Chống khủng bố và quyền con người
Khủng bố hiện vẫn là một nguy cơ lớn trong đời sống nhân loại song không vì thế mà núp dưới mác chống khủng bố để xem thường quyền con người và chủ quyền các quốc gia khác.
Người dân Pakistan biểu tình phản đối việc sát hại thường dân
khi tiến hành chiến dịch chống khủng bố
Phát biểu ngày 12-3 tại phiên Đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về “Tự do tôn giáo và tín ngưỡng” và “Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong chống khủng bố” nhân Kỳ họp lần thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, đã hoan nghênh nỗ lực của LHQ về thúc đẩy quyền con người. Đại sứ cho rằng, các nỗ lực đã góp phần đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn cầu.
Đánh giá về nạn khủng bố đang đe dọa toàn cầu, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh khủng bố và hận thù tôn giáo không chỉ gây tổn thất về người và kinh tế, đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn phá hoại các giá trị văn hóa, tôn giáo tốt đẹp cũng như nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Đại diện của Việt Nam cho rằng, những kẻ khủng bố, các tổ chức bảo trợ và hành động lôi kéo, kích động các hoạt động khủng bố cần được pháp luật xử lý.
Video đang HOT
Trước thực tế chủ quyền quốc gia bị xem nhẹ cũng như quyền con người bị xâm hại nghiêm trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, Đại diện của Việt Nam khẳng định, các biện pháp chống khủng bố phải phù hợp, tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ, Luật Nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đặc biệt quyền được sống, quyền bảo mật thông tin cá nhân và bình đẳng trước pháp luật. Đại sứ nêu rõ, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề hận thù tôn giáo và khủng bố, trong đó có những nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng, phân biệt sắc tộc và tôn giáo.
Dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định các cam kết cũng như những thành tựu về thúc đẩy bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Theo đó, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng mà mình muốn, trong đó có 95% số dân theo các tín ngưỡng, tôn giáo phổ biến trên thế giới như đạo Phật, Thiên Chúa giáo, Tin Lành và Hồi giáo với số lượng lớn các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau diễn ra hàng năm.
Việt Nam luôn thực hiện cam kết thúc đẩy quyền con người thông qua thực hiện các chính sách lấy con người làm trọng tâm, vì người nghèo và đầu tư vào các lĩnh vực có lợi nhất cho người dân. Các chính sách này mang lại tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống và phúc lợi cho nhân dân.
Một trong những quyền con người cơ bản là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được đảm bảo và tôn trọng. Hiện ở Việt Nam có khoảng 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hơn 700 cơ quan báo in, khoảng 70 đài phát thanh và truyền hình trung ương và cấp tỉnh, hơn 80 báo điện tử và hàng nghìn trang điện tử… Người dân ngày càng được tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại, nhất là Internet với tỷ lệ người sử dụng tăng nhanh nhất khu vực châu Á lên 30,8 triệu người tính tới cuối năm 2012.
Theo ANTD
Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền LHQ
Ngày 3/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên họp. (Ảnh: Tố Uyên/Vietnam )
Ngày 3/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh quyền con người tiếp tục là mối quan tâm của các nước và dư luận quốc tế, Hội nghị đã thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo từ hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu và đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các chủ đề chính được thảo luận tại khóa họp thường kỳ lần thứ 25 này gồm xem xét đánh giá các công việc và hoạt động của Hội đồng Nhân quyền; Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người nhập cư; Quyền của người khuyết tật, trong đó chú trọng đến quyền tiếp cận giáo dục của người khuyết tật; Thúc đẩy và bảo vệ không gian hoạt động của xã hội dân sự; Quyền của trẻ em; Công tác ngăn ngừa tội ác diệt chủng.
Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ ba năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Cùng với Việt Nam, các thành viên khác của Hội đồng Nhân quyền trong phiên họp thứ 25 này gồm có Argentina, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Venezuela...
Bên cạnh Hội nghị cấp cao, Hội đồng Nhân quyền cũng tổ chức ba phiên thảo luận cấp cao về quyền của người di cư, án tử hình và các cách tiếp cận mang tính phòng vệ trong hệ thống Liên hợp quốc để bảo đảm quyền con người.
Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam chủ động tham gia tích cực để đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về nhân quyền.
Bên cạnh phiên họp chính thức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh còn tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Venezuela Elías Jaua Milano; Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirotaka Ishihara; Tổng thư ký Tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Anders Johnsson...
Ngoài việc thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với các công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đây cũng là dịp để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác cũng như các tổ chức quốc tế.
Theo VietnamPlus/TTXVN
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 hôm qua bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất. Sáng 12-11 (theo giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội...