Chồng qua đời, vợ không được tắm gội 3 năm
Tục lệ này bắt buộc người bạn đời còn sống trong suốt thời gian làm ma chay đến lễ bỏ mả không được tắm gội, không được mặc đồ sạch đẹp, không được cắt tóc, chải đầu…
Vùng Tây Nguyên nói chung, phố núi Gia Lai nói riêng tuy ngày càng hiện đại, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn còn những hủ tục kỳ lạ. Ở làng làng Chuêt (P.Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai) người J’rai thể hiện sự tiếc thương người bạn đời đã khuất bằng tục “hoăm nơi” (kiêng tắm).
Đối với người J’rai ở làng Chuêt, bên cạnh việc đau buồn, khóc thương người đã khuất, thì theo luật tục thì họ còn phải phơi bày nỗi đau ra bên ngoài cơ thể để mọi người nhìn thấy và cảm nhận được. Theo lý giải của các già làng, đây chính là biện pháp hữu hiệu để ngăn người còn lại đi bước nữa khi chưa tổ chức lễ bỏ mả theo phong tục.
Tục lệ kỳ lạ
Chúng tôi về thăm Plei Chuêt, một ngôi làng của người J’Rai nằm ở ngoại ô Pleiku. Dù khoảng cách từ làng đến trung tâm TP không xa, nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng của dân tộc vùng cao, trong đó có tục “kiêng tắm”.
Già làng Rah Lan Tút kể về tục “kiêng tắm” của người J’rai
Để tìm hiểu rõ về phong tục này, chúng tôi tìm gặp già làng Rah Lan Tút, đã ngoài 70 tuổi. Già làng cho biết vợ (chồng) người J’rai sống luôn trọn tình nghĩa, ngay cả khi 1 trong 2 người khuất núi. Người còn sống phải chăm lo chu tất cơm nước cho người đã khuất trong thời gian dài, có thể là 1 năm, hoặc 3 năm, tùy vào điều kiện của mỗi người, xem họ như vẫn còn tồn tại cho đến khi làm lễ bỏ mả.
Đây là một “án tục” buộc người còn lại phải thực thi, bởi theo quan niệm của người J’rai, khi chưa làm lễ bỏ mả thì phần hồn của người đã khuất vẫn còn trên dương gian, vẫn quấn quýt bên căn nhà và những người thân yêu.
Tục lệ này bắt buộc người còn sống trong suốt thời gian làm ma chay đến lễ bỏ mả không được tắm gội, không được mặc đồ sạch đẹp, không được cắt tóc, chải đầu… Ngoài ra phải tự lấy cật nứa cứa vào cơ thể mình cho đến khi chảy máu. Có như thế thì mới được xem là cùng cam chịu đau đớn với người đã khuất.
Không những phải tự biến mình thành một người bẩn thỉu, hôi hám, người còn lại phải sống âm thầm, lặng lẽ, không được nói chuyện nhiều với người khác. Đặc biệt là không được nhìn, đi chung, ghé thăm nhà hay nói chuyện với bất kỳ người khác phái nào trong làng.
Video đang HOT
Chính vì đây là phong tục truyền thống, bắt buột nên việc thực thi rất nghiêm túc, bên cạnh đó “công tác” giám sát của làng cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Già làng Rah Lan Tút cho biết: “Nếu ai không làm theo tục lệ thì sẽ bị làng khép tội, bị cười chê, mỉa mai và bị phạt rất nặng”.
Án phạt không giống ai
Phong tục của làng kỳ lạ nên việc xử phạt cũng hết sức ly kỳ. Kể lại câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn chục năm, song già làng Rah Lan Tút vẫn không khỏi rùng mình: “Chồng bà H’Blách chết, nhưng chưa đến lễ bỏ mả mà người làng phát hiện bà đi chung và nói chuyện thân mật với một người đàn ông trong làng.
Ngay lập tức, anh em dòng họ bên chồng kéo đến đánh bà H’Blách một trận thừa sống thiếu chết. Đánh xong, họ mang bà đi bêu rếu khắp làng để hạ nhục. Chưa hết, góa phụ này còn phải chịu phạt vạ là mua một con heo to, rượu để cúng Yàng nhằm tạ lỗi và đãi làng ăn nhậu”.
Một góc làng Chuêt.
Chính vì luật lệ khắt khe như vậy nên ai trong làng cũng đều nghiêm túc chấp hành, không dám sai phạm. Tuy nhiên, theo già làng Rah Lan Tút, tuy khắt khe là vậy nhưng không phải là không có cách gỡ. Nếu người đang trong giai đoạn “kiêng tắm” sống có đạo đức, được làng thừa nhận thì có cơ hội được gột rửa lớp bụi trần trên người với điều kiện tục “nối dây” diễn ra. Nghĩa là người đang chịu tang phải được chị em gái (hoặc anh em trai) của vợ (chồng) thương, bỏ công sức ra tắm gội cho. Lúc này án tục sẽ lập tức kết thúc, người chồng (vợ) còn sống sẽ được lấy chị em gái (anh em trai) của người quá cố nhằm bảo toàn tài sản.
Người thực thi án “kiêng tắm” hoàn thành đầy đủ yêu cầu cho đến ngày bỏ mả thì chuẩn bị heo, bò, rượu ghè để cả làng ăn nhậu thì làng sẽ tiến hành làm lễ bỏ mả. Buổi lễ này có ý nghĩa cắt đứt mọi ràng buộc với người đã khuất. Sau đó, dân làng sẽ vẩy nước hoặc dẫn ra bờ suối để tiến hành lễ… giải phóng. Sau nghi thức này, người phụ nữ có thể tự do đi bắt cho mình một tấm chồng khác, người nam cũng có thể tái hôn.
Theo Tri thức
Thực hư chuyện 'người rừng' bị đốt chòi 'tổ chim'
Anh Tri khẳng định chắc nịch, anh Lâm nói thế chứ không dám đốt bởi tục lệ của người đồng bào Cor rất cấm kỵ chuyện đốt nhà.
Sau gần nửa tháng từ trong rừng sâu trở về làng, cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) vẫn chưa thật sự hòa nhập với cuộc sống hiện tại. "Người rừng" cha (tức ông Thanh) vẫn phải sống trong bệnh viện từ lúc rời rừng đến nay.
Sau rừng sâu... là bệnh viện
Bác sĩ Châu Nguyễn Thương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ lúc cha con ông Thanh ra khỏi rừng, ông Thanh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện chăm sóc, nhưng vì bệnh tình ngày một nặng, các bác sĩ phải đưa ông xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để tiếp tục chữa trị. Ông Thanh được chẩn đoán bị nan thận và suy nhược nặng.
Ông Thương kể, hôm đưa ông Thanh xuống bệnh viện tỉnh, "người rừng" Hồ Văn Lang (con ông Thanh) nằng nặc đòi đi theo cùng thì mới cho đưa cha mình đi. Ông Thanh cũng đòi phải có Lang đi cùng thì mới chịu chuyển viện. Vậy là Trung tâm Y tế huyện Tây Trà đành chấp nhận đưa cả hai cha con xuống bệnh viện tỉnh, nằm ở khoa Ngoại Tổng hợp.
Cha con "người rừng" đang ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận cha con ông Thanh và có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với cha con "người rừng".
"Bệnh viện đang nhanh chóng làm tất cả các xét nghiệm cần thiết, thường xuyên thăm khám để kiểm tra bệnh tình của ông Thanh", ông Mến nói.
Từ khi rời rừng, ông Thanh chỉ sống trong bệnh viện, điều mà có lẽ lúc ở rừng ông chưa bao giờ biết đến. Hơn 40 năm trong rừng, ông nào biết đến thuốc men, cũng đâu được truyền dịch. Nhưng hiện giờ, thuốc men, dịch truyền cứ "tấp" liên tục vào người ông.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bệnh nan thận của "người rừng" Hồ Văn Thanh chưa đến mức phải phẫu thuật. Riêng "người rừng" Hồ Văn Lang vẫn còn yếu, ho liên tục, bác sĩ phải truyền nước.
"Người rừng" con tự ăn cơm
Sống ở bệnh viện nơi phố thị (TP.Quảng Ngãi), cha con người rừng giờ đã dạn dĩ hơn. Dù không nói nhưng khi người lạ tiếp xúc, cảm giác sợ sệt đã giảm đi rất nhiều so với lúc trước, khi mới vừa từ rừng sâu về làng. Cha con "người rừng" đã biết tự cầm chén, đũa, muỗng để ăn cơm, Lang còn biết lấy tăm để xỉa răng.
"Người rừng" Hồ Văn Thanh vẫn không hiểu "tiền là cái chi chi" khi nhận phong bì tiền được tặng
Thực hư chuyện đốt chòi cha con "người rừng"
Mặc dù anh Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) quả quyết rằng, chính tay anh đã đốt cháy túp lều trên cây mà cha con "người rừng" ở trong suốt 40 năm qua, nhưng chưa ai xác định được thông tin chính xác. Anh Lâm bức xúc nói: "Tôi đốt hết rồi. Chòi ở trong đó tôi đốt rồi, từ nay đừng có nhắc đến núi rừng, người rừng, đừng nhắc đến những căn lều trong rừng đó nữa. Tôi tức nên tôi đốt. Báo chí nói lung tung, bảo tôi đem cha con chú Thanh ra kinh doanh, đòi tiền này nọ, tức không chịu được".
Anh Hồ Văn Tri, con trai ông Thanh nói, anh Hồ Minh Lâm không dám đốt nhà của cha và anh mình trong rừng vì đó là điều cấm kỵ của làng
Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Tây Trà cũng xác nhận anh Lâm nói với địa phương đã đốt nhà của cha con "người rừng" nhưng không biết là có đốt thật hay không. Xã cũng chưa cử người vào kiểm tra. Còn anh Hồ Văn Tri (40 tuổi), con ruột "người rừng" Thanh khẳng định chắc nịch, anh Lâm nói thế chứ không dám đốt. Anh Tri giải thích, tục lệ của người đồng bào Cor rất cấm kỵ chuyện đốt nhà. "Ai mà tự ý đốt nhà là Giàng sẽ bắt. Nếu dân làng biết anh Lâm làm vậy sẽ bắt phạt anh Lâm bằng heo, gà cúng tạ tội với thần rừng và đãi làng ăn để chuộc lỗi", anh Tri nói.
Liên quan đến việc xây nhà, làm chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con "người rừng", ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho hay, huyện đã hoàn tất thủ tục, phối hợp với công an tiến hành cấp chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con ông Thanh vào gia đình ông Hồ Văn Tri (con ông Thanh) ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong. Huyện Tây Trà còn cấp 100m2 đất cùng với khoản tiền của cơ quan chức năng, đoàn thể hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng để xây nhà ở cho cha con "người rừng".
Theo VTC
Tục treo con lên cây: Lời người sống sót Trong những ngày lang thang tìm hiểu về tục bỏ con của người Dao tiền ở Xuân Sơn - Tân Sơn - Phú Thọ, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện bỏ con rùng rợn và tàn nhẫn nhất. Những đứa trẻ bị treo trên ngọn cây phần nhiều đã mủn ra thành nắm đất, đã ở lại vĩnh viễn với rừng...