Chủ động tấn công tội phạm
Thực hiện quyết tâm phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn, liên tiếp trong những ngày cuối tháng 8-2012, CAP Trung Tự, quận Đống Đa (Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến các vụ phạm pháp hình sự nghiêm trọng.
CAP Trung Tự và bảo vệ dân phòng tuần tra, đảm bảo ANTT trên địa bàn
Ngày 20-8, qua công tác mật phục tại ngõ 4C phố Đặng Văn Ngữ, CAP Trung Tự phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn vào cửa hàng bán thẻ điện thoại ở gần đó. Nhóm này dùng thủ đoạn vờ hỏi mua thẻ điện thoại, rồi lợi dụng sơ hở của chủ cửa hàng để cướp giật tài sản. Khi chúng vừa thực hiện hành vi phạm tội, các chiến sỹ CAP Trung Tự đã tổ chức lực lượng bắt giữ. 2 ngày sau, qua công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn, CAP Trung Tự phát hiện một số đối tượng lén lút ra vào quán cà phê Phố 2, ở nhà D1 – tập thể Trung Tự với nhiều biểu hiện nghi vấn tụ tập đánh bạc.
Tiến hành các biện pháp trinh sát, CAP Trung Tự nắm được các đối tượng trên vào quán cà phê để chơi bài lá ăn tiền. 16h15 cùng ngày, CAP Trung Tự phối hợp với một số cán bộ cơ sở và bảo vệ dân phòng đã bất ngờ kiểm tra quán cà phê Phố 2, phát hiện và bắt quả tang 8 đối tượng đang tổ chức đánh bạc dưới hình thức chơi “sâm” và đánh “tá lả”.
Ngoài 2 vụ phạm pháp hình sự nêu trên, trong các ngày từ 20 đến 29-8, CAP Trung Tự đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến các vụ cố ý gây thương tích và tàng trữ trái phép chất ma túy. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng CAP Trung Tự cho biết: “Phường Trung Tự có nhiều tuyến phố thông sang các khu vực giáp ranh phức tạp về ANTT, nên tình hình hoạt động của tội phạm lưu động có nhiều diễn biến phức tạp.
Video đang HOT
Nắm được tình hình đó, CAP Trung Tự thường xuyên bố trí lực lượng mật phục tại các tuyến, khu vực phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT trên địa bàn để kịp thời phát hiện và chủ động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm”. Trưa 29-8, qua công tác trinh sát mật phục tại khu vực cổng bệnh viện trường Đại học Y, phố Tôn Thất Tùng, các trinh sát hình sự CAP Trung Tự phát hiện một nam thanh niên lang thang ở đây với biểu hiện hoạt động liên quan đến ma túy. Tiến hành kiểm tra, các chiến sỹ công an phát hiện và thu giữ trong người đối tượng một lượng lớn heroin. Qua khai thác, đối tượng khai nhận đã mua heroin, mang về khu vực phố Tôn Thất Tùng để bán cho các “con nghiện” quen.
Trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hà về công tác phát động nhân dân tham gia tố giác tội phạm của CAP Trung Tự, chúng tôi được biết đơn vị này đã nhận được hàng nghìn tin liên quan đến ANTT do nhân dân cung cấp, tính từ đầu năm 2012 đến nay. “Để thu thập được nhiều nguồn tin do nhân dân cung cấp, CAP Trung Tự đã thường xuyên bám sát địa bàn, tích cực vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm và các tệ nạn xã hội. Ở đây, mỗi cán bộ cơ sở là một kênh thông tin quan trọng, tiếp nhận và thu thập nhiều nguồn tin của nhân dân rồi cung cấp cho CAP phân tích, sàng lọc, phục vụ công tác phát hiện và bắt giữ tội phạm” – Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Từ nguồn tin do nhân dân cung cấp, CAP Trung Tự đã phối hợp với CAH Vụ Bản, tỉnh Nam Định phát hiện và bắt được đối tượng truy nã can tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, đang lẩn trốn ở huyện Vụ Bản. Cũng từ nguồn tin do nhân dân ở khu nhà B5 tập thể Trung Tự cung cấp, cuối tháng 8-2012, CAP Trung Tự đã nhanh chóng phát hiện và bắt được nhóm côn đồ gây ra vụ cố ý gây thương tích đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 người bị thương tích rất nặng tại trước sân khu nhà B5, tập thể Trung Tự.
Theo VNN
Có người coi tu bổ là dịp "kiếm"
Tiếp tục câu chuyện về những "thảm họa tu bổ di tích"- mà gần đây nhất là chùa Trăm Gian, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng Họa sĩ, Kiến trúc sư Lý Trực Dũng - một trong những người gắn bó lâu năm với nghề trùng tu.
- PV: Liên tục có những sai phạm trong việc tu bổ di tích, đặc biệt là các di tích kiến trúc gỗ, phải chăng hệ thống các văn bản pháp quy của ta còn thiếu chặt chẽ, thưa ông?
- Kiến trúc sư Lý Trực Dũng: Hành lang pháp lý của chúng ta đã có, chặt chẽ là đằng khác, chỉ có điều, những người thực hiện nó có nghiêm túc hay không mà thôi. Ý tôi là, đang có vấn đề ở khâu thực thi. Nếu bây giờ, lật hết văn bản pháp lý về trùng tu di tích, tôi nghĩ sai sót nhỏ cũng khó mà "lách" được, chứ chưa nói đến việc "động trời" như ở chùa Trăm Gian. Tôi nói ví dụ thế này, nhà sư trụ trì chùa Một Cột từng than phiền rằng, chỉ xin sửa một cái mái dột thôi cũng phải đủ các loại văn bản giấy tờ, rất nhiêu khê. Nếu nó là một công trình dân sinh bình thường thì việc này đơn giản lắm. Nhưng đã là di tích là phải nghiêm túc, phải có quy trình hẳn hoi. Ví dụ có thay ngói thì cũng phải xem là ngói gì, kích cỡ ra sao để tránh không có những "dị vật" lọt vào công trình kiến trúc cổ.
- Thưa ông, lâu nay người ta cứ than phiền thiếu nhân lực trong trùng tu tôn tạo. Là một người trong nghề, ông thấy, vấn đề nhân lực có thực sự khan hiếm không?
- Một số đồng nghiệp mà tôi biết, họ rất có kinh nghiệm trong việc tu bổ di tích kiến trúc gỗ. Họ nghiêm túc trong nghề, oái oăm là nghiêm túc lại luôn bị "bật bãi". Họ hầu như không nhận được công trình, nếu họ làm theo đúng lương tâm. Di tích lịch sử không phải là nơi bám vào để làm tiền, để kinh doanh, để nhận "hoa hồng". Nhưng xin lỗi là tôi phải nói thẳng, một số người đã coi đó là một nơi để thu lợi bất chính. Tôi đã từng sang Đức, Nhật, Lào, Campuchia... để học cách tu bổ của các chuyên gia nước ngoài. Kỹ thuật thì mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau, nhưng họ cùng có điểm chung, đã là di tích thì không thể xâm phạm. Tôi từng có chuyến công tác tại Myanmar, giữa Thủ đô là một ngôi chùa được làm từ 8 tấn vàng, trên trần khảm rất nhiều ngọc, rồi kim cương... Có cái lạ, câu đầu tiên của những người Việt Nam khi đến thăm di tích này thắc mắc là "Không mất cắp à?". Tất nhiên người Myanmar họ cũng có hình thức bảo vệ, nhưng cái mà du khách thấy được là sự tự giác. Với họ, đó là thứ tôn giáo nghiêm túc, chứ không phải thứ mượn tôn giáo để làm tiền.
- Có nhà nghiên cứu đã đau đớn thốt lên rằng, tu bổ đôi khi cũng là hình thức xâm hại, ông có đồng tình với quan điểm này?
- Tôi xin nói thẳng, có một số người, nhân danh văn hóa, sửa chữa công trình rồi "ăn cắp" một cách trắng trợn. "Ăn cắp" bằng cách nào? Đáng lẽ không cần hạ giải thì lại hạ giải. Để làm gì? Để đẩy số tiền tu bổ càng lớn càng tốt. Trong nghề tu bổ, người ta rất kỵ chuyện hạ giải. Dỡ cả một công trình từng tồn tại đến mấy trăm năm chuyện vỡ, hỏng sẽ rất nhiều. Có những loại gạch, từ thế kỷ 17 hay gần hơn là thế kỷ 19, giờ mình không thể làm lại được. Bây giờ, một số công ty tư vấn kiến trúc rất hay hạ giải, cấu kiện cũ không được tái sử dụng, và rồi lại thêm một lần tiền để phục hồi lại hoa văn họa tiết cũ. Càng vẽ ra nhiều hạng mục, kinh phí càng cao. Điều tôi nói đó là một sự thật, từ lâu những người làm nghề đều rõ cả. Và nữa, cần phải giải quyết được tình trạng "hoa hồng". Nếu không sẽ có nhiều di tích ở Việt Nam lâm nguy.
- Thực tế có không ít trường hợp, các di tích chờ tu bổ trong mòn mỏi và cực chẳng đã, họ mới phải làm cái chuyện "vượt rào"?
- Chuyện này, tôi nghĩ phải cần có sự giúp đỡ của truyền thông. Để chùa, đình, đền xuống cấp những người có liên quan phải bị buộc trách nhiệm. Phải rõ ràng rằng, một hồ sơ xin cấp phép tu bổ, cơ quan cấp phép buộc phải trả lời có được tu bổ hay không, nếu không thì tại sao. Và thời hạn buộc phải trả lời cho từng hồ sơ là bao nhiêu ngày. Không thể để mãi tình trạng chùa dột, xin sửa mà chờ cả tháng trời trong khi mùa mưa bão đến gần. Tôi từng chứng kiến có ngôi chùa sắp sập, sư cụ phải cho người mang cột tre vào chống. Khổ lắm! Trong khi mãi không được cấp phép. Hiện di tích được quản lý theo kiểu phân cấp, phân cấp không có nghĩa là địa phương toàn quyền. Đến khi có chuyện lại bảo tôi phân cấp rồi, không quản lý là có tội với các di tích đấy.
- Thưa ông, vậy chúng ta phải làm gì để cứu di sản?
- Ngoài việc cố gắng giữ gìn những gì mà cha ông để lại, tôi nghĩ ngay lúc này, cơ quan điều tra cần phải vào cuộc để xác định xem ở những cuộc "đại trùng tu" phần nhiều mang tính hồn nhiên, những người thực thi có thực sự hồn nhiên hay không? Hay đó là sự hồn nhiên có lợi? Chỉ có tách bạch giữa hồn nhiên và mưu lợi cá nhân trong việc tu bổ di tích, thì lúc đó di sản mới qua được nạn "bạ đâu cũng trùng tu tôn tạo"!
Theo ANTD
Nhiều "khuất tất" sau vụ "bức tử" ngôi chùa Trăm Gian nghìn tuổi Hàng loạt hiện vật quý giá của chùa đã biến mất hoặc bị đập phá qua các lần trùng tu trước đây. Sau câu chuyện trùng tu ngôi chùa nghìn tuổi, nhiều câu chuyện "khuất tất" đã được hé lộ. Sự việc Nhà Tổ và Gác Khánh của chùa Trăm Gian bị "bức tử" khiến dư luận bức xúc đã được xác định...