Chủ động khảo sát thị trường, tham gia triển lãm quốc tế
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng mặt hàng trái cây ra thị trường thế giới, các hợp tác xã (HTX) cần kết nối với doanh nghiệp thương mại, chủ động khảo sát thị trường cũng như tham quan, tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại nước ngoài…
Đây là những đề xuất nêu ra tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của hợp tác xã với các thị trường nước ngoài tiềm năng”, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức chiều 8.10.
Toàn cảnh hội nghị
Nhiều cơ hội
Hiện, cả nước có khoảng 1,14 triệu ha diện tích cây ăn quả, trong đó tập trung lớn tại đồng bằng sông Cửu Long gần 378.000 ha). Một số loại cây ăn quả thế mạnh, có sản lượng lớn như: Thanh long 65.000 ha, xoài 111.500 ha, chuối 147.800 ha… Tổng sản lượng trái cây đạt khoảng 12,6 triệu tấn/năm.
Đến thời điểm này, trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu đến 60 quốc gia. Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU.
Video đang HOT
Theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 9.2021, cả nước có 26.593 HTX (trong đó có 17.363 HTX nông nghiệp). Tỷ trọng sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản chủ lực khác do các HTX sản xuất so với tổng sản lượng của các địa phương và cả nước chiếm khoảng 25% – 75%, trong đó trái cây chiếm 55%.
Nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, các HTX đã kết hợp hiệu quả giữa kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm đa dạng (trái cây được cấp đông, nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc…), đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như HACCP ( Hazard Analysis Critical Control Points), BRC (British Retailer Consortium), Halal (Sản phẩm cho phép người Hồi giáo sử dụng). Nhiều sản phẩm của HTX như vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, dứa, dưa, xoài… có tiềm năng xuất khẩu lớn, rất cần tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến năm 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, nhập khẩu hàng rau quả của thế giới quý I.2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. “Đây là cơ hội để các HTX đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ”, ông Cường tin tưởng.
Nông dân Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải thiều chính vụ xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN
Hỗ trợ HTX tham gia sàn thương mại điện tử
Tuy vậy, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn còn có hạn chế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như MRL (Maximum Residue Level- nồng độ tối đa dư lượng thuốc trừ sâu), nồng độ kim loại nặng trong trái cây còn chưa đạt yêu cầu. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây phải nhập khẩu. 90% trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế. Dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao; tình trạng được mùa mất giá do cung vượt cầu; các HTX chế biến trái cây sử dụng nhiều lao động phổ thông… Đây đang là những rào cản trong việc thúc đẩy xuất khẩu rau quả của HTX hiện nay.
Dẫn thực tế từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10.2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho rằng, tỷ trọng này vẫn rất khiêm tốn.
Lý giải nguyên nhân, ông Minh nêu rõ, trái cây Việt Nam có chất lượng, kích cỡ chưa đồng đều, khó thu mua được với khối lượng lớn. Công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường. Bên cạnh đó, diện mặt hàng chưa đa dạng và chủ yếu ở dạng tươi, sấy, trong khi dạng nước chưa có nhiều.
Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan, tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại Liên bang Nga, đặc biệt là World Food Moscow (tháng 9 hàng năm), Prodexpo (tháng 2 hàng năm). Thông qua các hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây… của nước sở tại, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, HTX. Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các hội chợ, triển lãm như hạt điều, đồ uống…
Về phía Nhà nước cần có chính sách khuyển khích để các HTX, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm trái cây có kích cỡ, màu sắc tương đồng, chất lượng đồng đều. Đồng thời, đầu tư vào khâu kỹ thuật đóng gói, công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ để bảo đảm chất lượng trong cả chuỗi cung ứng, để trái cây Việt có thể giữ được chất lượng lâu hơn so với hiện nay.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk đề xuất, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương cần hỗ trợ giúp kết nối các HTX sản xuất với doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua có hệ thống phân phối rộng để hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phổ biến, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX tham gia các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online…
Bên cạnh đó cần có sự liên kết giữa các HTX với HTX, giữa các HTX với doanh nghiệp thương mại trong và ngoài nước để xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trong mọi tình huống.
Giải thể dứt điểm các hợp tác xã không còn hoạt động trong giai đoạn 2021-2023
Ngày 14/9, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 6447/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về tình hình hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Dưa lưới trồng trong nhà màn tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận (Hồng Ngự, Đồng Tháp). Ảnh minh họa: Chương Đài/TTXVN
Xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện việc đăng ký và tổ chức lại hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; các hợp tác xã không hoạt động nhưng chưa tiến hành giải thể theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định pháp luật có liên quan; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương giải thể dứt điểm đối với các hợp tác xã đã đăng ký nhưng không hoạt động trước ngày 31/12/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa phù hợp với thực tiễn về giải thể bắt buộc đối với Hợp tác xã trong các trường hợp: Thủ tục thành lập hội đồng giải thể bắt buộc; hợp tác xã bị mất, thất lạc con dấu trong quá trình tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý dứt điểm các vướng mắc về đất đai của các hợp tác xã ngừng hoạt động, tạo cơ sở cho việc giải thể.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã trong việc đăng ký, tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; giải thể hợp tác xã không hoạt động, hoạt động yếu kém không hiệu quả tại các địa phương; động viên, khích lệ các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã tự giác thực hiện đúng quy định pháp luật về hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối, bố trí nguồn lực và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc đăng ký, tổ chức lại hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; giải thể dứt điểm các hợp tác xã không còn hoạt động trong giai đoạn 2021-2023, cụ thể là xây dựng phương án giải thể dứt điểm 50% tổng số hợp tác xã không còn hoạt động trên địa bàn thuộc diện vướng mắc có thể xử lý ngay theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi kết quả xử lý về Bộ trước ngày 31/12/2021 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kỳ vọng chợ đầu mối đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xây dựng chợ đầu mối vừa giúp quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, vừa thu thập được thông tin về cung cầu hàng hóa phục vụ cho từng địa bàn. Vừa qua, tại cuộc hội thảo "Nông dân đi chợ thế giới" do Liên minh Hợp tác xã Việt...