngô Quyền (trường Sĩ quan Pháo binh) ở Bình Dương...
Chia tay các chiến sĩ biên phòng, tôi mang về thành phố những câu chuyện về những mảnh đời thiếu đi vòng tay yêu thương của mẹ, của cha. Nhưng bù lại, chúng có tình yêu thương và chăm sóc của những người lính mang quân hàm xanh. Ánh mắt của những đứa trẻ mà tôi đã gặp, giọt nước mắt của những người đã ở tuổi "cổ lai hy", những cái nắm tay thật chặt của những người dân với các chiến sĩ biên phòng khiến tôi tin rằng, mọi cổ tích đều có hậu.
Theo anninhthudo
Về ngôi trường "ai cũng có con nuôi" Thương Minh, cô giáo Đoàn Thị Thảo đã nhận đỡ đầu em, dành cho em tình yêu thương đúng nghĩa của một người mẹ Nhằm giúp các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tới lớp, từ năm 2016 đến nay, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ học sinh có...