‘Christopher Robin’: Cái giá dành cho những giấc mơ
Khác với “Goodbye Christopher Robin” (2017) của Fox, bộ phim mới của Disney là câu chuyện khi cậu bé Robin đã trưởng thành, tình cờ gặp lại gấu Pooh và những người bạn cũ.
Trailer bộ phim ‘Christopher Robin’ Bộ phim là câu chuyện khi cậu bé Christopher Robin đã lớn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Một ngày nọ, anh tái ngộ người bạn thuở ấu thơ là gấu Pooh.
Thể loại: Gia đình, tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Marc Forster
Diễn viên chính: Evan McGregor, Hayley Atwell, Bronte Carmichael, Jim Cummings, Brad Garrett
Zing.vn đánh giá: 7/10
Christopher Robin lấy bối cảnh khi cậu bé năm nào nay đã lớn, có gia đình và gặp khó khăn bộn bề trong cuộc sống.
Winnie the Pooh là nhân vật hoạt hình không còn xa lạ đối với tuổi thơ của hầu hết công chúng.
Chú gấu áo đỏ “chào đời” trong Thế chiến II trên những trang sách của nhà văn Alan Alexander Milne, và từ đó trở thành người bạn của mọi em nhỏ trên toàn thế giới.
Năm 2017, hãng Fox trình làng Goodbye Christopher Robin – tác phẩm cảm động kể lại sự ra đời của gấu Pooh đáng mến.
Chỉ chưa đầy một năm sau, Disney đem đến một cách tiếp cận khác thông qua tác phẩm Christopher Robin, với chủ đề chính là tình bạn và tình cảm gia đình.
Khi Christopher Robin đã lớn và cuộc tái ngộ thần kỳ
Ở bộ phim mới, Christopher Robin rụt rè, nhút nhát thuở nào nay đã trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh bỏ lại sau lưng khu rừng-trăm-mẫu nơi làng quê yên tĩnh để chuyển tới London hiện đại, xô bồ.
Christopher Robin hiện làm chuyên viên quản lý hiệu quả, kinh doanh tại một tập đoàn sản xuất vali. Áp lực công việc cùng gánh nặng cuộc sống khiến anh luôn luôn bận rộn, không còn thời gian dành cho gia đình.
Cậu bé mơ mộng, tin vào phép màu năm nào giờ đây chỉ còn tin vào cái giá của những giấc mơ. Giấc mơ tuổi trưởng thành là cuộc sống êm ấm, một công việc với địa vị nhất định trong xã hội mà người ta phải hy sinh rất nhiều để đánh đổi.
Vui mừng khi gặp lại người bạn thuở ấu thơ, nhưng Christopher Robin lập tức nhận ra mình sắp sửa phải đối mặt với nhiều tình huống tréo ngoe.
Cùng lúc ấy, bằng một cách nào đó, người bạn thuở ấu thơ – chú gấu Winnie the Pooh – bước qua “cánh cửa thần kỳ” và lạc từ khu rừng trăm mẫu tới London hoa lệ. Gấu Pooh vui mừng, phấn khởi khi gặp lại người bạn cũ bao nhiêu, thì Christopher Robin lại hoảng hốt, sợ hãi khi mang theo chú gấu biết nói giữa nơi công cộng bấy nhiêu.
Tái ngộ chưa được bao lâu, Robin quyết định phải đưa gấu Pooh trở về “chốn cũ” để tránh những xáo trộn trong công việc và cuộc sống. Đó là hành trình tuy ngắn ngủi nhưng đã đưa “cậu bé” trong hình hài Robin trưởng thành tìm thấy nhiều điều tưởng như đã mất.
Điều gì là ý nghĩa nhất trong cuộc sống?
Mô-típ hành trình trưởng thành là vô cùng thân thuộc trong các bộ phim của Disney. Song, đội ngũ sản xuất tại “nhà chuột” luôn biết cách khiến người xem không cảm thấy nhàm chán khi cho họ có cơ hội nhìn thấy bản thân ở tác phẩm.
Christopher Robin dựng nên chuyến hành trình của hai người bạn xuyên thời gian và không gian để đi tìm đáp án cho câu hỏi: điều gì là ý nghĩa nhất trong cuộc đời?
Cách dẫn dắt chủ đề hành trình của nhà sản xuất bằng một chuyến tàu, một trái bóng bay, hay một chiếc cặp được xách đi muôn nơi, đã tạo nên những nút thắt về mặt cảm xúc trong lòng khán giả. Mỗi tình tiết đều chứa đựng ẩn dụ về sự phù phiếm, mộng mơ đối lập với sự thực tế, khắc nghiệt của cuộc sống.
Cuộc tái ngộ thần kỳ dẫn dắt tới hàng loạt khung hình đối lập đáng suy ngẫm cho người xem.
Thế giới của gấu Pooh chỉ có bóng bay và mật ong. Ngược lại, cuộc sống của Christopher Robin không thể tách rời khỏi chiếc cặp chứa hàng tập tài liệu với những con số.
Trong lúc Pooh ngồi chơi trò chơi “không làm gì”, “nghĩ sao nói vậy” bên cửa sổ, thì “người bạn già” của chú ngồi tính toán sát sao từng con số để tìm cách cắt giảm chi phí vận hành công ty. Mỗi người cứ thế theo đuổi những suy nghĩ khác nhau, chia thành hai nửa khuôn hình cô đơn, buồn bã khi cảnh vật lướt qua vô hồn sau cửa kính toa tàu.
Người xem có lẽ sẽ nhớ đến nhiều câu thoại đắt giá trong phim nhiều hơn là những tình tiết được kể. Một sợi dây nối chặt chẽ về cấu trúc được thiết lập ngay từ đầu phim. Robin lúc nhỏ từng đứng trên cầu, thủ thỉ với gấu Pooh rằng: “Tớ rất thích khi ai đó hỏi tớ muốn làm gì, tớ sẽ trả lời rằng không gì cả”.
Nhiều năm sau, Winnie the Pooh trở lại đúng lúc Robin đang ở giữa guồng quay của cuộc sống bộn bề. Chú gấu không hiểu tại sao người bạn năm xưa “không làm gì” giờ lại không thể rời một phút nào khỏi công việc để chơi trò “nghĩ gì nói nấy”, không thể nán lại khu rừng tuổi thơ ít lâu để gặp gỡ, hỏi thăm đám bạn cũ thuở nào.
Hãy cứ nuôi dưỡng những giấc mơ
Câu chuyện của Christopher Robin có thể dừng ở đó cũng đủ để khiến bất cứ ai từng là trẻ con thấm thía sự mất mát, phôi pha của những kỷ niệm và người bạn thời thơ ấu. Nhưng các nhà sản xuất của Disney còn dẫn dắt khán giả đi xa hơn thế nữa.
Thông điệp về niềm hạnh phúc của việc “không làm gì” được dẫn dắt sang trăn trở về “cái giá của những giấc mơ”. Phải chăng, để có được những giấc mơ, chúng ta phải gạt sang một bên sự mơ mộng, phù phiếm để lao động cật lực? Phải chăng giấc mơ chỉ là cuộc sống ổn định, địa vị cao hơn trong xã hội?
Giấc mơ xuất hiện rất nhiều hình thức khác nhau trong phim, và câu chuyện thôi thúc khán giả hãy cứ nuôi dưỡng chúng trong tâm hồn.
Với Madeline (Bronte Carmichael) – con gái của Christopher Robin, giấc mơ của cô chỉ là được bố đọc truyện trước khi đi ngủ. Với Evelyn (Hayley Atwell) – người vợ nhà Robin, giấc mơ của cô là được cùng chồng con tận hưởng một kỳ nghỉ xa nhà.
Với Winnie the Pooh, giấc mơ của cậu đơn giản là không bị lạc mất những người bạn cũ. Muôn hình muôn vẻ của giấc mơ cứ thế xuất hiện trong suốt bộ phim.
Cái giá của nó có thể là sự tốn kém, lãng phí thời gian, hay những nguy hiểm, rủi ro trên hành trình tới đích. Nhưng tất cả đều hoàn toàn xứng đáng nếu như giấc mơ ấy giúp mỗi cá nhân nuôi dưỡng trong mình niềm tin yêu vào tình bạn, tình cảm gia đình và tâm hồn trẻ thơ mà không một ai muốn đánh mất.
Cốt truyện mạch lạc cùng thông điệp sáng tỏ giúp Christopher Robin là bộ phim dành cho cả người lớn và trẻ em ở nhiều tầng nghĩa khác nhau. Tuy diễn xuất của dàn diễn viên không có gì đáng chú ý, nhưng tạo hình sống động của Pooh, Tigger, Eeyore hay Piglet có thể khiến khán giả thích thú, và cho thấy rõ thế mạnh kỹ thuật của Disney.
Đặc biệt, kỹ thuật hình họa vẽ tay trên giấy được chuyển tải khéo léo vào những khuôn hình động ở đầu phim. Đó là nét sáng tạo đầy thông minh của đội ngũ làm phim.
Bằng cách đó, gấu Pooh cùng những người bạn như được dắt đi xuyên qua thời gian, không gian, từ trang sách lên màn ảnh, ra cuộc đời đầy thuyết phục và hấp dẫn.
Bộ phim Christopher Robin đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Diệu Anh
Ảnh: Disney
Theo Zing
Hãy để gấu Pooh bé nhỏ dẫn lối về tuổi thơ trong "Christopher Robin"
Thông qua những hình tượng gắn bó với tuổi thơ như gấu Pooh, lợn hồng Piglet, hổ Tigger, lừa Eeyore, "Christopher Robin" của nhà Disney đã gợi lên nhiều suy ngẫm về cuộc sống và tình cảm gia đình.
Song, những người bạn tuổi thơ ấy vẫn mãi bé nhỏ còn cậu bé Christopher Robin thì phải trưởng thành. Anh chàng giờ đây phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và quên mất những tháng ngày bình yên hôm nào.
Trailer phim "Christopher Robin"
Sự khắc nghiệt của con đường mang tên trưởng thành
Bạn còn nhớ cậu bé Christopher Robin trong Winnie the Pooh chứ? Cậu ấy đã lớn rồi. Đứng bên cạnh Pooh trên poster giờ đây là một người đàn ông trưởng thành, đã có vợ con. Ngày ấy, khi vẫn còn là một cậu bé, cả thế giới của Christopher Robin chỉ là khu Rừng Trăm Mẫu với những người bạn thân yêu.
Hạnh phúc lúc ấy là không phải làm gì cả, cả ngày được vui chơi với tiếng cười giòn tan vang vọng khắp chốn. Những ngày tháng tuổi thơ cứ thế trôi đi thật êm đềm. Và rồi đứa trẻ nào cũng phải lớn lên. Ngay ở đầu phim đã là một bữa tiệc thịnh soạn mà những người bạn đã chuẩn bị cho Robin, báo hiệu một cuộc chia ly sắp đến.
Robin đã lớn thế này rồi, còn Pooh thì vẫn thế.
Năm tháng trôi đi qua chuỗi cảnh, Christopher Robin (Ewan McGregor) chuyển đến thành phố khác, trở thành người lính chiến, lấy vợ và rồi là cha của một cô con gái. Bước ra khỏi cuộc chiến, anh chàng khoác lên mình bộ Âu phục để tiếp tục một "cuộc chiến" khác cũng khốc liệt không kém. Tình hình kinh tế ngày một khó khăn, cậu bé năm nào lúc này đã có một gia đình phải chăm lo, không những thế anh còn nắm trong tay miếng cơm manh áo của nhiều người, cũng là trụ cột của nhiều gia đình khác.
Cuộc sống của Robin bây giờ tất bật với các loại giấy tờ sổ sách, bù đầu vì cơm áo gạo tiền, thậm chí thời gian dành cho gia đình cũng trở nên hiếm hoi. Anh đã quên khu rừng bí mật, quên những người bạn tuổi thơ. Nhưng tuổi thơ chưa một lần lãng quên anh. Bằng một cách thần kỳ nào đó, gấu Pooh (Jim Cummings) chui qua gốc cây và gặp lại Robin ngay giữa lòng thành phố London, giống như tuổi thơ tìm về gõ cửa. Pooh những tưởng Robin sẽ mừng rỡ khi gặp lại mình nhưng cuối cùng Robin lại đón tiếp anh bạn cũ bằng thái hoảng hốt, bối rối và muốn xua đuổi cậu đi.
Pooh bây giờ chỉ có thể đứng bên ngoài cuộc sống của Robin.
Trên con đường khắc nghiệt mang tên trưởng thành, chúng ta đã đánh mất nhiều thứ, bỏ rơi nhiều thứ. Chúng ta đã mất đi rất nhiều bạn bè nhưng vẫn luôn tiếp tục đẩy họ ra xa. Hình ảnh con gấu đơn độc đi trong sương mù u ám, trên tay cầm quả bóng bay đỏ chói gợi lên một cảm giác cô độc, lạc lõng đến cùng cực. Hình ảnh ấy khiến chúng ta phải chạnh lòng vì hình như chúng ta cũng đã bỏ lỡ một điều gì đó.
Chìa khóa của hạnh phúc chính là "không làm gì cả"
"Mỗi ngày tui chẳng làm gì cả".
Robin đã qua cái tuổi được quyền "không làm gì cả" rồi. Một khi đã quăng mình vào cái "dây chuyền" công việc thì người ta không thể tự cho phép mình dừng lại. Pooh thì mãi mãi mang tâm hồn của một đứa trẻ không bao giờ lớn. Cậu thắc mắc không hiểu tập giấy tờ của Robin quan trọng hơn hay quả bóng bay quan trọng hơn. Giấy tờ sổ sách chỉ khiến Robin bù đầu, còn quả bóng bay lại khiến Pooh hạnh phúc.
Gần nhau chỉ tấc gang, mà cách nhau trời vực.
Pooh vẫn mãi là một đứa trẻ ngây thơ, ngờ nghệch, thắc mắc về mọi thứ trên đời, nhưng Robin đã chẳng còn kiên nhẫn giải thích cho Pooh như ngày bé. Lúc này Pooh chỉ mang đến cho Robin sự phiền nhiễu, rắc rối và lẽ ra Pooh nên ở yên chỗ mà cậu thuộc về, không nên đến tìm Robin thì hơn. Pooh đã cố gắng thuyết phục Robin rằng chìa khóa của hạnh phúc là không làm gì cả nhưng ai tin một kẻ "não nhồi bông" phiền phức.
Hình ảnh của Robin là cái gương phản chiếu vô số những con người hiện đại như chúng ta thôi. Chúng ta lao vào công việc như những con thiêu thân, sợ hãi việc phải dừng lại. Chúng ta quên mất niềm hạnh phúc của việc "không làm gì cả". Bởi vì ai cũng cần những khoảng trống, để được nghỉ ngơi, để sạc lại năng lượng cho đầy. Chúng ta ai cũng hiểu điều đó nhưng chẳng mấy ai làm được. Không phải ai cũng dũng cảm kháng cự lại sức ép nặng nề của công việc.
Robin đã đánh mất tuổi thơ, mất đi cả những người bạn.
Thế giới tuổi thơ mà ai cũng muốn tìm về
Ngay từ khi Disney tung đoạn trailer, nhiều người đã bồi hồi thổn thức khi được gặp lại những người bạn quen thuộc của tuổi thơ. Gấu Pooh, lợn hồng Piglet (Nick Mohammed), hổ Tigger (Jim Cummings), lừa Eeyore (Brad Garrett) từng trở nên quen thuộc với hàng triệu trẻ em trên thế giới qua những nét vẽ minh họa trong truyện hay qua những thước phim hoạt hình vẽ tay, nay được tái hiện lại một cách chân thực, sinh động nhờ công nghệ CGI. Vẫn là gấu Pooh bụng bự, mặc chiếc áo đỏ cộc cỡn nhưng trở nên sinh động đến từng cọng lông. Những người bạn tuổi thơ của Robin được tạo hình giống những món đồ chơi thú nhồi bông gây kinh ngạc bởi khả năng nói chuyện với con người.
Có bao nhiêu người muốn gặp lại những người bạn tuổi thơ này?
Bộ phim là sự kết hợp giữa những nét vẽ chì mộc mạc trong sách, đồ họa CGI và live action (hành động sống). Cả tác phẩm được phủ một màu buồn đầy ưu tư. Cổ tích của người lớn không còn là những bức tranh rực rỡ, nhiều màu. Dù hiện thực cuộc sống khắc nghiệt đến đâu, cổ tích vẫn luôn tồn tại, vẫn luôn có một "happy ending" (kết thúc có hậu) cho những câu chuyện cổ tích mà người ta tự vẽ nên bằng những nét vẽ giản đơn.
Cũng giống như những phim mang màu sắc kì ảo của Disney như Beauty and the Beast(2017), Maleficent (2014), Alice in Wonderland (2010), Christopher Robin gây ấn tượng bởi những khuôn hình đẹp lung linh nhưng vẫn pha chút âm u, kỳ bí. Bối cảnh chính là khu Rừng Trăm Mẫu đẹp như trong cổ tích và cảnh thành phố London cổ kính, nhộn nhịp. Christopher Robin đã tiết chế những cảnh hát hò, nhảy múa (thứ đã trở thành "đặc sản" của phim Disney) mà thay vào đó là nền nhạc piano nhẹ nhàng, gợi ra một không gian cổ tích bình yên.
Đây là một bộ phim dịu dàng dành cho những ai đang cần tìm một chút tĩnh lặng giữa cuộc sống bộn bề, muốn trở được về tuổi thơ để bồi hồi, thổn thức. Phim hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Hành trình đốn tim khán giả của gấu Pooh ở "Christopher Robin" còn lắm gian nan Việc mang các nhân vật hoạt hình của mình lên màn ảnh người đóng (live-action) là một ý tưởng hết sức sáng tạo của Disney, nhưng "Christopher Robin" lại phải đối mặt với những vấn đề không nhỏ khi đem Pooh phiên bản 3D tới với khán giả. Đã hơn 50 năm kể từ lần đầu xuất hiện trong các phim ngắn từ...