Chốt thu phí BOT đường thủy đầu tiên: Nghịch lý!
Chủ tịch Hiệp đội Vận tải đường thủy Việt Nam cho rằng BOT Bình Lợi đang có nhiều nghịch lý, hậu quả người dân phải gánh chịu.
Lợi 1 thiệt bao nhiêu…?
Ngày 31/8/2019, thông tin từ Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết, tỉnh Bình Dương đã chấp thuận phương án thu phí BOT đường thủy tuyến luồng sông Sài Gòn (đoạn từ cầu sắt Bình Lợi – TP. HCM đến cảng Bến Súc – Bình Dương) với giá 70 đồng/tấn/km.
Mức thu phí này bằng với mức thu phí mà nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi đã đề xuất ban đầu.
Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đỗ Liêm – Chủ tịch Hiệp đội Vận tải đường thủy Việt Nam cho rằng, làm dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn và xây mới cầu sắt Bình Lợi rồi thực hiện thu phí hoàn vốn đã sai ngay từ đầu.
“Việc cải tạo, nâng cấp luồng sông có ý nghĩa về mặt thủy lợi, khai thông nguồn nước nhiều hơn là vấn đề vận tải hàng hóa.
Chính vì thế, đây là vấn đề của Bộ NN&PTNT nhiều hơn là Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải chỉ sử dụng một phần chức năng của luồng sông này nhưng lại phải gánh chịu toàn bộ mức phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư là điều bất hợp lý” – ông Liêm nói.
Cac tau thuyên tư 300 tân đi qua câu săt Binh Lơi mơi se phai tra 70 đông/tân khi dư an hoan thanh (Ảnh Tuổi trẻ)
Ngoài ra, ông Liêm cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đường thủy chỉ sử dụng luồng sông Sài Gòn để di chuyển phương tiện đến cảng Bến Súc nhưng lại phải trả phí hoàn vốn cho cả chi phí xây dựng cầu sắt Bình Lợi. Việc này giống như nâng cấp, thảm nhựa một đoạn đường rồi chặn cả tuyến thu phí như ở các dự án BOT đường bộ.
Theo tính toán của ông Liêm, đoạn sông cải tạo có chiều dài 70km, với chủ trương thu phí 70 đồng/tấn/km khi qua BOT Bình Lợi, một tàu trọng tải 1.000 tấn sẽ phải mất 10 triệu tiền phí cả đi và về qua khu vực này. Điều đó sẽ đẩy giá trị hàng hóa lên cao và người cuối cùng chịu thiệt lại là người dân.
Video đang HOT
“Đúng ra khi thực hiện BOT Bình Lợi thì cơ quan chức năng cần hỏi doanh nghiệp vận tải đường thủy – khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ văn bản nào như thế.
Đến khi ra quyết định này thì nhiều doanh nghiệp vận tải đường thủy rất lo lắng, tính tới phương án tìm đường khác để di chuyển” – ông Liêm nói.
Nhưng ông Liêm cho rằng, việc tìm đường khác để vận chuyển hàng hóa đến cảng Bến Súc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì luồng sông Sài Gòn từ Bình Lợi đến cảng Bến Súc là con đường thủy độc đạo.
Nếu không muốn vận chuyển hàng hóa đi qua tuyến sông này thì chỉ còn cách đi đường bộ. Mà đường bộ hiện nay từ TP. HCM đến cảng Bến Súc – Bình Dương cũng thường xuyên xảy ra ách tắc, nhiều trạm BOT khác nhau.
“Việc thu phí BOT Bình Lợi chỉ lợi cho mỗi nhà đầu tư dự án nhưng lại ảnh hưởng tới bao doanh nghiệp vận tải, cung cấp hàng hóa khác. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành và người dân phải gánh chịu” – ông Liêm một lần nữa nhấn mạnh.
Đường bộ gánh hệ quả!
Theo kết quả thanh tra của Bộ GTVT vào tháng 10/2018, dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đã mắc phải hàng loạt sai phạm. Trong đó có phương án tài chính Hợp đồng BOT dự án đã không xây dựng phương án thu phí; tính chi phí quản lý thu phí hàng năm 4,8% giá trị thu phí hàng năm là chưa phù hợp.
Mặc dù vậy, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Bình Dương vẫn chấp thuận mức giá 70 đồng/tấn/km mà phía nhà đầu tư dư án đề xuất tại thời điểm ban đầu.
Bên cạnh đó, theo nguyên tắc làm dự án BOT, thì phải có 2 tuyến đường song song để người sử dụng dịch vụ có thể lựa chọn. Tuy nhiên, với đường thủy đoạn từ cầu Sài Gòn đến cảng Bến Súc, chỉ có duy nhất con sông Sài Gòn chảy qua địa phận hai địa phương. Khi làm dự án BOT này, người dùng không còn lựa chọn nào khác vì chỉ có một đường sông để đi.
Ông Phạm Sanh, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng với dự án nâng cấp luồng sông Sài Gòn, cần phải tách bạch rõ ràng chi phí nạo vét luồng sông và chi phí xây cầu đường sắt Bình Lợi.
Chỉ nên thu phí các tàu trên sông để bù chi phí nạo vét luồng sông, còn cầu đường sắt Bình Lợi thì phải do ngành đường sắt bỏ tiền ra làm chứ không thể bắt tàu thủy đi dưới sông trả phí thay cho tàu hỏa.
Do vậy, việc thu phí đường thủy phải tính toán sao cho phù hợp và có thể trợ giá để đưa mức phí xuống thấp nhằm khuyến khích doanh nghiệp vận tải bằng đường thủy.
Nếu không, doanh nghiệp lại dồn hết vào vận tải đường bộ, lại gây ra quá tải, trong khi đường thủy chẳng ai đi.
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc được xây dựng tháng 4/2015, đến năm 2016 mới thực sự triển khai thi công.
Đây là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỉ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5 m lên 7 m. Cầu đường sắt Bình Lợi mới có đường dẫn và phần cầu chính dài hơn 1,3 km, nằm cách cầu cũ hơn 100 năm tuổi 12 m về phía hạ lưu.
Nhà đầu tư sẽ áp dụng thu phí với tàu trọng tải từ 300 tấn trở lên. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến trong 20 năm 9 tháng.
Vân Nam
Theo Datviet
Tàu, thuyền lưu thông trên sông Sài Gòn phải đóng phí
Ngày 31-8, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết, tỉnh Bình Dương đã chấp thuận phương án giá dịch vụ sử dụng luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu sắt Bình Lợi, TPHCM đến cảng Bến Súc, Bình Dương.
Sau khi cầu đường sắt Bình Lợi hoàn thành tàu thuyền qua sông Sài Gòn sẽ phải đóng phí
Theo đó, các tàu thuyền từ 300 tấn đi qua khu vực cầu sắt Bình Lợi sẽ phải trả 70 đồng/tấn/km (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo Sở Tài chính Bình Dương, phương án giá sử dụng luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT mà Công ty TNHH BOT Bình Lợi đề xuất là phù hợp với quy định hiện hành. Sở này đề nghị công ty kê khai giá và thu giá dịch vụ đúng quy định.
Cầu đường sắt Bình Lợi đang thi công
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT.
Dự án gồm hai hợp phần, xây mới cầu sắt Bình Lợi nhằm nâng tĩnh không thông thuyền từ 1,5 m lên 7m; cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc, Bình Dương dài 70 km. Mục tiêu xây cầu mới nhằm tạo thuận lợi cho tàu bè lưu thông, trong khi cầu cũ có tĩnh không khoảng 1,5m tàu bè qua đây thường xuyên xảy ra va vào cầu hoặc mắc kẹt gây gián đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM.
Sau khi cầu đường sắt Bình Lợi hoàn thành tàu thuyền qua sông Sài Gòn sẽ phải đóng phí
Ban đầu, tổng mức đầu tư dự án được duyệt khoảng 1.300 tỷ đồng, nhà đầu tư thu phí tàu thuyền để thu hồi vốn trong vòng 20 năm 9 tháng. Thời điểm thu là sau khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên, mới đây theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các đơn vị liên quan phải tính toán lại tổng mức đầu tư, lưu lượng vận tải... để xây lại phương án tài chính cho phù hợp.
Dự kiến trong tháng 9-2019, cầu sắt Bình Lợi mới sẽ hoàn thành, các đơn vị sẽ tháo dỡ một nửa cầu sắt cũ, nửa còn lại đang được đề xuất bảo tồn làm du lịch.
QUỐC HÙNG
Theo SGGP
Bảo tồn 2 nhịp cầu đường sắt Bình Lợi Sở GTVT TP.HCM vừa cho biết đã bắt đầu lên kế hoạch bảo tồn 2 nhịp cầu đường sắt Bình Lợi. Cụ thể, theo Sở GTVT, các đơn vị liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng thành phố, Ban Quản lý dự án 7, Phân Ban Quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt khu vực III, UBND quận...