Chồng luôn đòi hỏi ‘bên nội phải hơn’
Nhiều khi em nghĩ tủi cho mình, cho cả bố mẹ mình cũng vất vả nuôi con rồi gả cho người ta, con mình báo hiếu mình thì ít, lo trách nhiệm với nhà chồng thì nhiều.
ảnh minh họa
Thật sự em rất thông cảm với chị khi có một người chồng, một bà mẹ chồng như vậy. Tuy rằng chưa phải trải qua một hoàn cảnh khó xử như chị, nhưng em cũng muốn chia sẻ với chị một vài điều.
Thứ nhất, những ông chồng chỉ lo báo hiếu bố mẹ mình mà không hề nghĩ đến nhà vợ như chồng chị, quả thực không phải là ít.
Em lập gia đình được mấy năm, vợ chồng cũng không ít lần lục đục chuyện về nội – về ngoại, hay biếu bên nội – biếu bên ngoại vì chồng luôn đòi hỏi bên nội phải hơn.
Nhiều khi em nghĩ tủi cho mình, cho cả bố mẹ mình cũng vất vả nuôi con rồi gả cho người ta, con mình báo hiếu mình thì ít, lo trách nhiệm với nhà chồng thì nhiều.
Còn như chồng chị, chẳng những không nghĩ đến bố mẹ vợ mà đến cả vợ mình cũng không coi trọng. Anh ta không hiểu và chia sẻ với vợ, lại còn trách vợ tính toán chi li với em chồng. Thật đúng là “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, anh em thì như tay chân, vợ thì chỉ như cái áo…
Video đang HOT
Thứ hai, chồng chị cho rằng: “Không phải máu mủ nhà cô nên cô không thương”. Vậy chị thử hỏi anh ta xem con cái có phải máu mủ của anh ta không? Anh ta thương em gái, không tính toán 5 chỉ vàng, thế có thương con cái phải bóp mồm bóp miệng (không chỉ một tháng mà chắc chắn là nhiều tháng) vì 5 chỉ ấy không?
Rồi bỏ hết tiền tiết kiệm ra mà mừng cưới, lỡ lúc con cái ốm đau anh ta có lo được không, mẹ chồng anh ta, em gái anh ta có lo không?
Thứ ba, chồng chị muốn chị “giữ thể diện cho nhà chồng”, điều này thì cũng đúng. Nhưng cái thể diện ấy có nhất thiết phải là mười mấy, hay mấy chục chỉ vàng không (không rõ chồng chị có bao nhiêu anh em)? Theo em thì không.
Mỗi anh cho một, hai chỉ, trong lễ cưới cũng đã có một món hồi môn nhất định đủ để “mát mày mát mặt” rồi.
Ở đây chị không nói rõ, khi mẹ chồng chị yêu cầu như thế, các anh em chồng chị có ý kiến thế nào, có phải ai cũng đồng ý không. Nếu như các anh em chồng chị hoàn cảnh khá giả thì không nói, nhưng nếu họ cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu mà cùng sĩ diện mừng cho em gái 5 chỉ vàng thì quả thật chị rất khó thuyết phục chồng mình.
Rồi nếu họ mừng 5 chỉ mà chị chỉ 1 chỉ thì sau này rất khó nhìn mặt nhà chồng, bởi việc này sẽ không chỉ được nói đến lúc cưới, mà chắc chắn sẽ nhắc đi nhắc lại mỗi lần lễ tết, giỗ chạp tụ họp gia đình. Với bản tính sĩ diện như chồng chị, em cho rằng vợ chồng sẽ còn lục đục, gây lộn nhiều lần vì chuyện đó.
Hiện tại, vợ chồng chị nên cố gắng ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, thống nhất. Trước hết là để chồng chị biết rõ hiện tại chi tiêu hàng tháng của gia đình như thế nào, còn dư ra được bao nhiêu. Số tiền để nuôi con, thuê nhà, điện nước, sinh hoạt phí đương nhiên không được đụng đến. Tiền tiết kiệm cũng không thể bỏ hết ra. Vậy 5 chỉ mừng cưới sẽ lấy ở đâu ra? Không được đi vay vì số tiền lương của hai vợ chồng đã là cố định, các khoản chi phí kia cũng cố định.
Nếu đã trao đổi như vậy mà chồng chị không chịu thấy rõ hoàn cảnh khó khăn của chính mình để nói lại với mẹ anh ta thì đành chịu.
Mẹ con chị (và cả anh ta) xác định ăn đậu phụ, lạc rang, muối vừng và cắt giảm nhiều thứ thiết yếu trong sinh hoạt một thời gian dài sau lễ cưới của em chồng chị. Nhà chồng sĩ diện thì khổ con dâu, cháu nội. Chồng sĩ diện thì khổ vợ khổ con!
Theo Dân Trí
Vợ chồng lục đục vì chuyện quà cưới cho em chồng
Gần đây, vì chuyện chuẩn bị quà cưới cho em gái chồng mà vợ chồng tôi tranh cãi lục đục bởi chồng tôi cho rằng tôi tính toán với gia đình chồng, khác máu nên tanh lòng, nhỏ nhẹn chật hẹp.
Ảnh minh hoạ
Tôi và chồng tôi khác quê, quen nhau trong một hoạt động tình nguyện thời đại học, rồi bén duyên. Ra trường công việc ổn định thì tiến hành đám cưới. Nhà chồng tôi không khá giả, nhà tôi cũng không giàu có cho nên đám cưới ở quê tổ chức khá đơn giản.
Ngày cưới mẹ chồng trao cho tôi một chỉ vàng và tuyên bố mâm cỗ đãi khách bà sẽ tự bỏ tiền ra lo, chúng tôi có đồng nào thì để dành sắm sửa cho cuộc sống mới. Thế nhưng ngay hôm sau đám cưới mẹ chồng tôi phàn nàn "đám cưới ở quê không được đồng lãi nào lại còn phải bù lỗ". Vậy nên tiền mừng cưới của anh em họ hàng cho, chồng bảo tôi đưa hết cho mẹ chồng để trả nợ.
Đám cưới xong, trước hôm hai vợ chồng lên thành phố đi làm lại, mẹ chồng đã gặp riêng tôi ngỏ ý "mượn" chỉ vàng bà đã cho tôi hôm cưới vì hai em đang đến kì đóng tiền học phí. Một chỉ vàng chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng coi như là chút lễ vật của mẹ chồng, giờ bà ngỏ ý "mượn" thì tôi xác định luôn là trả lại cho bà chứ không lẽ sau này đi đòi. Thực sự là lúc đó tôi cảm thấy rất tủi thân.
Chúng tôi bận bịu công việc, rồi hai đứa con thi nhau ra đời nên ít về quê, nhưng thỉnh thoảng mẹ chồng lại gọi điện lên phàn nàn muốn làm cái này, muốn mua cái kia mà không có tiền. Chồng tôi thương bố mẹ, lại bàn bạc tôi gửi tiền về biếu ông bà. Mỗi lần như vậy quả thực tôi rất xót.
Chúng tôi ở thành phố, hai vợ chồng đi làm, lương tính ra chỉ đủ nuôi hai đứa con, trả tiền thuê nhà, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt các kiểu là vừa hết. Chắt bóp thu vén các kiểu mới bỏ ra được chút để dành. Vài cuộc điện thoại của mẹ chồng là đi tong một khoản tiết kiệm. Chồng tôi luôn nói, bố mẹ nuôi khôn lớn học hành, giờ đi làm thì phải báo hiếu bố mẹ một chút. Lạ thật, tôi cũng bố mẹ nuôi lớn học hành mà chẳng bao giờ thấy anh nhắc đến ông bà ngoại một câu.
Vừa rồi mẹ chồng gọi hai vợ chồng tôi về quê để bàn chuyện đám cưới cho em út của chồng. Nhà có mỗi cô con gái, lại là út ít, nghe nói lấy chồng nhà giàu có tôi cũng mừng cho cô. Trong buổi họp gia đình, mẹ chồng yêu cầu các anh, mỗi người ít nhất phải mua cho em 5 chỉ vàng và đưa cho mẹ một số tiền đễ làm cỗ. Lý do bà đưa ra là "nhà người ta giàu có, mình cũng phải làm sao cho con gái mình mát mặt, kẻo nhà trai họ coi thường". Tôi nghe xong thì hoảng thật sự. Gần hai mươi triệu đối với vợ chồng tôi mà nói không phải là quá nhỏ.
Tôi bảo chồng "mẹ thật là vô lý, cô ý lấy chồng, anh chị cho cái gì, cho bao nhiêu là tùy lòng anh chị. Anh em trong nhà, tình cảm là quan trọng chứ đâu quan trọng chỗ cho nhiều cho ít. Nhà họ giàu thì kệ họ, mình cứ sống theo kiểu mình chứ tỏ ra sĩ diện làm gì". Chỉ mới nghe thế chồng tôi đã nổi đóa lên mắng tôi không biết giữ thể diện cho nhà chồng, rồi còn nói tôi cứ đụng đến tiền là như "đỉa phải vôi", với em chồng mà còn tính toán chi li nhiều ít. Tôi bảo chẳng phải tính toán nhưng cái gì cũng nói phải thì thôi. Thà là vợ chồng tôi có của ăn của để đã đành, đằng này ăn bữa nay lo bữa mai mà còn bày đặt sĩ diện. Rồi tôi nhắc chuyện ngày cưới mẹ chồng cho nhõn một chỉ, hôm sau đã lấy lại, lúc đó có nghĩ đến sĩ diện không? Chồng tôi gắt với tôi rằng: "Mẹ mượn chứ không phải là lấy lại. Em đồng ý rồi giờ còn kêu ca gì nữa. Tiếc thì để anh bảo mẹ đưa lại cho". Tôi bảo tôi không tiếc nhưng rõ ràng nhà anh cũng chẳng coi tôi ra gì.
Đấy, vì chuyện đấy mà suốt cả tuần nay hai vợ chồng cứ nhìn mặt nhau là gây lộn. Chồng tôi thì cứ khăng khăng "mẹ bảo cho em 5 chỉ là 5 chỉ, không có lằng nhằng nói nhiều. Không phải máu mủ nhà cô nên cô không thương". Tôi cũng nói thẳng là tôi chỉ góp tiền cho mẹ làm cỗ và tặng cô một chỉ làm quà thôi.
Tôi biết nếu làm vậy thì những ngày sau chắc cũng khó mà sống yên được nhưng chẳng lẽ lại đi chiều theo đề nghị vô lý của mẹ chồng?
Theo Dân Trí
5 nguyên nhân khiến bạn dễ dàng đánh mất người yêu! Để tìm được một tình yêu thật sự đã khó nhưng để giữ được tình yêu đó lại càng khó hơn. Dưới đây là những nguyên nhân khiến bạn dễ dàng đánh mất đi người yêu. 1. Đòi hỏi ở người yêu quá nhiều Hai người đã đến với nhau khi cảm thấy rất hợp nhau. Thế nhưng, sau một thời gian yêu...