Chủ cửa hàng Mỹ ‘họa vô đơn chí’
Vốn đã kiệt quệ vì Covid-19, chủ các cửa hàng tại các thành phố trên khắp nước Mỹ giờ đây đối mặt với làn sóng cướp bóc do biểu tình.
Tại trung tâm thành phố Chicago, đám đông đập vỡ vách kính cửa hàng bán đồ thể thao Nike, sau đó lao ra ngoài với những đôi giày, quần áo thể thao vừa cướp được.
Trên đại lộ Melrose ở Los Angeles, họ đốt những đống lửa to trong thùng rác, phá khóa các cửa hàng bán đồ xa xỉ, khoắng sạch túi xách, quần áo hay bất cứ thứ gì có giá trị trong tầm mắt.
Một nhà hàng ở Louisville, Kentucky, bị người biểu tình đập vỡ cửa kính. Ảnh: NYTimes.
Và khi màn đêm buông xuống tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nơi khởi phát các cuộc biểu tình “Tôi không thể thở” sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vì bị cảnh sát ghì cổ, các chủ cơ sở kinh doanh đứng trước cửa hàng, cầu xin đám đông kích động đừng cướp phá.
“Tôi lao ra ngoài và cầu xin họ ‘Làm ơn, tôi không có bảo hiểm’”, Hussein Aloshani, người nhập cư từ Iraq, nhớ lại cảnh tượng vào đêm 29/5 khi ông cố bảo vệ cửa hàng thực phẩm của gia đình mình trước những người quá khích.
Hàng loạt cơ sở kinh doanh trên khắp nước Mỹ, từ các công ty, ngân hàng đa quốc gia lớn tới những quán bar, cửa tiệm, nhà hàng quy mô hộ gia đình, cuối tuần qua đã hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi các cuộc biểu tình vì George Floyd.
Ở một số nơi, người biểu tình viết những dòng chữ graffiti lên mặt tiền cửa hàng, chỉ trích hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi hay nhắc lại câu mà Floyd nói trước lúc chết “Tôi không thở được”. Tại những nơi khác, họ ném xà beng và búa vào cửa sổ cửa hàng hay dùng xăng đốt.
Các chủ cửa hàng cho hay họ cảm thấy mình giống như nạn nhân của những hành động gây hấn không đúng chỗ. Cơ sở kinh doanh của họ vốn đã suy kiệt vì Covid-19 nay lại bị ảnh hưởng bởi biểu tình khiến cơ hội hồi sinh gần như không còn.
“Nhiều người không biết bao nhiêu máu, mồ hôi và nước mắt chúng tôi đã đổ để trở thành một chủ doanh nghiệp cũng như những hy sinh mà chúng tôi đã phải trải qua để có được như hiện tại”, Kris Shelby, chủ cửa hàng thời trang cao cấp ở Bắc Atlanta, nói.
Shelby cùng đối tác mở cửa hàng Attom từ năm 2016 nhằm đem những thương hiệu thời trang xa xỉ từ New York và Los Angeles đến gần hơn với thành phố nơi ông sống.
Video đang HOT
Nhưng khi Shelby quay trở lại cửa hàng vào khoảng 5h sáng 30/5, ông phát hiện tất cả hàng hóa đều đã “bốc hơi”. Shelby cho biết ông chia sẻ nỗi đau của những người biểu tình vì Floyd nhưng hành vi đập phá, cướp đồ từ cửa hàng chắc chắn không giúp họ ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.
“Rất đau lòng”, Shelby nói về cái chết của Floyd. “Nhưng là một người đàn ông da màu, một chủ cửa hàng da màu, tôi cảm thấy buồn. Thực lòng, tôi thấy miệng mình đắng ngắt”.
Ricardo Hernandez dành cả cuối tuần ngủ trong chiếc xe tải đậu bên ngoài cửa hàng kem Mexico mà anh cùng vợ quản lý ở Nam Minneapolis. Hernandez thuyết phục người biểu tình nhận kem, đổi lại họ không đập phá cửa hàng của anh.
“Tận mắt thấy cảnh tượng này thực sự là điều khủng khiếp”, Hernandez nói, mắt hướng về những đống đổ nát và thủy tinh vỡ rải khắp đường phố.
Chiều 30/5, các chủ cơ sở kinh doanh người Latinh ở Minneapolis gặp mặt, bàn bạc phương án đối phó với một đêm hỗn loạn nữa. Hầu hết họ đều có cửa hàng trên đường Lake, nơi hàng chục tòa nhà đã bị phá hoại trong hai đêm trước.
Họ chia ca canh gác khu phố và rủ nhau mặc áo phông in dòng chữ “bảo vệ phố Lake” nhằm tránh bị Vệ binh Quốc gia nhầm là thành phần trộm đồ, cướp bóc.
Maya Santamaria cũng có mặt tại cuộc họp nhưng cho biết bà sẽ ở nhà vì bản thân không còn gì. Tòa nhà bà sở hữu, nơi Floyd từng làm bảo vệ một hộp đêm tại đây, đã bị thiêu rụi vào tối 29/5.
Santamaria đổ lỗi cho cảnh sát đã không nỗ lực hết sức để bảo vệ các cơ sở kinh doanh trước làn sóng biểu tình.
Một cửa hàng thời trang ở Manhattan, New York, bị cướp bóc, đập phá tối 30/5. Ảnh: NYTimes.
“Chúng tôi gọi 911, gọi cả sở cảnh sát nhưng không nhận được hồi âm”, Santamaria nói và thêm rằng bà không muốn cảnh sát dùng bạo lực với người biểu tình nhưng “họ không thể không đến và bỏ mặc mọi thứ của tôi tan thành tro bụi”.
Với Jordan Davis-Miller, các cuộc biểu tình ở Seattle là cơ hội đấu tranh vì một tương lai tốt hơn cho cộng đồng người da màu tại Mỹ. Nhưng ông cảm thấy giận dữ khi chứng kiến cảnh hàng nghìn người tập trung lại với nhau, lợi dụng cuộc biểu tình để đập phá cửa hàng và cướp bóc.
“Hành vi cướp bóc chẳng giúp ích gì cho chúng tôi”, Davis-Miller nói. “Nó chỉ đổ thêm dầu vào lửa và khiến người da màu bị tiếng xấu”.
Một số chủ kinh doanh cho hay họ đã thử ra dấu hiệu rằng mình ủng hộ phong trào biểu tình với hy vọng có thể bảo vệ được cửa hàng.
Derrick Hayes tối 29/5 dán những tờ giấy lên cửa sổ nhà hàng của mình ở trung tâm Atlanta với thông điệp rằng chủ nhà hàng là một người da màu. Sáng hôm sau, ông quay lại và thấy cửa sổ đã bị đập vỡ.
“Thật lòng tôi thấy hoài nghi”, Hayes chia sẻ. “Nếu thực sự đồng lòng, chúng ta phải cho họ thấy là chúng ta đồng lòng”.
Tại sao có thể phá án qua vết tích của viên đạn?
Dù đã được bắn đi, viên đạn vẫn tồn tại mối liên hệ với khẩu súng và có thể được chứng minh bằng kỹ thuật đối chiếu vết tích pháp y.
Ngày 14/2/1929, một nhóm người mặc đồng phục cảnh sát nổ súng bắn hạ 7 thành viên một băng đảng mafia trong nhà kho tại thành phố Chicago (Mỹ). Do người chết thuộc nhóm đối thủ, ông trùm mafia Al Capone bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ thảm sát. Tuy vậy, Al Capone phủ nhận mọi dính líu.
Sau khi tiếp nhận vụ án, chuyên gia pháp y Calvin Goddard dùng loại kính hiển vi có hai ống kính để có thể cùng lúc quan sát hai viên đạn. Bằng cách này, Goddard đối chiếu mọi khẩu súng trong đồn cảnh sát và loại trừ. Goddard tiếp tục so sánh và kết luận những viên đạn trên thi thể nạn nhân nhiều khả năng đã được bắn từ hai khẩu súng tìm thấy trong nhà đàn em của Al Capone.
Phiên bản hiện đại của loại kính hiển vi hai ống kính mà Calvin Goddard là người tiên phong sử dụng. Ảnh: Arrowhead Forensics.
Dù Goddard không chứng minh được sự tham gia của ông trùm, sự kiện này vẫn được coi là đã khai sinh ra lĩnh vực nhận dạng đạn đạo - một chuyên môn trong khoa học pháp y.
Tại sao Goddard nghĩ ra phương pháp nhận dạng đạn đạo như trên? Theo FBI, quá trình chế tạo súng, nhà sản xuất thường tạo những rãnh hình xoắn ốc bên trong của nòng súng. Khi súng bóp cò, những rãnh này sẽ khiến viên đạn xoay tròn trong lúc chuyển động dọc nòng súng và giúp ổn định quỹ đạo bay. Cũng trong quá trình này, các rãnh xoắn ốc sẽ để lại vết tích trên viên đạn. Dựa trên vết rãnh, chuyên gia có thể xác định được thương hiệu hoặc mẫu mã của khẩu súng đã bắn ra viên đạn.
Ngoài ra, vì máy móc sử dụng trong giai đoạn gia công và hoàn thiện luôn tồn tại khiếm khuyết chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi, nòng súng sẽ luôn tồn tại các vết tích nhỏ đặc trưng tương ứng. Do quá trình hao mòn thông thường và tác động của thói quen người dùng, các vết tích trên sẽ ngày càng hiển hiện. Viên đạn từ đó cũng sẽ mang theo vết tích đặc trưng như vân tay của khẩu súng, bên cạnh dấu vết từ rãnh xoắn ốc.
Với căn cứ trên, các chuyên gia đạn đạo pháp y cho rằng có thể đối chiếu các vết tích trên bề mặt hai viên đạn dưới kính hiển vi để xác định liệu chúng có được bắn ra từ cùng một khẩu súng hay không. Phương pháp này không chỉ được áp dụng với bản thân viên đạn mà còn có thể áp dụng với phần vỏ đạn vì trên bề mặt này cũng sẽ mang vết tích đặc trưng của khẩu súng, như vết tích để lại khi đáy vỏ đạn bị kim hỏa mổ vào hạt nổ.
Lý thuyết là vậy, nhưng việc đối chiếu cụ thể được thực hiện như thế nào? Vì lý do bảo quản vật chứng, chuyên gia pháp y dĩ nhiên không thể bổ đôi nòng súng để so sánh rãnh xoắn với viên đạn đã có. Họ thường sẽ phải bắn thử khẩu súng khả nghi và lấy mẫu vật từ lần bắn thử để đối chiếu với viên đạn tại hiện trường.
Nếu là súng ngắn, chuyên gia pháp y sẽ bắn thử vào thùng chuyên dụng chứa lượng lớn nước. Khi được bắn vào nước, viên đạn sẽ giảm đáng kể tốc độ mà không bị thiệt hại hoặc méo mó, trong khi vẫn giữ được nguyên vẹn các vết tích trên bề mặt. Bằng cách này, chuyên gia pháp y sẽ thu được mẫu vật lý tưởng để đối chiếu dưới kính hiển vi.
Chuyên gia bắn súng vào thùng nước chuyên dụng để lấy mẫu viên đạn từ khẩu súng khả nghi. Ảnh: New York Times.
Nếu là súng tự động, súng dùng cỡ đạn lớn, hoặc súng hoa cải, chuyên gia không thể dùng thùng nước mà phải bắn thử khẩu súng khả nghi tại các trường bắn chuyên dụng để thu được mẫu vật đối chiếu.
Sau khi đặt hai mẫu vật cần so sánh lên trên trục xoay, chuyên gia đầu tiên sẽ tìm đặc điểm nổi bật trên một viên đạn và tìm vết tích tương tự trên viên còn lại. Nếu phần rãnh xoắn ở cả hai trùng khớp, chuyên gia sẽ kiểm tra xem các vết tích nhỏ còn lại có giống nhau không. Sau đó, cả hai viên đạn được xoay cùng lúc để tìm kiếm các dấu vết trùng hợp. Công nghệ nhiếp ảnh tích hợp trong ống kính hiển vi cho phép chuyên gia pháp y chụp lại hoặc ghi hình quá trình đối chiếu.
Khi việc đối chiếu kết thúc, chuyên gia sẽ đưa ra ba kết luận: xác nhận, loại bỏ, hoặc không thể kết luận. "Xác nhận" nghĩa là có sự trùng khớp giữa hai viên đạn hoặc giữa viên đạn với khẩu súng. "Loại bỏ" cho thấy vật chứng tại hiện trường không có liên hệ với mẫu thử. Trong trường hợp "không thể kết luận", chuyên gia không thể xác nhận hoặc loại bỏ mối liên hệ giữa hai vật được đối chiếu dựa trên số lượng và chất lượng của các vết tích dưới kính hiển vi.
Theo NIST, tới nay, các chuyên gia đạn đạo pháp y về cơ bản vẫn dùng phương pháp đối chiếu song song như trên, nhưng phương pháp này vẫn còn hạn chế vì họ không thể dùng số liệu cụ thể để làm căn cứ cho nhận định của mình, không giống như chuyên gia ADN. Các nhà khoa học pháp y đã thực hiện nhiều nghiên cứu kiểm chứng độ chính xác của phương pháp phân tích dấu vết đạn để khắc phục hạn chế này.
Ví dụ, trong nghiên cứu vào năm 2014 do Viện Tư pháp Quốc gia (Mỹ) tài trợ kinh phí, người thực hiện nghiên cứu yêu cầu 165 chuyên gia trong và ngoài nước nhận dạng khẩu súng nào trong 10 khẩu thuộc cùng lô sản xuất đã bắn ra các viên đạn cho sẵn. Để đảm bảo khách quan, những chuyên gia này được cho biết viên đạn cho sẵn chưa chắc đã xuất phát từ 10 khẩu súng trên. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhận dạng đúng là 98,8%.
Ảnh A cho thấy vết tích trùng khớp trên hai viên đạn được bắn ra từ cùng một khẩu súng. B là ảnh hai viên đạn bắn ra từ hai khẩu súng cùng loại. Ảnh: Introduction to Criminalistics.
Nhận ra lợi ích của phương pháp nhận dạng đạn đạo, các quốc gia như Anh và Mỹ hiện đã lập ra cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ hình ảnh chất lượng cao của vỏ đạn và viên đạn tại hiện trường để giúp truy dấu tội phạm được thực hiện dùng cùng một khẩu súng và liên kết các vụ án với nhau. Việc ứng dụng công nghệ máy tính có thể giúp lọc và tìm kiếm hình ảnh trùng khớp trong số hàng triệu bức ảnh trong vài phút.
Ví dụ, phương pháp nhận dạng đạn đã có công lớn trong trường hợp của Cleophus Cooksey Jr., kẻ bị bắt tại thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ) vào tháng 12/2017 do bị tình nghi bắn chết hai người. Nhờ vào cơ sở dữ liệu vỏ đạn quốc gia có tên NIBIN, cảnh sát đã có thể "kết nối" Cooksey với 7 vụ án mạng khác. Từ đây, nhà chức trách đã bắt được kẻ giết người hàng loạt, dù ban đầu họ không nhận dấu hiệu nào đáng ngờ.
Sản phụ Mỹ sinh con trên ôtô, dùng khẩu trang thắt dây rốn cho bé Một phụ nữ tại Kentucky, Mỹ vừa sinh con trên ôtô vì cửa bệnh viện đóng. Chồng của cô phải buộc dây rốn đứa con mới chào đời bằng quai khẩu trang. Sản phụ có tên Sarah Patrick, tới bệnh viện Baptist Health tại Louisville, Kentucky vào sáng sớm 9/5 trong cơn co thắt mạnh. Tuy nhiên, cửa vào khoa phụ sản của...