Chủ đầu tư coi thường tài sản và tính mạng của nhân dân
Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn, Phó chánh VP UBND tỉnh Quảng Trị, khi thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trả lời báo chí ngày 15.10 về sự cố vỡ đập tại Nhà máy thủy điện Đakrông 3 (xã Tà Long, H.Đakrông, Quảng Trị)…
Vội vàng tích nước
Trước những phát ngôn tiền hậu bất nhất của lãnh đạo Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư (CĐT) Nhà máy thủy điện Đakrông 3) mà Thanh Niên số ra ngày 14 và 15.10 đăng tải, đặc biệt là ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT công ty, cho rằng phần đập vỡ chỉ là một bức tường tạm, không gây thiệt hại gì và chính những công nhân của công ty đã tự đập bức tường sau khi tích nước vận hành thử nhà máy…, trong buổi gặp báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng phòng Điện năng (Sở Công thương tỉnh Quảng Trị), nói thẳng: “CĐT đang lấp liếm…”.
Dấu vết trên phần đập thủy điện bị vỡ cho thấy tại đây chỉ mới có phần vỏ đập chứ chưa có phần lõi – Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo ông Dũng, thân đập của thủy điện Đakrông 3 có hai phần là vỏ đập và lõi đập. Vỏ đập là khối bê tông dày 2 m còn lõi đập nằm giữa vỏ đập được đổ bê tông trọng lực, chất lượng cao. “Dù việc thi công chưa hoàn thành nhưng Nhà máy thủy điện Đakrông 3 đã vội vàng tích nước bởi tại thời điểm đó phần bị vỡ chỉ có phần vỏ chứ phần lõi chưa đổ bê tông. Phần vỏ này yếu nhưng cao tới hàng chục mét, nên khi nhà máy tích nước đúng lúc lũ về thì bị đánh tan là tất nhiên…”, ông Dũng nói.
Video đang HOT
Có thời điểm nước lũ đã vượt qua tràn 1,5 m nên chẳng có công nhân hoặc thiết bị nào có thể can thiệp vào thân đập nếu như không muốn bị cuốn trôi. Vậy nên việc CĐT nói cho công nhân tự phá đập là… nói phét. Nếu cứ cho là CĐT tự phá đập giữa thời điểm lũ lớn, gây thiệt hại cho dân thì tội còn to hơn…
Ông Trần Anh Tuấn – Phó chánh VP UBND tỉnh Quảng Trị
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trả lời báo chí về sự cố ở thủy điện Đakrông 3, ông Trần Anh Tuấn, Phó chánh VP UBND tỉnh Quảng Trị, nói: “Có thời điểm nước lũ đã vượt qua tràn 1,5 m nên chẳng có công nhân hoặc thiết bị nào có thể can thiệp vào thân đập nếu như không muốn bị cuốn trôi. Vậy nên việc CĐT nói cho công nhân tự phá đập là… nói phét. Nếu cứ cho là CĐT tự phá đập giữa thời điểm lũ lớn, gây thiệt hại cho dân thì tội còn to hơn… Chưa hết, từ 9 giờ 30 đến 10 giờ ngày 7.10, tại Trạm quan trắc thủy văn Đakrông mực nước đo được dâng đột ngột 4 m liền. Không vỡ phần vỏ đập thì nước đâu ra mà nhiều thế?”.
Ông Dũng và ông Tuấn cũng đã đưa ra cùng một con số thiệt hại từ 4 đến 5 tỉ đồng của CĐT sau sự cố này (không như phát ngôn thiệt hại 20 tỉ của ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Trường Sơn, và cũng không phải là “không thiệt hại gì” như phát biểu của ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT). Đồng thời cho rằng hiện vẫn có 14 hộ dân ở xã Tà Long có đất và tài sản trên đất nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện, CĐT phải đền bù dứt điểm.
“Đọc báo mới biết sự việc”
Trả lời chất vấn của PV việc ngành chức năng địa phương phản ứng có chậm không khi sự cố xảy ra từ ngày 7.10 nhưng đến ngày 13.10 mới xuống thực địa, ông Dũng thừa nhận: “Thú thật, đọc báo chúng tôi mới biết sự việc vì chẳng ai báo cáo…”. “Đến bây giờ, Nhà máy thủy điện Đakrông 3 vẫn đang còn thi công và hiện không có quy định nào bắt buộc họ phải xin chúng tôi khi tích nước (?). Chỉ sau khi nghiệm thu công trình 30 ngày, CĐT mới buộc phải có văn bản cụ thể gửi cho Sở Công thương và Sở NN-PTNT để lưu trữ, quản lý… Bình thường, với các công trình đang thi công, cứ 3 tháng Sở có đoàn đi kiểm tra nhưng việc đó là chiếu lệ, hiệu quả không cao”, ông Dũng phân bua.
Trong khi đó, ông Tuấn cho rằng vì CĐT là tư nhân nên UBND tỉnh đã giao Sở Công thương và một số ban ngành liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý. Về trách nhiệm của CĐT, ông Tuấn một lần nữa khẳng định dù thiệt hại về vật chất không quá lớn nhưng việc CĐT cho tích nước khi chưa xong phần thi công, thông báo qua loa với chính quyền, với dân… nên sự việc lại có tính chất nghiêm trọng. “CĐT đã coi thường tài sản và tính mạng của nhân dân… Sau sự cố này, tính chất dòng chảy ở thượng lưu cũng như hạ lưu đập thủy điện sẽ bị biến đổi, việc cấp bách nhất là CĐT phải khẩn trương tính toán phương án đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ 2012″, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tổng rà soát các công trình hồ chứa
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo cụ thể đối với sự cố này. Nội dung công văn, theo ông Tuấn, ngoài chỉ đạo riêng cho việc làm rõ sự cố ở Nhà máy thủy điện Đakrông 3, UBND tỉnh còn yêu cầu Sở Công thương làm việc với tất cả các CĐT của hơn 10 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, tổng rà soát lại các công trình hồ chứa, rút kinh nghiệm…
Theo TNO
Lãnh đạo Công ty CP thủy điện Trường Sơn: "Dân có gì đâu mà thiệt hại"
Để làm rõ nguyên nhân, hậu quả cũng như công tác khắc phục của sự cố vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 (H.Đakrông, Quảng Trị), ngày 14.10, PV Thanh Niên đã có buổi làm việc với Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư).
Dù đã liên hệ từ trước và được sự đồng ý của ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Trường Sơn, nhưng khi PV lên tận công trình, thì ông Hải đi đâu mất. Tiếp chúng tôi, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT, có những phát ngôn trái ngược với ông Hải cách đó 1 ngày.
Một góc Nhà máy thủy điện Đakrông 3 và phần thân đập bị vỡ. Ảnh chụp trưa 14.10 - Ảnh: Nguyễn Phúc
Như Thanh Niên ngày 14.10 thông tin, trong cuộc làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị và các ban ngành liên quan vào sáng 13.10, ông Hải báo cáo: Khoảng 7 giờ ngày 7.10, hạng mục vai trái đập dâng đang thi công (ngang 20 m, cao 6 m) bị vỡ. Nguyên nhân tạm thời (theo chủ đầu tư) là do công trình đang trong quá trình thi công hoàn thiện, kết hợp với việc tích nước lòng hồ để thử tải tổ máy và mưa lũ lớn. Tổng thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng. Trong khi đó, ông Huế nói rằng thân đập được xây dựng theo công nghệ đập tràn piano của Pháp và phần bị vỡ chỉ là phần vách tường tạm để tích nước phục vụ việc vận hành thử. "Ngày 12.9, chúng tôi tích nước và đến ngày 25.9 khi đã xong việc vận hành thử, chúng tôi cho công nhân tự đập vỡ vách tường tạm này. Chúng tôi không có thiệt hại nào cả", ông Huế nói.
Trong khi ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông khẳng định chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân ở khu vực lòng hồ, thì ông Huế một mực cho rằng công tác này đã hoàn thành nhưng điều mâu thuẫn là ông Huế nói các biên bản thỏa thuận đền bù là do huyện nắm giữ. Ông Huế cũng phủ nhận thông tin nhà máy chưa hoàn thiện mà đã cho tích nước: "Chúng tôi tích nước để kiểm tra thân đập có sự cố gì không thôi, sau đó lại tháo đi". Nhưng như thông tin đã nêu, trong thời gian này thủy điện Đakrông 3 đã đóng điện hòa vào điện lưới quốc gia.
Ngày 14.10, lãnh đạo 2 xã Đakrông và Tà Long một lần nữa tái khẳng định thiệt hại về lương thực, hoa màu của người dân địa phương do sự cố tại thủy điện Đakrông 3 là có. Thế nhưng, vị chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện Trường Sơn lại nói như đinh đóng cột rằng: "Dân có gì đâu mà thiệt hại. Đến nay, chúng tôi cũng có nhận được văn bản nào của chính quyền thông báo về chuyện này đâu".
Từ đầu đến cuối, ông Huế vẫn kiên quyết không gọi sự cố tại thủy điện Đakrông 3 là "vỡ đập" và nói cuối tháng 10 này công ty sẽ tiếp tục xây dựng phần thân đập mới bị đập bỏ, trong vòng 1 tháng sẽ xong. Nhưng có một thực tế khó giải thích rằng, trong buổi làm việc chính thức của UBND tỉnh Quảng Trị, H.Đakrông và các ban ngành liên quan, phía chủ đầu tư đã trình bày câu chuyện như là một sự việc khá nghiêm trọng nên đoàn công tác đã có kết luận sơ bộ thì nay tưởng chừng như câu chuyện lại được hướng đến mức nhẹ nhàng nhất.
Theo TNO
Ém nhẹm thông tin vỡ đập thủy điện Trước những thông tin trái chiều, mù mờ về sự cố vỡ đập thủy điện Đakrông 3 (xã Tà Long, H.Đakrông, Quảng Trị), sáng 13.10, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan chức năng đã có chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty CP thủy điện Trường Sơn - chủ đầu tư (CĐT) Nhà...