Chủ ‘cơ sở ngược đãi’ bị bắt
Ông Phong được cho là có dấu hiệu Giữ người trái pháp luật khi cơ quan điều tra xác định hàng chục công nhân làm việc trong xưởng gỗ của ông này có cuộc sống “như tù binh”.
Ngày 4/7, Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã bắt giam ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, chủ cơ sở gỗ Tấn Phong ở ấp Cà Tong, xã Thanh An) để điều tra về hành vi Giữ người trái pháp luật.
Ông Trần Tấn Phong bị bắt chiều 4/7. Ảnh: Nguyệt Triều
Thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Dầu Tiếng cho biết, bước đầu điều tra xác định, cơ sở sản xuất của ông Phong nằm trên khu đất rộng hàng nghìn m2. Hầu hết lao động làm tại cơ sở Tấn Phong đều là người dân tộc Kh’mer và không được học hành. Họ được nhận vào làm thông qua môi giới từ TP HCM với mức phí 500.000- 800.000 đồng. Số tiền này sẽ được cơ sở trừ vào lương của họ. Khi nhận vào làm, ông Phong thường câu nhử bằng việc hứa hẹn “tạo công ăn việc làm thoải mái, nuôi cơm 2 bữa, lo cho chỗ ăn ở chu đáo”.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm việc, công nhân không được tự do ra vào cơ sở, mọi sinh hoạt, lưu trú ăn ở đều bị chủ khóa cửa. Mỗi ngày họ bị đánh thức lúc 4h, ăn sáng bằng mì gói để bắt đầu một ngày làm việc cho đến 12h. Sau khi ăn uống sơ sài, họ lại bắt đầu quay lại công việc lúc 13h rồi kéo dài đến 17h mới kết thúc.
Để ngăn lao động bỏ trốn, ông Phong quy định không được xài điện thoại, ban đêm ngủ bị khoá cửa, công nhân muốn đi vệ sinh phải tranh thủ đi trước. Chủ cơ sở cũng lắp đặt 8 camera chĩa vào nơi ăn ở của công nhân để theo dõi. Vì không chịu được cảnh hà khắc, rất nhiều người đã phải bỏ trốn.
Do khu vực cơ sở được bao quanh 3 phía bằng tường rào, chó béc giê được huấn luyện canh giữ nên công nhân không thể đi ra ngoài bằng ngả trước. Trưa 26/5, công nhân Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng) và Vũ Minh Đương (17 tuổi, ngụ Cà Mau) quyết định bơi vượt hồ Cần Nôm phía sau cơ sở để bỏ trốn. Tuy nhiên mới ra đến giữa hồ, hai người chới với. Những người làm cùng phát hiện nhưng chỉ cứu được Đương.
Công nhân xưởng gỗ phải ăn ở trong khu vực luôn bị khoá trái cửa và luôn có 8 camera theo dõi mọi động tĩnh. Ảnh: Nguyệt Triều
“Kể từ khi các công nhân Sơn Bồ Rót và Vũ Văn Đương đến làm ở cơ sở gỗ đều bị ông Phong khoá trái cửa nhốt. Ban đêm ông ta cho họ chiếc bô để đi vệ sinh ngay tại chỗ ngủ nghỉ. Qua quá trình điều tra, đủ căn cứ để xác định ông Phong đã có hành vi Giữ người trái pháp luật. Dường như các công nhân đều lo sợ “thế lực nào đó của ông Phong “tại địa phương”, thiếu tá Hồ Văn Dũng nói và cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ để xử lý những người có vai trò liên đới và đồng phạm với các hành vi phạm pháp của chủ cơ sở này.
Vài ngày trước tại địa bàn xã Thanh An xuất hiện tờ rơi có nội dung phản bác lại những thông tin liên quan đến hành vi vi phạm của chủ xưởng gỗ Tấn Phong mà các nhân chứng và người dân đã cung cấp cho công an, bày tỏ sự bênh vực khi cho rằng “ông Phong là người tốt và đang bị oan”. “Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ của tác giả, người phát tán bài viết đã gây hoang mang, phẫn nộ trong dư luận”, thiếu tá Dũng cho biết thêm.
Video đang HOT
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cũng đã có công văn chỉ đạo giao Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Công an huyện Dầu Tiếng khẩn trương điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Tấn Phong; đồng thời cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng liên quan vụ việc.
Theo VNE
Bình Dương: Sự thật "địa ngục trần gian"
Những ngày qua, nhiều tờ báo viết về một cơ sở mộc tại tỉnh Bình Dương bóc lột, đánh đập lao động khiến một công nhân bỏ trốn và chết đuối, chủ cơ sở cấm người khác cứu... Thế nhưng sự thật không phải vậy.
Mấy ngày gần đây, gia đình ông Trần Tấn Phong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương không dám ra khỏi nhà vì không chịu nổi trước búa rìu dư luận.
Ông chủ "địa ngục trần gian"
Cơ sở mộc của ông Phong nằm bên hồ Cần Nôm rộng 10 ha. Ngày 26/5, một công nhân tên là Sơn Bồ Rót chết khi bơi qua hồ Cần Nôm để bỏ trốn khỏi cơ sở. Vụ việc công an đang điều tra và tạm kết luận nạn nhân chết do ngạt nước. Chưa tìm thấy các chứng cứ về việc ông Phong bóc lột, đánh đập và bức tử công nhân.
Tuy nhiên, hàng loạt tờ báo đã "điều tra" độc lập và gán ghép đủ tội danh cho ông Phong: 10 năm làm ăn bất chính; địa ngục trần gian; lao động bị bạc đãi; vùng vẫy chết trước mặt ông chủ; bắt tay với môi giới lao động khét tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn đưa lao động về đây bóc lột vô cùng thậm tệ; bị nhốt, đánh đập như súc vật, đánh đập như nô lệ thời Trung cổ, bỏ đói hết sức dã man; đối xử như nô lệ; xác chết cổ lủng lẳng, chết đuối vì bị truy đuổi hay bị đẩy xuống nước...
Ông Phong cho biết: "Trong gần 10 tờ báo đăng bài, chỉ có hai phóng viên của một tờ báo đến gặp tôi để chất vấn. Tôi trả lời họ một đằng, họ về đăng một nẻo".
Công an huyện Dầu Tiếng cũng cho biết không rõ báo chí lấy thông tin từ đâu để vẽ ông Phong thành một tên đồ tể đáng sợ. Con gái ông Phong chuẩn bị vào học lớp 12 không dám tới trường, vợ ông Phong không dám ra chợ. Muốn có cái ăn, ông Phong phải chạy tới tận chợ Củ Chi để mua về một lần ăn cho cả tuần vì cứ tới đầu chợ là người dân lại bàn tán, chỉ trỏ.
Phóng viên cùng lãnh đạo công an xã đang thực địa căn nhà mát được các báo cho biết có tầng hầm và ba tầng lầu
Nhiều thông tin sai sự thật
Gặp phóng viên, ông Phong khóc nghẹn: "Mấy chú cứu tôi, cứu gia đình tôi với, tôi không biết phải làm sao".
Ngày 24/6, phóng viên đã thực địa cơ sở gỗ của ông Phong cùng Phó Công an xã Thanh An Lê Khắc Hữu và công an viên Ngô Đức Khoát và thấy sự thực không như báo chí mô tả.
Các báo viết rằng cơ sở ông Phong kín cổng cao tường, chỉ có một lối thoát duy nhất là bơi qua hồ Cần Nôm. Thực tế cổng rào của cơ sở ông Phong chiều cao chỉ hơn 1 m, anh Khoát đã nhảy vọt qua bức tường ngay cổng chính thoăn thoắt.
Một tờ báo đã dành miêu tả gần nửa trang cuộc "đột nhập" của phóng viên vào "chuồng cọp" và kết luận: ""Chuồng cọp" được xây dựng ba lầu và một tầng hầm". Chúng tôi cùng hai công an xã đã tìm kiếm "tầng hầm" nhưng mỏi mắt không thấy. Phó Công an xã Lê Khắc Hữu kết luận: "Đây chỉ là căn nhà mát bình thường, chỉ có một gác lửng nhỏ".
Các báo viết: "Cơ sở ông Phong, 10 năm làm ăn bất chính, bắt tay với những tay môi giới lao động khét tiếng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đưa lao động về đây bóc lột hết sức thậm tệ".
Theo Thiếu tá Nguyễn Khánh Phương, Phó Đội trưởng hình sự Công an huyện Dầu Tiếng: "Chúng tôi mới chỉ ghi nhận ông Phong nhận lao động tự do từ năm 2011 tới nay, trước đó sử dụng lao động địa phương. Về việc bóc lột, đánh đập người lao động, chúng tôi đã điều tra và chưa có chứng cứ kết luận. Qua kiểm tra thân thể của các lao động, không hề có dấu tích ngược đãi. Lời khai của người lao động cũng không thể hiện có chuyện bị đánh đập, ngược đãi như báo viết. Riêng thông tin ông Phong bán cho người lao động mỗi gói mì tôm giá 15.000 đồng, người lao động khai ông Phong chỉ bán thiếu cho họ với giá 3.000 đồng, bằng giá thị trường".
Bức tường của cơ sở chỉ cao hơn 1 m, không hề kín cổng cao tường như các báo viết
Ông Phong đang miêu tả lại cái chết của nạn nhân Sơn Bồ Rót bên bờ hồ
Theo Công an xã Thanh An, trong 10 năm gần đây chỉ ghi nhận hai trường hợp ra báo nhờ chính quyền can thiệp để lấy giúp đồ, trong đó có một trường hợp ra báo rồi xin đi vệ sinh và lẻn trốn. Không có chuyện người lao động bỏ trốn thường xuyên, đói lả, bầm tím vì bị đánh đập... như báo thông tin.
Liên quan đến cái chết của nạn nhân Sơn Bồ Rót, có báo đưa: "Khi nạn nhân chới với sắp chết, có người xin cứu, ông chủ quát: "Thằng nào cứu nó tao chém chết". Rồi có báo lại viết: "Cứ thử cho nó bơi xem nó bơi được tới đâu". Phó Trưởng Công an huyện Dầu Tiếng Hồ Văn Dũng cho biết bước đầu điều tra chưa ghi nhận được việc ông Phong ngăn cản không cho cứu người. Trên thực tế, lúc đó rất đông người và nhiều nhân chứng khai ông Phong đã kêu lật ghe để cứu nạn nhân nhưng không kịp...
Báo chí cho rằng khi vớt xác lên bờ, nạn nhân đã bị gãy cổ, gãy răng. Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết: "Tôi trực tiếp khám nghiệm tử thi, không có chuyện nạn nhân bị gãy cổ hay gãy răng, mà răng anh này bị sún. Tôi không biết các báo lấy thông tin từ đâu để đăng tải nữa. Nếu các báo cần, tôi sẽ cung cấp biên bản giám định pháp y ngay...".
Người dân: Chỉ bức xúc sau khi đọc báo
Các báo viết: "Người dân vô cùng phẫn nộ, tố cáo ông chủ độc ác". Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã hỏi nhiều người dân địa phương và được trả lời: "Chuyện này là có thật" và họ giải thích: "Chúng tôi biết qua... báo chí".
Thầy giáo về hưu Ngô Văn Long, người có tám năm làm trưởng ấp, cũng nói mình chỉ biết sự việc nhờ đọc báo. Theo thầy Long: "Ông Phong ít giao du với mọi người xung quanh. Nhưng trong các công tác xã hội, từ thiện, ma chay ông đều hưởng ứng". Lãnh đạo công an xã, công an huyện cũng cho biết người dân không hề phẫn nộ.
Nhiều báo đưa hình ảnh người dân bức xúc, quyên góp tiền vì ông chủ "bỏ lơ", không ai cho tiền mai táng. Thế nhưng theo lãnh đạo công an huyện, ngay sau khi gia đình nạn nhân có mặt, ông Phong đã chia buồn và hỗ trợ trước mắt 25 triệu đồng để lo chi phí. Một phụ nữ ở TP.HCM gọi điện thoại bức xúc vì tổ chức từ thiện của bà đã trực tiếp ủng hộ cho gia đình nạn nhân gần 25 triệu đồng...
Nhìn một số tấm ảnh chụp người dân bức xúc trả lời báo chí hay một số tấm ảnh trao tiền từ thiện cho gia đình anh Sơn Bồ Rót, ông Phong cho biết những người trao tiền, chụp ảnh, trả lời báo chí đều là anh em ruột, vợ chồng anh em ruột của một lãnh đạo xã. Người này suốt 10 năm qua có hiềm khích với ông.
Khi phóng viên vào tìm hiểu thông tin tại UBND xã Thanh An, Phó Chủ tịch xã Dương Văn Nhàn xin lỗi vì không thể trả lời báo chí theo chỉ đạo của Đảng ủy.
Giao nộp băng ghi âm được cho là giả
Ngày 25/6, trên một số tờ báo có trích đăng đoạn băng ghi âm do một người lao động cung cấp với nội dung ông Phong gọi điện thoại "mớm cung" để người này khai báo với công an theo hướng có lợi cho ông Phong. Đồng thời, ông Phong cũng hứa cho tiền, cất nhà cho công nhân này nếu làm theo lời ông.
Thiếu tá Nguyễn Khánh Phương cho biết, ngày 2/7, ông Trần Tấn Phong đã lên Công an huyện Dầu Tiếng giao nộp băng ghi âm và đề nghị cơ quan công an làm rõ hành vi vu khống mình.
Báo chí đăng một chiều
Chuyện ông Phong sai hay đúng chúng tôi đang thận trọng điều tra. Huyện ủy, ủy ban cũng đã có văn bản yêu cầu làm rõ thông tin báo chí đăng. Nếu phát hiện ông Phong có dấu hiệu phạm tội, chúng tôi sẽ bắt ngay. Vụ án này phải rất thận trọng chứ không thể theo dư luận từ các báo được. Ngay cả mấy công nhân chỉ mới làm việc được năm, bảy ngày đã bỏ trốn cũng có lý lịch không rõ ràng. Chúng tôi phải vất vả mới xác minh được chính xác tên thật của họ vì lúc đi làm họ đều khai man tên, tuổi, địa chỉ. Sắp tới, chúng tôi sẽ có phản hồi với các báo chứ không thể để các báo đăng tùm lum, quá đáng, một chiều, chưa qua thẩm định. Thiếu tá NGUYỄN KHÁNH PHƯƠNG, Phó Đội trưởng CSĐTTP-TTXH Công an huyện Dầu Tiếng
Theo 24h
Bắt cóc đối tác đòi nửa tỷ tiền chuộc Mai phục trước hẻm nhà đối tác cũ, Phúc cùng nhóm giang hồ đòi nợ thuê đã khống chế nạn nhân lên ôtô, đưa đến khách sạn tra tấn, yêu cầu trả nợ gần nửa tỷ đồng. Ngày 3/7, Công an TP HCM đã tạm giữ hình sự 7 nghi can trong băng giang hồ đòi nợ thuê để điều tra hành vi...