Chủ động phòng, chống để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra
Từ đầu tháng 10 đến nay, bão, mưa, lũ dồn dập xảy ra tại một số tỉnh miền trung với nhiều con số kỷ lục về lượng mưa, mức lũ.
Tuy chúng ta đã chủ động phòng, chống, nhưng tính đến ngày 2-11, thiên tai đã làm 166 người chết, 64 người mất tích cùng rất nhiều thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng. Ngoài những nguyên nhân khách quan, thì cũng có không ít nguyên nhân chủ quan, cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong phòng, chống thiên tai…
Những ngôi nhà phao chống lũ tại huyện Minh Hóa ( Quảng Bình) đã giúp người dân tự chủ được chỗ trú ẩn an toàn. Ảnh: HOÀNG NAM
Mưa, lũ lớn bất thường
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tỉnh khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã phải hứng chịu một lượng mưa lớn chưa từng thấy. Tổng lượng mưa đo được cả đợt từ 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao gấp ba đến năm lần so trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Tại một số nơi, lượng mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử như Khe Sanh 2.451 mm so TBNN là 329 mm, Huế 2.370 mm so TBNN là 494 mm… Phổ biến, lượng mưa nhiều nơi đã vượt so TBNN từ 100 đến 200%, thậm chí ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhiều nơi còn vượt 300 đến 400% so TBNN.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đợt thiên tai vừa qua khốc liệt hơn đợt thiên tai lịch sử năm 1999 xảy ra ở miền trung. Chỉ trong hơn 20 ngày kể từ 10-10, đã có bốn cơn bão liên tiếp ập vào các tỉnh miền trung, trong đó bão số 9 có cường độ mạnh nhất trong 20 năm qua, lượng mưa cũng lớn hơn cơn bão năm 1999. Riêng tại Trung Trung Bộ, do mưa lớn liên tiếp từ hoàn lưu các cơn bão số 6, 7, 8 đã gây lũ chồng lũ khắp các sông suối hầu hết mực nước vượt qua mức lũ lịch sử các năm 1979, 1999. Lũ lên cao cùng với tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nơi đã làm 130 người chết và 18 người mất tích, trong đó, riêng sạt lở đất làm chết 64 người… Trong khi các tỉnh Trung Bộ đang gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai thì bão số 9 đổ bộ vào vùng Nam Trung Bộ, làm 36 người chết và 46 người mất tích, trong đó riêng tỉnh Quảng Nam có 27 người chết, 20 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất. Hoàn lưu bão gây mưa to ảnh hưởng ra tận Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, gây thiệt hại không nhỏ tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của bão trong tháng 10 đã làm hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, hư hỏng; hàng triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông khiến công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thêm khó khăn. Điều đáng lo ngại là, rạng sáng 2-11, cơn bão Goni sau khi tràn qua Phi-li-pin đã tiến vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10, hướng đổ bộ dự báo lại là Nam Trung Bộ…
Thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường
Đợt lũ lụt khủng khiếp tại miền trung tháng 11-1999 được xác định là đợt lũ lịch sử, cao nhất từ trước đến thời điểm đó xảy ra do tác động của không khí lạnh mạnh kết hợp dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới. Lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, làm 595 người chết và thiệt hại tài sản lên đến gần 3.800 tỷ đồng. Thế nhưng đợt mưa lũ vừa qua tại miền trung với nhiều con số thống kê còn cao hơn cả đợt mưa lũ năm 1999. Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, diễn biến thiên tai trong thời gian vừa qua cho thấy thời tiết ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. Chúng ta chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng, nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn, nhiều mưa lớn cục bộ, lũ lụt sâu, diện rộng và kéo dài. Trên các sông từ Hà Tĩnh đến bắc Bình Định và Kon Tum đã xuất hiện liên tiếp hai đợt lũ. Trong đó, một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu (Quảng Trị) tại Đông Hà là 4,69 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m; ngay sau đó, ngày 18-10, đỉnh lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà là 5,36 m, vượt qua mực nước lịch sử vừa được thiết lập; đỉnh lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) là 5,24 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 m; đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 7,4 m, đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,11 m.
Lý giải về việc mưa lũ ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan, đồng chí Mai Văn Khiêm cho biết thêm, từ đầu năm 2020, do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina, thời tiết ở các khu vực trong cả nước có những diễn biến khá phức tạp, nắng nóng gay gắt đầu năm, bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm. Trong khi các tỉnh miền trung đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa, lũ thì theo dự báo, từ nay cho đến hết năm, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng ba đến năm cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng hai đến bốn cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam. Bài học kinh nghiệm từ những đợt mưa, lũ trước, cùng thực tiễn cho thấy, chủ động phòng, chống tốt luôn là giải pháp tối ưu để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Không thụ động trước thiên tai
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, công tác phòng, chống thiên tai đã được hết sức chú trọng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp quyết liệt phòng, chống nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngay từ đầu năm 2020, tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo sẽ có năm đến sáu cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền trung. Đã được cảnh báo sớm, nhưng đợt thiên tai vừa qua, các địa phương vẫn bị thiệt hại nặng nề. Vậy đâu là nguyên nhân?
Thực tế cho thấy, mặc dù đợt mưa, lũ vừa qua diễn ra bất ngờ và lớn hơn nhiều so với các đợt mưa, lũ trước đây, nhưng thiệt hại về người do mưa lũ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong đợt mưa lũ này, lại có nhiều thiệt hại về người do sạt lở đất. Các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra một số nguyên nhân khách quan như do mưa, lũ lớn, kéo dài. Đặc biệt tình trạng sạt lở cực kỳ nghiêm trọng trên hệ thống đất đồi trước đó khô hạn, nay bị mưa lớn liên tục, trong khi rừng bị tàn phá và nhiều công trình thủy điện làm thay đổi hiện trạng địa hình khiến tình trạng thoát lũ không còn suôn sẻ…
Thứ hai về công tác cứu hộ, cứu nạn, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, nhiều năm qua, chúng ta đã giảm được cơ bản thiệt hại về người, tàu, thuyền trên biển mỗi khi bão đổ bộ. Chúng ta đã làm tốt công tác cảnh báo, thông báo, kêu gọi, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền trên biển. Trước, trong và sau lũ, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ hơn năm trăm nghìn người dân di chuyển đến nơi ở an toàn, hạn chế phần lớn thiệt hại do bão, lũ trực tiếp gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số tai nạn đáng tiếc khi tàu, thuyền bị chìm ở cửa sông, ở nơi neo đậu. Điển hình là vụ tám thuyền viên bị chìm, mắc kẹt trên tàu Vietship 01, tại biển Cửa Việt (Quảng Trị) trong những ngày đầu tháng 10-2020, ba ngày mới cứu được, sau khi phải huy động đến cả trực thăng và lực lượng đặc công nước. Điều đó cho thấy tính chuyên nghiệp, bài bản trong công tác cứu hộ, cứu nạn cần phải tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Tuy nhiên, lực lượng ứng phó chủ yếu vẫn là công an và quân đội. Chính vì vậy cần có lực lượng chuyên nghiệp, chính quy hơn, trang thiết bị hiện đại hơn để phù hợp với mọi điều kiện thời tiết. Có như vậy mới bảo đảm được an toàn cho các lực lượng cứu hộ. Ngoài ra, công tác bảo đảm an toàn cho chính lực lượng đi cứu nạn cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc như 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Hoặc vụ việc tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), do bảy người dân vẫn cố tình ở lại rừng khi mưa, lũ xảy ra, đến khi mất tích thì xã cấp tốc thành lập đoàn đi cứu hộ. Đáng buồn là đoàn cứu hộ này cũng bị tai nạn, chết người và bị cô lập khiến các cơ quan chức năng lại phải thành lập đoàn cứu hộ đi cứu hộ. Do đó, sau đợt mưa lũ, các bộ, ngành cần đánh giá một cách tổng thể, toàn diện những trọng điểm xung yếu, nơi có thể xảy ra sạt trượt đất để tìm ra giải pháp xử lý, khắc phục.
Thứ ba, thiệt hại về tính mạng con người do những đợt mưa lũ vừa qua chủ yếu là do sạt lở đất, nằm ngoài bản đồ cảnh báo sạt lở. Hiện, hơn 10 tỉnh có nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ sạt lở còn ở mức chung chung. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những chỉ đạo và đầu tư cho công tác này.
Thứ tư, trong và sau bão, lũ, công tác cứu trợ diễn ra sôi nổi, nhưng tại một số nơi vẫn chưa được tổ chức bài bản, để đạt hiệu quả cao. Mặc dù Nhà nước đã có cơ quan chuyên môn và hành lang pháp lý cho việc cứu trợ, nhưng thực tế những ngày qua cho thấy việc cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội vẫn chưa được bài bản, quy củ, dẫn đến tình trạng nơi thì dồn ứ hàng hóa cứu trợ, nơi thì không có…
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Để bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng lũ cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực và mang tính hiệu quả cao. Một trong những giải pháp mang tính khả thi để bảo đảm an toàn người và tài sản khi lũ lớn xảy ra đó là các căn nhà chống lũ. Thực tế cho thấy, gần 2.500 ngôi nhà phao chống lũ ở Quảng Bình đã giúp người dân tự chủ được chỗ trú ẩn an toàn, không những bảo vệ được tính mạng mà còn bảo đảm được tài sản cho người dân. Việc xây dựng những nhà phao chống lũ không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới mà còn chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Tính đến nay, hơn 3.250 ngôi nhà chống chịu bão, lụt đã được xây dựng tại năm tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa và hơn 800 ngôi nhà chống bão, lụt khác đang được lên kế hoạch xây dựng vào năm 2021.
Phút cân não dời quân trước khi dãy nhà đổ sập của vị đồn trưởng
Khi đơn vị di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn được khoảng 2 tiếng thì quả núi cách đó 100m sạt xuống, kéo theo cung trượt khiến khu vực đóng quân của Đồn Biên phòng bị sập.
CLIP nhà làm việc Đồn Biên phòng Cha Lo đổ sập
Đến bây giờ cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (đóng tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn chưa hết kinh hãi khi nhớ lại giây phút sạt lở núi khiến trụ sở đóng quân bị đổ sập.
Rất may mắn, toàn bộ quân số đã được cấp chỉ huy quyết định di dời trước khi xảy ra sự việc.
Sạt lún ở Đồn Biên phòng Quốc tế Cha Lo
Chậm chân, hậu họa khôn lường
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo cho hay, nắm bắt tình hình mưa lũ kéo dài, diễn biến phức tạp, khu vực miền núi Quảng Bình có hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nên Đồn đã chủ động kiểm tra địa chất ở các khu vực xung quanh đơn vị.
"10h sáng ngày 19/10, chúng tôi phát hiện có dấu hiệu sụt lún, tường nhà ở và làm việc có nhiều vết nứt dài gần 1m. Khoảng 2 tiếng sau, tiếp tục phát hiện các vết nứt lớn hơn ở các dãy nhà làm việc của đơn vị.
Sau khi phát hiện, đơn vị đã lập tức báo cáo về Bộ Chỉ huy xin chỉ đạo và đề nghị cho di chuyển ngay lập tức để phòng tránh nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng trước là đến tính mạng, sau là tài sản của đơn vị", Thượng tá Bổng kể.
Thượng tá Bổng (bìa phải) trong một lần đi kiểm tra trên rừng.
Một toà nhà đổ sập sau sự cố
Cũng theo lời Thượng tá Bổng, sau khi được sự nhất trí của Bộ Chỉ huy, lãnh đạo Đồn đã làm công tác di dời với phương châm di chuyển con người trước, sau đó đến vũ khí trang bị và cuối cùng là các loại vật chất khác.
"Khoảng 13h30, đơn vị bắt đầu sử dụng xe bán tải để di chuyển quân ra khỏi Đồn. Đến 17h15 thì hoàn tất công tác di dời. Tối đó, lúc 19h cả quả núi sạt xuống, kéo theo khu vực đóng quân của Đồn cũng sập theo.
Quá trình vận chuyển, thấy đường Quốc lộ 12A càng ngày càng rạn lớn nên đơn vị tạm ngừng di chuyển cơ sở vật chất, cho bộ đội về vị trí an toàn. Nếu không phát hiện và di chuyển kịp thời thì hậu quả khôn lường, vì cán bộ chiến sỹ đều ở trong các khu nhà đó", Thượng tá Bổng chia sẻ.
Dãy nhà ở và làm việc đổ sập hoàn toàn.
Cũng theo vị trưởng Đồn, vì hiện tượng sạt lở diễn ra quá nhanh nên đơn vị chỉ kịp thời đưa cán bộ chiến sỹ ra khỏi vùng nguy cơ sạt lún, di chuyển vũ khí trang bị. Còn các cơ sở vật chất sinh hoạt hàng ngày, doanh cụ doanh trại chưa kịp chuyển thì quả đồi đã sụt xuống.
Chia sẻ với VietNamNet, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, ngay khi nhận được điện báo của Đồn, đơn vị đã chỉ đạo di chuyển ngay lập tức, ưu tiên con người, quyết tâm không để xảy ra mất an toàn cho cán bộ, chiến sĩ.
Khu nhà làm việc sụt lún, chực sập bất cứ lúc nào.
"Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Quảng Bình đã lên phương án, trước mắt thông báo cho các đơn vị liên quan nắm sự việc. Ổn định tình hình nơi ăn, ở, sinh hoạt, làm việc cho bộ đội tại vị trí tạm thời", Đại tá Bình nói.
Sau khi xảy ra sự cố, Bộ chỉ huy đã chỉ đạo, tiếp tục kiểm tra, thống kê thiệt hại, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện sớm các dấu hiệu có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất... xung quanh doanh trại, kịp thời xử lý khi có tình huống.
"Làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tâm lý, khắc phục khó khăn thực hiện nhiệm vụ, dù trong hoàn cảnh nào cũng không để ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng", Đại tá Bình cho biết thêm.
Được biết, Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thành lập ngày 3/3/1959, trải qua nhiều vị trí, đến năm 1993 chính thức xây dựng Đồn ở vị trí hiện tại.
Khắc phục sự cố sạt lở, mở đường đón các đoàn cứu trợ vào 3 bản đồng bào Rục Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình vừa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khắc phục sự cố sạt lở đoạn đường vào 3 bản đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sau gần một ngày nỗ lực, tạm thời đã thông được tuyến đường độc đạo này, đủ để đi xe máy...