Chủ mưu vụ giết người truy tìm vàng lĩnh án chung thân
Biết bị phạt án tù chung thân, Lê Bá Sông vui mừng cúi đầu cảm ơn HĐXX. Trước đó, bị cáo phải vịn chặt vành móng ngựa mới có thể đứng vững để trả lời thẩm vấn HĐXX.
Hôm nay, TAND TP HCM tuyên phạt Lê Bá Sông (44 tuổi) mức án chung thân về các tội “giết người” và “bắt giữ người trái pháp luật”.
Sông vui mừng vì không phải nhận án tử hình như VKS đề nghị. Ảnh: Vũ Mai.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa thay mặt HĐXX nhận định, mặc dù lúc đầu Lê Bá Sông phủ nhận đã sai các công nhân khác bắt giữ, đánh đập nạn nhân để tra khảo việc mất chiếc ví đựng vàng và USD. Nhưng khi được nói lời sau cùng, bị cáo đã nhận tội, mong muốn được tha thứ là thể hiện sự ăn năn hối cải.
Theo lời khai của Sông, 15 năm trước, sau khi gây thương tích cho người khác tại quê nhà thuộc tỉnh Thanh Hóa, bị cáo trốn lệnh truy nã vào TP HCM. Che giấu thân phận tốt lại có chút tay nghề, Sông được nhận vào phụ trách 14 công nhân thi công cống thoát nước C15 và C16 thuộc công trình thủy lợi xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn).
Ngày 30/7/1996, Sông phát hiện bị mất ví tiền gồm 3 chỉ vàng, một triệu đồng và 200 USD. Do nghi ngờ anh Vinh là thủ phạm nên Sông đã sai các công nhân khác trói anh này vào cột nhà. Tối hôm đó, Sông và Phạm Đỗ Hùng cùng một số người thay nhau đánh đập anh Vinh đến ngất xỉu để tra khảo nhưng anh này kiên quyết không nhận…
Video đang HOT
Sáng hôm sau phát hiện anh Vinh chết, Sông vờ thông báo nạn nhân bị trúng gió, rồi sai “đàn em” cõng anh Vinh đi cấp cứu nhưng thực chất là mang vào nhà kho lấy bạt trùm lên. Đến khuya, Sông chỉ đạo Hùng và đồng bọn mang xác nạn nhân đem chôn ở bờ kênh cách đó 1 km.
Ngày 1/8/1996, một số công nhân đã tìm đến công an tự thú. Riêng Sông bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã.
Cuối tháng 9/1998, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên phạt Phạm Đỗ Hùng mức án tử hình về các tội “giết người” và “bắt giữ người trái pháp luật”. Các bị cáo khác cũng phải nhận từ 18 tháng đến 20 năm tù về các tội trên và tội “che giấu tội phạm”, “không tố giác tội phạm”.
Đúng 14 năm sau khi vụ án xảy ra, ngày 1/7/2010, công an phát hiện Lê Bá Sông sử dụng tên Lê Quang Minh để lấy vợ, đang sống tại tỉnh Bình Thuận. Vừa thấy các trinh sát hình sự, Sông đã theo về cơ quan điều tra.
Sông luôn vịn chặt vành móng ngựa mới có thể đứng vững. Ảnh: Vũ Mai.
Tâm sự với VnExpress.net trong thời gian toà nghị án, Sông nghẹn giọng cho biết không nghĩ hành vi của mình lại gây ra hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Nạn nhân Vinh là bạn cùng quê, Sông giới thiệu anh này vào làm tại công trình nên tình cảm rất thân thiết. “Chỉ vì xót của vì bị mất số tiền lớn nên mới hành động thế. 14 năm sống chui lủi, tôi ăn năn hối hận, nhiều lần muốn đi tự thú cho thanh thản nhưng đã không đủ can đảm”, bị cáo nói.
Xét trong thời gian bỏ trốn Sông không vi phạm pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân là do Phạm Đỗ Hùng (đã bị tử hình) gây ra… HĐXX cho rằng không phải cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội như VKS đề nghị, tuyên phạt Sông án tù chung thân. Nghe xong mức hình phạt, Sông cười thật tươi và cúi đầu cảm ơn HĐXX.
Vũ Mai
*Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Theo VNExpress
Tra khảo công nhân đến chết vì nghi trộm vàng
Nghi ngờ người nấu cơm cho lán trại đã trộm ví của mình, Sông lệnh cho nhóm công nhân dưới quyền bắt trói anh này tra khảo. Sau nhiều lần bị tạt nước mương cho tỉnh lại, nạn nhân đã chết ngạt.
Lê Bá Sông. Ảnh: Vũ Mai
VKSND TP HCM vừa hoàn tất điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang tòa cùng cấp để đưa ra xét xử bị cáo Lê Bá Sông (44 tuổi) về hành vi "giết người" và "bắt giữ người trái pháp luật".
Cáo trạng xác định, 15 năm trước, sau khi gây thương tích cho người khác tại quê nhà thuộc tỉnh Thanh Hóa, Lê Bá Sông trốn lệnh truy nã vào TP HCM sinh sống. Có chút tay nghề, Sông được nhận vào phụ trách 14 công nhân thi công cống thoát nước C15 và C16 thuộc công trình thủy lợi xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn). Trong đó, anh Vinh có nhiệm vụ nấu cơm phục vụ các công nhân tại lán trại của Sông.
Ngày 30/7/1996, Sông phát hiện bị mất ví tiền gồm 3 chỉ vàng, 1 triệu đồng và 200 USD. Do nghi ngờ anh Vinh là thủ phạm nên Sông đã sai các công nhân khác trói anh này vào cột nhà. Tối hôm đó, Sông và Phạm Đỗ Hùng cùng một số người thay nhau đánh đập anh Vinh đến ngất xỉu để tra khảo nhưng anh này kiên quyết không nhận đã lấy trộm tài sản của Sông.
Lúc này, Hùng kêu hai công nhân ra múc nước mương tạt vào mặt anh Vinh để anh này tỉnh dậy, tra khảo tiếp. Sáng hôm sau phát hiện anh Vinh chết, Sông vờ nói với những công nhân lán trại khác nạn nhân bị trúng gió rồi sai "đàn em" cõng anh Vinh đi cấp cứu, nhưng thực chất là mang vào nhà kho lấy bạt trùm lên. Đến khuya, Sông sai Hùng và đồng bọn mang xác nạn nhân đem chôn ở bờ kênh cách đó 1 km, còn đồ dùng cá nhân cũng đốt phi tang.
Ngày 1/8/1996, một số công nhân đã tìm đến công an tự thú và khai nhận toàn bộ sự việc. Riêng Sông bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã.
Cuối tháng 9/1998, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt Phạm Đỗ Hùng mức án tử hình về các tội "giết người" và "bắt giữ người trái pháp luật". Các bị cáo khác cũng phải nhận từ 18 tháng đến 20 năm tù về các tội trên và tội "che giấu tội phạm", "không tố giác tội phạm".
Đúng 14 năm sau khi vụ án xảy ra, ngày 1/7/2010, công an phát hiện Lê Bá Sông đang sống cùng gia đình tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Vừa thấy các trinh sát hình sự, Sông đã theo về cơ quan điều tra.
Theo VKS, trong thời gian bỏ trốn, Sông sử dụng tên Lê Quang Minh để lấy vợ và sinh được hai người con. Với nhân thân mới, Sông chưa từng vi phạm pháp luật.
Theo VNExpress