Chủ động ứng phó với dịch mùa và bệnh bạch hầu
Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển.
Đến trung tuần tháng 7, Quảng Ngãi đã có hàng nghìn trường hợp mắc các loại bệnh dịch mùa. Bên cạnh diễn biến của dịch mùa, bệnh bạch hầu cũng đang bùng phát ở các tỉnh giáp ranh với Quảng Ngãi. Vì thế, việc chủ động dập dịch bên trong và ứng phó, phòng ngừa dịch đang được ngành y tế triển khai.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.079 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2019; có 319 ca bệnh tay chân miệng (TCM); 233 ca bệnh thủy đậu; 218 ca bệnh quai bị; 26 ca viêm não vi rút và một số loại bệnh khác.
Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về các loại dịch bệnh bạch hầu và ngày mùa để phòng, chống dịch.
Cùng với dịch trong tỉnh, tại 4 tỉnh Tây Nguyên, bệnh bạch hầu diễn biến khó lường, trong đó tỉnh Kon Tom giáp ranh với tỉnh ta – là nơi có số ca bệnh bạch hầu lớn nhất, nhì các tỉnh. Trong nhiều tháng qua, ngành y tế, huyện Ba Tơ và các địa phương trong tỉnh đã lập phương án, chủ động thực hiện nhiều giải pháp để khống chế dịch.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Đức Dũng: “Tăng cường tiêm phòng, khống chế dịch bệnh”
Ngay từ đầu mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch và triển khai tiêm phòng vắc xin cúm, quai bị, thủy đậu…; tăng cường giám sát dịch tễ, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để bùng phát thành dịch. Trong đó, chú ý đến những nơi có ổ dịch cũ và các huyện đồng bằng, các xã ven biển, cũng như huyện đảo Lý Sơn – nơi dịch SXH, TCM, quai bị, thủy đậu phát sinh.
Đối với miền núi cần tập trung vào công tác phòng, chống bệnh cảm sốt do siêu vi, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, thương hàn, lỵ) do thiếu nguồn nước sạch và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, trung tâm khuyến cáo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện và nhân lực chuyên môn để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình xử lý ổ dịch. Riêng đối với dịch bạch hầu, trung tâm đã họp giao ban đề nghị các địa phương, đặc biệt là các vùng giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên tăng cường rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, nhưng chưa tiêm để tổ chức tiêm phòng vào tháng 7 – 8, nhằm đạt tỷ lệ trên 98% được tiêm chủng. Trung tâm cũng đã hướng dẫn cho các cơ sở y tế tuyên truyền cho người dân nắm rõ về lợi ích của việc tiêm chủng bạch hầu, cách phòng ngừa và triệu chứng để nhận biết mắc bệnh, nhằm chữa trị kịp thời.
Video đang HOT
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu: “Diễn biến các loại dịch cao hơn năm trước”
Đến ngày 14.7, thành phố có 342 ca mắc bệnh SXH; 142 ca bệnh TCM… Diễn biến của các loại dịch cao hơn năm trước, kéo dài từ đầu năm đến nay. Nguyên do là môi trường ở đô thị bị ô nhiễm, người dân trồng cây kiểng chứa nước tù đọng, nước chứa để sinh hoạt hằng ngày là nơi muỗi dễ sinh sôi.
Dự lường dịch bệnh có thể tiếp tục bùng phát, tập trung ở xã Nghĩa Dõng và các phường Nghĩa Chánh, Nghĩa Lộ… Vì vậy, trung tâm đang thực hiện kế hoạch phối hợp với các ban, ngành huy động lực lượng ra quân tuyên truyền, thực hiện diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc ổ dịch để phòng dịch lây lan. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắcxin, nhằm phòng các loại dịch bệnh, đặc biệt là rà soát số lượng trẻ tiêm bổ sung phòng dịch bạch hầu đang bùng phát ở một số nơi.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đinh Thị Mai Hương: “Xác định Ba Tơ là vùng nguy hiểm”
Huyện Ba Tơ nằm giáp ranh với tỉnh Kon Tum – nơi xảy ra dịch bạch hầu và đang diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu tháng 7, trung tâm đã huy động nhân viên kiểm soát bệnh tật, phân công các thành viên xuống tận cơ sở tuyên truyền việc phòng bệnh dịch mùa và bệnh bạch hầu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch như các xã Ba Tiêu, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vì để có biện pháp khống chế.
Đến nay, trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc phòng dịch, vật tư, dụng cụ… Chú trọng phối hợp với lực lượng công an viên, y tế thôn theo dõi sức khỏe những người từ các tỉnh Tây Nguyên về địa phương để kịp thời phát hiện bệnh. Từ ngày 7.7 đến nay, trung tâm phối hợp với trạm y tế các xã khu tây của huyện, khám sàng lọc các loại bệnh cho người già, trẻ em; rà soát đối tượng đến tuổi tiêm phòng để tiêm bổ sung, đặc biệt là tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu, nhằm ngăn ngừa bệnh phát sinh trên địa bàn.
Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế TX.Đức Phổ) Võ Hữu Toàn: “Tiến đến tiêm phòng đại trà cho học sinh”
Ở TX.Đức Phổ, dịch SXH đang diễn biến phức tạp, khác với các năm trước. Đầu tiên dịch bùng phát ở các ổ dịch cũ thuộc các xã Phổ Châu, Phổ Thuận và các phường Phổ Thạnh, Phổ Hòa, Phổ Quang… sau đó bùng phát ra toàn thị xã. Đến nay, thị xã đã có 200 ca mắc SXH.
Trước thực trạng này, trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân, hội đoàn thể, người dân ra quân diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc tiêu độc khử trùng vùng dịch. Các ổ dịch đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trong thời điểm nắng nóng kéo dài, nhiều nơi bị thiếu nước uống, nên người dân thường tích trữ nước làm phát sinh lăng quăng, bọ gậy dẫn đến dịch SXH có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, bên cạnh tăng cường dập dịch, trung tâm đã tổ chức tiêm phòng vắcxin dịch mùa và bệnh bạch hầu cho trẻ trong độ tuổi tiêm phòng và tiến đến tiêm đại trà cho học sinh.
Trưởng Trạm Y tế xã Ba Tiêu (Ba Tơ) Nguyễn Thị Ngọc: “Sẽ triển khai tiêm phòng đại trà”
Toàn xã có 2.528 khẩu, trong đó có 199 trẻ dưới 5 tuổi, 96 trẻ dưới 2 tuổi. Số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm phòng khá lớn. Trong khi đó, trạm chỉ có 5 bác sĩ và nhân viên y tế có nhiệm vụ khám, điều trị và phòng bệnh cộng đồng cho người dân ở 4 thôn. Các thôn này có địa bàn rất rộng, cách trở; có nhiều cặp vợ chồng đi làm ăn từ các tỉnh Tây Nguyên về, nhân viên y tế phải đến tận nhà để tuyên truyền.
Trước khó khăn này, trạm đã phối hợp với cán bộ y tế thôn, công an viên rà soát đối tượng tiêm phòng, theo dõi sức khỏe đối tượng đi làm ăn xa, tuyên truyền vệ sinh môi trường, hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân để hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, triển khai tiêm phòng đại trà cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Trước khi khám bệnh, tiêm phòng, nhân viên y tế đều lấy lời khai y tế, việc di chuyển của bệnh nhân, khám sàng lọc, khai báo lịch sử bệnh trước khi tiêm. Các bà mẹ cũng đã được tư vấn triệu chứng của các loại bệnh để có cách phòng ngừa, tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng. Đến nay, trạm đã tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đạt 60% kế hoạch năm.
Hậu quả của trào lưu antivaccine, nhìn từ những ca bạch hầu
Trào lưu chống tiêm chủng vẫn tiềm ẩn nguy cơ đến tận bây giờ, có thể đẩy trẻ em vào những hiểm họa mới của các loại dịch bệnh cũ...
Chỉ trong hơn một tuần qua, có đến 16 ca bệnh bạch hầu đã được ghi nhận tại 1 số tỉnh khu vực Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh; 1 trường hợp trong số đó đã tử vong, sự việc đang dấy lên những lo ngại về sự bùng phát một loại dịch bệnh thường gây biến chứng nguy hiểm về tim, thận và hệ thần kinh, mang tên bạch hầu.
Bệnh bạch hầu đang bùng phát tại 1 số tỉnh khu vực Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh.
Điều đáng nói là dù đã có vaccine dự phòng, nhưng ngoài bạch hầu, mấy năm gần đây cũng từng xảy ra nhiều ca bệnh sởi, ho gà, quai bị, thuỷ đậu, viêm não ở cả vùng khó khăn và thành phố lớn. Phải chăng đây là hậu quả của trào lưu antivaccine từng xảy ra rầm rộ cách đây hơn 1 năm? Hậu quả sẽ ra sao nếu trào lưu tẩy chay vaccine chưa chấm dứt?
Dù là bệnh hiếm gặp và đã có vaccine dự phòng, nhưng từ năm 2019 đến nay, số trường hợp mắc bạch hầu ở nước ta có chiều hướng gia tăng. Năm ngoái, cả nước ghi nhận 50 ca bạch hầu ở 7 tỉnh, thành phố. 6 tháng đầu năm nay, dù chưa có số liệu thống kê nhưng chỉ trong hơn 1 tuần qua đã ghi nhận 16 ca bạch hầu tại Đắk Nông, Kon Tum và thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết bệnh nhân đều là những trẻ từ 9 tuổi trở lên hoặc người lớn.
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, tất cả những trường hợp bị bệnh đều không được tiêm vaccine hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
"Theo một khảo sát tại Kon Tum năm 2016-2017 cho thấy gần 50% các trường hợp từ 6 đến 25 tuổi không có miễn dịch phòng bệnh. Đánh giá gần đây ở Hải Dương hơn 90% các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ không còn kháng thể phòng bệnh bạch hầu nữa", TS Huyền nói.
Tiêm vawcxin để phòng bệnh bạch hầu.
Trong khi Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn cung ứng đầy đủ vaccine xuống tận các trạm y tế xã nhưng hiện nay các ổ dịch bạch hầu vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Bệnh không chỉ xuất hiện ở những "vùng lõm" về tiêm chủng (nơi cách xa trạm y tế và việc đi lại khó khăn) mà còn xảy ra ở cả ở thành phô lớn; đặt ra thách thức trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều dịch bệnh tưởng chừng sắp được thanh toán nhờ vaccine cũng đã xuất hiện trở lại. Năm 2014, dịch bệnh sởi bùng phát ở nước ta đã cướp đi sinh mạng của hơn 140 trẻ nhỏ. Tiếp đó là ho gà, quai bị, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản...
Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, nguyên Giám đốc Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế, đây là hậu quả của trào lưu antivaccine trong thời gian dài.
"Trong thời gian trước xảy ra các trường hợp bị phản ứng phụ không mong muốn sau khi tiêm vaccine nên nhiều gia đình e ngại không đưa con đi tiêm chủng nữa, trong thời gian rất dài, hơn chục năm rồi. Những trẻ không được tiêm vaccine sẽ không có đáp ứng miễn dịch, khi tiếp xúc với mầm bệnh thì sẽ bị bệnh và lây lan cho những trẻ chưa được tiêm chủng khác", TS Nguyễn Thu Vân phân tích.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều dịch bệnh tưởng chừng sắp được thanh toán nhờ vaccine cũng đã xuất hiện trở lại.
Chỉ mới năm ngoái, sau khi xảy ra 1 số sự cố trong tiêm chủng, trên mạng xã hội đã xuất hiện những hội, nhóm antivaccine thường xuyên chia sẻ những thông tin sai lệch; từ đó kêu gọi tẩy chay vaccine. Trào lưu chống tiêm chủng vẫn tiềm ẩn đến tận bây giờ, có thể đẩy trẻ em vào những hiểm họa mới của các loại dịch bệnh cũ. Sau khi 2 con gái đều mắc bệnh sởi, trong đó 1 bé nguy kịch, chị Dương Thị Đang ở Phù Cừ, Hưng Yên nhận ra rằng, nếu không tiêm chủng thì nguy cơ trẻ tử vong còn cao hơn.
"Trước khi em sinh cháu, nghe trên mạng nói về việc tai biến khi tiêm vaccine, em rất sợ. Nhưng sau lần phải chăm 2 con bị bệnh sởi, một cháu nguy kịch vì viêm phổi thì em đã hiểu ra rằng nếu không tiêm chủng thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con còn cao hơn...", chị Đang nói.
Vaccine được ra đời cách đây hơn 100 năm; nhờ đó mà đến nay trên thế giới đã thanh toán được nhiều bệnh truyền nhiễm. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Nếu so sánh tỷ lệ mắc các bệnh đã có vaccine dự phòng của năm 2010 so với năm 1984 sẽ thấy: bệnh bạch hầu giảm 585 lần, bệnh ho gà giảm 937 lần và bệnh sởi giảm 573 lần...
Tuy nhiên, khi dịch bệnh không còn nhiều như trước nữa thì người dân lại lầm tưởng vaccine không có tác dụng gì. Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.
"Thời gian qua, tại Đắk Nông và một số tỉnh ghi nhận những ca bệnh bạch hầu. Qua điều tra, đánh giá của Cục Y tế dự phòng thì đa phần bệnh nhân thường không được tiêm vaccine. Để phòng tránh bệnh bạch hầu thì tất cả ông bố bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch...", ông Tấn cho hay.
Dẫu biết rằng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ bị dị ứng với thành phần nào đó của vaccine gây ra những tai biến không mong muốn, kể cả trong tiêm chủng dịch vụ, nhưng không thể phủ nhận được thành quả phòng bệnh của vaccine.
Tại Mỹ, bang California từng tự hào về việc tiêm vaccine là không bắt buộc vì đó là "quyền tự do" và "lựa chọn của phụ huynh", nhưng sau khi bùng nổ dịch sởi, chính quyền bang này đã ký luật bắt buộc tiêm vắc xin cho trẻ em.
Còn tại Việt Nam, dịch bệnh sởi 2014 và mới đây nhất là những ca bệnh bạch hầu liên tiếp xảy ra, 1 lần nữa cảnh báo về hậu quả của trào lưu antivaccine./.
Không lơ là bệnh tay - chân - miệng Bệnh tay - chân - miệng (TCM) xuất hiện quanh năm ở nước ta, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hiện nay, thời tiết mùa hè, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm đang là những yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh TCM. ể ngăn chặn kịp thời dịch bệnh TCM ở cộng...