Chữ “nếu” của tài xế Hoàng
Tôi biết chắc rằng, sau khi bài viết này đăng trên mặt báo, tôi sẽ phải hứng chịu những phản ứng gay gắt. Điều gần như bắt buộc tôi phải bật máy tính để viết ra những dòng dưới đây chỉ xoay quanh một chữ “nếu” liên quan đến 4 mạng người và số phận của tài xế Hoàng trong một vụ tai nạn thảm khốc.
Ngày 2.11.2018, TAND tỉnh Thái Nguyên đã xử phúc thẩm, tuyên sửa án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova đi lùi trên đường cao tốc) từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù, bị cáo Lê Ngọc Hoàng (tài xế xe container đâm trúng xe Innova) giảm từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa ngày 2.11.
Bản án này ngay sau khi được tuyên đã nhận rất nhiều phản ứng gay gắt từ dư luận.
Trước hết, phải khẳng định rằng, gần như mọi hậu quả trong vụ án này đều xuất phát từ những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ của tài xế Sơn. Và đương nhiên, việc tài xế Sơn phải chịu tội là điều không thể tránh khỏi và không ai bàn cãi.
Tuy nhiên, việc tài xế Hoàng cũng phải chịu mức án phạt đến 6 năm tù và phải đền bù hàng trăm triệu đồng cho các gia đình nạn nhân là điều khiến dư luận dậy sóng suốt mấy ngày qua. Tại sao vậy?
Đã có những tiếng kêu oan cho tài xế Hoàng trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, từ những đồng nghiệp là tài xế cho đến các luật sư. Những phản ứng đều xoay quanh câu hỏi tại sao tài xế Hoàng không phạm luật mà vẫn phải chịu tội.
Từ góc nhìn luật pháp, tôi xin dẫn ý kiến của luật sư Giang Hồng Thanh – luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Hoàng trong vụ án. Theo luật sư Giang Hồng Thanh, tài xế Hoàng đi cách xe Innova với khoảng cách 60-70m. Hơn nữa, tốc độ trước đó của xe Innova là 80 – 90km/h, còn tốc độ của xe container do tài xế Hoàng điều khiển chỉ trung bình 65km/h, cụ thể theo camera hành trình ghi lại là 62km/h.
Luật Giao thông đường bộ quy định “giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình”. Do đó, nếu xe Innova chạy liền trước xe của Hoàng thì khoảng cách 60m là an toàn theo quy định của luật.
Như vậy, nếu chiếu theo luật thì trong vụ việc này, tài xế Hoàng không sai từ tốc độ di chuyển, khoảng cách với xe phía trước và tải trọng. Hơn nữa, những phản biện để bảo vệ tài xế Hoàng còn được dựa trên tình huống xe Innova lùi ngược chiều trên đường cao tốc. Đây chính là tình huống mấu chốt dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc và được cho rằng đã dẫn đến tình huống tài xế Hoàng không thể xử lý khác được.
Nhưng vấn đề là tại sao tài xế Hoàng không vi phạm các điều luật cụ thể mà vẫn phải chịu án phạt?
Hiện trường vụ tai nạn.
Trong quá trình xử án, đại diện VKS giữ quyền công tố hỏi bị cáo Hoàng rằng tại sao bị cáo Hoàng không đánh lái, chuyển hướng xe để tránh xe Innova? Bị cáo Hoàng trả lời, nếu bị cáo đánh lái thì tai nạn sẽ còn thảm khốc hơn nhiều.
Câu trả lời của tài xế Hoàng đã nhận được nhiều sự đồng tình. Bởi theo phân tích thì một chiếc xe đầu kéo đang chở 26 tấn thép nếu đánh lái sẽ khiến xe bị lật và tình huống có thể xảy ra là cả tài xế Hoàng lẫn toàn bộ hành khách trên xe Innova đều phải gánh chịu kết quả giống nhau.
Video đang HOT
Đây chính là chi tiết đã khiến chữ “nếu” thường trực xuất hiện trong đầu tôi kể từ khi bản án với tài xế Hoàng được tuyên.
Chi tiết xoáy vào tâm trí tôi là sau nghị án, HĐXX cho rằng bị cáo Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về an toàn nên khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe Innova đang lùi rồi nhấn phanh. Việc này vi phạm thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 xe; Hoàng phạm lỗi vô ý, quá tự tin.
6 chữ in đậm này có lẽ chính là cơ sở để tòa đưa ra mức án phạt dành cho tài xế Hoàng. Ở đây, tôi xin mạn phép đưa ra 2 ý kiến mà có lẽ sẽ phải nhận nhiều phản ứng.
Thứ nhất, chúng ta cần thử nhìn nhận vụ việc từ một góc độ khác, chẳng hạn dựa trên quan điểm của HĐXX.
Trước khi viết bài này, tôi đã tham khảo rất kỹ các chuyên gia lái xe, bao gồm cả những người đang làm việc ở những công ty kho vận, những người rất am hiểu về loại hình xe đầu kéo.
Có những loại hình xe tải không thể đánh đồng đặc thù và khái niệm, ví dụ là xe tải thông thường, xe tải ben và xe đầu kéo. Cụ thể với xe đầu kéo, là loại xe cho tầm quan sát đến 200m trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nghĩa là, tài xế Hoàng hoàn toàn có thể nhìn thấy chiếc xe Innova từ rất xa. Vậy tại sao “khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe Innova đang lùi rồi nhấn phanh”?
Và với chiếc xe đầu kéo chở 26 tấn thép, ở khoảng cách này, đương nhiên tài xế Hoàng không thể đánh lái. Giải pháp duy nhất với tài xế Hoàng thời điểm đó chỉ là đạp phanh. Nhưng với khoảng cách chỉ còn 30m, dù là chiếc xe du lịch 5 chỗ ngồi cũng không thể tránh được va chạm, chứ chưa nói gì đến chiếc xe đầu kéo đang chở 26 tấn thép.
Thứ hai và vẫn liên quan đến xe đầu kéo. Các tài xế xe tải có thể bênh vực và bản thân tôi cũng vẫn bênh vực tài xế Hoàng trong vụ việc này, nhưng tất nhiên không phải là hoàn toàn.
Các đường cao tốc tại Việt Nam quy định tốc độ tối thiểu 60km/h và tốc độ tối đa 100km/h hoặc 120km/h. Như vậy, tài xế Hoàng không vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, vấn đề tốc độ ở đây lại liên quan đến xe đầu kéo.
Tài xế Hoàng điều khiển xe đầu kéo chở 26 tấn thép. Nhưng cần lưu ý rằng, trong vụ việc này, tài xế Hoàng chở hàng rời chứ không phải chở container. Và theo tìm hiểu từ các chuyên gia lái xe, thì khi xe đầu kéo chở hàng rời, nguy cơ tai nạn luôn lớn hơn rất nhiều so với chở hàng thường. Khi chở hàng rời, chỉ với một cú phanh, những khối hàng như thép cuộn, thép ống, bê-tông đúc… luôn sẵn sàng lao về phía trước hoặc lật ngang.
Chính vì lý do đó nên không thể áp dụng chung tốc độ di chuyển của loại hình xe tải này với các loại xe tải khác và xe du lịch. Và với trường hợp của tài xế Hoàng, “tốc độ 62km/h là anh Hoàng đã tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm”, một chuyên gia lái xe nhận định.
Vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên làm 4 người chết, 2 người bị thương.
Hai điều tôi viện dẫn nêu trên có lẽ đều liên quan đến khẳng định của HĐXX về “lỗi vô ý, quá tự tin” của tài xế Hoàng. Đến đây, tôi xin nhắc lại chữ “nếu” đầy oan nghiệt kia một lần nữa. Rằng, nếu tài xế Hoàng quan sát từ xa, hiểu rằng mình đang lái một chiếc xe có lẽ là nguy hiểm nhất trong các loại hình phương tiện giao thông đường bộ để cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều… thì có lẽ đã không mất 4 mạng người và bản thân anh không phải chịu lao lý.
Tình huống xe Innova lùi ngược chiều trên đường cao tốc là tình huống không ai nghĩ đến, nhưng nếu quan sát từ xa thì tài xế Hoàng hoàn toàn có thể nhận thấy dấu hiệu bất bình thường của chiếc xe-khởi-nguồn-tai-họa kia.
Trước khi viết bài này, tôi đã nhận được thông tin TAND Tối cao đã rút hồ sơ bản án để xem xét lại. Đó có lẽ là một tin vui với tài xế Hoàng – người vô tình bị đẩy vào tình huống oan nghiệt của số phận.
Sau đó, một thông tin nữa cũng khiến tôi suy nghĩ. Đó là ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng TAND Tối cao cần tổ chức hội thảo xét xử những vụ án như xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc để lấy làm chuẩn thành án lệ cho các vụ việc sau.
Chữ “án lệ” mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhắc đến có lẽ ẩn chứa nhiều vấn đề. Bởi trên thực tế, xét theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tài xế Hoàng không sai. Tuy nhiên, rõ ràng, lỗi của tài xế Hoàng là có và nó cũng là một phần khiến tai nạn xảy ra.
“Án lệ” với tài xế Hoàng cũng là bài học cho tất cả những người tham gia giao thông. Bởi không thể chắc chắn rằng chúng ta đi đúng tốc độ trên đường mà không có những trường hợp bất ngờ dẫn đến xảy ra tai nạn. Bởi vậy, mỗi người lái xe luôn phải quan sát, phán đoán tình huống có thể xảy ra, ít nhất để tránh thiệt hại cho mình.
Và “án lệ” với tài xế Hoàng cũng sẽ đặt ra nhu cầu về việc điều chỉnh chi tiết hơn các quy định đối với từng loại hình phương tiện giao thông đường bộ, ví dụ một chiếc xe đầu kéo không thể áp dụng chung tốc độ với xe du lịch trên đường cao tốc.
Theo Danviet
Vụ lùi xe trên cao tốc: Lái xe container bị oan?
Theo tài xế xe container, bị cáo đã làm hết khả năng có thể của một tài xế, không có lỗi trong tai nạn...
Ngày 1-11, sau nhiều lần hoãn, TAND tỉnh Thái Nguyên đã xử phúc thẩm Ngô Văn Sơn (40 tuổi) và Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
"Bị cáo đã làm hết khả năng"
Trả lời chủ tọa, Hoàng - người kháng cáo kêu oan cho biết khoảng 11 giờ trưa 19-11-2016, sau khi bốc xếp hàng (gần 27 tấn thép), bị cáo điều khiển xe container từ Vĩnh Phúc lên Thái Nguyên, đến nút giao Yên Bình thì xảy ra tai nạn.
Suốt quãng đường này, bị cáo lái xe với tốc độ 60-65 km/giờ (khoảng tốc độ tối thiểu cho phép trên cao tốc), đến nút giao thì nhìn thấy phía trước có một chiếc xe màu trắng. Khi khoảng cách còn 60-70 m, bị cáo thấy xe Innova nháy đỏ một lần rồi tắt luôn nên rà thắng và chuyển sang làn đường bên tay trái nhằm tránh xe phía trước.
Chủ tọa hỏi tín hiệu xe Innova như vậy thì bị cáo hiểu như thế nào, Hoàng đáp rằng bị cáo hiểu đây là động tác nhấp chân thắng rồi bỏ ra ngay của người lái xe.
Trả lời câu hỏi thời điểm nào thì phát hiện xe của Sơn lùi, Hoàng nói chỉ biết khi nhìn về phía trước và thấy khoảng cách giữa hai xe đã quá gần. Lúc này xe Innova đã lùi ra làn đường của bị cáo. Lập tức bị cáo đạp thắng (trước đó vẫn đang rà thắng để chuyển làn), xe container lết trên mặt đường một khoảng dài...
Trình bày lý do kháng cáo, Hoàng cho rằng sơ đồ hiện trường có nhiều điểm không đúng so với thực tế xảy ra tai nạn. Hai bản kết luận điều tra của công an khẳng định xe container đẩy xe Innova đi 10 m nhưng cáo trạng thì lại nói 38 m, đến khi ra tòa lại là hơn 30 m..., bị cáo đề nghị làm rõ khoảng cách này chính xác là bao nhiêu. Cạnh đó, cấp sơ thẩm nhận định xe container đang đi ở tốc độ 62 km/giờ, đến khi đâm vào xe Innova thì về 0 km/giờ luôn. Hoàng khẳng định việc xe đang đi với tốc độ như vậy mà thắng một lần về 0 là điều không thể.
"Bản án sơ thẩm là không đúng, bị cáo đã làm hết khả năng có thể của một lái xe. Tai nạn xảy ra chết người là có thật nhưng bị cáo không có lỗi" - Hoàng khẳng định.
Hai bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: T.PHAN
Không lùi xe thì đã không có tai nạn
Một thẩm phán đặt tình huống: Nếu thời điểm thấy xe Innova cách khoảng 70 m mà Hoàng thắng và dừng hẳn thì có xảy ra đâm va không. Hoàng cho rằng nếu Sơn không lùi xe mà vẫn đỗ trong làn như trước đó thì chắc chắn không xảy ra tai nạn.
Vị thẩm phán này tiếp tục hỏi, nếu đạp thắng "chết" ngay thì bao nhiêu mét xe sẽ dừng lại. Hoàng nói chưa thử bao giờ và cũng không thể xác định.
Về phía mình, Sơn khai có dừng đỗ để cho một cháu bé trên xe xuống nôn, thời điểm này xe có bật đèn cảnh báo. Sau khi cháu bé nôn xong, người nhà nói lùi xe lại (vì đi quá nút giao - PV) nên Sơn đã cài số lùi.
Trả lời HĐXX, Sơn nói không rõ đã lùi xe bao nhiêu mét, chỉ nhớ là tốc độ xảy ra rất nhanh, khi lùi có cho xe sát vào hàng rào của đường, đồng thời nhìn qua gương và camera thì không thấy có phương tiện hay chướng ngại vật nào ở phía sau. Đồng thời, bị cáo vẫn bật đèn khẩn cấp từ thời điểm dừng xe trước đó, người nhà trên xe cũng nhắc nhở rằng phải lùi cẩn thận.
Vị chủ tọa đặt câu hỏi với kiến thức khi học lái xe, bị cáo thấy có được phép lùi trên cao tốc hay không. Hoàng nói biết rõ là không. "Bị cáo khẳng định tòa sơ thẩm tuyên đúng tội, không oan. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, khắc phục hậu quả cho các bị hại" - Sơn nói.
Được triệu tập với tư cách là bị hại, đồng thời là người đại diện của hai người con bị thương trong vụ tai nạn, ông Nguyễn Văn Trường (38 tuổi, ngụ Bắc Ninh) cho biết khi xe đi qua nút giao Yên Bình, ông có nói với Sơn là đã đi quá đường rồi. Sau đó, Sơn bật đèn xi nhan để dừng lại cho con ông nôn. Khoảng 15 phút sau mọi người lên xe, lúc này vẫn bật đèn cảnh báo. Khi xảy ra tai nạn, ông Trường khai không xác định được xe Innova đã lùi hay chưa vì sự việc xảy ra nhanh quá.
Trong khi đó, một đại diện của bị hại khác đã đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường đối với Hoàng do "thái độ không ăn năn, không chịu nhận tội". Người này trình bày một vài ý kiến rồi ngất khiến người nhà và cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải dìu ra ngoài...
Hàng trăm tài xế đến theo dõi phiên tòa
Từ sáng sớm, người nhà của hai bị cáo và bị hại đã có mặt tại tòa. Hàng trăm tài xế là đồng nghiệp của Lê Ngọc Hoàng cũng đến theo dõi phiên xử.
Theo hồ sơ, sáng 19-11-2016, Sơn lái xe Innova tám chỗ chở 10 hành khách đi ăn cưới ở TP Thái Nguyên, có đi trên tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Do vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải.
Cùng lúc, Hoàng lái xe đầu kéo kéo theo rơmoóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60-65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc Innova phía trước cách khoảng 70 m đang bật đèn thắng đỏ, Hoàng không thắng giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn rồi đâm vào đuôi chiếc Innova đang có 11 người ngồi trên xe. Do khoảng cách quá gần, xe đầu kéo tông và đẩy ô tô chở khách đi thêm gần 40 m mới dừng lại. Sự cố khiến bốn người tử vong tại chỗ, hai người bị thương. Các phương tiện hư hỏng nặng.
Sơn bị cáo buộc vi phạm ba lỗi: Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc, điều khiển ô tô trên đường khi có nồng độ cồn, chở khách vượt quá số người quy định. Trong khi đó, Hoàng bị xác định đã không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.
Tháng 5-2018, TAND thị xã Phổ Yên mở phiên sơ thẩm xét xử hai tài xế. Tại tòa, Sơn thừa nhận cáo buộc của cơ quan công tố về việc chở quá số người, uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện và lùi xe trên cao tốc.
Còn Hoàng không đồng ý với cáo buộc của VKS, cho rằng khi thấy xe chở khách phía trước, Hoàng đã nhìn gương chiếu hậu chuyển làn xe nhưng có xe đầu kéo ben phía sau đang lưu thông nên không chuyển làn được. Đến khi phát hiện xe Innova đang lùi trên cao tốc, Hoàng đã đạp thắng và đánh lái về phía bên phải đường nhưng khoảng cách quá gần nên đã xảy ra tai nạn. Bác bỏ điều này, đại diện VKS cho rằng kết quả điều tra có giám định hộp đen cho thấy xe đầu kéo không có sự thay đổi tốc độ mà đột ngột giảm từ 62 km/giờ xuống 0 km/giờ.
Tòa sơ thẩm đã phạt Sơn 10 năm tù, buộc bồi thường hơn 900 triệu đồng; Hoàng tám năm tù, buộc bồi thường gần 500 triệu đồng. Hoàng sau đó kháng cáo kêu oan, còn Sơn kháng cáo xin giảm án.
TUYẾN PHAN
Theo PLO
Đại biểu Quốc hội: "Người ta phạt tài xế container 6 năm tù về tội gì?" Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Người ta phạt tài xế container 6 năm tù về tội gì? Giả sử xe Innova cố tình đâm vào đầu xe container thì sao?Liên quan đến phiên Tòa phúc thẩm xét xử vụ tai nạn giao thông giữa xe container và xe ô tô Innova lùi trên đường cao tốc, đoạn đi qua tỉnh Thái Nguyên, bên...