Chủ khu vườn ‘ma quái’ đập bỏ tượng máu me
Trong khi chủ nhân khu vườn “đau lòng” vì phải đập bỏ những bức tượng được cho là “ kích động bạo lực” cơ quan chức năng khẳng định “hoàn toàn có cơ sở pháp lý” buộc ông này không trưng bày tượng đầu người máu me, kinh dị.
Vết tích bị đập bỏ của những bức tượng được cho là “kích động bạo lực”. Ảnh: Nguyên Vũ.
Ngày 1/10, Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Tây Ninh, UBND huyện Hòa Thành tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế tại khu vườn nhà ông Phạm Chứng, ấp Long Hải, xã Trường Tây. Trước đó, cơ quan chức năng đã có buổi trao đổi, thuyết phục ông Chứng ngưng tạc, tháo dỡ những tượng người chết chóc. Bước đầu, ông Chứng đã bỏ đi một số tượng hình thù kinh dị, máu me tại khu vườn.
Một vấn đề nữa mà ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh lo lắng là tình hình bệnh sốt rét có khả năng bùng phát do khu vườn nhà ông Chứng cỏ dại mọc um tìm, nhiều muỗi phát sinh từ các bồn chứa nước bỏ hoang. Mới đây, Trung tâm y tế huyện Hòa Thành phối hợp Trạm y tế xã Trường Tây đã khảo sát tình hình khu vườn này để có biện pháp phòng bệnh kịp thời.
Chiều cùng ngày, hay tin ông Phạm Chứng về thăm khu vườn “ma quái” cùng các ban ngành chức năng địa phương, nhiều người dân ấp Long Hải đã tìm đến để nghe ông lão 74 tuổi giãi bày về sở thích được cho là “khác người” của mình.
Mái tóc bạc trắng, làn da rắn rỏi, trông ông Chứng trẻ hơn tuổi đời. Giọng điềm tĩnh, ông bảo đã lập ra khu vườn vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là để chống trộm, vì nhà thờ họ Vũ (mẹ ông Chứng) từng 2 lần bị bẻ khóa vào lấy đồ đạc. Thứ hai là để có nơi thờ cha mẹ, ông bà và cuối cùng là vì ông “có sở thích tạc tượng người chết”.
“Mỗi người một sở thích. Có người thích chơi chim, cây cảnh, cờ tướng, còn tôi thì đam mê tạc tượng mặt người chết. Đó là quyền tự do cá nhân, sao lại phê phán?”, chủ khu vườn nói và cho biết do mọi người không hiểu nên mới bảo ông lập dị về tín ngưỡng. Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng khuyên sơn trắng các bức tượng cho đỡ kinh dị, hoặc tháo xuống đập bỏ những bức tượng chết chóc, ông đã làm theo dù “trong lòng không muốn”.
Video đang HOT
Ông Chứng bên ngôi mộ giả thờ mẹ. Ảnh: Nguyên Vũ.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Phong – Công an viên phụ trách ấp Long Hải cho biết công an xã đã làm việc với ông Phạm Chứng và ông này cam kết là 2 tháng sẽ phá dỡ hết những tượng đầu người máu me, bị tạt axit rùng rợn…
“Trước mắt, ông Chứng phải dỡ mấy tượng kỳ quái xuống hoặc làm cách nào đừng để người dân đi ngang thấy. Về phía công an, quản lý an ninh trật tự tại địa phương, thì việc làm của ông Chứng đang gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý người dân, mất trật tự, mỹ quan khu dân cư”, ông Phong nói.
Theo Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng huyện Hoà Thành đã làm việc với ông Chứng, yêu cầu bỏ ngay những tượng có tính chất “kích động bạo lực” miêu tả cảnh đầu rơi máu chảy, tạt axit… Đề nghị này được căn cứ vào các quy định tại khoản 1, Điều 3 của Nghị định 103, Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; khoản 1, Điều 3 của Thông tư 04 của Văn hoá – Thể thao – Du lịch về “Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng”. Sau khi được giải thích, ông Chứng cam kết tháo dỡ những tượng “kinh dị” trong thời hạn 2 tháng (đến đầu tháng 11).
Riêng với những tượng, hình ảnh khác, nếu ông Chứng muốn được cấp phép vì cho rằng đó là những “tác phẩm nghệ thuật” thì phải được thông qua hội đồng nghệ thuật thẩm định.
Nguyên Vũ
Theo VNE
Buộc tháo dỡ "nghĩa địa đầu người" ở Tây Ninh
Ngày 1/10, Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh đã có báo cáo với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về kết quả xử lý về "khu vườn kinh dị" gây tranh cãi ở tỉnh này.
Ông Phạm Chứng tại khu vườn do ông tạo ra - Ảnh: Giang Phương
Chủ nhân cam kết tháo dỡ
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, khu vườn do ông Phạm Chứng (73 tuổi, ngụ TP.HCM) mua đất cất nhà và lập vườn tại ấp Long Hải, xã Trường Tây, H.Hòa Thành. Sau đó ông Chứng tự mua cát, đá, xi măng rồi tự đắp họa những bức tượng đầu người rải rác khắp vườn, đồng thời đắp 2 ngôi mộ giả (thờ thần tài và mẹ ruột ông Chứng). Sau khi có dư luận về khu vườn với nhiều tượng thể hiện mặt người bị đâm chém, tạt a xít chảy máu (bằng nước sơn đỏ) và 2 ngôi mộ giả gây cảm giác rùng rợn, khiếp sợ cho dân cư địa phương nên trước mắt đình chỉ trưng bày. Sau đó, Phòng VH-TT H.Hòa Thành nhận được bản tường trình của ông Phạm Chứng thắc mắc về việc đình chỉ hoạt động trưng bày tượng của chính quyền xã Trường Tây. Đồng thời ông Chứng cũng thắc mắc rằng loại tượng nào đúng theo pháp luật, loại tượng nào không được phép xây lắp và trưng bày.
Cũng theo báo cáo, căn cứ vào khoản 1, điều 3 của Nghị định 103 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và khoản 1, điều 3 của Thông tư 04 ngày 16.12.2009 của Bộ VH-TT-DL (hướng dẫn Nghị định 103), Phòng VH-TT H.Hòa Thành đã mời ông Chứng làm việc (ngày 5/9) và ông Chứng đồng ý làm bản cam kết tháo dỡ toàn bộ trong thời hạn 2 tháng (đến ngày 5/11). Trong đó, ông Chứng đồng ý tháo dỡ và hủy bỏ các bức tượng có tính chất "kinh dị", "đầu rơi", "máu đổ" và 2 ngôi mộ giả. Riêng về những bức tượng bình thường mang tính chất nghệ thuật, Phòng VH-TT đã yêu cầu ông Chứng thu gom vào nhà cất giữ, khi nào được ngành chức năng cho phép mới được trưng bày. Ngoài ra, Thanh tra Sở VH-TT-DL và Phòng VH-TT H.Hòa Thành vẫn đang tiếp tục phối hợp với UBND xã Trường Tây theo sát nhắc nhở ông Chứng nhanh chóng thực hiện việc tháo dỡ như đã cam kết. Nếu chủ khu vườn đã cam kết nhưng chậm thi hành, Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương quyết liệt xử lý.
Trao đổi với PV hôm qua, ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tây Ninh, cho biết trước mắt vẫn buộc ông Phạm Chứng tháo dỡ những bức tượng. Theo phân tích của ông Phong thì những bức tượng này có tính chất "kích động bạo lực" được quy định chi tiết ở Thông tư 04 là: "Mô tả cảnh đầu rơi, máu chảy, cắt, chặt bộ phận cơ thể con người; Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị, quằn quại, đau đớn của con người...". Trong khi đó những hình ảnh này không được rào chắn nằm giữa khu dân cư nơi nhiều người phải chứng kiến. "Trong trường hợp ông Chứng muốn được cấp phép cho những bức tượng để xem có phải là tác phẩm nghệ thuật hay không thì phải được thông qua hội đồng nghệ thuật thẩm định", ông Phong nói.
"Nhiều kẻ còn điên rồ hơn ông ấy"
Trong khi đó, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận xét: "Nghệ thuật là muôn hình vạn trạng. Không thể nói thế này là nghệ thuật, thế kia phi nghệ thuật, có nhiều kẻ còn "điên rồ" hơn ông ấy nữa kìa! Cho nên trước khi quyết định làm gì, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ. Nếu người ta làm tượng trong khuôn viên gia đình của họ mà không xâm phạm đến những người xung quanh, không gây ra tiếng ồn, không chính trị, tôn giáo, dâm ô thì người khác không có quyền phá được. Nếu cứ xông vào phá, gặp người lành thì họ nhẫn nhịn cho qua, gặp người thủ đoạn thì họ bù lu, bù loa lên là vi phạm nhân quyền. Có thể vận động ông ấy tháo dỡ hoặc khuyên ông ấy rào kín khoảng vườn lại. Còn nếu ông ấy cố tình phô trương ra cho mọi người nhìn thấy thì cơ quan chức năng có thể xử lý về việc triển lãm không xin phép".
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, trên thế giới vẫn tồn tại một kiểu nghệ thuật - nghệ thuật của những người không bình thường. Họ có vấn đề về tâm lý, rồi dùng chính nghệ thuật để thể hiện vấn đề tâm lý bất thường đó của mình. Thậm chí ở một số nơi chữa bệnh tâm thần ở nước ngoài còn dùng cách cho bệnh nhân sáng tạo nghệ thuật như một liệu pháp. Trường hợp này có thể là một dạng nghệ thuật như vậy. Và nếu thế, nếu cộng đồng khoan dung chấp nhận thì mọi chuyện sẽ ổn. "Từ góc độ pháp luật, nếu muốn cấm thì phải dựa trên luật pháp. Nếu không, tôi rất sợ ném chuột vỡ đồ", nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.
Sáng tạo không đi ngược với luật pháp
Trong khi đó, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng trong sáng tác, người nghệ sĩ Việt Nam cần thông suốt 3 điều cấm được nêu rõ trong luật pháp: chống phá nhà nước, dâm ô đồi trụy, kích động bạo lực. "Tôi nghĩ tác giả làm nên những bức tượng kinh dị đã vi phạm vào điều 3. Chúng ta tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng sự sáng tạo này không được đi ngược với luật pháp. Nếu như một hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM nào đó có ý định tổ chức một cuộc triển lãm với những "tác phẩm" như vậy, chắc chắn tôi không dám ký duyệt!".
Luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: Nếu xét trên lăng kính pháp luật Việt Nam thì khu vườn là loại đất có mục đích sử dụng được nhà nước công nhận như thế nào: đất khu mộ, đất vườn hay đất ở (thổ cư). Và nếu đây không phải là đất khu mộ thì mọi vật thể bao gồm mộ giả và các hình tượng kinh dị tồn tại trên đất do chủ nhân trưng bày và thể hiện là trái pháp luật. Luật Đất đai không cho phép bất cứ chủ thể nào sử dụng sai mục đích về quyền sử dụng đất đã được nhà nước xác định. Mà cho dù đây là đất khu mộ thì việc những bức tượng được trưng bày như vậy cũng không có một sự liên quan nào đến những ngôi mộ này. Mặt khác, dù là đất của chủ vườn nhưng nếu như vì cá nhân mà bất chấp cái chung làm ảnh hưởng xã hội vẫn không được chấp nhận. Do đó, khu vườn muốn tồn tại thì chủ vườn phải xây tường kín lại để phục vụ cho cá nhân mình.
"Tôi chơi cái tàn của cuộc vui" Cũng vào ngày 1/10, có mặt tại khu vườn kinh dị, ông Phạm Chứng, chủ nhân khu vườn, nói: "Việc những bức tượng do tôi làm phải hạ xuống, phải sơn trắng lại tôi cũng buồn lắm. Có lẽ năm nay là năm tuổi tôi, thời tiết lại đang "bão" nên tôi phải chịu thôi". Lý giải thêm về những bức tượng máu me, kinh dị, ông Chứng tươi cười: "Nhiều người hỏi tôi tại sao già rồi mà không chịu chơi những thú chơi nào cho nhẹ nhàng như cây kiểng, cá kiểng, chim chóc chẳng hạn. Nhưng cuộc vui nào cũng tàn, nghệ thuật của tôi trái ngược lại. Tôi chơi cái tàn của cuộc vui, tức là những người chết này. Do vậy mà có người còn gọi tôi biệt danh "dị nhân". Những tác phẩm của tôi tạo ra có thể để được rất lâu khác với thú chơi khác...".
Theo Xahoi
Tranh luận về 'khu vườn kinh dị' ở Tây Ninh Việc người dân địa phương phản ánh về 'khu vườn kinh dị' và cách hành xử của chính quyền địa phương đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Mặt đầu người bị dao đâm xuyên giữa đầu được chụp tại khu vườn sáng 30.9 Như Thanh Niên ngày 26.9 đã thông tin, sau khi người dân địa phương phản ánh một khu...