Chồng tôi không nộp đủ 25 triệu mỗi tháng sẽ bị ‘cấm vận’ ngay
Không rõ các bà vợ khác thế nào chứ với tôi, tiền rất quan trọng, mỗi tháng nếu chồng tôi không mang về đủ 25 triệu thì chắc chắn tôi sẽ “cấm vận” luôn.
Các cụ xưa chẳng nói, chồng là trụ cột của gia đình còn vợ là tay hòm chìa khóa, vì thế, dĩ nhiên chồng phải là người kiếm tiền nuôi vợ con và đến tháng phải mang tiền về nộp cho vợ.
Với tôi, tiền vô cùng quan trọng. Thời buổi này không có tiền thì chẳng làm được việc gì cả, từ chi tiêu hằng ngày đến các việc quan trọng khác như lễ lạt, xin xỏ, chạy chọt… Thử hỏi, giờ ra đường mà không có tiền người ta nhìn mình như thế nào?
Tôi ý thức rõ điều này ngay từ khi còn bé. Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, nghèo rớt mùng tơi. Mới đến giữa tháng Chạp là người ta đã kéo đến nhà tôi đòi nợ. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao, bố tôi làm giáo viên, mẹ tôi buôn bán, nghề nghiệp đường hoàng như vậy mà sao nợ đâu nhiều thế.
Mang tiếng là con gái nhà gia giáo mà ra đường tôi chẳng giám ngẩng mặt nhìn ai. Thứ nhất là sợ người ta xì xào chỉ trỏ bố mẹ tôi nợ nần, thứ hai là sợ người ta lao vào đòi nợ cả tôi.
Lên cấp 2, cấp 3 xa nhà trọ học, đầu tháng nào tôi cũng được cha cho mấy chục nghìn cố mà tằn tiện tiêu trong cả tháng. Giữa tháng có hết tiền thì cũng cố mà cầm cự chứ chẳng dám gọi điện về xin. Thế nên tôi hiểu thế nào là đói nghèo, nhục nhã của kẻ không có tiền.
Thế nên, lớn lên tôi càng quyết phấn đấu kiếm tiền cho bố mẹ tôi ở quê mở mày mở mặt. Người ta phải nhìn vào nhà tôi nể trọng chứ không dám chỉ trỏ dè bỉu nữa. Nếu không kiếm được tiền thì ít nhất tôi cũng phải kiếm được một ông chồng cho ra tấm ra món, không con nhà giàu thì ít nhất cũng có chức tước, địa vị.
Và đúng như tôi dự tính, ra trường nhờ phấn đấu đến nay sau 5 năm tôi đã làm trưởng phòng kinh doanh một công ty truyền thông, thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu. Chồng tôi hơn tôi 6 tuổi, tôi chọn người như vậy để đảm bảo không giàu thì cũng thành đạt và tôi có thể dựa vào.
Video đang HOT
Mỗi tháng chồng tôi kiếm được 28 triệu, tôi yêu cầu nộp đủ 25 triệu mỗi khi lãnh lương, còn 3 triệu để xăng xe, chi tiêu ngoài. Tôi nghĩ như thế là quá thoải mái rồi. Tiền thì lúc nào cũng cần, cứ để trong túi là tiêu hết. Mà đàn ông cứ có tiền là sinh lắm tật, không gái gú thì nhậu nhẹt, đường nào cũng hết.
Tháng nào nhận lương chồng tôi cũng phải nộp đủ 25 triệu thì mới yên ổn. Ảnh minh họa.
Tôi phải thu tiền về gửi sổ tiết kiệm, không dùng lúc này thì lúc khác cần, đâu rồi cũng vào đó hết. Không tiết kiệm thì sau lấy gì mà tiêu, còn nuôi con nữa.
Mà thu tiền chồng cũng phải có bí kíp và nghệ thuật đó nhé. Tôi luôn tỉ tê với anh xã rằng, anh có đưa tiền cho em giữ mới thể hiện tình yêu, lòng tinvà sự tôn trọng với vợ. Dĩ nhiên, sau mỗi lần chồng tôi nộp tiền lương, tôi đều có phần thưởng thỏa đáng cả. Chắc chắn tối đó tôi sẽ vui vẻ, chiều chồng hết mức. Thế nên, chồng tôi chẳng dại gì mà không đáp ứng yêu cầu của vợ.
Vợ chồng tôi cứ rõ ràng rành mạch với nhau như thế nên hiếm khi cãi vã, lúc nào cũng vui cười với nhau. Tôi nghĩ, đó cũng chính là bí quyết hạnh phúc của gia đình tôi cho đến bây giờ.
Tôi có cô bạn đại học, lương nhà nước ba cọc ba đồng, thế mà lúc nào cũng tằn tiện ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để nuôi con. Ông chồng thì nghe đâu lương cũng khá nhưng chẳng bao giờ đưa tiền cho vợ, cứ giữ khư khư. Đến hai đứa con cũng phó mặc cho vợ lo tất, thử hỏi thế thì làm chồng làm gì. Lấy chồng thế làm gì?
Suốt ngày thấy cô bạn cứ kêu than không có tiền, trong khi chồng bảnh bao như trai Hàn thì vợ lếch thếch đồ cũ mặc lại của người khác như ô sin. Nhiều khi bực mình quá tôi bảo, “thế mày lấy chồng làm gì?”. Thế mà cô ấy vẫn cứ chống chế bao biện cho chồng.
Ngay mới hôm kia, cô bạn tôi gọi điện khóc lóc báo tin chồng cặp bồ, cặp với một con bé 9X mới ra trường. Con bé kia còn cả gan gọi điện trêu tức bảo “Chị già rồi, anh ấy không còn tình cảm với chị nữa thì chị buông tha anh ấy cho em. Em có thể giúp anh ấy tự tin khi ra ngoài chứ đi với chị, người ta lại bảo mẹ dẫn con đi chơi…” Tôi nghe xong mà muốn nhảy bổ đến cho con bé một trận, cho ông chồng kia tanh bành.
Đấy, tôi bảo thế để chị em biết đường mà quản chồng. Cách đơn giản nhất là quản tài chính, nắm tài chính trong tay thì chẳng ông nào dám tò te bên ngoài. Mà bây giờ chẳng đứa con gái nào lại dại dột bám theo một ông nghèo rớt mùng tơi không có đồng nào dắt túi.
Theo Huỳnh Đẳng (Hà Đông)/Nguoiduatin
Bi kịch của người vợ cứ nổi nóng là đập đồ
Bản thân chị chưa bao giờ kiếm ra tiền nên chị chẳng biết xót của. Tính chị lại nóng nảy không biết kiềm chế, không biết nghĩ trước nghĩ sau. Lúc giận dữ với chị mọi thứ chỉ là "rác rưởi", tiện cái gì chị cho tanh bành cái đó.
Ảnh minh họa
Đợi mãi rồi cuối cùng ngày chị tốt nghiệp đại học cũng đến. Anh nhanh chóng về quê để cưới chị rồi đón chị vào Cà Mau chung sống với mình. Ước nguyện được bên nhau sau bao bao ngày yêu xa của họ rồi cũng thành hiện thực.
Anh hơn chị gần tới một giáp. Thuở còn yêu anh luôn chiều chuộng chị, anh luôn cho chị cái quyền đúng ngay cả khi anh không sai. Mỗi lần chị giận là anh lại nhường nhịn để tránh làm mất hòa khí đôi bên. Chị "được lướt" cứ tha hồ vùng vẫy trong bể tình của anh. Yêu xa, nên anh chưa hiểu tường tận và chưa chứng kiến tận mắt những cơn giận dỗi của chị. Chỉ khi cưới nhau rồi, sống chung cùng một nhà anh mới vỡ lẽ...
Chị sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ tới lớn được bố mẹ chu toàn cho ăn học. Đến khi tốt nghiệp đại học lại vội vàng lên xe hoa cùng anh. Bản thân chị chưa bao giờ kiếm ra tiền nên chị chẳng biết xót của. Tính chị lại nóng nảy không biết kiềm chế, không biết nghĩ trước nghĩ sau. Lúc giận dữ với chị mọi thứ chỉ là "rác rưởi", tiện cái gì chị cho tanh bành cái đó.
Chị nghĩ nắm được "thóp" rằng anh là người hay tiếc của. Bởi anh vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó, vất vả từ nhỏ. Vì thế, chị coi đập đồ là cách để xả giận. Chị biết mỗi lần chị đập đồ là anh sẽ rất đau, chị hả hê mỗi khi anh nhặt những món đồ đã vỡ với anh mắt đầy tiếc nuối. Chị cho rằng có như thế anh mới không dám làm chị phật lòng.
Anh không thể ngờ rằng người con gái mà anh rất mực yêu thương lại có kiểu "giận cá chém thớt" như thế. Mỗi lần giận anh "cơn điên" của chị bùng phát, chị tự tay đập vỡ bất cứ món đồ nào mà chị muốn. Anh nói với chị bao nhiêu lần, thậm chí cho chị "ăn" cả "bạt tai" nhưng dường như chị vẫn không bỏ được thói đập đồ ầy.
Những ngày đầu mới cưới, khi vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng, chị đã tạo cho mình một thế thượng phong, chỉ chẳng biết sợ là gì. Lần đó, anh chị đi xin giấy khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ xin việc cho chị sau này vào Cà Mau khỏi mất công đi xin. Anh bảo chị xin lấy 5 tờ luôn thể, vì số nhiều sẽ rẻ hơn. Chị quên mất nên chỉ xin 2 tờ, anh bảo chị vào xin thêm chị không chịu thế là vợ chồng cãi nhau. Bực mình chị chẳng nói chẳng rằng xé luôn 2 tờ giấy khám sức khỏe đang cầm trên tay rồi nguây nguẩy đi về nhà. Anh ức lắm nhưng nghĩ vợ chồng mới cưới lại đang ở quê nên không muốn làm to chuyện. Anh chủ động làm lành rồi nhẹ nhàng khuyên bảo chị, chị hả hê vì sung sướng.
Vào Cà Mau, anh đưa chị đi ra mắt với những người trong cơ quan. Sau màn tiệc kéo dài hơn hai tiếng ở nhà hàng, khách khứa về hết, chỉ còn lại hai vợ chồng ở lại để thanh toán. Thấy nhiều món còn chưa "động đũa", anh tiếc của bảo nhân viên gói lại mang về nhà ăn. Chị một mực phản đối, phần vì sĩ diện, phần vì cho rằng chồng là đàn ông mà kĩ tính. Mặc cho anh giải thích: "Mấy món này chưa ai ăn, bỏ đi thì lãng phí quá, đằng nào cũng là tiền mình bỏ ra", chị hằm hằm hất hẳn cả mấy món xuống đất, tiếng bát đĩa kêu loảng xoảng. Vừa mất mặt với nhân viên nhà hàng vừa phải đền thêm một khoản tiền bát đĩa bị vỡ, anh điên lắm. Thấy anh làm căng, chị cuống quýt xin lỗi rồi hứa không có lần sau. Tin rằng tính trẻ con của vợ sẽ thay đổi nên anh rộng lượng hải hà bỏ qua cho chị.
Một lần nữa, chị lại khiến anh thất vọng. Đó là hôm anh mới đi liên hoan về, có uống hơn nhiều nên anh thấy mệt. Về tới nhà những tưởng được vợ pha cho một ly nước chanh giải rượu hay cạo gió để bớt đau đầu, đằng này chị chẳng đoái hoài tới thể trạng của chồng mà nằng nặc đòi anh dẫn đi siêu thị để mua sắm mấy thứ theo như hẹn ước của vợ chồng ngày hôm qua. Anh mệt, chỉ muốn được nằm nghỉ ngơi, chị nhõng nhẽo không chịu, rồi càu nhàu khóc lóc đuổi anh ra khỏi cửa. Sẵn có hơn men trong người, anh cho chị một cái bạt tai. Chị điếng người, mặt nổ đom đóm chị gào lên: "Anh dám đánh tôi, bố mẹ tôi sinh tôi ra còn chưa đánh tôi bao giờ mà anh dám đánh à". Tiện tay chị ném luôn điện thoại xuống đất, màn hình tan thành từng mảnh vỡ vụn. Lần này anh không thể chịu nổi nữa: "Cô quá đáng lắm rồi đó, cô cút đi, cút ra khỏi nhà tôi!". Phần vì anh tiếc những thứ mà mình phải đổi bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt, phần vì anh thất vọng về người vợ "bất kham" của mình. Anh đuổi chị ra khỏi nhà: "Quá tam ba bận, tôi hết chịu nổi với cô rồi", mặc cho người đàn bà ấy có khóc lóc van xin thế nào đi nữa.
Ảnh minh họa
Thấy chị lúi húi xếp quần áo vào va li, anh biết mình đuổi vợ đi là hơi quá nhưng anh không tài nào chịu nổi người phụ nữ không biết trân trọng giá trị của vật chất, giá trị của đồng tiền xương máu. Nếu tiếp tục sống chung anh e là mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn. Chính chị đã đánh mất hạnh phúc chỉ vì cái tính ngang ngạnh dễ nổi nóng và thích đập đồ của mình.
Theo Afamily