Chống gian lận thương mại – Bài 2: Giải quyết một cách căn cơ
Kết quả đấu tranh gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều cố gắng của cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Đỗ Phương Anh – TTXVN
* Người tiêu dùng mất niềm tin
Thời gian qua có nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đã tồn tại trong một thời gian dài như vụ sản xuất kinh doanh thuốc điều trị ung thư giả của Công ty dược VN Pharma, hay sản xuất thuốc điều trị ung thư từ than tre… là một trong những vụ điển hình trong kinh doanh hàng giả gây hoang mang dư luận.
Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phanh phui nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối như vụ việc tráo mác nhà sản xuất, lấy hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.
Đồng thời, lợi dụng thương hiệu nâng giá sản phẩm lên hàng chục lần của thương hiệu Khai silk đã đặt ra nhiều vấn đề với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu…
Hay mới đây là thông tin nghi vấn nhãn mác hàng hóa tại Con Cưng (hệ thống siêu thị chuyên cung cấp sản phẩm mẹ và bé có thương hiệu trên thị trường) bị thay đổi không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng một lần nữa lại làm hoang mang tâm lý người tiêu dùng.
Thậm chí, theo Ban chỉ đạo 389, có những vụ việc phát hiện gây bức xúc, hoang mang lo lắng người dân, bởi trước khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, các doanh nghiệp này đã được một số Hiệp hội đã trao tặng các Giải thưởng thương hiệu chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về chế tài xử lý hành chính kèm theo chế tài phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia và ngay cả cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý thị trường cho rằng việc áp dụng các chế tài xử phạt nói trên chưa áp dụng được hoặc áp dụng chưa đầy đủ vì vẫn thiếu những hướng dẫn cụ thể để thi hành.
Chẳng hạn vừa qua, Ban chỉ đạo 389 cũng vừa đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Cụ thể là hướng dẫn cách phân biệt hành vi vi phạm theo điểm c khoản 1 Điều 20 và khoản 7 Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ -CP.
Video đang HOT
Hay đối với lĩnh vực xăng dầu, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cách xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp để làm căn cứ trong quá trình áp dụng các hình thức xử lý về hành vi vi phạm theo quy định là những dẫn chứng.
*Phải có chế tài mạnh
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty TNHH Luật sư Riêng, Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh nhìn nhận, từ các sự việc trên đã cho thấy, chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răng đe đối với các hành vi vi phạm, tiền phạt còn quá ít so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội.
Minh chứng là đến nay, thực trạng hàng gian, hàng giả vẫn tràn ngập thị trường, tình trạng gian lận thương mại diễn ra phổ biến.
Do vậy, cần nghiên cứu xem xét tăng chế tài xử phạt, theo đó, mức xử phạt phải đủ để cho những cá nhân, tổ chức làm ăn phi pháp nhận thức rõ nếu làm ăn phi pháp nếu bị phát hiện thì khoản lợi bất chính không đủ để nộp phạt.
Bên cạnh đó, theo luật sư Lê Trung Phát, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định những tội danh có liên quan, thế nhưng một số điều luật vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để áp dụng.
Điều này dẫn đến mặc dù có quy định nhưng lại khó xác định là phải xử phạt như thế nào, làm cho các cơ quan tư pháp có những lúng túng khi xử lý.
Chẳng hạn như, Bộ luật Hình sự quy định “người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Tuy nhiên đến nay, chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”.
“Tôi cho rằng hình phạt tù nhẹ dẫn đến chưa thật sự răng đe cho những người phạm tội. Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng. Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh, hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn”, luật sư Phát kiến nghị thêm.
Đồng thời, luật sư Lê Trung Phát cho rằng, còn lỗ hỗng lớn từ phía cơ quan chức năng và lỗ hỗng này không chỉ là từ các quy định mà còn từ phía người có thẩm quyền.
Một mặt họ đã không tuân thủ các quy định hiện có để tiếp tay cho các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ, một mặt họ không thực sự phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý.
Cuối cùng các hàng hóa dịch vụ không đúng chất lượng có cơ hội đến tay của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho những đơn vị làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.
Điều này theo Ban chỉ đạo 389 nhìn nhận, vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Ý thức của công chức thực thi nhiệm vụ ở một số nơi còn bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm.
Do vậy, luật pháp có thể bổ sung nhằm kịp điều chỉnh các quan hệ của xã hội, thế nhưng để nó đi vào thực tế thì cần nhất vẫn là đội ngũ con người.
Chính vì vậy, yêu cầu tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật là hết sức cần thiết.
Theo kiến nghị của Ban chỉ đạo 389, các địa phương cần phải có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bài cuối: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp
Theo Việt Âu – Anh Đức (TTXVN)
Khi hàng giả thành quen thuộc
Hàng giả, giả từ thương hiệu đến nguồn gốc xuất xứ, bao nhiêu năm qua vẫn tràn lan. Một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là vì người sản xuất không biết sợ. Không sợ vì luật pháp không kín kẽ, không nghiêm khắc hay không sợ còn vì có thể "đàm phán" được với cơ quan chức năng?
Câu chuyện hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại chắc chắn còn tiếp tục kéo dài. Trong ảnh: Khách chọn sản phẩm tại một hội chợ hàng tiêu dùng. Ảnh: THÀNH HOA
1.001 chuyện bi hài chống hàng giả
"Chúng tôi mất khá nhiều thời gian điều nghiên, chụp ảnh các bằng chứng vi phạm của một cơ sở sản xuất hàng giả thương hiệu của mình. Sau đó, chúng tôi báo cho cơ quan chức năng đến để kiểm tra. Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra thì lại không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ nơi đây từng sản xuất hàng giả", đại diện chống hàng giả của hãng Unilever từng kể lại tình huống dở khóc dở cười đó tại một hội nghị về công tác chống hàng giả có mặt của đại diện nhiều cơ quan chức năng diễn ra chưa lâu.
Theo vị này, đây là tình trạng phổ biến trong công tác chống hàng giả hiện nay khi doanh nghiệp phải trực tiếp điều nghiên, rồi thông báo, "chỉ điểm" cụ thể cho cơ quan chức năng nhưng cuối cùng, lại như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Trưởng phòng kinh doanh của một công ty kinh doanh gas còn gặp tình huống "đau lòng" hơn. Phát hiện một cơ sở sang chiết gas sử dụng rất nhiều vỏ bình của công ty mình, ông và các nhân viên công ty mấy đêm liền chia nhau theo dõi, ghi lại hoạt động của từng xe bồn chở nguyên liệu, xe tải chở thành phẩm đi ra đi vào. Khi đã chắc chắn về quy luật hoạt động, ông báo với cơ quan quản lý thị trường của địa phương để bắt quả tang (một trong những yêu cầu nếu muốn chứng minh ai đó sản xuất hàng giả theo quy định hiện nay - PV). Vậy nhưng, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có vài vỏ bình của công ty ông lăn lóc tại hiện trường. Lần đó, ngoài công sức, thời gian, công ty còn mất trắng cả trăm triệu đồng bỏ phong bì để xúc tiến việc kiểm tra nhưng cuối cùng không mang lại kết quả nào.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp với TBKTSG, "quy trình" để chống hàng giả (nếu muốn làm) tại doanh nghiệp hiện nay là tự phát hiện cơ sở, đối tượng làm giả hàng hóa của mình. Nếu doanh nghiệp không có nhân lực thì có thể bỏ tiền thuê công ty dịch vụ làm thay. Khi đã có thông tin thì báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra chính thức. Tất nhiên, mức độ nhanh hay chậm, dài hay ngắn, của thời gian chờ đợi các cuộc kiểm tra này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó nói khác. "Theo lẽ thông thường, đây là công việc của cơ quan chức năng. Biết là chúng tôi đang làm ngược nhưng nếu không làm thì sẽ không có cuộc kiểm tra nào", đại diện một doanh nghiệp thừa nhận.
Như trường hợp Khaisilk, vụ việc được phát hiện từ tháng 10-2017, cơ quan quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra và có kết luận vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng đến nay, sau hơn bảy tháng vẫn chưa có kết quả xử lý cuối cùng.
Cất công là vậy nhưng trong không ít trường hợp, doanh nghiệp tay trắng. Vì rằng, đối tượng làm giả lại có quan hệ mật thiết với lực lượng chức năng, cho nên họ được báo về kế hoạch kiểm tra và có sự chuẩn bị đối phó. Bản thân lực lượng chức năng biết điều này nên có không ít cuộc kiểm tra, địa điểm, thời gian được bí mật với các thành viên tham gia, chỉ khi xuất phát mới thông báo.
Trong khi đó, với những doanh nghiệp may mắn hơn là bắt được hàng giả thì mọi việc lại rất mệt mỏi. Doanh nghiệp phải theo đuổi một hành trình với hàng loạt thủ tục phức tạp, cung cấp giấy tờ chứng minh, chờ đợi kết luận... Có những vụ việc, thời gian kéo dài hàng năm trời. Kết luận được rồi thì mức xử phạt với đối tượng làm giả hàng hóa lại không thấm tháp với lợi nhuận họ thu được. Chính thực tế này, nói như các doanh nghiệp, đã khiến họ nản lòng, mất niềm tin và trong không ít trường hợp chấp nhận "sống chung với lũ".
Lỗi ở đâu?
Trao đổi với TBKTSG, một chuyên gia có nhiều năm phụ trách pháp lý cho một số công ty nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ, các quy định về phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tại Việt Nam không phải không đầy đủ. Vậy nhưng, các chính sách lại được thiết kế lại theo hướng dàn hàng ngang kiểm soát, nghĩa là kiểm tra tràn lan thay vì quản lý theo phương thức rủi ro. Điều này, tạo kẽ hở để cơ quan quản lý vận dụng theo hướng có lợi cho mình khi thực thi. Theo đó, cơ quan quản lý thường nhắm vào doanh nghiệp có thương hiệu để "hành", làm nhiều cách để các công ty buộc phải "quan hệ, chăm sóc" dưới nhiều hình thức khác nhau.
"Vì rằng, không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo chắc chắn 100% rằng mình không có vi phạm, sai sót. Và vì có thương hiệu nên sống chết phải bảo vệ", vị này phân tích. Trong khi đó, những chỗ cần kiểm tra thì lại được bỏ qua hoặc làm cho có vì đó là những người "không có gì để mất". Cũng vì cơ chế dàn hàng ngang này mà khi có chuyện xảy ra thì cơ quan chức năng viện dẫn đủ các lý do để bào chữa và quả bóng trách nhiệm đá qua đá lại. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu nhân sự, không thể kiểm soát hết thị trường rộng lớn.
Vậy, câu hỏi là tại sao cơ quan chức năng có thể làm được những điều này? Một trong những lý do là các quy trình không được công khai, minh bạch cũng như không được giám sát, kiểm tra chéo. Các vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian qua như Khaisilk, Mumuso hay mới đây nhất là Con Cưng đều xuất phát từ việc người tiêu dùng tố cáo trên mạng xã hội hoặc báo chí nước ngoài lên tiếng, hoàn toàn không phải từ phát hiện của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, đây là các chuỗi cửa hàng có quy mô rộng khắp, hoạt động thời gian dài. Việc các cơ quan chức năng có từng kiểm tra hoạt động của các cửa hàng này trước đây hay không, kiểm tra khi nào, kết quả ra sao... hoàn toàn không có trong các dữ liệu công khai để người dân theo dõi.
Tương tự, chuyện các cơ quan chức năng khác nhau kiểm tra chéo hoạt động của nhau lại càng không thấy. Như trường hợp Khaisilk, vụ việc được phát hiện từ tháng 10-2017, cơ quan quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra và có kết luận vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng đến nay, sau hơn bảy tháng vẫn chưa có kết quả xử lý cuối cùng. Cán bộ quản lý thị trường khi được hỏi về diễn tiến vụ việc cũng lắc đầu không biết.
Với tình trạng này thì câu chuyện hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại chắc chắn còn tiếp tục kéo dài. Hậu quả thì người tiêu dùng gánh chịu.
Theo thesaigontimes
"Con Cưng treo thưởng 1 tỷ nhưng chúng tôi phát hiện ra rồi!" Công ty cổ phần Con Cưng bất ngờ thông báo "treo thưởng 1 tỷ đồng" cho khách hàng nào phát hiện sản phẩm của Con Cưng là không chính hãng. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Thị trường khẳng định đã phát hiện ra sai phạm của chuỗi cửa hàng Con Cưng. Ông Nguyễn Trọng Tín- Phó Cục trưởng Cục Quản lý...