Chồng muốn gửi con cho bà ngoại chăm, vợ khẳng định “nếu vậy thì tên đứa nhỏ phải đổi sang họ của mẹ”
Cả hai chúng tôi đều bận rộn công việc nên không thể chăm sóc con, những tranh cãi đang xảy ra.
Ngày đưa con trai về nhà ông bà ngoại để chơi, vợ chồng chúng tôi bắt đầu ngỏ ý nhờ ông bà chăm sóc. Thế nhưng mẹ tôi nói một câu mà tôi nghe cũng cảm thấy hợp lý:
- Đứa bé chẳng phải mang họ của chồng con sao, sao chúng ta phải có nghĩa vụ chăm sóc nó?
Tôi năm nay 21 tuổi, mới lập gia đình được 2 năm nay và hiện tại đang có cậu con trai 1 tuổi. Chồng hơn tôi 12 tuổi và là con út trong một gia đình khá đông anh chị em. Chính vì thế khi chúng tôi có con đầu lòng thì bố mẹ chồng tôi cũng đã ở tuổi 70. Sau hơn 1 năm ở nhà nuôi con nhỏ không có kinh tế, vợ chồng chúng tôi bắt đầu kiệt quệ tiền bạc nên bàn tính phải lên thành phố để kiếm việc làm.
Lúc này xảy ra tranh cãi xem ai sẽ là người chăm sóc đứa nhỏ vì nếu mang theo bố mẹ thì không thể đủ khả năng chăm sóc cho con. Do đó phải gửi con về cho ông bà nội hoặc ông bà ngoại.
Chồng tôi đưa ra ý kiến rằng:
- Bố mẹ anh đều đã già, không có khả năng chăm sóc trẻ nhỏ nên chắc chắn, việc này đành phải nhờ đến ông bà ngoại.
Ban đầu tôi nghe chồng nói cũng cảm thấy hợp lý nên hai vợ chồng có đưa con sang nhà ông bà ngoại để chơi, lân la trình bày kế hoạch. Trước sự nhờ vả của vợ chồng tôi, mẹ đẻ tôi có nói rằng ông bà nội đã già nhưng ông bà ngoại thì còn trẻ, còn phải đi làm kinh tế để nuôi 2 đứa em tôi còn ăn học. Vì vậy sẽ không có thời gian để giúp chúng tôi chăm sóc con cái.
Nếu muốn mẹ tôi giúp chăm sóc cháu, phải đáp ứng được 2 điều kiện bà đưa ra:
- Thứ nhất, mỗi tháng hai vợ chồng phải trả mẹ lương 10-12 triệu mới đủ tiền lo ăn uống cho đứa nhỏ và hỗ trợ ông ngoại nuôi hai đứa em của con còn tuổi ăn học. Thứ hai là phải đổi tên cho đứa nhỏ sang họ của chúng ta, tức là họ của con gái đó, con rể à.
Video đang HOT
Vì sao lại có chuyện này, bởi là vì chẳng phải khi xưa lúc đặt tên cho đứa nhỏ, bố mẹ muốn kèm cả họ của chúng ta nhưng gia đình bên nội con không đồng ý đó sao. Đứa trẻ chẳng phải là mang họ của gia đình nội thì nhà nội phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chứ. Giờ muốn chúng ta giúp đỡ nuôi dưỡng thì phải đổi họ cho đứa nhỏ sang họ của mẹ nó, để ta chăm sóc nó sẽ không có lời bàn ra tán vào rằng ta nuôi cháu của nhà khác.
Lời mẹ tôi nói chắc như đinh đóng cột, tôi nghe cũng cảm thấy hợp lý. Tôi về bàn với chồng là đáp ứng hai điều kiện này của bà ngoại, rất đơn giản mà lại có thể giải quyết được vấn đề gửi đứa nhỏ cho ai chăm sóc, hai vợ chồng tôi đi làm ăn.
Thế nhưng chồng tôi một mực phản đối nói rằng:
- Chăm sóc con cháu cũng có một phần trách nhiệm và nghĩa vụ của ông bà, nhất là khi bố mẹ đứa nhỏ không có khả năng kinh tế, phải đi làm ăn. Mẹ làm vậy chẳng phải là làm khó chúng ta sao? Còn chuyện đổi tên họ cho con sang họ của em, anh không đồng ý và chuyện này không bao giờ xảy ra.
- Em thấy chẳng có gì là không hợp lý ở đây cả, về mặt luật pháp, đứa trẻ hoàn toàn có thể mang họ mẹ thay vì họ bố. Ngoài ra, chăm sóc con cháu không phải là nghĩa vụ của ông bà, muốn ông bà giúp thì phải chấp nhận yêu cầu của ông bà. Ông bà nội đã không có khả năng chăm sóc cháu thì phải để ông bà ngoại quyết định chứ.
Tranh cãi xảy ra vẫn chưa có hồi kết. Đến nay vợ chồng tôi vẫn chưa biết gửi con cho ai để đi làm mà nếu cứ mãi ở nhà thì không kiếm được công việc nào có mức lương đủ để chi tiêu trong cuộc sống.
Tâm sự từ độc giả vuinguyen…
Câu chuyện trên nhắc đến hai vấn đề. Đầu tiên về việc đặt tên cho đứa trẻ theo họ của mẹ, thực tế về luật pháp, theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể đăng ký tên khai sinh cho con mang họ mẹ trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Nghị định 123 nêu rõ:
- Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán…
Căn cứ quy định trên, khi đăng ký khai sinh cho con, cha mẹ có thể thỏa thuận về việc đặt tên cho con theo họ mẹ. Theo đó, để đăng ký cho theo theo họ mẹ thì bắt buộc phải có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng.
Vấn đề thứ 2, liệu ông bà có trách nhiệm trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cháu hay không? Câu trả lời rằng không!
Chăm sóc và nuôi dạy con cái là nghĩa vụ và trách nhiệm của bố mẹ, trong trường hợp bố mẹ không còn, không có khả năng nuôi dưỡng, cuộc sống của đứa trẻ sẽ được pháp luật định đoạt phụ thuộc vào ai. Xét theo hoàn cảnh thực tế trên, hai bố mẹ chưa thực sự gặp quá khó khăn trong việc nuôi dưỡng con cái nên trách nhiệm này vẫn thuộc về họ và ông bà chỉ có thể là người hỗ trợ và có thể quyết định việc chăm sóc hay không.
Do đó, việc này chỉ cần đạt được thỏa thuận giữa các bên, bố mẹ và ông bà.
Ngoài ra, ông bà cũng chỉ có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, bố mẹ vẫn phải đóng vai trò chính trong quá trình này thì sự phát triển của trẻ trong tương lai mới được hoàn hảo nhất.
Cứ nghỉ hè là chị dâu ở quê gửi 2 con lên thành phố "ăn chực", 5 ngày 10kg gạo, cả thùng sữa mà không gửi tiền
Nuôi 3 đứa con, giờ thêm 2 cháu nữa, tôi và chồng tiêu tốn đống tiền.
Hè nhìn người ta được đi chơi, đi du lịch mà phát thèm, còn tôi thì ngày nào cũng "bù đầu bù cổ" với 5 đứa trẻ, 3 nhóc nhà tôi và còn thêm 2 cháu trai chị dâu gửi tôi chăm sóc hộ để đi làm. Tôi là giáo viên tiểu học nên học sinh được nghỉ hè thì tôi cũng thư thả được 3 tháng.
Bình thường loay hoay với các con, tôi đã đau đầu nhức óc lắm rồi, giờ phải chăm thêm 2 đứa cháu thì không cần nói, hẳn nhiều người cũng hình dung được mỗi ngày tôi vật vã ra sao. Không phải nói quá, nhưng thực sự tôi thấy đi làm còn sướng hơn là ở nhà với "lũ quỷ" này.
Ảnh minh hoạ
Cứ đến mùa hè là chị dâu ở quê lại hồn nhiên gọi điện cho tôi, nói đại khái ý muốn gửi các con mình lên thành phố: "2 cháu trai muốn lên nhà cô chú ở lại, suốt ngày mè nheo mẹ, bảo ở thành phố thích lắm vì có nhiều chỗ vui chơi. Cô chú xem rảnh rỗi thì giúp chị đưa các cháu đi công viên, sở thú, tham quan bảo tàng... để các con trải nghiệm, học hỏi, biết thêm về cuộc sống trên thành phố với nhé"!
Hơn 2 tuần nay, hai cháu ở lại nhà tôi ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi. Tôi phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc, giặt giũ, nấu ăn cho tụi nhỏ. Mỗi ngày tính ra phải tốn hết bao nhiêu là gạo, sữa, rau củ quả, thịt... cũng phải chi hết mấy trăm nghìn.
3 con tôi cộng thêm 2 con chị dâu, đứa nào đứa nấy đều đang ở tuổi ăn tuổi lớn nên tụi nhỏ ăn rất khoẻ, một ngày ít nhất cũng 2 hộp sữa, có khi uống tận 3 hộp chia cho 3 bữa sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ. Mới chỉ tầm nửa tháng thôi mà tôi đã bảo chồng chi tiền đi chợ mua sắm không biết bao lần. Đến nỗi khi tôi tính lại sổ chi tiêu trong gia đình, nó đã vượt mức cho phép, thậm chí còn âm tiền.
Vậy mà chị dâu chẳng gửi cho tôi một đồng tiền nào phụ vào cả. Nhưng tôi lại ngại mở lời với chị ấy nên chỉ biết than thở, cằn nhằn với chồng, anh ấy lúc nào cũng lắc đầu và bảo: "Thôi, có mấy đồng bạc".
Ảnh minh hoạ
Gia đình tôi cũng chả khá giỏi gì nhưng lại cứ phải "mang tiếng" nhà thành phố. Lương giáo viên của tôi ba cọc ba đồng, còn chồng đi làm văn phòng ngày nào cũng đi sớm về khuya. Anh ấy đâu có thời gian ở nhà phụ tôi chăm 5 đứa nhỏ nên không hiểu mỗi ngày tôi đã trải qua những gì.
Dẫu sao tôi đã bỏ công thì chị dâu cũng nên có chút lòng, đằng này gửi con xong thì im ắng hẳn. Chẳng phải chị ấy gửi 2 cháu cho vợ chồng tôi là để đi làm kiếm tiền hay sao. Không biết chị tính gửi các cháu đến bao giờ, chứ nhà tôi đang càng ngày càng cạn kiệt cả sức lẫn tài chính rồi.
Chưa dừng lại ở đó, ban đầu khi gửi 2 con trai, chị dâu còn bảo với tôi là các cháu ngoan lắm, đã được mẹ dặn dò cẩn thận những điều cần thiết khi lên nhà cô chú ở rồi nên tôi không phải lo lắng hay gặp phiền phức gì đâu. Nhưng tôi nào có ngờ những gì chị dâu nói chỉ xảy ra được đúng 1,2 ngày đầu tiên. Còn lại các ngày sau đó tôi như lạc cả giọng, mất cả tiếng vì phải la rầy tụi nhỏ quá nhiều.
Nhưng thực sự không mắng thì không được, dù sao 2 thằng bé cũng là cháu tôi nên tôi nghĩ mình cũng có quyền dạy dỗ và uốn nắn để đứa trẻ ngoan hơn. Trong khi 3 con tôi từ nhỏ đã được rèn nề nếp, mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày các con đều theo kỷ luật, ngăn nắp và gọn gàng.
Ngược lại, 2 cậu nhóc nhà chị dâu thì đụng đâu để đó, sờ tới đâu là đồ sứt chỗ này, mẻ chỗ kia. Tụi nhỏ rất nghịch, vô ý tứ dù là lúc ăn uống, tắm rửa hay ngủ nghỉ. Thậm chí, ngay cả kỹ năng chăm sóc bản thân mà các cháu cũng không thành thạo khiến tôi phải nhắc nhở ngày này sang ngày khác.
Điều đáng nói hơn nữa là kể từ lúc các cháu lên nhà tôi, tôi để ý tụi nhỏ cực kỳ thích xem tivi. Ra ngoài chơi thì thôi, chứ ở nhà là ngày mở hoạt hình, nghe nhạc, xem hài 7749 lần. Đến nỗi không riêng gì tiền ăn uống tăng, mà tiền điện cũng gấp đôi tháng trước khiến tôi xây xẩm mặt mày.
Với tình hình thế này tôi nghỉ không ổn, mọi người hãy cho tôi lời khuyên, tôi có nên "mở lời" với chị dâu để chị hỗ trợ một chút tài chính không?
Gửi con về quê mà gọi điện mãi không được, đến tối nhìn nhà nhốn nháo cùng lời kể của bà tôi hốt hoảng vừa sợ vừa tức Hôm qua cũng theo như thường lệ tôi gọi điện về nhưng từ sáng đến chiều không ai bắt máy... Cứ bảo nghỉ hè thì con cái tống về quê hết bố mẹ được nghỉ ngơi nhưng với nhà tôi là nỗi lo vô hình. Ở đây tuy nhà hơi chật, không khí thành phố đông đúc nhưng tôi vẫn quản lý được...