Chống thất thu thuế: Tập trung quản lý nhóm đối tượng tiềm ẩn rủi ro cao
Ngoài việc thực hiện đối chiếu số liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, cơ quan thuế các cấp phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thực tế đối với ít nhất 15% số cá nhân kinh doanh trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra 100% cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro theo quy định.
Bộ phận một cửa Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình (Thái Nguyên) kiểm tra hồ sơ của người nộp thuế. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đây là một trong những nhiệm vụ thiết yếu nhằm mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước.
Giao trách nhiệm cụ thể
Ngoài việc giao cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý thuế hộ cá nhân kinh doanh, huy động kịp thời các nguồn thu vào ngân sách nhà nước (NSNN), dự thảo thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến rộng rãi còn giao trách nhiệm cơ quan thuế chỉ đạo, kiểm soát công tác quản lý thuế, trong đó đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hộ cá nhân kinh doanh nhằm chống thất thu thuế.
Căn cứ Quyết định số 276/QĐ-BTC được Bộ Tài chính phê duyệt ngày 28/2/2020 về việc tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại đề án “Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu NSNN”; căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo từng đối tượng, địa bàn quản lý. Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn quy trình, trình tự, phương pháp xây dựng và quản lý sử dụng cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính để phục vụ công tác quản lý rủi ro trong kiểm tra, thu thuế.
Đồng thời, Bộ Tài chính giao các cục thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu quản lý thuế tập trung của ngành để phân tích, đánh giá và chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của các chi cục thuế. Cục thuế có trách nhiệm triển khai công tác kiểm tra thực tế hàng năm tối thiểu 20% số chi cục thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc quản lý mức doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, cục thuế có trách nhiệm định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số chi cục thuế mỗi quý I, quý II, quý III. Kết quả kiểm tra là căn cứ xây dựng mức doanh thu, mức thuế tham khảo cho năm sau và điều chỉnh doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giao chi cục thuế có trách nhiệm cập nhật kịp thời các thông tin biến động trong quá trình quản lý đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Định kỳ đến ngày 1 tháng 11 hàng năm, các chi cục thuế, cục thuế phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Quyết liệt chống thất thu thuế
Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng “Ứng dụng quản lý rủi ro đối với hộ kinh doanh (TPR)”, trong đó đã đáp ứng việc lựa chọn hộ kinh doanh có rủi ro cao theo các tiêu chí rủi ro tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chưa có cơ chế giám sát cơ quan thuế các cấp thực hiện việc cập nhật dữ liệu, khai thác dữ liệu, thực hiện kiểm tra công tác quản lý thuế hộ kinh doanh theo tiêu chí rủi ro. Do đó, công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh còn chưa hiệu quả, chưa gắn trách nhiệm của cơ quan thuế cấp trên trong công tác chỉ đạo. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo mới sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý, kiểm soát cơ sở dữ liệu, chỉ đạo việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó tập trung những nhóm đối tượng có quy mô lớn, ngành nghề đặc thù, tiềm ẩn rủi ro cao.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, toàn ngành Thuế đang tập trung rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế (NNT); tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cổ tức, lợi nhuận còn lại của năm 2020 để chủ động đôn đốc DN nộp số thuế TNDN, cổ tức, lợi nhuận còn lại phải nộp theo quyết toán năm 2020 và số tạm nộp thuế phát sinh các quý đầu năm 2021 sát với thực tế của hoạt động kinh doanh.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT đối với các đơn vị thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các DN hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các DN được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế. Các DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử, các hoạt động chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án…
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực DN ngoài quốc doanh, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các địa phương triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối các DN nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh nhất là tại những địa bàn trọng điểm và những lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng…
Sửa tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20%
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, để đảm bảo phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, đối với nội dung về hộ khoán do Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giao Bộ Tài chính hướng dẫn, tại dự thảo Thông tư có điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC như sau:
Về việc điều chỉnh mức thuế khoán (tại tiết c điểm 2.3 khoản 2 Điều 8 dự thảo Thông tư): Việc xác định doanh thu tính thuế của hộ khoán có điểm mới so với hiện hành đó là trường hợp hộ khoán có thay đổi doanh thu thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thực tế nếu doanh thu có thay đổi từ 20% trở lên.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP thì chỉ trường hợp thay đổi doanh thu từ 50% trở lên thì cơ quan thuế mới thực hiện điều chỉnh. Điều này đã gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc điều chỉnh mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là trong thời gian COVID-19, những hộ bị ảnh hưởng thay đổi doanh thu dưới 50% sẽ không được điều chỉnh giảm thuế khoán.
Ngoài ra, mức giao tăng dự toán hàng năm đối với khu vực ngoài quốc doanh trong đó bao gồm hộ kinh doanh thường ở mức từ 10% đến 20% (theo số liệu báo cáo thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay) nhưng cơ quan thuế chỉ có thể điều chỉnh tăng mức thuế khoán nếu doanh thu tăng trên 50% - điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thực hiện dự toán thu ngân sách. Do đó, để có thể điều chỉnh tăng/giảm mức thuế khoán trong năm phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đáp ứng việc hoàn thành dự toán thì cần phải quy định một tỷ lệ phù hợp là 20%.
Đối với một số đối tượng như: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; cá nhân cho thuê tài sản; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, bảo hiểm, đa cấp, mặc dù các nội dung về nguyên tắc khai thuế, hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, địa điểm nộp hồ sơ đã được quy định chung tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Để thực hiện thống nhất và dễ tra cứu, đặc biệt là đối tượng cá nhân phát sinh nhiều hình thức đặc thù cần phải có hướng dẫn cụ thể, do đó, tại dự thảo Thông tư có hướng dẫn cụ thể riêng cho từng đối tượng này để thuận tiện cho người nộp thuế tra cứu hồ sơ thủ tục và thực hiện đúng quy định.
Bộ Tài chính đánh giá các sửa đổi này không phát sinh thủ tục hành chính. Việc sửa đổi tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20% để đảm bảo để phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Đã có kết quả bước đầu của cơ quan thuế về Youtuber Thơ Nguyễn Theo nguồn tin của Dân trí tại Tổng cục Thuế, cơ quan thuế tỉnh Bình Dương xác định chủ Youtuber đang gây phẫn nộ Thơ Nguyễn đã kê khai thuế tại địa phương. Tuy nhiên, để có kết luận cuối cùng, cơ quan thuế cần thời gian rà soát, đánh giá từ nhiều kênh khác nhau. Nguồn tin của Dân trí cho biết...