Chủ động phòng chống cúm gia cầm
Trong lúc toàn cầu ra sức chống lại đại dịch Covid-19 thì cúm gia cầm cũng bắt đầu bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Lần này chúng ta phải đối phó với 2 loại cúm gia cầm đó là H5N1 và H5N6. Cả hai đều có mức độ lây lan mạnh và có thể lây sang người. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu xuất hiện các thông tin về cúm gia cầm Việt Nam đã khẩn cấp ban hành các biện pháp đối phó.
Tình hình cúm gà tại nước ta
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm.
Tại Trung Quốc, ngày 1/2 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay họ đã phát hiện ra ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại một trang trại nằm ở Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam.
Trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con đã chết. Giới chức địa phương đã tiến hành tiêu hủy 17.828 gia cầm.
Thông tin về dịch cúm gia cầm được công bố trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc vẫn đang huy động mọi nguồn lực để kiểm soát virus Corona chủng mới gây nên bệnh viêm phổi lạ ở Hồ Bắc, tỉnh nằm sát ngay Hồ Nam. Chỉ cần một sự thiếu cẩn trọng, lơ là sẽ đủ tạo điều kiện cho dịch cúm A(H5N1) tái phát.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người. Ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona Covid-19 trên người đang xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Tại Việt Nam theo tìm hiểu, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, một số nơi trên cả nước mới chỉ xuất hiện A(H5N6). Ngay từ khi bắt đầu có thông tin về dịch cúm gia cầm nhà nước đã có những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời để giảm nguy cơ thiệt hại đến mức thấp nhất.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 2.397 con.
Tại Thanh Hóa có 23.000 gia cầm nhiễm cúm A(H5N6) đã bị tiêu hủy, tính đến trưa ngày 10/2, bệnh cúm gia cầm A(H5N6) đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi của 4 thôn, thuộc 2 huyện Nông Cống và Quảng Xương.
Dịch cúm A(H5N6) cũng đã xuất hiện trên đàn gia cầm tại Nghệ An. Trong sáng 7/2, chính quyền xã Quỳnh Hồng và cơ quan thú y tiến hành tiêu hủy 160 con ngan, gà của 2 gia đình bà Hồ Thị Tình và ông Hồ Hữu Thắng ở xóm Hồng Phú, thuộc xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu).
Nguy hiểm và thiệt hại
Cúm A(H5N1) gây nên bệnh hô hấp nghiêm trọng ở gia cầm và có khả năng lây nhiễm cho con người. Virus này lần đầu được phát hiện năm 1996 tại Trung Quốc và có thể làm gia cầm chết hàng loạt.
Video đang HOT
Từ năm 2003 dịch cúm gia cầm H5N1 đã làm 455 người tử vong trên thế giới. Trên thực tế, dịch cúm H5N1 đã gây thiệt hại lớn ở Việt Nam. Tháng 12/2003 Việt Nam thông báo ca đầu tiên nhiễm cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1. Chỉ trong vòng vài tháng bệnh này đã được phát hiện tại 57 trên 64 tỉnh, thành trên toàn quốc. Khoảng 44 triệu gia cầm, chiếm 17% tổng đàn gia cầm cả nước, đã bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch bệnh và các ca chết do dịch.
Dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và nền kinh tế nói chung. Thiệt hại kinh tế vào khoảng 250 triệu USD, tương đương 0,5% GDP. Ngoài ra, trong năm 2004 đã ghi nhận 15 trường hợp người chết và ngày càng có bằng chứng cho thấy virus có thể lây sang người. Đồng thời, từ năm 2004 – 2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 người chết vì cúm H5N1.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm có thể lây từ người qua người nhưng việc lây nhiễm không phải là dễ dàng. Theo trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, hầu hết các ca người nhiễm cúm A(H5N1) đều do một thời gian dài tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, cúm gia cầm cũng gây ra tỉ lệ tử vong cao với người, khoảng hơn 50% trong 15 năm qua (SARS là 10%, trong khi virus Corona chủng mới là hơn 2%).
Đối với A/H5N6; theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A(H5N6) gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như: Gà, vịt, ngan, chim cút… Đặc biệt bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và có khả năng gây tử vong cao.
Tại Hàn Quốc, năm 2016 kinh tế Hàn Quốc có nguy cơ mất hơn 1 tỷ USD do dịch cúm gia cầm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các lực lượng chức năng nước này đã tiêu hủy khoảng 20 triệu gia cầm trong bối cảnh dịch H5N6 đang hoành hành trên khắp nước này. Con số trên chiếm gần 25% quy mô đàn gia cầm hiện nay tại Hàn Quốc.
Chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hyundai dự đoán nếu 30% quy mô đàn gia cầm tại Hàn Quốc bị nhiễm dịch cúm gia cầm, các thiệt hại kinh tế gây ra ước tính lên đến 1.400 tỷ won (1,17 tỷ USD).
Tại Việt Nam, năm 2014 đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại một số tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gen của các mẫu virus cúm A(H5N6) phát hiện ở Việt Nam thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng virus cúm A(H5N6) gây bệnh trên người tại Trung Quốc.
Gần đây nhất năm 2019, bệnh dịch cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố với số gia cầm tiêu hủy 133.000 con.
Ảnh minh họa
Chủ động phòng dịch
Ngày 3/2, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
Bên cạnh đó, bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm A(H5N1) cũng như các loại cúm gia cầm khác, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Để phòng chống cúm gia cầm cần: Tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh, nguy cơ bị bệnh cao nhất là khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Vì vậy, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm cho dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không. Nếu gia đình có nuôi gia cầm thì khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi.
Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm, nếu phải giết mổ gia cầm thì cần tuân theo quy tắc an toàn như: Đeo khẩu trang, găng tay, cẩn thận để tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm. Sau khi mổ thì phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.
Giữ vệ sinh là khâu vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, trong đó quan trọng nhất là rửa tay. Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm… Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là tốt nhất vì xà phòng có khả năng sát khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.
Giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn bằng cách dùng riêng dao, thớt cho thức ăn sống và thức ăn chín. Thực phẩm cần nấu chín kỹ, nhất là thịt và trứng gia cầm, vì nếu không các vi khuẩn sẽ không chết đi và vẫn có khả năng gây bệnh.
Khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38oC), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bích Vân
Theo baophapluat
Thanh Hóa: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan thứ phát
Sáng 15/2, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp trực tuyến trên địa bàn toàn tỉnh để bàn về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) và dịch cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng gia súc.
Hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 (nCoV) đến sức khỏe con người
Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV), không để dịch bệnh lây lan thứ phát, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe con người, đến nền kinh tế.
Ngày 12/2/2020, đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh kiểm tra phòng cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh, Thanh Hóa là 1 trong 4 tỉnh mà Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 (nCoV). Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 (nCoV) ở Thanh Hóa đã qua 21 ngày, trên địa bàn tỉnh chưa có tình trạng lây lan thứ phát. Từ đầu đợt dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) đã khỏi và ra viện; 13 bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 (nCoV) (trong đó có 12 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 (nCoV), 1 bệnh nhân đang chờ kết quả, hiện đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn).
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân đầu tiên của Thanh Hóa điều trị khỏi COVID-19 (nCoV), hiện N.T.Tr (25 tuổi, quê Yên Định, Thanh Hóa) đã ra viện được 13 ngày, sức khỏe ổn định, bình thường, nhưng ngành Y tế Thanh Hóa vẫn yêu cầu, động viên N.T.Tr tiếp tục cách ly tại nhà và chỉ quay trở lại Công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc làm việc khi tỉnh Vĩnh Phúc công bố hết dịch. Hiện y tế địa phương vẫn đều đặn ngày 2 lần đến nhà của chị N.T.Tr để kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho chị N.T.Tr. và người nhà, cố gắng không để xảy ra tình hình bất ngờ...
Hiện tại Thanh Hóa có 5 bệnh nhân đi từ vùng dịch về đang được cách ly theo dõi tại bệnh viện, trong đó có 1 trường hợp người Thanh Hóa đi tàu biển từ Trung Quốc về Quảng Trị đang cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa; 3 người đi lao động về từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc) đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc.... Hiện sức khỏe của các trường hợp trên ổn định, chưa có dấu hiệu nguy hiểm.
Tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.365 lao động từ Trung Quốc về được cách ly tại gia đình và 888 người Trung Quốc được cách ly tại doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, có 1.692 người đã qua 14 ngày không có dấu hiệu của bệnh dịch, hiện còn lại 915 lao động từ Trung Quốc về đang được cách ly tại gia đình; 646 người Trung Quốc được cách ly tại các doanh nghiệp. Hệ thống y tế Thanh Hóa vẫn giám sát, theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của các trường hợp lao động Thanh Hóa từ Trung Quốc về và số lao động Trung Quốc cách ly tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, xử lý triệt để dứt điểm ngay từ khi có người bệnh nghi ngờ...
Để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 (nCoV), ngành Giáo dục Thanh Hóa đã có công văn cho hơn 800.000 học sinh các cấp học trong tỉnh tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo lại. Hiện 100% cơ sở giáo dục ở Thanh Hóa đã tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường học đường. Ngành Giáo dục cũng ghi nhận không có cán bộ, giáo viên, học sinh nào đã đến và đi từ vùng dịch, cũng như nghi nhiễm dịch COVID-19 (nCoV) gây ra. Suốt trong quá trình 2 tuần học sinh nghỉ học, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã chỉ đạo toàn bộ giáo viên trên địa bàn vẫn đến trường làm công tác dọn vệ sinh trường lớp mỗi ngày.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục công tác giám sát, cách ly, điều trị người nghi nhiễm COVID-19 (nCoV), đảm bảo tất cả những người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải được phát hiện sớm, nhanh chóng lấy mẫu bệnh phẩm và gửi làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán, đồng thời cách ly, theo dõi, điều trị tại bệnh viện đa khoa để không lây lan, phát tán mầm bệnh... Hệ thống y tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai phòng chống dịch COVID-19 (nCoV) với phương châm: Cách ly, giám sát, truyền thông, 4 tại chỗ và điều trị.
Tăng cường giám sát dịch bệnh trên động vật đến tận thôn, bản
Liên quan đến tình hình dịch bệnh động vật gồm cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng gia súc, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 25 hộ chăn nuôi ở 7 xã, 5 huyện gồm: Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thành phố Thanh Hóa làm 3.902 con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 28.582 con gia cầm. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 25.633 hộ của 2.234 thôn, 457 xã của 27/27 huyện, thị, thành phố, buộc phải tiêu hủy 214.204 con lợn với trọng lượng 14.390 tấn. Đến nay Thanh Hóa có 17 huyện, 420 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, còn 10 huyện, 37 xã chưa công bố hết dịch. Bên cạnh đó từ đầu tháng 2/2020, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 17 hộ chăn nuôi làm 98 con trâu bò mắc bệnh.
Để chủ động ngăn chặn, khống chế hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng... tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên động vật, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.
Các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai ngay công tác tiêm vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2002 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đám ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là vắc xin cúm gia cầm phải hoàn thành trước ngày 28/2. Ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm, cũng như thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại nhằm triệt để nguồn lây bệnh...
Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng biểu dương những cố gắng của ngành Y tế Thanh Hóa trong công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị thành công ca bệnh đầu tiên của Thanh Hóa nhiễm COVID-19 (nCoV). Đồng thời yêu cầu ngành Y tế, các sở, ban, ngành và 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát hiện sớm, phản ứng nhanh và khoanh vùng gấp dịch bệnh COVID-19 (nCoV) ngay từ khi dịch bệnh còn ở phạm vi nhỏ, không để dịch lây lan thứ phát ra cộng đồng.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần làm tốt khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở những vùng nguy cơ cao, tập trung đông người theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Thường xuyên cập nhật thông tin, truyền thông từ tỉnh đến huyện, đến xã để người dân nắm được, bình tĩnh, chủ động nắm chắc tình huống, cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh. Nếu địa phương nào lơ là, không làm tốt công tác phát hiện, giám sát, phân loại nguy cơ, khống chế các nguồn lây từ hệ thống cấp thôn, xã thì Chủ tịch UBND xã đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hiện cúm gia cầm H5N6 đang lây lan nhanh; dịch tả lợn châu Phi sau 1 năm xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, tỉnh đã hỗ trợ gần 600 tỷ cho người chăn nuôi. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, phấn đấu trong tháng 2 sẽ chặn đứng H5N6; đến cuối tháng 2 không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới và đến 30/3 Thanh Hóa công bố hết dịch.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong vòng 5 ngày tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải hoàn thành công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó đặc biệt lưu ý những địa phương đã xảy ra dịch. Huyện nào tiêm phòng chậm, tỷ lệ thấp, để lây lan dịch bệnh thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời các địa phương phải làm tốt khâu tuyên truyền cũng như các biện pháp đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giám sát tốt vấn đề nhập giống, nhập thức ăn, mua bán, vận chuyển, giết mổ...
Hoa Mai
Theo TTXVN
Tiêu hủy, chặn đứng ngay dịch cúm gia cầm H5N6 Theo Bộ NN&PTNT, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6. Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm (CGC) H5N6 bùng phát khiến hơn 43.000 con gia cầm bị tiêu hủy, ngày 13-2, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống không để dịch lan rộng ảnh hưởng...