Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết
Biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh, nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết (SXH) rất lớn.
Vì vậy, cần tăng cường phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng, muỗi và sớm có vaccine SXH.
Trẻ em là đối tượng khi mắc sốt xuất huyết dễ chuyển biến nặng.
Số ca mắc tăng cao
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, ở Việt Nam, SXH diễn biến phức tạp và lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Bệnh SXH kéo dài cả năm và thường đạt đỉnh vào tháng 7, 8, 9, 10. Đáng lưu ý, bệnh lưu hành tại các tỉnh khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay Việt Nam ghi nhận 87.719 trường hợp mắc bệnh SXH, 24 trường hợp tử vong.
Nói về SXH tại TPHCM, bà Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho hay, số ca mắc và tử vong tại TPHCM luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm lưu hành những năm gần đây.
Theo đại diện HCDC, năm 2018 – 2022, số ca SXH chiếm 48% trong tổng số 6 bệnh truyền nhiễm có số người mắc cao nhất TPHCM. Số ca mắc SXH và tử vong tăng gây gánh nặng cho ngành y tế thành phố và nguy cơ dịch chồng dịch cùng với bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ… Bệnh SXH do 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue gây ra, trong đó DEN-1, 2 chiếm 90%. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác. Đáng lưu ý, SXH tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu.
Video đang HOT
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SXH được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm. Đây là một trong những bệnh lây lan nhanh nhất do muỗi truyền, phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số ca mắc với ước tính hơn 200.000 trường hợp mỗi năm. Dự kiến số ca mắc sẽ gia tăng hàng năm do tình hình biến đổi khí hậu.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho rằng, SXH Dengue đe dọa ở Việt Nam cũng như các nước. Bệnh không chỉ đặc trưng bởi cơn sốt cao kéo dài trong vài ngày mà còn dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: Sốc giảm thể tích do thất thoát huyết tương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Những biến chứng này diễn tiến nhanh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực. Bệnh SXH diễn biến khó lường, phức tạp, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ước tính có khoảng 10 – 30% số người mắc nặng phải nhập viện mỗi năm. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Với phụ nữ mang thai, SXH có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, SXH có thể gây biến chứng xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.
Việt Nam sẽ sớm có vaccine sốt xuất huyết
Liên quan đến vaccine SXH, mới đây Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC TPHCM và Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (gọi tắt là Takeda của Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, kỳ vọng sớm đưa vaccine SXH cho người dân Việt Nam. Theo Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, vaccine phòng bệnh SXH của Takeda được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia bao gồm: Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina… và các quốc gia có tình hình dịch tễ tương tự như Việt Nam. Vaccine có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc SXH. Bà Katharina Geppert – Trưởng đại diện Takeda Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi đưa các giải pháp dự phòng, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đến gần hơn với người dân Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sức mạnh của sự hợp tác giữa các đối tác y tế tại từng quốc gia để cùng nhau giải quyết các thách thức về sức khỏe cộng đồng, trong đó có giải pháp trong phòng, chống bệnh SXH”.
Trước thông tin này, TS Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) kỳ vọng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vaccine SXH trong thời gian sớm nhất.
Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và tiêm chủng, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ, từng chứng kiến nhiều vụ dịch và trường hợp tử vong do dịch SXH gây ra và hiểu hơn hết vai trò phòng nhiều bệnh truyền nhiễm từ vaccine. Ông Phu mong muốn: “Việt Nam sẽ sớm có vaccine SXH, giúp giảm số ca mắc và tử vong do bệnh gây ra, góp phần đẩy lùi dịch bệnh này một cách bền vững tại Việt Nam. Tất nhiên, vaccine phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu về hiệu quả, an toàn để đưa được vào Việt Nam”.
Dịch sốt xuất huyết chưa 'hạ nhiệt', nhiều ca trở nặng do nhầm với COVID-19
Cả nước ghi nhận gần 327.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó hơn 120 ca tử vong, dịch vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".
Trao đổi với PV VOV.VN, BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cho biết, sốt xuất huyết là bệnh theo mùa, theo dịch. Trong giai đoạn cao điểm, một ngày có 30-40 bệnh nhân vào Khoa cấp cứu thì có 7-8 người bị sốt xuất huyết.
Năm nay, người dân quan tâm đến dịch COVID-19 nhiều hơn nên chủ quan với các bệnh khác như sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ho, sốt nhưng cho rằng mình bị COVID-19 và nghĩ rằng đã tiêm vaccine nên ngại vào bệnh viện.
"Nhiều người nhầm lẫn triệu chứng giữa COVID-19 với sốt xuất huyết và cảm cúm thông thường. Đặc biệt, người bệnh chủ quan không đi khám và tự dùng các nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt không phù hợp với sốt xuất huyết, gây biến chứng nặng hơn như gây sốt xuất huyết tiêu hóa.
Người bệnh để tình trạng quá nặng khi đã thoát mạch, tràn dịch các cơ quan, tiểu cầu hạ thấp, biến chứng lên não hoặc biến chứng tiêu hóa mới vào viện. Đa số bệnh nhân nặng vào viện trong tình trạng bắt đầu có dấu hiệu sốc", BS Khiêm cho biết.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
Theo dự báo của Bộ Y tế, thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng. Sốt xuất huyết gây nên bởi virus Dengue với 4 tuýp là: DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4, bệnh được lây truyền cho người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypi.
Các tuýp DENV2 và DENV3 làm tăng độ nặng của bệnh so với các tuýp khác, riêng tuýp DENV4 gây bệnh nhẹ hơn. Do đó, người mắc sốt xuất huyết cần được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, để sớm phát hiện khi có diễn biến nặng; nếu không kịp phát hiện, bệnh sẽ rất dễ rơi vào sốc, thậm chí tử vong rất nhanh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, virus Adeno, cúm A, cúm B... với triệu chứng chồng chéo. Bệnh nhân cũng có thể đồng nhiễm nhiều bệnh, bác sĩ cũng dễ chẩn đoán nhầm, dẫn tới không điều trị đúng, kịp thời.
Trong những ngày đầu mới mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cần được theo dõi nhiệt độ thường xuyên, theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
"Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì thuốc có thể gây chảy máu. Đặc biệt, người dân chú ý, khi mắc sốt xuất huyết không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử; người bệnh cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa", ông Cường nói.
Bác sĩ cũng khuyên cáo, người bệnh sốt xuất huyết cần uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi để tránh biến chứng nặng, nhanh hồi phục.
Với các trường hợp bệnh nhân bị thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ có các hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết... đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay.
Đặc biệt, hiện là thời điểm cao điểm của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong việc phòng dịch; cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt muỗi truyền bệnh và phòng muỗi đốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết.
Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Địa phương tại Hà Nội phun hóa chất diện rộng phòng sốt xuất huyết Trước tình hình dịch phức tạp, huyện Mỹ Đức đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đến nay, địa phương này đã ghi nhận 64 ca mắc tại 19/22 xã, thị trấn; chưa có trường hợp tử...