Chốt phương án lấy phiếu tín nhiệm 3 mức, 1 lần/nhiệm kỳ
Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ Quốc hội sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo.
Trước đó, 2 nội dung quan trọng của Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm (sửa đổi) về thời hạn, thời điểm lấy phiếu và mức độ tín nhiệm này đã được UB Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình cụ thể.
Về tần suất lấy phiếu, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết (lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 3).
UB Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ là không phù hợp, đề nghị quy định lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ, lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 (hoặc đầu năm thứ 3), lần thứ hai vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND.
Cơ quan giải trình phân tích, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ Quốc hội ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện hành, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo.
Quy định lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ, theo đó, sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).
Với 2 lý do đưa ra, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội chấp thuận quy định chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ như thể hiện trong Nghị quyết.
Về mức độ tín nhiệm, ngoài ý kiến tán thành duy trì 3 mức độ tín nhiệm như hiện nay, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định 2 mức độ tín nhiệm là: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” Ý kiến khác đề nghị quy định 2 mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” nhưng trong “tín nhiệm” thì có 2 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”.
UB Thường vụ bảo lưu lập luận, quy định 3 mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ.
Cơ quan giải trình cũng nhấn mạnh, theo quy định thì việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm và cũng không quy định số lần bỏ phiếu trong một nhiệm kỳ.
Video đang HOT
Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại Quốc hội, theo UB Thường vụ, việc đại biểu Quốc hội thể hiện tín nhiệm theo 3 mức về cơ bản đã phản ánh sự đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan của đại biểu đối với những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác.
Do đó, quy định về 3 mức độ tín nhiệm đã được giữ nguyên, đưa ra Quốc hội để biểu quyết thông qua, theo đúng tinh thần Kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).
Từ nội dung này, việc xử lý hệ quả đối với người không được tín nhiệm cũng được chú trọng ở quy trình, thủ tục từ chức, miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người giữ chức vụ.
Có ý kiến cho rằng, quy định về từ chức chỉ quy định để áp dụng đối với trường hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là chưa đầy đủ. Hướng ý kiến này đề nghị quy định chung việc từ chức trong lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.
UB thường vụ Quốc hội nhận định, việc từ chức, miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người giữ chức đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội và sẽ được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là một trong các lý do dẫn đến việc người giữ chức vụ từ chức, bị miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm. Để tránh trùng lặp trong việc quy định lại các nội dung của luật, quy định về quy trình, thủ tục từ chức, miễn nhiệm không được quy định trong Nghị quyết này.
Người được lấy phiếu phải kê khai tài sản Với ý kiến đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập và cân nhắc việc quy định về thời gian xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm, UB Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tiếp thu. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã được bổ sung nội dung kê khai tài sản, thu nhập cá nhân vào khoản 3 Điều 6 và nhận sự tán thành cao của Quốc hội.
P.Thảo
Theo Dantri
Chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần là tước quyền "sửa sai" của cán bộ?
Kết quả lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm đã ghi nhận nỗ lực hành động, chuyển biến của nhiều Bộ trưởng. Vậy chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ là tước đi quyền được ghi nhận của các chức danh về nỗ lực của mình? Họ sẽ mãi "mang tiếng" bị tín nhiệm thấp?...
Bà Nga cho rằng, chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ, các chức danh không có cơ hội chứng minh nỗ lực phấn đấu của bản thân. (Ảnh: Việt Hưng)
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu ra hàng loạt câu hỏi trong phiên thảo luận chiều 20/11 của Quốc hội về việc sửa đổi Nghị quyết 35 năm 2013 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Thẳng thắn nêu quan điểm khác với bản dự thảo Nghị quyết sửa đổi mới nhất trình ra Quốc hội với việc giữ nguyên 3 mức đánh giá "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp", đại biểu Lê Thị Nga nêu ra 3 vấn đề liên quan đến nội dung này.
Trước hết, đề cập đến đến việc tổng kết thực tiễn qua 2 lần lấy phiếu tại Quốc hội vừa qua để sửa quy định, bà Nga khẳng định quán triệt nghiêm nguyên tắc: cán bộ là công tác của Đảng, những quy định của nhà nước liên quan đến công tác đánh giá cán bộ cần phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Bà Nga đề nghị Quốc hội tổ chức thăm dò ý kiến từng đại biểu Quốc hội một lần nữa trước khi "quyết" hướng sửa Nghị quyết 35, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền một lần nữa để đảm bảo ý kiến của Đảng, quyết định của Quốc hội phù hợp với nguyện vọng của cử tri.
(Biểu đồ: Quang Huy)
Về các mức độ thể hiện trên phiếu tín nhiệm, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng việc giữ nguyên 3 mức tín nhiệm là chưa phù hợp.
Xuất phát từ bản chất của lấy phiếu là "thăm dò mức độ tín nhiệm", bà Nga cho rằng cần trả lời câu hỏi, chức danh cụ thể được lấy phiếu có được Quốc hội tín nhiệm không, được tín nhiệm ở mức độ nào? Quy định 3 mức tín nhiệm dẫn đến hệ quả, chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp mà thôi.
Bà Nga lật lại vấn đề, sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?
"Không có quy định "không tín nhiệm" là vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó và qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri vì lá phiếu đánh giá của đại biểu Quốc hội là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm chữ "không tín nhiệm" thì phiếu trở thành không hợp lệ" - bà Nga phản ánh.
Đòi hỏi có mức phiếu "không tín nhiệm", nữ đại biểu cho rằng, việc đó là sự thể hiện phù hợp với quy định đánh giá cán bộ "không hoàn thành nhiệm vụ" thể hiện tại Điều 29 Luật cán bộ, công chức.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nhận xét, quy trình lấy phiếu đặt ra những giới hạn khá thận trọng, ít có khả năng xảy ra hệ quả xấu đối với người được lấy phiếu (như các quy định về trên 2/3 số phiếu thấp hoặc 2 năm liên tiếp quá nửa số phiếu thấp và qua nhiều thủ tục xem xét của cơ quan có thẩm quyền...).
Nữ đại biểu đặt câu hỏi: "Những quy định này đã giúp cho việc lấy phiếu tín nhiệm đáp ứng yêu cầu thực sự là một hình thức Quốc hội giám sát, nhắc nhở, cảnh báo để làm tốt hơn?".
Bà Nga thẳng thắn đề nghị sửa quy định theo hướng chỉ quy định 2 mức đánh giá "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Trong ô "tín nhiệm" chia nhỏ thành 2 mức "tín nhiệm" và "tín nhiệm cao".
Đại biểu Lê Thị Nga cũng không tán thành hướng quy định chỉ lấy phiếu một lần duy nhất trong nhiệm kỳ vì việc này không đảm bảo mục đích lớn nhất của hoạt động này là nâng cao hiệu quả giám sát. Theo đánh giá của đại biểu, giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm, công bố công khai trước toàn dân đang được cử tri đánh giá là hình thức giám sát có hiệu quả nhất, có tác động tích cực đến hiệu quả quản lý điều hành và đến đời sống nhân dân.
Lấy phiếu một lần duy nhất cũng không đảm bảo mục đích "giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động" thể hiện tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết sửa đổi.
"Nếu kết quả lấy phiếu lần đầu cho kết quả mức độ tín nhiệm đối với một chức danh không cao thì lần thứ 2 lấy phiếu vào ngày 15/11 vừa qua đã ghi nhận nỗ lực hành động, chuyển biến của nhiều Bộ trưởng. Vậy tại sao chúng ta tự tước đi quyền ghi nhận của Quốc hội, quyền được ghi nhận của các chức danh về nỗ lực khắc phục hạn chế của họ? Họ sẽ mãi mãi mang tiếng là bị tín nhiệm thấp?" - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp day dứt.
Bà Nga dẫn chứng, phân tích kết quả phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của Thống đốc Ngân hàng nhà nước sau 2 lần lấy phiếu đã minh chứng rất thuyết phục cho việc cần thiết phải có hai lần lấy phiếu trong một nhiệm kỳ.
Xét về thời điểm lấy phiếu đề xuất là vào kỳ họp cuối của năm thứ 3, bà Nga lập luận, là sau gần 30 tháng kể từ khi được bầu hoặc phê chuẩn, quá muộn và làm giảm hiệu quả của giám sát. Nêu kinh nghiệm đánh giá cán bộ ở các nước là sau 6 tháng nhưng nữ đại biểu cũng nhìn nhận, đối với những lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, để chính sách đi vào cuộc sống cần có thời gian nhất định và lấy phiếu lần đầu vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ như đã thực hiện là hợp lý.
Bà Nga phân tích, khi đó, cử tri khó có thể chấp nhận việc sau khoảng 1 năm rưỡi (tức gần 1/3 nhiệm kỳ) mà người đứng đầu chỉ mới làm quen với công việc; sau 1 năm rưỡi mà việc chỉ đạo, điều hành nhất là đối với những vấn đề nóng, bức xúc trong đời sống dân sinh chưa có kết quả trên thực tế. Và cử tri cũng không thể chấp nhận với chừng ấy thời gian mà đại biểu chưa đủ khả năng, chưa đủ điều kiện để làm tốt được công tác giám sát, đánh giá.
P.Thảo
Theo Dantri
Bà Rịa - Vũng Tàu bầu mới Chủ tịch UBND tỉnh Với tỉ lệ phiếu bầu đạt 82%, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã được bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 17/6, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức kỳ họp bất thường để bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND tỉnh. Kỳ...