Chống tham nhũng, đừng dùng “bình cũ rượu cũ”
Tiếp câu chuyện về sửa Luật phòng chống tham nhũng, chuyên gia UNDP tại Việt Nam Jairo Acuña-Alfaro nói điều quan trọng là làm thế nào để vận dụng cách làm mới, thay vì tiếp tục câu chuyện “rượu cũ, bình cũng cũ”.
Tạm đình chỉ cán bộ có dấu hiệu tham nhũng
Luật hiện hành có hẳn một mục riêng về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Quy định này có hiệu lực đến đâu và có cần sửa đổi gì thêm hay không?
Dự thảo luật sửa đổi vẫn chưa có điểm gì mới mẻ. Khi chúng ta bị nhiễm vi rút, mà nếu chữa bằng phương thuốc này không hiệu quả thì tại sao ta không đổi sang phương thuốc khác. Trong khi đó, những điều khoản hiện hành thiếu rõ ràng và cần phải sửa đổi căn bản.
Chẳng hạn, luật không nêu cụ thể nếu xảy ra vụ việc tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị là ai và có trách nhiệm giải trình đến đâu. Do đó, cần định nghĩa cụ thể hơn nữa khái niệm thế nào là cơ quan, đơn vị trong luật và ai là người đứng đầu cơ quan đơn vị đó, thay vì nói chung chung.
Như quy định hiện hành thì người ta sẽ áp dụng luật theo hướng, dù có xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị ấy cũng chẳng hề dính líu. Có chăng, họ có trách nhiệm vì họ đang là người đứng đầu.
Một trong các biện pháp có thể áp dụng mạnh mẽ là yêu cầu tạm đình chỉ ngay cán bộ, công chức có dấu hiệu tham nhũng thay vì cho phép họ tạm chuyển sang vị trí công việc khác.
Ông Jairo Acuña-Alfaro: Nên cân nhắc việc lập một ủy ban trong Quốc hội chuyên về phòng chống tham nhũng. (ảnh: Lê Anh Dũng)
Theo ông, có cách gì để tăng cường giám sát hoạt động của người đứng đầu nhằm ngăn ngừa tham nhũng? Việt Nam nên lựa chọn một mô hình như thế nào cho ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng?
Việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có một điểm tốt là đưa vấn đề tham nhũng trở thành vấn đề ưu tiên cần được thảo luận. Nhưng cho tới nay cũng mới dừng ở phạm vi trao đổi, thảo luận mà thôi.
Trong lần sửa đổi này, Đảng cũng đưa ra quyết định là Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu. Nhưng cần lưu ý là theo kinh nghiệm ở Việt Nam lâu nay cũng như ở nhiều nơi khác đã cho thấy rằng cơ chế tự điều phối mà thiếu đi tính độc lập cần thiết có thể sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.
Video đang HOT
Do đó, bất kể là ban chỉ đạo được đặt ở đâu, bên cơ quan Đảng, Chính phủ hay Quốc hội thì đều phải có các nguyên tắc hoạt động chung. Mà quan trọng hơn cả là chức năng, quyền hạn của ban chỉ đạo đó được cụ thể hóa như thế nào.
Nếu ban chỉ đạo không có chức năng quyền hạn trong thanh tra hay khởi tố vụ việc thì rõ ràng mọi hoạt động chỉ dừng lại ở việc thẩm định các văn bản luật mà thôi.
Yếu tố quan trọng nhất ở đây là tính độc lập của thiết chế phòng chống tham nhũng. Chẳng hạn, có thể áp dụng mô hình sau. Người đứng đầu thay vì thay đổi theo nhiệm kỳ của Chính phủ theo 5 năm một lần thì có thể bổ nhiệm theo hướng: có nhiệm kỳ dài hơn, khoảng 10 – 15 năm chẳng hạn. Rồi theo quy trình tuyển dụng theo cơ chế thực tài và do Quốc hội xem xét bổ nhiệm. Mô hình này có thể áp dụng cả với cơ quan thanh tra.
Tham nhũng không giới hạn, phòng chống lại có
Việc cải tổ ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo tinh thần luật sửa đổi liệu có hạn chế được tham nhũng?
Tôi từng chia sẻ với báo chí là vấn đề tham nhũng ở Việt Nam không có giới hạn. Nhưng công tác phòng chống tham nhũng lại bị giới hạn. Chính vì vậy cần trao cho ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nguồn lực, chức năng, quyền hạn để họ làm việc.
Nhân tố hết sức quan trọng là ý chí quyết tâm của lãnh đạo cấp cao. Họ cần phải dũng cảm đưa ra quyết định và bản thân họ cũng cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước thiết chế độc lập đó.
Chuyện bình cũ rượu cũ sẽ xảy ra nếu ban chỉ đạo vẫn được giao những chức năng nhiệm vụ quyền hạn như cũ dù ban chỉ đạo có chuyển đi đâu và trực thuộc cơ quan nào.
Vậy còn vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của Quốc hội, hội đồng nhân dân, của báo chí và người dân… cần được đề cập thế nào trong luật sửa đổi?
Vấn đề giải trình trước Quốc hội thời gian qua đã có những thay đổi tích cực thông qua hoạt động chất vấn. Để thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm giải trình, nên tăng thêm quyền hạn cho các ủy ban của Quốc hội. Và cũng nên cân nhắc việc lập một ủy ban trong Quốc hội chuyên về phòng chống tham nhũng.
Hoặc nên cụ thể hóa hơn nữa cơ chế thành lập ủy ban lâm thời trong Quốc hội nhằm điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Đối với báo chí, có một điều khiến tôi hết sức lo lắng vì dự thảo luật hiện nay đưa ra một điều khoản, đó là phóng viên phải cung cấp nguồn tin khi có yêu cầu của cơ quan điều tra. Quy định này vô hình trung tạo ra giới hạn cho báo chí và làm yếu đi vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Còn vai trò giám sát của người dân cũng chưa thấy đâu. Ngay cả quy định về trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận đơn thư tố cáo của dân cũng không thấy trong luật.
Xin nhắc lại là điều quan trọng đối với quá trình sửa đổi khuôn khổ pháp lý về phòng chống tham nhũng, đó là làm thế nào để vận dụng cách làm mới, thay vì tiếp tục với câu chuyện “rượu cũ, bình cũng cũ”.
Theo Dantri
Thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế TNCN
Theo Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân vừa được Chính phủ trình bày trước Quốc hội: Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng.
Sáng nay 26/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội sáng nay 26/10.
Dự thảo luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC.
Theo báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với mức GTGC như quy định của Dự thảo luật nhằm bảo đảm phù hợp hơn với diễn biến chỉ số CPI và sức mua của VND đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP Tăng cường nguồn lực cho chi phí ngày một cao đối với y tế, giáo dục, văn hóa góp phần kích cầu, khuyến khích tiêu dùng thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban, việc nâng mức GTGC lên như quy định trong Dự thảo luật sẽ dẫn đến một số hệ quả sau:
Thứ nhất, việc nâng mức GTGC sẽ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật thuế TNCN đã được Quốc hội khóa XII thông qua là "số người nộp thuế từng bước được tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội có cơ hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước" .
Theo Tờ trình số 244/TTr-CP ngày 22/9/2012 của Chính phủ, cả nước hiện chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chỉ chiếm 4,4% dân số cả nước). Nếu nay sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC như trong Dự thảo luật thì dẫn đến thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, chỉ còn khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập. Tương tự như vậy, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua .
Thứ hai, việc nâng mức GTGC sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu NSNN (năm 2013 giảm thu NSNN khoảng 5.200 tỷ đồng năm 2014 giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng), sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.
Về quy định điều chỉnh mức GTGC khi giá cả biến động, dự thảo luật quy định: Trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.
Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với quy định của Dự thảo luật về việc giao UBTVQH điều chỉnh mức GTGC nhằm bảo đảm phù hợp về thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo đúng quy định của Luật tổ chức Quốc hội song vẫn đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong xử lý các tình huống bất thường.
Nhưng có ý kiến cho rằng, nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính chủ động khi giá cả biến động bất thường.
Về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế, có ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng: Không nên thu thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán nhằm khuyến khích hoạt động này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn nhằm phát triển thị trường này thành một kênh huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS, cần thiết phải thu thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán vì về nguyên tắc, có thu nhập từ đầu tư thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế bình đẳng như mọi khoản thu nhập khác song việc nộp thuế TNCN từ đầu tư chứng khoán phải đúng bản chất là có thu nhập mới tính thuế.
Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban còn nhận xét về Biểu thuế suất hiện hành quy định 7 bậc thuế là khá nhiều, chưa điều tiết hợp lý thu nhập với người có thu nhập cao. Vì vậy, đề nghị sửa đổi Biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế hiện hành xuống còn 5 bậc với các mức thuế suất 5% 10% 15% 25% và 35%.
Đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật (từ 01/07/2013) nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để Chính phủ triển khai xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Ngược lại, cũng có một số ý kiến đề nghị thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 để bảo đảm áp dụng theo niên độ ngân sách, dễ tính, dễ thực hiện và sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước so với phương án Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 trên 6.000 tỷ đồng.
Có ý kiến đề nghị thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 nhằm bảo đảm các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, Tuy nhiên, theo phương án này thì số thu ngân sách năm 2013 sẽ giảm thêm khoảng 6.000 tỷ so với phương án áp dụng Luật từ 1/7/2013.
Theo Dantri
Gần 20% dân số VN nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B "Gần 20% dân số VN nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B. Căn bệnh nguy hiểm này đang là gánh nặng cho y tế cộng đồng VN", Giáo sư Bùi Duy Tâm, Chủ tịch Quỹ gan Quốc tế cho VN, cho biết kết luận nghiên cứu gần đây trong buổi ký biên bản hợp tác giữa Đại học Y dược TP.HCM, Ủy...