Chủ động phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ
Trong thời gian mang thai người phụ nữ có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có đái tháo đường thai kỳ.
Vậy phụ nữ mang thai cần có các biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ như thế nào, cần áp dụng cách gì để ứng phó với tình trạng này…
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, được phát hiện trong thời kỳ mang thai. Đái tháo đường thai kỳ chính là một thể bệnh của đái thái đường, chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai (khởi phát trong khi có thai và tự khỏi sau khi sinh). Nếu trong vòng 6 tuần sau khi sinh, người mẹ đái tháo đường thai kỳ chưa khỏi bệnh thì lúc này không được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ nữa mà thuộc thể bệnh đái tháo đường týp 1, týp 2, đái tháo đường do dinh dưỡng hoặc đái tháo đường triệu chứng. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ một cách chắc chắn nhất là chẩn đoán hồi cứu sau khi sinh 6 tuần.
Phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn uống lành mạnh phòng mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Khi mang thai, một số hormon như cortisol, estrogen, lactogen… tăng lên, làm giảm hoạt động của insulin. Tình trạng này gọi là kháng insulin. Đôi khi, tuyến tụy phải sản sinh lượng insulin tăng gấp 3 lần so với trước khi mang thai để chống lại hiện tượng này. Trong trường hợp tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, lượng glucose trong máu sẽ không thể chuyển hóa thành năng lượng cho tế bào. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Những phụ nữ có nguy cơ cao nhất là những người đang mắc bệnh đái tháo đường hoặc đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó hay những người sinh một hay nhiều con có cân nặng sơ sinh trên 4kg. Những phụ nữ thừa cân và những phụ nữ từng sảy thai hay tiền sản giật cũng có nguy cơ cao. Ngoài ra, những nhóm phụ nữ cũng có nguy cơ như các bà mẹ lớn tuổi (có khuynh hướng phát triển bệnh đái tháo đường do tuổi tác), phụ nữ mắc bệnh tăng huyết áp, phụ nữ có cha/mẹ hay anh/chị em ruột từng phải tiêm insulin.
Những nguy cơ…
Tăng đường huyết ở phụ nữ mang thai sẽ gây nên tiền sản giật (tăng huyết áp, phù…) nếu không được kiểm soát tốt đường huyết. Tăng huyết áp ở người mẹ sẽ de dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng nồng độ ceton máu của người mẹ, bởi vậy thai nhi cũng bị tăng ceton máu – một yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển bình thường của thai nhi.
Tăng đường máu trong thời kỳ mang thai còn làm tổn hại đến thai nhi, gây ra những bất thường bẩm sinh, thai to hoặc sảy thai. Trong 6 tháng cuối của thời kỳ mang thai, nếu người mẹ bị tăng đường huyết cũng gây tăng đường huyết cho thai nhi và gây ra tình trạng tăng insulin ở thai nhi. Sau khi sinh, do trẻ không nhận được lượng đường nhiều như khi còn đang ở trong tử cung của mẹ nữa, sự dư thừa insulin sẽ làm cho đường máu của trẻ dưới mức bình thường. Hạ đường máu ở trẻ rất dễ gây tổn thương các tế bào thần kinh não bộ nếu không được điều trị kịp thời.
Video đang HOT
Thai của những người mẹ đái tháo đường có xu hướng to hơn bình thường nên rất dễ có nguy cơ bị đẻ non. Do đẻ non nên trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Một vài lưu ý khi bị đái tháo đường thai kỳ
Nhìn chung, cũng giống như can thiệp cho những người bệnh đái tháo đường không mang thai, với ba biện pháp chính bao gồm chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc.
Việc đầu tiên, người bệnh phải thực hiện chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của người mẹ được cung cấp phải tùy thuộc vào trọng lượng trước khi có thai cũng như tình trạng tăng cân kể từ lúc mang thai và tùy thuộc vào việc đánh giá nhu cầu năng lượng trước đó. Qua đó, thầy thuốc mới tìm được nhu cầu thích ứng cụ thể với từng người bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Đối với đái tháo đường thai kỳ thì việc tập luyện phải hết sức thận trọng. Khi đang tập luyện, người bệnh cảm thấy mệt mỏi phải ngừng tập và cần được nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào cũng cần có sự thảo luận giữa bệnh nhân và thầy thuốc để lựa chọn hình thức và thời lượng tập luyện thích hợp nhất. Người phụ nữ đái tháo đường thai kỳ có thể luyện tập ở mức trung bình và tránh một số hoạt động nhất định cho đến sau khi sinh nở. Trong tập luyện, người bệnh cần giữ nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút, không nên để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài và tránh tập luyện quá sức. Cũng như các bà mẹ mang thai khác, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nên đi bộ hoặc bơi lội nếu có điều kiện.
Đái tháo đường thai kỳ là một thể bệnh của đái thái đường, chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai (khởi phát trong khi có thai và tự khỏi sau khi sinh).
Khi bị đái tháo đường thai kỳ, người mẹ cần chú ý đến thực phẩm và thời điểm ăn. Nên thực hiện đúng lời khuyên của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ngoài ba bữa ăn chính trong ngày, bạn cần ăn thêm 2 đến 3 bữa ăn vặt vào cùng thời điểm mỗi ngày. Nên dùng các loại carbohydrat (tinh bột) hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ…. Hạn chế hoặc không dùng thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ, mỡ, nội tạng động vật. Bạn không cần ăn kiêng, ngược lại cần đảm bảo nguồn thực phẩm đa dạng đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cả mẹ và con.
Ngoài ra, bạn nhớ tập thể dục đều đặn để giúp cơ thể điều hòa glucose trong máu. Nếu chế độ tập luyện và ăn uống vẫn không kiểm soát được đường huyết, bắt buộc người bệnh phải dùng thuốc. Người bệnh đái tháo đường thai kỳ phải được điều trị bằng insulin với liều lượng do bác sĩ chỉ định, cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị, tránh gây hạ đường huyết và các tai biến khác.
Và phòng tránh
Giữ đường huyết ổn định: Cách tốt nhất để phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ là giữ lượng đường trong máu ở mức cân bằng, tránh nguy cơ tăng đường huyết trong giai đoạn mang thai. Bước đầu tiên để ngăn chặn đái tháo đường thai kỳ là cần tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh như tình trạng béo phì, có tiền sử bị bệnh ở lần mang thai trước, có người trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường…
Giữ thói quen vận động: Tập thể dục trước và trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ chống lại việc phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ăn các thực phẩm lành mạnh. Chọn thực phẩm đa dạng với nhiều chất xơ, ít chất béo và calo. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
Giảm cân hợp lý trước khi mang thai chứ không nên giảm cân trong thời kỳ mang thai vì cơ thể phải làm việc nhiều để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Khi có thai cần đi khám thai đúng lịch, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường máu để có thể có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo SK&ĐS
Mẹ bầu bị đái tháo đường nguy hiểm khôn lường
Theo thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Hữu Chức (Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, được phát hiện trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ ở thai phụ không mắc sẵn đái tháo đường týp 1 hoặc 2...
Ảnh minh họa.
Bác sĩ Chức cho biết đái tháo đường thai kỳ nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi: trong thời kỳ mang thai, ngay sau sinh và lâu dài về sau.
Vì vậy, tất cả các thai phụ trong quá trình mang thai cần được sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt là ở nhóm thai phụ có nguy cơ cao.
Theo các nghiên cứu, khoảng 15% phụ nữ có thai có thể mắc đái tháo đường thai kỳ trên thế giới. Chủng tộc người châu Á có tỷ lệ mắc cao hơn các chủng tộc khác. Ở Đông Nam Á: 7,6% ở thai phụ có nguy cơ thấp, 31,5% ở thai phụ có nguy cơ cao.
Tần suất đái tháo đường thai kỳ cùng với đái tháo đường týp 2 ngày càng tăng.
Hiện tượng đái tháo đường thai kỳ do khi có thai, nhau thai mẹ tiết ra Lactogen, Estrogen, Prolactin gây ra hiện tượng tăng tiết insulin và kháng insulin. Nồng độ các hormone tăng dần, đạt đủ lớn để gây bệnh ở tuần thứ 24 - 28 thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai. Ví dụ, ở ba tháng đầu thai kỳ: Đây là giai đoạn hình thành các cơ quan, khi đường máu của mẹ tăng sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các dị tật bẩm sinh.
Ba tháng giữa thai kỳ là giai đoạn phát triển và trưởng thành của các cơ quan, đặc biệt là não bộ của thai. Khi có ceton trong máu của mẹ sẽ ảnh hưởng lên trí tuệ của đứa trẻ về sau.
Ba tháng cuối: Đường máu của mẹ tăng làm tăng đường máu của con sẽ kích thích tụy thai tăng sản xuất insulin gây thai to.
Đái tháo đường thai kỳ rất nguy hiểm, bác sĩ Chức chia sẻ đối với người mẹ hậu quả trước mắt gây ra tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, đa ối, sảy thai, thai lưu, đẻ non, nhiễm trùng tiết niệu, chấn thương tầng sinh môn, vết mổ rộng do thai to.
Hậu quả lâu dài của đái tháo đường thai kỳ đó là những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2. Tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần có thai sau.
Còn đối với thai nhi và trẻ sơ sinh người mẹ bị đái tháo đường tuyp 2 thai nhi có cân nặng lớn, thai chậm phát triển trong tử cung. Đái tháo đường thai kỳ gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh do bệnh màng trong, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết trong những ngày đầu sau đẻ, hạ calci máu, đa hồng cầu, tăng Billirubil máu, dị tật bẩm sinh: tim mạch, thần kinh.
Về lâu dài những đứa trẻ này thường có nguy cơ béo phì, kém phát triển trí tuệ và có nguy cơ mắc đái tháo đường týp 2.
Bác sĩ Chức khuyến cáo đái tháo đường thai kỳ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời mang đến nhiều biến chứng cho cả mẹ, thai nhi, trẻ sơ sinh trong thời kỳ mang thai, sau đẻ. Các biến chứng đều có thể dự phòng được nếu kiểm soát đường huyết tốt, do đó việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Theo infonet
Bệnh tiểu đường và cách điều trị hiệu quả Hiện nay tiểu đường được xem là căn bệnh ngày càng phổ biến và đặc biệt rất nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện để điều trị thì có thể gây ra những biến chứng về sau. Bệnh tiểu đường và cách điều trị hiệu quả Bệnh tiểu đường (tên tiếng anh: Diabetic) còn được gọi là đái tháo đường, được xem...