Chủ động phòng bệnh đường hô hấp ngày mưa rét
Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ hai ngày cuối tuần (8-9/2) sẽ có rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất khoảng 12-15 độ, vùng núi 8-11 độ. Nhiệt độ xuống thấp kết hợp với mưa khiến trời rét buốt. Với thời tiết như vậy, người dân cần giữ ấm, chủ động phòng chống các bệnh về đường hô hấp.
Cán bộ Khoa khám bệnh, Trung tâm y tế huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) phân tích, tư vấn cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh.
Thời tiết diễn biến bất lợi
Mấy ngày gần đây, trời Hà Nội phủ một màn sương mù lớn vào buổi sáng. Hôm qua 7/2, Thủ đô Hà Nội có mưa phù cộng thêm thời tiết giá rét. Đặc biệt, trưa và chiều 7/2, bộ phận không khí lạnh này ảnh hưởng đến một số nơi thuộc vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc của Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời tiếp tục rét, riêng phía Đông Bắc Bộ ngày 8-9/2 có rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất khoảng 12-15 độ, vùng núi 8-11 độ. Trong đó ngày Chủ nhật được dự báo rét nhất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 2 dương lịch là tháng cuối cùng của 3 tháng chính Đông (tháng 12, tháng 1 và tháng 2) nên không khí lạnh hoạt động với tần suất khá nhiều. Tuy nhiên cường độ của các đợt không khí lạnh được nhận định là không mạnh so với cùng thời kỳ hàng năm nên rét đậm rét hại chỉ kéo dài vài ngày. Tuy nhiên trong tháng 2 và tháng 3, độ ẩm không khí ở các tỉnh thành thuộc Bắc Bộ (đặc biệt là vùng đồng bằng và ven biển) duy trì ở mức cao, có nhiều ngày xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù.
Việc nhiệt độ tiếp tục giảm và có mưa phùn, ẩm ướt sẽ là khiến nhiều người, nhất là người già, trẻ nhỏ rất dễ mắc những bệnh về đường hô hấp. Bởi, độ ẩm cao gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể, những gia đình sống ở mặt đất có cảm nhận rõ rệt nhất. Mùi quần áo bẩn, kể cả quần áo đã giặt mà không thể khô, mùi ẩm mốc từ chăn, đệm, tường… cũng góp phần làm tăng cảm giác khó chịu. Thời tiết ẩm làm sàn nhà đọng nước, trơn trượt có thể làm cho trẻ em và người già té ngã gây chấn thương.
Độ ẩm cao còn tạo điều kiện tốt cho các virus, vi khuẩn, nấm mốc… phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (bệnh viêm mũi họng cấp tính, viêm phế quản cấp, viêm phổi), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, một số bệnh ngoài da và gia tăng tình trạng dị ứng. Độ ẩm kích thích trực tiếp vào niêm mạc đường thở dẫn đến viêm, tăng tiết và co thắt phế quản dẫn đến có các triệu chứng ho, hắt hơi, khó thở…
Làm gì để phòng chống bệnh dịch?
Video đang HOT
Để hạn chế ảnh hưởng xấu của độ ẩm cao, theo các chuyên gia y tế cần có những biện pháp sau để giảm độ ẩm trong không khí. Tốt nhất trong phòng có dụng cụ đo độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức 40 – 60% bằng các biện pháp như đóng cửa kính phòng kết hợp với dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô.
Khi đun nấu, tắm rửa… làm tăng độ ẩm trong không khí trong phòng thì cần có quạt thông gió. Giữ vệ sinh da, sấy khô quần áo, các vật dụng thường dùng, đặc biệt là đồ vải. Song song với các biện pháp điều trị kiểm soát các bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính, chúng ta còn chú ý tiêm phòng cúm vào mùa thu đông cho những bệnh nhân này.
Trong môi trường bệnh viện, chúng ta thường ứng dụng các trang bị như máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ để kiểm soát độ ẩm trong buồng bệnh, phòng mổ, phòng xét nghiệm. Hiệu quả rõ rệt của các trang bị này đã làm giảm rõ rệt độ ẩm cho buồng bệnh phòng mổ và phòng xét nghiệm. Khi độ ẩm trong buồng bệnh giảm bệnh nhân có cảm giác dễ chịu hơn, giảm khả năng nhiễm trùng chéo trong bệnh viện, tăng hiệu quả điều trị các bệnh hô hấp, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính.
Đặc biệt, trước nguy cơ bệnh dịch nCoV có thể lây lan trong điều kiện thời tiết xấu như hiện nay, PGS.TS Đỗ Duy Cường- Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh nơi đông người, che miệng khi ho, giữ gìn vệ sinh, ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng cơ thể.
PGS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường hô hấp, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời; không nên có thái độ nước đến chân mới nhảy, bệnh xảy ra rồi mới lo chữa… Các cơ sở y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp dịch có thể lan rộng đến Việt Nam.
Nguyên Hương
Theo daidoanket
Virus corona: Dân "hỏi nhanh", chuyên gia "đáp gọn" những vấn đề liên quan đến trẻ nhỏ!
Liệu con của bạn có dễ dàng nhiễm virus corona hay không? Có cần bắt con đeo khẩu trang ngay cả khi ngồi học? Dùng cồn sát khuẩn được coi là giải pháp phòng tránh corona cực tốt nhưng liệu có thực sự an toàn với con bạn?...
1. Với các em nhỏ phải đi học hoặc công nhân/nhân viên văn phòng có cần đeo khẩu trang trong lớp/văn phòng không?
PGS.TS Trần Đắc Phu (Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng) cho biết, đeo khẩu trang giúp phòng chống bệnh đường hô hấp rất tốt nhưng chúng ta phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang.
Hiện nay, dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện. Nếu ngồi trong lớp học, văn phòng làm việc thì không cần thiết phải đeo khẩu trang vì cũng có thể gây bí thở... Điều quan trọng là khi ho, hắt hơi cần dùng mặt trong khuỷu tay che miệng, tránh lây nhiễm virus cho người khác.
2. Nên rửa tay bằng nước rửa tay sát khuẩn, nhưng trong đó lại có cồn, có an toàn với trẻ em để loại trừ virus corona không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, cồn 70% có tính sát khuẩn nhanh, không cần rửa lại với nước an toàn với cả trẻ em lẫn người lớn. Nhưng nếu có thời gian thì tốt nhất nên rửa bằng nước và xà phòng thường, không cần sát khuẩn lại bằng cồn để diệt khuẩn cũng như diệt các loại virus khác nhau.
3. Với con nhỏ, tôi có cần phải hạn chế ôm hay tiếp xúc gần con vì tôi đi làm, tiếp xúc với nhiều người trong ngày không?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay trẻ nhỏ được nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch bệnh corona trong khi người lớn vẫn phải đi làm bình thường, phải tiếp xúc với nhiều người. Điều này không đảm bảo tuyệt đối cơ thể bạn không bị lây nhiễm virus qua quần áo, đầu tóc... nên tốt nhất hạn chế tiếp xúc với con cái, đặc biệt hạn chế thể hiện sự yêu thương như ôm hôn. Trong quá khứ chúng ta từng chứng kiến bao vụ trẻ thiệt mạng chỉ vì một cái ôm hôn của người lớn rồi phải không?
4. Con tôi ở nhà trẻ thường xuyên tiếp xúc với đồ chơi chung thì tỉ lệ mắc có cao không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đồ chơi là thứ đồ dùng trẻ nhỏ rất thích cầm nắm, chơi đùa cùng với các bạn khác. Chưa kể trẻ nhỏ không có ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên cầm bằng tay từ bé này sang bé khác.
Thêm vào đó, khả năng cho đồ chơi vào miệng ngậm rồi lại cầm chơi, chuyển cho bé khác và quy trình tiếp diễn... Điều đó cho thấy tỉ lệ mắc bệnh do nhiễm virus cực lớn, không loại trừ virus corona vốn được nhận định có thể lây truyền qua nước bọt, hắt hơi, cầm nắm tay...
5. Trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi nhiễm virus corona có nguy hiểm không?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, bất cứ trẻ em nào dưới 1 tuổi bị nhiễm loại virus gì cũng đều rất nguy hiểm, cha mẹ không được chủ quan. Tuy nhiên, để nói trẻ dưới 1 tuổi nhiễm virus corona nguy hiểm ở mức độ nào thì không thể nói trước. Đây là chủng virus corona mới, chưa từng gặp trước đây.
Hơn nữa, kể từ khi dịch bùng phát đến giờ cũng chưa ghi nhận bệnh nhi nào tử vong. Đặc biệt, số bệnh nhân tử vong chủ yếu là nam giới trong độ tuổi trung niên. Do đó, cha mẹ không cần quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm virus corona thì hãy cấp báo đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời.
Tiểu Nguyễn
Theo baodansinh
[Infographics] Cần đeo khẩu trang khi nào để giảm nguy cơ mắc nCoV? Cần đeo khẩu trang nếu bạn có các triệu chứng hô hấp (ho, khó thở), khi phải chăm sóc người có triệu chứng hô hấp hoặc là nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân có bệnh đường hô hấp. Đến 7 giờ ngày 4/2, trên thế giới đã có 20.626 người mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới...