“Chống gậy” cho vườn quả vàng đặc sản, “mỏi” tay thu tiền dịp Tết
Càng vào những ngày cận kề Tết nguyên đán 2019, anh Nông Văn Lâm, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng ( Lạng Sơn) lại càng tất bật với công việc cắt hái cam tại vườn bán cho các thương lái đi tiêu thụ trong dịp Tết. Nhờ vườn cam này, mỗi năm anh Lâm thu 300-400 triệu đồng.
Vào vườn cam đường Canh của anh Nông Văn Lâm, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh cam sai trĩu rủ xuống đất, sáng đỏ cả một vùng đồi.
Vườn cam canh sai trĩu quả rủ xuống đất của gia đình anh Lâm.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Lâm luôn hiểu nỗi vất vả của công việc đồng áng, ruộng vườn nên sau khi lập gia đình anh luôn muốn tìm hướng đi mới cho bản thân.
“Năm 2012, trong một lần tình cờ qua nhà bạn ở huyện Lục Ngạn (Chũ) tỉnh Bắc Giang chơi thì thấy người dân ở tỉnh bạn có nhà cao cửa rộng, đời sống khấm khá. Hỏi ra mới biết các hộ dân đều đang phát triển cây cam đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau đó về tôi có mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và hỏi han những người có kinh nghiệm về giống cây ăn quả mới này,” Anh Lâm nói.
Anh Lâm phải “chống gậy” cho cây vì quả căng mọng, sai trĩu cành.
Anh Lâm cho biết, trước kia bãi đồi dốc sau nhà là cây dại và cây bạch đàn thì giờ đây hàng nghìn gốc cam đường Canh chín vàng, đỏ rực phủ kín khu đồi. “Tôi bàn với vợ con, đánh liều phá hết khu đồi bạch đàn để trồng thử 2.000 gốc cam đường canh và hơn 200 gốc cam vinh. Thiên hạ có câu: Có chí làm quan, có gan làm giàu, giờ mình không phải là giàu nhưng cuộc sống cũng khấm khá hơn là vì “bí quá làm liều”, anh Lâm cười đùa.
Là người đầu tiên đưa giống cam Canh về trồng tại địa phương nên mới đầu bao giờ cũng đầy gian nan và khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên cây chậm lớn, hay bị bệnh vàng lá và thối rễ. “Thời gian đó nhìn vườn cây bị hỏng bởi sâu, bệnh nhìn xót lắm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ hết vào đấy. Nhưng làm rồi rút kinh nghiệm dần dần, từ đó tôi mới có vườn cam Canh như bây giờ,” anh Lâm cho hay
Video đang HOT
Để cam ngon, vàng đẹp mắt, phục vụ khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán, khâu chăm sóc rất quan trọng.
Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng, chăm sóc thành công cây cam Canh trên đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), qua các lớp tập huấn kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, anh Lâm đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam đường Canh ở trên đất đồi. Anh sư dung kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi lại cho vị ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng cam Canh của anh Lâm, đây là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất tỉ mỉ, cần phải áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trước khi trồng phải đào hố rộng rồi bón thúc phân chuồng, phân hữu cơ… Khâu quan trọng nhất để cây cam Canh ra được hoa, kết trái nhiều, người trồng phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết.
Những trái cam chín mọng, màu vàng cam thơm ngon luôn được thương lái trong tỉnh và các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh… lựa chọn
Anh Lâm chia sẻ: “Sau mỗi vụ thu hoạch quả vào dịp Tết, tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm sau cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc phân phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian dài nuôi quả”.
Hiện tại khu đồi hơn 2ha của gia đình anh Lâm đang có hơn 1.500 gốc cam Canh đang cho thu hoạch và hơn 200 gốc cam Vinh. Cây nào cây nấy đều sai trĩu quả, anh phải chống gậy cho cây cam Canh chứ không thì gãy cành. Nhiều người “trót lạc” vào vườn cam Canh của anh Lâm là chẳng muốn ra. Ngoài ra, gia đình anh còn phát triển vài trăm gốc na trồng trên núi đá đem lại thu nhập đáng kể.
Dự kiến gia đình anh Lâm sẽ thu hơn 10 tấn cam đường canh trong vụ này.
Do điều kiện thời tiết của từng năm nên sản lượng cam mỗi năm không giống nhau. Đỉnh điểm, có năm vườn cam cho sản lượng 20 tấn, thu về 400 – 500 triệu đồng/năm.
Hiện tại, cam Vinh gia đình anh Lâm đã thu hoạch xong và được 3-4 tấn quả. Còn cam Canh đang cho thu hoạch, hằng ngày phải thuê gần 10 nhân công cắt hái cho kịp xe của thương lái. Từ khi chuyển sang trồng cam Canh, cam Vinh, đến giờ cuộc sống kinh tế gia đình anh đã dư giả và có của ăn của để. Hiện tại 1kg cam Canh, anh Lâm bán tại vườn với giá đổ xô dao động từ 25.000- 30.000đồng/kg, ước tính sẽ mang lại vài trăm triệu đồng.
Theo Danviet
Gái đảm miền biên viễn ươm cây giống xuất bán khắp các nơi
Từ nhiều năm nay, vườn ươm cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp của chị Nguyễn Thị Thủy (Lạng Sơn) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân, khách hàng là chủ vườn cây, người buôn cây giống. Không những thế, chị còn được nhiều người biết đến bởi nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu.
Đến tham quan mô hình ươm cây giống của chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Tân Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô vườn ươm của gia đình chị. Với diện tích 2-3 mẫu vườn trước kia, chị đã bàn với chồng, chuyển đổi toàn bộ thành khu ươm cây giống và vườn cây chủ (cây giống hoặc cây hom).
Theo chị Thủy, trước khi chị về làm dâu ở đây, gia đình chồng chị đã làm nghề ươm cây giống từ lâu, nhưng quy mô nhỏ hẹp. "Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng phải theo học từ mẹ chồng và mọi người trong nhà. Sau này vợ chồng tôi tách làm riêng, rồi từ đó chúng tôi cùng học làm, mở rộng vườn cây", chị Thủy nói.
Vườn cây keo giống của gia đình chị Thủy xuất bán hơn 100 vạn cây/ năm phát triển xanh tốt.
Ở đây, nghề sản xuất giống cây trồng đã có từ lâu, nhưng thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, hiệu quả kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây, nghề này phát triển rầm rộ vì đầu ra và thị trường mở rộng ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Thậm chí, thị trường mở rộng tận vào các tỉnh Nghệ An - Bình Định, nên nhiều gia đình trong làng đều mở rộng làm vườn ươm keo giống.
Theo chị Thủy, hiện có thể mua hạt giống keo nhập khẩu từ Úc, giống keo nội hoặc trồng cây nuôi lấy mô (keo cành) để làm vườn ươm keo giống. Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu thực tế hiện nay, giống hạt keo nội vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thực tế, người trồng keo vẫn ưa chuộng giống keo nội bởi đặc tính có thể sinh trưởng trên đất khó, dốc, chống chịu tốt với mưa bão. Quan trọng nhất, chủ các vườn ươm chọn được giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cây trồng trong vườn giống lấy hom phải là các dòng keo lai cấy mô hay đời F1 do các đơn vị đảm bảo cung cấp vì đã được chọn lọc, khảo nghiệm khẳng định tính ưu trội hơn bố mẹ và các dòng khác.
Hom sau khi cấy vào bầu sẽ được che kín bằng bạt để đảm bảo độ ẩm và sự phá hoại của sâu bệnh.
Với phương châm "vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm", ban đầu vợ chồng chị Thủy cũng chỉ sản xuất với số lượng ít và tập trung vào chất lượng giống cây. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chọn đất, làm đất, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng, điều trị bệnh nên tỷ lệ cây sống đạt tỷ lệ thấp. "Những ngày đầu chưa nắm vững kỹ thuật nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhờ cố gắng học hỏi, chúng tôi biết lượng nước tưới như thế nào cho đủ, cắt hom phải lựa phần đọt non, đủ số lượng mắt lá...
Để có một cây keo chất lượng bán ra thị trường, đòi hỏi phải cẩn thận từng khâu, từ làm đất, cho đất vào bì, làm luống, cắt cành giâm, tiến hành giâm hom. Trong đó, quan trọng nhất là khâu cắt hom, giâm hom và khâu chăm sóc cây con mới giâm. Làm nhiều năm kinh nghiệm tích lũy càng nhiều rồi cũng vượt qua khó khăn", chị Thủy chia sẻ.
Cây keo giống xuất bán chủ yếu vào các tỉnh miền Trung, miền Nam đem lại cho gia đình chị hàng trăm triệu/năm.
Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất keo giống, chị Thủy cho biết: Việc cắt cành (cắt hom) phải tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước. Khi cắt cành, phải để lại ở phần gốc ít nhất 2 đôi lá hoặc 2 chồi ngủ. Chiều dài hom 4 - 7cm, mỗi hom có 1-2 lá và phải cắt bớt 2/3 diện tích phiến lá. Tùy mức độ phát triển của cành mà quyết định thời gian cắt đợt tiếp theo. Hom đã cắt được chấm vào hỗn hợp có chứa chất kích thích ra rễ và cấy sâu khoảng 2 - 3 cm vào chính giữa bầu cây chứa đất đỏ đã được đóng sẵn xếp thành từng luống.
Công nhân đang làm việc tại vườn ươm keo giống của gia đình chị Thủy.
Hiện nay, mỗi năm vườn ươm nhà chị Thủy cung cấp ra thị trường hơn 100 vạn cây keo giống, chủ yếu đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Với giá trung bình 300- 350 đồng/cây, gia đình chị Thủy thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm. Sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Thủy lãi ròng hơn 200 triệu/năm. Ngoài ra vườn ươm của gia đình chị Thủy còn tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng.
Theo Danviet
Lạng Sơn: Đưa quýt đặc sản "hạ sơn" nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng NTM, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã tập trung xây dựng, phát triển mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây quýt vàng - đặc sản địa phương. Đưa quýt vàng "hạ sơn" Quýt vàng Bắc Sơn vốn là cây thích hợp trồng trong các lân lũng có độ...