Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường học
Trường học là nơi tập trung đông người, nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan, nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh, cũng như kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh (HS).
Xác định rõ điều này, thời gian qua, các ngành y tế, giáo dục và các địa phương đã chủ động phối hợp, tăng cường phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trong trường học.
Vệ sinh đồ dùng bán trú tại Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa).
Năm học 2019-2020, Trường THPT Lang Chánh có gần 1.200 HS. Để công tác phòng, chống dịch bệnh mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện cho HS phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên phải thực hiện nghiêm các quy trình, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
Nhắc nhở, hướng dẫn HS thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, có ý thức bảo vệ môi trường học đường. Đồng thời, thường xuyên làm vệ sinh lau dọn phòng học, khuôn viên trường, lớp, khử khuẩn dụng cụ học tập. Đặc biệt, với gần 200 HS ở ký túc xá nên nhà trường luôn chú trọng công tác môi trường khu vực nhà ăn, phòng ở, chăn, màn, gối, chiếu của HS và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn.
Thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức khám sức khỏe định kỳ, để nắm bắt tình trạng sức khỏe của HS. Thầy giáo Nguyễn Đình Bảy, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh cho hay: Nhờ làm tốt công tác phòng, chống nên nhiều năm qua, nhà trường không để xảy ra dịch bệnh.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tập thể sư phạm nhà trường đang nỗ lực hết mình, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn của ngành chức năng và theo kế hoạch của nhà trường nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong nhà trường.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động dạy và học, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) luôn quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Cô giáo Đỗ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình chia sẻ: Với hơn 1.400 HS, trong đó có 1.200 HS ăn bán trú tại trường, do vậy ngoài công tác chuyên môn, hoạt động phòng, chống dịch bệnh được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Video đang HOT
Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường, lớp, hướng dẫn HS vệ sinh cá nhân theo đúng quy trình; nhà trường còn tăng cường tuyên truyền cho giáo viên và phụ huynh HS các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là một số bệnh thường gặp như tay, chân, miệng; sốt xuất huyết; tiêu chảy; sởi, các bệnh đường hô hấp…
Đồng thời, nhắc nhở giáo viên hướng dẫn cho HS khi mắc bệnh, hoặc phát hiện trong trường có người mắc một trong những bệnh có thể lây lan thành dịch, phải thông báo ngay cho y tế trường để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, hằng năm, nhà trường đều tổ chức phun thuốc hóa chất khử trùng ít nhất 2 lần trong và ngoài khuôn viên nhà trường; chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức các buổi giáo dục, truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Riêng với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong suốt thời gian HS nghỉ học, cán bộ, giáo viên nhà trường đều được phân công lịch trực hằng ngày.
Ngoài theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của HS, đều đặn hằng tuần, nhà trường huy động giáo viên thực hiện tổng vệ sinh toàn trường. Phương châm của nhà trường là mỗi giáo viên phải tự bảo đảm lớp học của mình luôn sạch sẽ, thoáng mát; các đồ dùng học tập, đồ dùng bán trú, đồ dùng cá nhân của HS đều được khử khuẩn thường xuyên, bảo đảm an toàn, không để phát sinh mầm bệnh.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), không chỉ Trường Tiểu học Ba Đình hay Trường THPT Lang Chánh, hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đều chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả năm học nhằm bảo đảm sức khỏe cho HS. Đơn cử như để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cách phòng, chống cho cán bộ, giáo viên, HS về dịch bệnh; các trường học trong tỉnh đã lắp đặt mới 24.566 vòi nước rửa tay bằng xà phòng.
Trong đó, các trường khối phòng GD&ĐT lắp đặt 22.597 vòi; khối các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên lắp đặt 1.969 vòi. Ngoài lắp đặt vòi nước rửa tay bằng xà phòng, các trường còn trang bị hàng chục nghìn bình dung dịch sát khuẩn để cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS sử dụng sau mỗi tiết học; trang bị gần 1.000 máy đo thân nhiệt để kiểm tra, nắm bắt tình hình sức khỏe HS và giáo viên…
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài các nhóm bệnh về tiêu hóa, da, hô hấp, mắt… nhiều dịch bệnh mới phát sinh có nguy cơ lây lan nhanh và nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Điển hình như: Sốt xuất huyết, dịch cúm do virut, chân tay miệng… đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, với sự chủ động cùng những giải pháp tích cực của ngành chức năng, các đơn vị trường học, tin tưởng, các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ không để xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên, HS trong quá trình giảng dạy, học tập và rèn luyện.
Bài và ảnh: Phong Sắc
Theo baothanhhoa
Trường học chật vật tìm mua nhiệt kế điện tử
Trong khi một số địa phương đã trang bị hàng trăm nhiệt kế điện tử cho trường học, vẫn còn nhiều nơi chật vật mua từng chiếc do khan hiếm và giá thành tăng cao.
Ảnh minh họa
Giám sát chặt cán bộ, giáo viên, học sinh đến từ vùng có dịch
Chiều 25/2, Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến đến 31 điểm cầu để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, định hướng chỉ đạo về công tác giáo dục và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh đi học trở lại theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội. Theo ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, dù công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai lớp lang, chu đáo tới các cơ sở giáo dục nhưng Sở vẫn tổ chức thêm hội nghị để lắng nghe các địa phương cũng như tiếp tục cung cấp các thông tin cần thiết để các nhà trường làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch.
Ông Dũng cho biết, hiện cơ quan chức năng đang phối hợp cùng các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc thống kê số lượng cán bộ giáo viên và học sinh đi qua vùng dịch bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Italia và một số nước Đông Nam Á tính từ sau ngày 10/2.
Đến nay, theo thống kê cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ mầm non, học sinh đã đến và đi từ vùng có dịch (Trung Quốc) có 69 người. Trong đó cán bộ, giáo viên, nhân viên 2 người; trẻ mầm non và học sinh 67 người. Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên và học sinh mang quốc tịch Trung Quốc đang làm việc và học tập tại các trường học là 7 giáo viên và 130 học sinh.
Trong đó, về Trung Quốc ăn Tết đã trở lại Việt Nam 2 cán bộ giáo viên và 49 học sinh; về Trung Quốc ăn Tết chưa trở lại Việt Nam 10 học sinh; ở lại Việt Nam ăn Tết 5 cán bộ giáo viên và 71 học sinh.
Chuẩn bị nhiệt kế điện tử để kiểm tra sức khỏe cho học sinh
Bà Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, các trường cần thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, chuẩn bị đủ cơ số thuốc theo quy định. Trong trường hợp nhà trường không có cán bộ y tế, cần chủ động kết nối với cơ quan có thẩm quyền để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Ngoài ra, nhà trường cần chuẩn bị nhiệt kế điện tử để tiến hành kiểm tra thường xuyên sức khỏe các học sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng căn bản cho cán bộ, học sinh trong trường.
Điều đáng nói, trong hội nghị, bên cạnh một số địa phương đã trang bị hàng trăm chiếc nhiệt kế điện tử để cung cấp cho trường học đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp, nhiều cơ sở giáo dục vẫn chật vật tìm mua từng chiếc. Đơn cử như ở huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện cho biết, các trường đã chuẩn bị bồn rửa có xà phòng, học sinh sẽ vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi vào lớp. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất đang gặp khó khăn về nguồn cung nhiệt kế điện tử. "Chúng tôi đang cố gắng mỗi trường có 3 - 5 chiếc để đo thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cho các học sinh" - ông Hồng nói.
Tương tự, ở huyện Quốc Oai, theo chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT, hiện địa phương rất khó tìm mua được nhiệt kế điện tử để trang bị cho nhà trường do đắt, khan hiếm. Cũng theo ông Thắng, Quốc Oai có 34 người ở diện theo dõi, hiện chỉ còn 7 người trong diện cách ly (6 đến từ Vĩnh Phúc, 1 Hàn Quốc mới về).
Hà Nội chuẩn bị triển khai lớp học trực tuyến cho khối 11, 12
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các cơ sở giáo dục, các phòng GD&ĐT nghiêm túc thực hiện các quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP, các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; tổ chức chuẩn bị chu đáo môi trường giáo dục an toàn để đón các học sinh trở lại
Chuẩn bị chương trình học nối tiếp quãng thời gian nghỉ và tiến hành xem xét lùi các kỳ thi theo quyết định mới của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết, sẽ triển khai chương trình học trực tuyến ở khối 11 và 12 trên toàn TP. Trước đó, ngành giáo dục Thủ đô đã thực hiện các lớp học trực tuyến ở khối 8, 9 ở một số môn học cơ bản.
Theo kinhtedothi
Hà Nội: Phun khử trùng cho tất cả 3.000 trường học trên địa bàn để phòng, chống dịch do virut corona Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu phun khử trùng cho tất cả 3.000 trường học trên địa bàn để phòng, chống dịch do virut corona. Sáng ngày 30/1, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virút corona (nCoV) với sự tham gia của lãnh đạo 30 quận, huyện, thị...