Chống tham nhũng, không vùng cấm
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra tại Hà Nội, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng – PCTN (sửa đổi), vẫn là vấn đề gây tranh luận.
Như chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nêu: “Có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn, nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc”. Điều này cho thấy công cuộc PCTN đang còn rất gian nan. Hiện nay, không ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về tình trạng tham nhũng, hối lộ của các quan chức từ cấp cơ sở đến các bộ ngành Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước.
Tham nhũng không chỉ ở những cá nhân cụ thể, mà đã hình thành những đường dây lớn, với sự tham gia, bảo kê của một số quan chức trong cơ quan công quyền. Và chính bản thân người quản lý, lãnh đạo “nhúng tràm” làm sao trị được cấp dưới.
Đặc trưng cơ bản của tham nhũng chỉ xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền. Nhưng trong quá trình đấu tranh PCTN, chúng ta mới chỉ mạnh về hô hào, chưa có biện pháp, bước đi, cách làm cụ thể, khiến dư luận xã hội cho rằng việc PCTN chỉ là hình thức. Nhiều người đặt câu hỏi: “ Chống tham nhũng – ai sẽ chống ai?”. Cán bộ lãnh đạo địa phương hô hào chống tham nhũng, cán bộ tỉnh, thành phố cũng kêu gọi chống tham nhũng, cán bộ ngành, Trung ương cũng vậy.
Nhưng cụ thể ai là người “chống”, ai là đối tượng phải tập trung “chống”, và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng ở ngành mình, cấp mình? Tham nhũng xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền, nếu không có cơ chế giám sát minh bạch, những cán bộ hô hào ấy lại “chống” chính mình hay sao?
Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng vặt, được thể hiện trong lĩnh vực y tế muốn được khám nhanh, mổ nhanh, có phòng, có giường điều trị tốt, được chăm sóc tốt hơn, phải phong bì cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ. Trong giáo dục là chạy trường, chạy lớp. Trong giao thông, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “thông cảm” bằng vài trăm ngàn đồng, hoặc thu mãi lộ đối với các xe tải, xe khách.
Hay cán bộ hải quan nhận tiền doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan; công chức, viên chức cơ quan các ngành, các cấp gây khó dễ với người dân, doanh nghiệp đến giao dịch để nhận tiền bồi dưỡng, trà nước… Nguy hiểm hơn, những loại tham nhũng này tạo thành bản năng để cá nhân, tổ chức thực hiện những vụ tham nhũng tiền tỷ.
Thực tế 2 năm qua, cuộc đấu tranh PCTN đã bước sang giai đoạn quyết liệt, trở thành xu thế không thể đảo ngược, thể hiện quyết tâm và sức mạnh rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đó là nhiều vụ đại án phức tạp đã và đang được đẩy nhanh điều tra, xét xử, trong đó không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Những vụ án gây thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước đã lần lượt được đưa ra ánh sáng công lý.
Trong số 58 vụ án, 36 vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án, 440 bị cáo với các bản án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật. Số vụ án được đưa ra xét xử trong 2 năm qua nhiều gấp 3 lần, và số tiền thu lại được nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây.
Video đang HOT
Tham nhũng dù dưới bất kỳ mức độ, cấp nào đều là nguy cơ làm suy giảm niềm tin của quần chúng đối với chính quyền. Tham nhũng ẩn mặt, biến hình tinh vi và cán bộ biến chất, suy thoái, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đòi hỏi cuộc chiến PCTN phải có quyết tâm cao, cách làm bài bản, hành động quyết liệt.
Do đó, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được thông qua với những điều luật cụ thể, trong đó có nhiều điều khoản gắn kết chặt chẽ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, kỳ vọng công cuộc PCTN sẽ thu được những kết quả khả quan.
Theo ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
"Có thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng"
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Gia Lai Đinh Duy Vượt cho hay, theo phản ánh của cử tri, thực tế ở nhiều tỉnh, thành, có bố, mẹ, ông, bà, con của cán bộ bỗng dưng hoặc sau thời gian sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ xe sang, thậm chí có những dự án kim cương...
ĐBQH Đoàn Gia Lai Đinh Duy Vượt. Ảnh: TN
Sáng ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi).
Tài sản tham nhũng biến hóa ẩn mình như ma trận
Cho ý kiến, theo ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là "mấu chốt" để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Nhưng, quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ có người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ/chồng và con chưa thành niên là quá hẹp.
"Như vậy chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng. Và nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình diệt giặc nội xâm này", ông Vượt phát biểu.
ĐBQH đoàn Gia Lai cho hay, theo phản ánh của cử tri, thì ông/bà nội, cha/mẹ và con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng phải kê khai. Vì, thực chất, ở nhiều tỉnh, thành, có bố, mẹ, ông, bà của cán bộ bỗng dưng hoặc sau thời gian sở hữu nhiều dự án, nhiều tài sản chục tỷ, biệt phủ xe sang, thậm chí có những dự án kim cương.
"Có thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, bất chấp dư luận, vẫn trơ trơ thách thức dư luận", ông Vượt nói.
Minh chứng nữa được ĐB đưa ra là, qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh... Đây là, một trong những nguyên nhân, dù các cơ quan tư pháp đã rất cố gắng, quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng vẫn thấp.
Theo ông Vượt, tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hóa, rửa tiền...
"Câu hỏi rất đỗi đời thường là tham nhũng để làm gì? Câu trả lời chắc chắn là hi sinh đời bố củng cố đời con", ông nhấn mạnh lại, theo ý kiến của nhân dân thì ông/bà, cha/mẹ, vợ/chồng, con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai.
"Nếu lo ngại quyền này quyền kia của công dân, rồi cho rằng con đã thành niên thì tự chịu trách nhiệm, hay luật này, luật kia đã quy định rồi thì không đánh vào gốc rễ của tham nhũng được".
ĐBQH Đoàn Gia Lai cho rằng, việc xác định trọng tâm, trọng điểm, chức danh có điều kiện tham nhũng là hoàn toàn có thể.
"Những cán bộ có chức, có thực quyền thì mới có thể tham nhũng được, mới có sân sau như "nuôi gà đẻ trứng vàng". Nếu dàn trải thì không đủ lực lượng để giám sát và không thể nào đào tận gốc tệ tham nhũng", ông Đinh Duy Vượt phát biểu.
Đề xuất sỹ quan Quân đội, Công an cũng phải kê khai
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
UBTVQH nhận thấy, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật PCTN hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.
Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Dự thảo Luật cũng quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc...
Theo bà Nga, các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai; đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.
Hương Giang
Theo thanhtra.com
Nhiều vụ thiệt hại ngàn tỉ nhưng không phát hiện tham nhũng Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì cần điều tra cả những cán bộ đã nghỉ hưu nhưng giàu có bất thường. Chiều 5-9, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nghe và thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 của Chính phủ. Kê khai tài sản: Có dấu hiệu mới tiến hành xác...