Chồng tôi dạy vợ con bằng bạo lực
Mỗi khi nhắc đến chồng tôi, tự nhiên lại muốn ứa nước mắt. Tôi luôn ám ảnh bởi cách dạy vợ con bằng bạo lực của chồng.
Lúc viết những dòng này vợ chồng tôi đã không nói chuyện với nhau được ba tháng dù vẫn ở chung trong một ngôi nhà, vẫn ngủ chung trên một chiếc giường. Tôi không muốn nghĩ nhiều đến chuyện này, bởi những cuộc chiến tranh cả nóng và lạnh đã xảy ra trong nhà tôi không phải ít lần. Nhưng chả lẽ cứ để cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị ấy kéo dài ra mãi? Chúng tôi vẫn còn trẻ, tôi trân trọng hạnh phúc của mình nhưng nếu không có hạnh phúc thì biết phải trân trọng cái gì đây?
Tôi, một người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30, anh hơn tôi 6 tuổi. Chúng tôi có học thức và đều là viên chức nhà nước, đồng lương tuy ít ỏi, nhưng cuộc sống không đến mức thiếu thốn. Anh là mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của tôi. Tôi chọn anh, tin tưởng anh vì thấy anh là người đàn ông mạnh mẽ, hiếu thảo, có trách nhiệm. Tôi nghĩ người đàn ông như thế nhất định sẽ không bỏ rơi vợ con, không phải kẻ hèn nhát. Trong mắt tôi, anh là một người tuyệt vời.
Nhưng cuộc sống gia đình đã không như tôi tưởng. Ngày cưới anh gắt gỏng, cằn nhằn với tôi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt. Tôi đã không có hạnh phúc trọn vẹn trong ngày lẽ ra là hạnh phúc nhất của đời người. Khi có thai 5 tháng, trong ngày mồng 2 Tết, anh đi đến đâu cũng nửa đùa nửa thật chê vợ mang bầu con gái. Con gái có tội tình gì chứ?
Tôi thấy thương mình, thương con, nước mắt tuôn rơi, nhưng cố kìm nén. Đến khi vừa bước về nhà tôi òa khóc, anh hỏi, tôi không nói được, chỉ nước mắt tuôn trào. Anh đạp tôi, một vết bầm tím dưới bắp chân. Tôi đã lờ mờ nhận thấy viễn cảnh cuộc đời sau cú đạp đó của anh. Người đàn ông này đã nói sẽ không bao giờ đánh vợ, giờ đã làm điều ngược lại.
Rồi tôi tha lỗi cho anh. Sinh con được một tháng, anh đi học xa nhà vì đó là cơ hội. Tôi không cản dù lúc này cần anh nhất. Con vừa được hơn 2 tháng, tôi đi làm để không mất cơ hội việc làm, có thể trang trải cuộc sống gia đình. Quãng đường 50 km mỗi ngày tuy có vất vả nhưng đó không phải là trở ngại lớn nhất cho tôi. Mẹ anh, rồi mẹ tôi (có khi không có ai) thay phiên nhau chăm sóc cháu đến khi được 11 tháng rưỡi.
Bắt đầu từ đó, cuộc sống của tôi chỉ có 2 mẹ con. Có hôm đi làm về đã hơn 18h, thấy con sốt, tôi lại đi nhờ người chở hai mẹ con đi khám. Bố mẹ chồng ở xa, không thông cảm, lại trách tôi không thường xuyên gọi điện về thăm hỏi ông bà (dù chồng tôi đi học tuần nào cũng về giúp đỡ ông bà, và ông bà thì quan niệm chỉ con cái mới phải thăm hỏi cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ thăm hỏi con).
Chồng tôi, để vừa lòng bố mẹ cũng quay ra trách móc tôi. Thậm chí, nếu tôi không làm vừa lòng ông bà thì “tôi cho cô tự do luôn”. Anh nói thương tôi đi làm vất vả, chăm con vất vả, nhưng khi con bệnh anh bảo: “Làm cái gì mà để cho nó bệnh”, rồi giận dỗi, cả tháng trời không hỏi thăm mẹ con tôi một câu. Năm đầu tiên khi anh đi học, vì có mẹ ở chăm sóc cháu nên anh phải gửi thêm tiền về cho tôi.
Video đang HOT
Năm thứ hai, chỉ hai mẹ con nên tôi nói anh không cần gửi tiền về nữa. Khi con được 2 tuổi, anh học xong, về nhà, tôi giao số tiền ít ỏi tiết kiệm được để anh sửa nhà. Ai cũng nói chồng tôi đi học, vậy mà về còn có tiền sửa nhà. Tôi những tưởng như thế là đã qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai, vậy mà hơn 3 năm qua, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu những giận hờn, cãi cọ. Đau đớn nhất là việc chồng tôi không chỉ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ mà còn thường xuyên làm như vậy để dạy dỗ con gái.
Con bé hơn 2 tuổi, đi chơi không biết giờ về, ba mẹ chạy bổ đi tìm, mãi mới thấy con đang ở bên nhà hàng xóm. Tôi đem cháu về, đang cho uống sữa thì anh về, tức giận lấy chân giúi lên đầu con bé. Tôi phản đối, nói “Nó còn nhỏ, biết gì đâu mà đánh nó như vậy”, anh ta thẳng tay tát vào mặt tôi.
Tôi đi làm xa, trời mưa, đường ngập, về đến nhà than thở với chồng, anh không an ủi mà còn gắt: “Ngu, đi đường kia không đi còn kêu cái gì”. Tôi nói: “Đường kia cũng ngập, lại toàn xe tải, đi sao được mà đi”. Thế là qua vài câu nói đi nói lại, anh ta xông vào phòng tắm giữa lúc tôi không có mảnh vải che thân, đánh tôi. Đó là lần đầu tiên tôi chống cự, sau 3-4 lần bị chồng đánh, một nỗi nhục nhã, ê chề, là nỗi đau mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ quên được.
Vào mùa hè, khi con tôi 4 tuổi, gia đình về thăm quê, trước mặt bố mẹ anh, anh lại đánh tôi. Tôi nấu cơm không ngon, trước mặt bố mẹ anh, anh cằn nhằn mắng chửi. Ngồi xuống mâm cơm, con bé ăn chậm, anh đánh mắng con. Tôi giận không ăn, anh chửi đuổi mẹ con tôi đi. Tôn trọng bố mẹ anh, tôi đã nín nhịn tất cả. Đi tàu, tôi say tàu, lấy dầu gió ra bôi, anh cằn nhằn “Bôi dầu thì ra ngoài mà bôi”. Tôi chán nản không muốn nói gì, chiến tranh lạnh lại xảy ra. Có lần, ức quá, tôi mua thuốc ngủ về uống hơn chục viên, không phải để chết mà để ngủ một giấc cho dài, sâu.
Có lần, không sao ngủ được, tôi lấy rượu ra uống rồi nói ra tất cả những đắng cay, uất ức phải chịu, tất cả những gì tôi đã không muốn nói, muốn kể. Anh xin lỗi, thừa nhận sai nhiều hơn tôi, rồi kể tội tôi: “Em cũng phải xem lại, em còn gọi tôi là lão trước mặt bạn, như thế có được không”. Tôi hỏi còn gì nữa không, anh ta không kể được gì mà nói “Em tự xem lại mình đi”. Sau lần nói chuyện cởi mở đó, tôi tưởng đã hiểu nhau, nghĩ anh sẽ không bao giờ còn sử dụng vũ lực trong gia đình nữa.
Con tôi 5 tuổi, anh bắt cháu học, tối nào cũng bắt viết bài. Con bé thông minh, nhanh nhẹn, nhưng nó không kiên trì và viết không được đẹp lắm, anh ngồi kè kè bên con, quát mắng, rồi tiện tay đập con bất cứ chỗ nào. Anh còn đâm đầu nhọn bút chì vào tay con rỉ máu. Anh lấy thành tích đó ra dọa con: “Nhanh lên nào, có muốn ba đâm bút chì vào tay con không”. Con bé nước mắt ngắn dài trong suốt 2 tiếng được ba dạy.
Tôi nói: “Con mới 5 tuổi, đâu cần thiết phải học nhiều như vậy. Bé ở lớp bị nhốt trong phòng cả ngày, tối về phải được chơi chứ”. Anh không nghe, nói “Chơi nhiều hư ra, mai mốt lên lớp một không theo kip”. Tôi nói: “Viết chữ đâu phải là tất cả, con cần nhiều kỹ năng khác nữa: nhận thức, kỹ năng sống, những cái đó quan trọng hơn, sao anh không dạy”. Dù không muốn con học sớm, nhưng tôi vẫn phải giành lấy việc dạy con, để con đỡ bị đánh.
Ấy vậy mà tôi cho con nghỉ sớm anh nhảy vô bắt con học tiếp. Tôi cho con tự viết, anh lại bảo để ba dạy. Tôi can, không cho anh đánh con, anh xô tôi ngã sấp xuống nhà, giận dữ, tôi xé cuốn tập của con, nói: “Học để sống hay học để chết”. Anh làm con bị tổn thương ghê gớm, đến mức cho con đi chơi mà nhất định không cho mẹ rủ ba đi cùng.
Con tưởng tượng chuyện: “Bé học thật giỏi, nên được cô khen, bé múa cũng đẹp, nên cô cho quà. Bé mang về nhà, tặng cho mẹ, mẹ đi mua quà, cho bé đồ nhỏ, cho mẹ đồ to”. Tôi hỏi: “Đồ của ba đâu”, con nói “Không có đồ của ba vì ba đánh con, ba đâm bút chì vào tay con chảy máu, ba còn ném mẹ ngã nữa nè”.
Ba tháng qua, vì chuyện đó mà chúng tôi không nói chuyện. Anh không góp tiền xài chung nữa mà giữ lương xài riêng. Các khoản tiêu trong gia đình ai thấy thiếu, ai cần tự đi mua bằng tiền của mình. Gia đình anh có chuyện, dù giận nhau nhưng tôi vẫn đưa tiền, giục anh phải về. Anh không lấy tiền cũng không về. Chúng tôi cũng không có chuyện gì để nói nữa, tôi đã nghĩ đến chuyện dọn ra ngoài sống để đi làm cho gần hơn, cho cuộc sống bớt ngột ngạt. Nhưng như thế có tốt hơn không nhỉ? Cuộc sống của chúng tôi sẽ đi về đâu đây?
Theo VNE
Chúng ta hãy ở bên mẹ khi còn có thể
Bức thư là lời chia sẻ của chị đối với nhân vật, đồng thời trong đó là câu chuyện đời của chị, là lí do vì sao chị nói: "Hãy ở bên mẹ khi còn có thể".
LTS: Trong chuyên mục Bản ngữ pháp tình yêu số thứ sáu tuần này, Ban Biên tập xin đăng tải một bức thư của độc giả gửi cho nhân vật trong bài viết "Người con gái từ chối nhận mẹ vì giàu sang". Đây là bức thư độc giả gửi cho toàn soạn thay vì gửi thẳng đến địa chỉ thư điện tử của nhân vật, kèm theo lời đề nghị mong muốn được đăng tải.
Gửi cháu!
Có lẽ cháu tên là Lan. Cô đoán vậy khi nhìn địa chỉ hòm thư điện tử của cháu. Cô nghĩ nếu cô gửi bức thư này đến cho cháu thì có lẽ cháu sẽ chỉ đọc tiêu đề và bỏ qua nó bởi bức thư của cô không cổ vũ cho hành động tìm người thay thế cháu làm con của mẹ cháu. Con người ta khi đang muốn thực hiện một điều gì đó thì thường sẽ cảm thấy rất khó chịu khi có người can ngăn hoặc không đồng tình. Vì cô sợ cháu chỉ đọc tiêu đề của bức thư và bỏ qua nên cô quyết định gửi những tâm sự của mình đến thẳng Ban Biên tập của Đang Yêu và bày tỏ mong muốn được đăng tải. Bởi cô muốn chia sẻ cùng cháu và muốn kể câu chuyện đời của mình.
Năm nay cô đã 52 tuổi, có lẽ cũng ở khoảng tuổi của mẹ cháu. Cô có hai người con gái nhưng cô chỉ được nuôi một còn một người con cô không được ở bên, không được nuôi dạy và cũng không dám nhận đó là con mình vì con bé là kết quả mối tình của cô với một người đàn ông khác ngoài chồng mình. Đó là điều không thể chấp nhận được trong gia đình cô vì cô là con dâu của một gia đình gia giáo, một gia đình truyền thống. Mà có lẽ là con dâu của gia đình nào cũng vậy thôi, không bố mẹ chồng nào chấp nhận chuyện con dâu mình có con riêng cả. Điều đó đi ngược lại với đạo lí và truyền thống. Cô hiểu điều này nên khi sinh con, cô đã phải nhờ bạn thân của mình nuôi con giúp. Con gái đầu của cô tên Vy. Vy phải sống xa cô ngay từ khi vừa được sinh ra.
Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả. Bố cô rất nghiêm khắc. Cuộc hôn nhân của cô là hoàn toàn do bố sắp đặt. Ông không chấp nhận bất cứ sự phản kháng nào từ cô. Ông nói, cô phải kết hôn với người ông chỉ định vì đó là nghĩa vụ của một người làm con. Cả đời cô chỉ sống trong sự thụ động, luôn luôn làm theo lời của người khác và không bao giờ dám nêu lên ý kiến của mình. Một cuộc đời như vậy mới đáng buồn chán làm sao nhưng buồn hơn cả là cô đã quen sống như vậy. Thế nên cô mới không dám nhận con gái ruột của mình về nuôi mà phải để cho con sống với một người mẹ khác. Đây là bí mật mà chỉ có cô và bạn thân của cô biết. 2 năm sau, cô sinh con gái thứ hai.
Con gái thứ hai của cô tên Thảo. Trái ngược hoàn toàn với Vy, Thảo được hưởng tất cả những gì tốt nhất, được gia đình bên nội yêu thương hết mực. Nhất là khi Thảo trở thành đứa cháu nội duy nhất của bố mẹ chồng cô khi chồng cô chẳng may gặp tai nạn mất 3 năm sau đó. Cô không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Bố mẹ chồng không cho phép cô đi bước nữa và hai người luôn luôn để ý đến mọi hành động của cô, họ luôn canh chừng cô. Cuộc sống của cô rất bức bối nhưng vì con gái, cô đều bỏ qua hết. Cô lo cho Thảo mọi thứ tốt nhất có thể, còn Vy, phải vài năm cô mới được gặp con bé một lần vì vài năm, cô mới được về thăm bố mẹ ở quê một lần. Khi đó, cô mới có thể qua nhà người bạn thân để thăm con. Toàn bộ thời gian còn lại, cô phải ở nhà để chăm con, chăm bố mẹ chồng và để bố mẹ chồng an tâm rằng cô sẽ một mực ở vậy để thờ chồng.
Bạn thân cô vì con gái cô mà không kết hôn. Cô ấy ở vậy nuôi Vy và chịu mọi điều tiếng từ gia đình, từ bạn bè. Đó là điều khiến cô rất cảm kích và khiến cô cảm thấy có lỗi vô cùng. Cô đã vì hạnh phúc của mình mà đánh đổi hạnh phúc của người bạn thân. Chẳng những thế còn khiến bạn mình phải mang tiếng xấu. Bạn cô đã nuôi dạy Vy rất tốt. Con bé ngoan và hiền lành. Cô nghĩ nhiều đến chuyện nhận con nhưng cô không dám làm điều đó. Không phải vì cô sợ mình sẽ phá vỡ cuộc sống vốn đang yên ả của Vy mà cô sợ mình phá vỡ cuộc sống của chính mình. Cô quá hèn nhát để làm một người mẹ. Nếu bố mẹ chồng biết cô có con riêng, họ sẽ đối với cô thế nào? Thảo sẽ nhìn nhận cô ra sao? Tất cả những điều đó khiến cô sợ hãi và vì thế, cô im lặng.
Làm một người mẹ không được ở bên cạnh để yêu thương đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau sinh ra đã là một điều bất hạnh. Không dám nhận đó là con của mình, chỉ dám đối xử với con giống như con của một người bạn còn bất hạnh hơn gấp nhiều lần. Nỗi đau và cảm giác có tội khiến cô không lúc nào được bình yên trong tâm hồn. Càng lớn tuổi, cô càng muốn đón Vy về nhưng cô lại không làm được điều đó nên cô càng đau đớn. Cô lại tự nhủ dù có phần ích kỉ và độc ác rằng đến khi nào chỉ còn lại cô và Thảo thì cô sẽ nhận Vy là con mình. Thảo chắc sẽ dễ dàng đối mặt với chuyện này hơn là bố mẹ chồng của cô.
Nhưng rồi cô lại sợ Thảo sẽ oán hận cô. Nó sẽ coi cô là một người mẹ tồi tệ và có lẽ, Vy cũng sẽ nghĩ như thế về cô nên có khi nào, cứ để mọi chuyện như thế, coi bí mật kia là thứ sống để bụng chết mang theo và vậy là, chẳng ai trong câu chuyện này phải chịu đau đớn và tổn thương cả? Cô tin là ít người hiểu được nỗi đau này vì có lẽ sẽ không có nhiều người gặp phải chuyện như cô. Khi cô đọc câu chuyện của cháu, cô đã nghĩ ngay đến việc viết thư cho cháu. Có lẽ cháu sẽ nói, phải ở trong hoàn cảnh của cháu thì mới có thể hiểu được vì sao cháu buộc phải làm như vậy. Nhưng Lan ơi! Hãy ở bên mẹ khi còn có thể. Sẽ có một lúc nào đó, khi cháu sống và trải nghiệm đến một ngưỡng nhất định của cuộc đời, cháu sẽ thấy tiền bạc chẳng hề quan trọng mà điều quan trọng hơn là mẹ cháu.
Cô chỉ sợ rằng, khi cháu nhận ra điều đó thì nó đã quá muộn bởi có thể lúc đó, mẹ cháu sẽ không còn nữa hoặc mẹ cháu sẽ không chấp nhận cháu là con của bà nữa. Cô hiểu cháu đã cố gắng rất nhiều để có ngày hôm nay nhưng có điều chắc chắn rằng, cháu sẽ không thể nói dối mãi. Rồi sẽ có lúc mọi chuyện bị lộ ra và mọi người rất có thể sẽ không chấp nhận cháu. Khi đó, cháu sẽ trắng tay. Hơn nữa, một người đàn ông yêu cháu thật lòng thì anh ta sẽ yêu cả gia đình cháu. Tiền bạc không là gì cả. Cháu không nên và không được phép xấu hổ về người đã sinh thành ra mình dù cho bất cứ lí do nào đi nữa. Như vậy là có lỗi và có tội rất lớn.
Cháu nên nói ra sự thật cho chồng sắp cưới biết trước khi quá muộn. Ở đời này, không có gì là mãi mãi cả và những bí mật cũng thế. Không ai có thể mang theo bí mật sang một thế giới khác mà yên tâm rằng nó sẽ không bao giờ được biết đến. Có lẽ cháu sẽ cười cô vì cô chẳng đang mang theo mình một bí mật hay sao? Tại sao cô nói người khác mà cô lại không làm việc đó trước? Khi viết đến những dòng này thì cô đã quyết định sẽ nhận Vy dù mọi chuyện sau đó có như thế nào đi nữa.
Con cô chịu thiệt thòi thế là đủ rồi và cô muốn mang đến cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cháu nên ở bên mẹ. Mẹ đã nuôi dưỡng cháu thì những lúc ốm đau của mẹ, cháu nỡ lòng nào để một người khác đóng thế cháu để chăm sóc cho mẹ cháu sao? Như thế thì ác độc quá. Cô tin là cô hiểu cảm giác đó. Rồi sẽ có lúc cháu sẽ không thể sống yên ổn với chính lương tâm của mình vì những việc cháu đã làm. Vì thế, hãy từ bỏ ý định tìm người thế thân cho mình. Hãy là con gái của mẹ và chăm sóc cho mẹ. Đó là con đường đúng nhất để cho cháu đi!.
Theo ANTD
Cách cư xử hiếu thảo và khéo léo với bố mẹ hay hờn dỗi Con cái vẫn quen được bố mẹ chiều chuộng và dỗ dành khi hờn dỗi, khi gặp chuyện không vừa ý nhưng đến một tuổi nhất định trong cuộc đời, câu chuyện này sẽ có sự đảo chiều. Con cái sẽ trở thành người dỗ dành bố mẹ bởi khi về già, bố mẹ thường trái tính, trái nết, dễ phật ý bởi...