Chồng lừa của mẹ vợ gần 1 tỷ đồng
Anh vay bà số tiền bán đất ở quê để làm ăn, nhưng thực chất nướng vào bài bạc nên chưa đầy một tháng đã hết nhẵn.
Cách đây 7 năm, ngày tôi đi lấy chồng, mẹ đứng bịn rịn nhìn theo chiếc xe rước dâu mắt ngấn nước. Bà nói không thành tiếng, bảo sau này tôi đừng áp lực chuyện phụng dưỡng cha mẹ mà cứ sống hạnh phúc là đủ. Kể từ ngày lấy chồng, tôi hầu như chẳng lo được cho mẹ điều gì. Thậm chí thỉnh thoảng bà còn gửi cho con tôi đồng quà tấm bánh.
Nhà có hai anh em, tôi là út; anh trai tôi sang Nhật làm việc rồi quyết định ở lại còn tôi lên thành phố lập gia đình. Kể từ lúc bố mất, mẹ tôi sống một mình cô độc trong căn nhà rộng thênh thang ở quê. Thỉnh thoảng anh trai tôi đón mẹ sang Nhật chơi nhưng chỉ được một thời gian là bà đòi về vì nhớ tôi.
Mẹ tôi bảo suốt những năm qua chưa một ngày yên lòng vì lo cho tôi. Bà thương con út lương ba cọc ba đồng; chồng thì sức khỏe yếu, một tuần đi làm mà mất ba buổi nghỉ. Tiền học của các cháu, tiền điện nước hay đám xá, bà luôn chủ động hỗ trợ. Một tuần hai lần, mẹ tôi đi xe buýt từ quê lên thăm con, tay xách, nách mang cơ man gạo, thịt, rau, củ…
Tháng hai năm ngoái, mẹ mang hết số tiền tích cóp được từ khoản hàng tháng anh trai tôi gửi về, tiền lương hưu, tiền bố mẹ tiết kiệm từ ngày xưa… để hỗ trợ vợ chồng tôi mua căn chung cư giá rẻ sau mấy năm ở nhà trọ. Bà bảo hai cháu lớn rồi, cần cuộc sống ổn định và môi trường rộng rãi để học hành, phát triển. Tôi thấy xấu hổ lắm, vì ngoài ba mươi tuổi chẳng cho mẹ được gì, còn xin của bà. Nhưng ông xã động viên sau này hai vợ chồng cố gắng làm ăn để phụng dưỡng mẹ.
Mẹ hy sinh cho tôi nhiều vì thương vợ chồng con út khó khăn.
Video đang HOT
Từ sau Tết, mẹ tôi ốm liên tục. Có dạo bà nằm bẹp trên giường gần một tuần; tôi phải chạy đi, chạy về mỗi lần hơn 50 km để chăm sóc. Thấy vậy, chồng tôi đề nghị đón bà lên thành phố ở cùng. Mẹ tôi không muốn phiền các con nên chỉ đồng ý lên ở tạm đến khi nào khỏe hơn sẽ lại về nhà cũ.
Được một tháng, tôi bất ngờ vì mẹ bảo muốn chuyển lên thành phố ở hẳn. Mẹ muốn gần các cháu vì càng già càng sợ cô đơn. Chẳng mảy may đắn đo, tôi hăm hở về quê mang thêm cho bà ít quần áo đồng thời dọn dẹp nhà cửa rồi khóa lại. Tôi những tưởng từ nay sẽ được bù đắp cho mẹ những vất vả, hy sinh trong suốt thời gian qua.
Buổi chiều đi làm về, tôi thấy chồng thất thần ngồi ở sofa còn mẹ đứng tựa cửa như sắp khóc. Bà bảo không thể giấu tôi chuyện này nữa vì hậu quả đã đi quá xa. Trong thời gian mẹ ở tạm nhà tôi, bà đã mủi lòng khi nghe con rể ngày ngày thủ thỉ chuyện chán việc nhà nước muốn ra ngoài kinh doanh. Anh khuyên bà bán nhà với vườn ở quê cho anh vay, khi ăn nên làm ra sẽ trả cả vốn lẫn lãi. Mẹ tôi thương con lại chẳng chút nghi ngờ nên lập tức bán nhà được 920 triệu đồng đưa cho anh.
Chồng tôi nào biết làm ăn. Anh cầm số tiền gần 1 tỷ đồng ném vào rượu chè, cờ bạc. Thỉnh thoảng mẹ tôi sốt ruột hỏi về công việc, anh trả lời ậm ừ đang tìm địa điểm mở quán, kiếm mối nhập hàng…
Lúc không còn một đồng, anh về quỳ gối thú nhận với mẹ tôi khiến bà gần như gục xuống. Bà bảo đã biết đầu tư cho anh sẽ rủi ro nhưng mong muốn con gái, con rể có cuộc sống tốt hơn nên giấu giếm con trai ruột để bán đi ngôi nhà. Mẹ tôi nghẹn giọng rằng giá anh làm ăn thua lỗ, hay bị người ta lừa, chắc bà không đến mức đau khổ. Nhưng con rể mang tâm huyết cả đời của bố mẹ vợ đi đánh bạc thì quả thực không chấp nhận được. Mẹ tôi suy sụp còn tôi chết lặng vì giờ đây không biết sẽ sống thế nào?
Tôi phải làm gì trong hoàn cảnh này, khi mà tiền đã mất rồi, còn người chồng ấy tôi cũng không thể tiếp tục chung sống. Nhưng tôi còn hai con, chúng mới lên ba, lên năm; cả căn chung cư đang ở vẫn nợ 200 triệu đồng trả góp? Mong nhận được lời khuyên từ độc giả giúp mẹ con tôi sớm vượt qua cú sốc này.
Phạm Hảo
Theo ngoisao.net
Xem bố mẹ vợ như người dưng, đàn ông cớ gì bắt vợ phải "đội" bố mẹ chồng lên đầu?
Có nàng dâu nào mà không phải nghe những lời dặn dò khi về một ngôi nhà mới: "phải coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình", "với chồng phải biết nhẫn nhịn", "lấy chồng rồi thì phải toàn tâm toàn ý với nhà chồng".
Chẳng biết từ bao giờ, trong xã hội người ta đã mặc định nghĩa vụ chăm sóc gia đình chồng là của nàng dâu. Câu nói mà có lẽ ai cũng biết, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử với ý nghĩa khi còn ở nhà thì phải nghe theo bố, lấy chồng thì nghe theo chồng, chồng mất thì sống theo con.
Phụ nữ sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội tuy đã phát triển nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn khó có thể bị xóa bỏ. Đến khi lấy chồng, sinh con thì cái gánh nặng ấy lại càng đè trên vai. Có nàng dâu nào mà không phải nghe những lời dặn dò khi về một ngôi nhà mới: "phải coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình", "với chồng phải biết nhẫn nhịn", "lấy chồng rồi thì phải toàn tâm toàn ý với nhà chồng".
Ảnh minh họa.
Đồng ý kết hôn với một người đàn ông, hẳn là người phụ nữ nào cũng đã xác định sẵn cuộc đời chuẩn bị bước sang một trang khác. Sẽ chẳng còn những ngày được bố mẹ chuẩn bị cho đồ ăn sáng trước khi đi làm mà là mình phải dậy thật sớm để chuẩn bị đồ ăn cho nhà chồng. Sẽ chẳng còn những cuối tuần ngủ nướng đã đời cho một tuần vất vả mà thay vào đó là 1001 việc ở trong nhà đến tay.
Tất nhiên, phụ nữ lấy chồng, chuyện phụng dưỡng cha mẹ chồng là điều nên làm và ai cũng hiểu điều đó. Nhưng cớ sao lại có những người đàn ông tự cho họ cái quyền bắt vợ mình phải "đội" bố mẹ chồng lên đầu, bắt vợ hầu hạ nhà chồng, có ấm ức cũng phải nín nhịn. Thử hỏi các anh đã khi nào coi bố mẹ vợ như chính bố mẹ đẻ của mình chưa?
Tôi có một người bạn gần 40 tuổi rồi mới lấy vợ. Anh này cũng gọi là thành đạt khi sự nghiệp có chút thành công, gia đình lại có điều kiện. Lấy được vợ trẻ một thời gian, anh ấy mới tâm sự với tôi đầy tiếc nuối:
"Biết thế này anh lấy vợ từ lâu rồi cô ạ. Ngày xưa cứ tưởng chỉ có bố mẹ mình mới coi mình là nhất, bây giờ mới biết với bố mẹ vợ mình cũng là nhất luôn. Anh đến nhà vợ nhé, ngày hôm trước ông bà đã hỏi con gái xem con rể thích ăn gì để còn làm. Anh không ăn được rau muống nên chẳng bao giờ ông bà ăn rau đấy khi anh sang. Có hôm thèm ăn giả cầy ông bà hì hục làm xong đến vào bữa hết hứng ăn ông bà lại vào nấu cho món khác".
Nhìn anh bạn tôi cười lớn mà ngẫm sao thấy xót xa quá. Vì đâu mà giữa bố mẹ chồng với con dâu và bố mẹ vợ với con rể lại có sự khác biệt đến vậy. Âu có lẽ cũng là vì bố mẹ chồng thì nghĩ rằng con trai cưới vợ là nhà được thêm người, con dâu về nhà mình thì phải theo phép tắc nhà chồng. Còn bố mẹ vợ thì vẫn luôn nghĩ rằng, con mình về nhà người ta làm dâu, đối xử với con rể tốt một chút chỉ với những mong con gái sẽ có được cuộc sống dễ thở hơn.
Mỗi đứa con sinh ra đều là báu vật của cha mẹ. Đàn ông muốn vợ phải có nghĩa vụ chăm sóc những bậc sinh thành của mình vậy ai sẽ là người chăm sóc bố mẹ vợ?
Thực ra phụ nữ họ đơn giản lắm. Họ sẽ nhìn vào cách chồng đối xử với bố mẹ vợ để soi chiếu cách mình phụng dưỡng cha mẹ chồng. Thay vì bắt vợ phải "đội" bố mẹ mình lên, đàn ông hãy quan tâm, đối xử với bố mẹ vợ như bố mẹ mình. Đừng bao giờ quát tháo, trách vợ không toàn tâm toàn ý với gia đình mình khi chưa đặt ra câu hỏi, vậy mình đã đối xử với gia đình vợ thế nào.
Theo eva.vn
5 năm hôn nhân sống trong nước mắt, chồng chỉ nói với vợ một câu "nhịn đi" và cái kết đắng ngắt Đặt tờ giấy ly hôn xuống bàn, Ngân quyết đoán: "Nhịn đi, rồi mình ly hôn!". Tiếp đến cô lập tức xách vali quần áo đã chuẩn bị sẵn rồi bước ra khỏi cánh cửa ngôi nhà ấy. Ngày mới quen Hưng, Ngân phải lòng anh vì sự chu đáo, yêu thương gia đình, hiếu kính với mẹ. Cũng vì câu nói: "Anh...