Chồng ki bo với vợ, “mạnh tay” với bạn bè
Bạn bè họ hàng ai cũng khen anh tốt tính và thoải mái, chỉ có tôi là ngao ngán mỗi khi nhắc đến tính ki bo “rất đàn bà” của chồng…
Chồng tôi- 32 tuổi, nhân viên kinh doanh. Người ta thường bảo làm cái nghề này xởi lởi trời cho, phải biết tiêu tiền mới kiếm được nhiều tiền. Thấm nhuần tư tưởng đó, chồng tôi luôn đi đầu trả tiền trong những lần đi ăn cùng cơ quan hay bạn bè nhưng với tôi, anh lại cân đo, đong điếm khiến tôi không ít lần thấy xấu hổ.
Tôi không phải là người ăn chơi, thỉnh thoảng mới mua bộ quần áo hay đôi giày mới. Không bù cho anh, hầu như tháng nào anh cũng có cái mới “từ chân đến đầu”. Anh thấy chuyện đó là bình thường, nhưng khi tôi mua sắm, anh lại càu nhàu “mua gì mà nhiều thế, anh thấy em mới mua xong mà!”.
Biết anh thích ăn nhãn, dù là đầu mùa nhưng tôi vẫn cố mua cho anh một cân. Tôi bảo “50 nghìn một cân”, anh trố mắt “đắt thế cơ à, thế thì mua nửa cân thôi”. Tôi bực mình “thế thì đừng ăn nữa, để đó em và con ăn”.
Còn nhớ Tết năm ngoái, tôi lên danh sách quà cáp biếu hai bên nội ngoại. Tôi cũng đã trao đổi với anh về vấn đề này và chẳng thấy anh nói gì. Theo kinh nghiệm mấy năm chung sống, không nói gì tức là anh đồng ý. Nhưng đến khi mua về, anh lại nói là sao mua nhiều thế…
Lần nào đi chợ với anh là tôi thấy rất mất mặt. Dù tôi đã kỳ kèo trả giá và rồi đồng ý sẽ mua, anh vẫn tham gia và trả giá thấp hơn. Bà bán hàng đã phải thốt lên đàn ông gì mà ghê thế. Chuyện này không phải một lần mà rất nhiều lần. Tôi đã góp ý với anh nhưng vẫn không thua. Một vài lần như thế, rút kinh nghiệm nên tôi tự đi một mình.
Tôi biết là anh kiếm tiền cũng khá nhưng chưa lần nào anh chủ động đưa tiền cho vợ để trang trải cuộc sống. Tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do tôi chi trả. Nếu tôi có nói anh đưa thì anh mới đưa. Và lần nào cũng vậy, anh đưa đúng số tiền mà tôi nói, chưa lần nào thấy đưa hơn.
Những lần vợ chồng vui vẻ, tôi ngồi kể ra một đống ví dụ, nào là tiền điện nước, tiền ăn hàng ngày, tiền cho con đi học, tiền cưới xin, mừng nhà mới… để mong anh hiểu và chia sẻ thêm thì anh bảo “tiền kiếm được anh vẫn phải cất giữ, tiết kiệm cho chuyện lớn. Anh cũng biết chi tiêu chớ có phải phung phí đâu mà em phải lo…”
Video đang HOT
Tôi bực mình lắm, thậm chí đã có lần tôi thốt lên “từ nay anh đừng mơ được ăn ngon nữa nhé”. Hai vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã chuyện tiền nong bởi vì tôi không chịu được tính ki bo của chồng còn anh lại cho rằng tôi không biết tiêu pha.
Lương nhân viên văn phòng của tôi dù cố gắng đến mấy cũng chỉ đủ cho một cuộc sống bình thường, thậm chí là túng thiếu. Từ ngày lấy chồng, tôi chẳng biết những bữa liên hoan của bạn bè, tôi xa dần những quán trà hay quán café, tôi phóng xe và lướt qua những cửa hàng quần áo quen thuộc vì tôi biết, nếu mình lỡ tay chi vào những khoản đó thì sẽ thâm hụt sang những vấn đề khác.
Anh là thế, nhưng nếu bạn bè có gọi điện vay tiền thì anh ok ngay. Có lần thì anh kể người này người nọ vay tiền, có lần anh không kể nhưng tôi vẫn biết. Anh nói là cho chúng nó vay thì được nhưng anh rất ngại đi vay tiền của người khác.
Tôi vô cùng ức chế và tức giận. Bình thường thì không sao, nhưng đụng chạm đến chuyện tiền nong là tôi lại “bế tắc”. Đã rất nhiều lần tôi phải đi vay tiền để “lấy chỗ này đập chỗ kia”. Tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền đối với tôi không phải là hiếm. Nhìn cuộc sống của tôi thì ai cũng bảo là an nhàn và đầy đủ. Nhưng ở trong chăn mới biết nóng hay lạnh. Làm thế nào để chồng tôi hiểu được vấn đề nan giải này?
Theo VNE
Chồng là "của nợ"
1. Dì bảo: "Vợ chồng là duyên, là nợ nhưng như vợ chồng dì thì là của nợ".
Gần 40 năm về trước, dì lấy chồng. Lúc đó, dì là giáo viên, chú là kỹ sư cơ khí. Sau khi kết hôn, dì vẫn ở quê dạy học, chú ra Hà Nội công tác.
Minh họa: NOP
Dì không ở nhà chồng mà ở khu tập thể của trường. Thời gian chú công tác xa, thỉnh thoảng bố chồng dì đến thăm cháu. Mục đích nghe thì có vẻ tốt, nhưng thực chất ông ta lại "thèm muốn" con dâu. Biết bản chất xấu xa của cha chồng, dì kiếm đủ lý do không cho ông ta vào nhà. Ông ta nổi điên, vu cho dì có người đàn ông khác. Thậm chí, ông ta còn nói với con trai: "Chưa chắc thằng Hùng là con mày". May mắn là lúc đó chú đang rất yêu vợ nên khẳng định với bố: "Nó là con con chứ con ai, bố đừng có nghĩ bậy bạ". Rồi chú xin chuyển công tác cho dì ra Hà Nội. Vài năm sau, dì sinh thêm một con gái.
Năm 1985, gia đình đang yên ấm thì chú hứng chí xin đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Sang đó, chẳng biết chú có người phụ nữ nào không, chỉ biết chú không gửi bất kỳ thứ gì về cho mẹ con dì. Mười năm như vậy đằng đẵng trôi qua, dì quyết định ly hôn, chú đồng ý. Hai người chuẩn bị làm thủ tục ra tòa thì con gái dì lấy chồng, nên yêu cầu đợi con đám cưới xong, bố mẹ hãy ly hôn.
Sau lần đó, chú không đi nước ngoài nữa. Thấy vậy, dì cũng bỏ luôn ý định ly hôn. Thời gian đầu, chú cũng có trách nhiệm với gia đình, nhưng chỉ vài tháng là bắt đầu đổ đốn. Tiền chú đem ở nước ngoài về lần lượt bay ra các quán nhậu. Khi không còn tiền ra quán, chú kéo bạn bè về nhà nhậu, bắt dì phục vụ. Dì lại làm đơn ly hôn gửi ra tòa. Chú năn nỉ, hứa sẽ thay đổi. Và, chú thay đổi thật, không ở nhà bắt vợ hầu hạ nữa mà ra ngoài kiếm tiền - chú chạy xe ôm. Mỗi ngày chú đưa dì mấy chục ngàn, không nhiều nhưng có đưa là tốt rồi - dì bảo vậy. Nhưng, những ngày tháng như vậy cũng chẳng được bao lâu. Ngựa quen đường cũ, chú kết bạn với mấy tay xe ôm - cứ một buổi chạy xe, một buổi về nhà nhậu.
Lần này dì không thèm nói nữa, mà kêu thợ về nhà lắp thêm cửa, cấm chú vào phòng của dì. Từ đó, hai con người một thời đầu gối tay ấp, giờ sống chung một mái nhà mà cứ như người xa lạ, không ai nói với ai câu nào.
Mẹ mắng dì: "Mày sống như thế mà sống được sao? Ly hôn đi cho nó nhẹ nợ". Dì chua xót: "Em cũng muốn lắm. Nhưng giờ ly hôn lại phải bán nhà chia cho lão một nửa. Nếu lão lấy tiền rồi sống tử tế thì không có gì để nói, em chỉ sợ lão ăn hết rồi lại tìm đến em làm tội thôi. Cứ để vậy đi. Dù sao thì em cũng coi như lão chết rồi"...
Đúng là của nợ, không biết đến khi nào dì mới được giải thoát.
2. Chị không đẹp, gia đình cũng bình thường nhưng khi chị lấy hắn, ai nấy đều bảo: "Bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu". Mà đúng thật! Ngày cưới, nhìn đám bạn người không ra người, ngợm không ra ngợm của chồng chị, ai cũng ngao ngán lo cho cái tương lai mù mịt của chị.
Chị lấy hắn không phải vì yêu mà vì sợ... ế. Hắn chẳng có nghề nghiệp gì, ngoại hình lại xấu xí, nhìn cứ như một thằng nghiện.
Về làm dâu nhà hắn, chị phải lo từ cái tăm cho đến hạt gạo. Mấy cái tàu há mồm nhà hắn đều trông vào đồng lương còm cõi của chị. Khi có thai, chị bảo phải ăn riêng. Thế là hắn và chị dọn lên cái gác chưa đầy 6m2 để sống. Nào có được yên, thỉnh thoảng vẫn phải mua cái này, cái nọ cho gia đình chồng.
Có lẽ chán nhất vẫn là chồng chị. Hắn không những không đi làm kiếm tiền mà còn cờ bạc. Mỗi lần chị lãnh lương về, hắn đều lấy trộm để đánh bài. Thậm chí, khi có con, tiền mua sữa cho con hắn cũng không tha.
Con còn đỏ hỏn, chị ẵm thằng bé ra ngoài thuê phòng trọ ở riêng, tuyên bố: "Nếu anh đi làm kiếm tiền thì tôi cho gặp con, không thì đừng hòng". Miệng chị nói thì tai chị nghe, hắn chẳng bận tâm. Thỉnh thoảng hắn lại ghé phòng chị, vừa để giải quyết nhu cầu sinh lý, vừa chôm tiền của chị đánh bài.
Chị làm đơn ly hôn, hắn không ký. Hắn bảo: "Mày đi thì cứ đi, để lại con cho tao". Có người mẹ nào có thể bỏ con mà đi. Thế là chị đành chịu thua.
Lấy hắn sáu năm là sáu lần chị làm đơn ly hôn nhưng cuối cùng chị và hắn vẫn không thể dứt nhau ra được. Chính xác là hắn không buông tha cho chị. Chị kể, đã có lần hắn cầm dao dọa đâm khi chị đòi ly hôn. Chị bảo: "Chắc kiếp trước chị mắc nợ hắn nên giờ phải trả".
Thật ra, cũng như dì tôi, chị đã không đủ can đảm để buông bỏ, cứ kéo lê, kéo lết cái "của nợ" để khổ cả đời...
Theo VNE
Stress vì bị chồng 'bỏ đói' Mỗi lần gần gũi, tôi phải cố gắng hỗ trợ chồng nhiều hơn là chồng giúp tôi thỏa mãn. Song dù có cố gắng đến đâu mỗi lần cũng chỉ 3-5 phút là nhiều. Nhiều lúc, tôi chưa cảm thấy gì chồng đã "tiêu hết tiền". Vợ chồng tôi ngủ riêng từ khi có con gái, từ đó đến nay gần 5 năm....