“Chồng em áo rách…”
Mỗi lần ngồi vu vơ với bạn bè, chúng em thường nhắc chuyện ngày xưa, cái thời “vợ chồng tao yêu nhau thế nào, mấy ông ấy tán mình ra sao”. Ngẫm lại chuyện mình, em cứ tủm tỉm cười.
Dạo ấy, khi em đang tung tăng áo dài đi học, chiếc xe bỗng dưng dở chứng, tuột nguyên cả cái bàn đạp ra ngoài. Em hì hụi, luống cuống dắt bộ hơn cây số, rồi mừng húm khi thấy quán sửa xe “cóc” bên vệ đường.
Trông cái mặt anh còn non choẹt, em dò hỏi: “Anh ơi, anh sửa xe được không?”
Anh trợn mắt nhìn em: “Không sửa được thì tôi mở quán chi cô.”
Biết mình lỡ miệng, em liền đổi giọng nhẹ nhàng nhất có thể: “Anh xem giùm em với, tự dưng nó tuột ra ngoài”.
- “Cái gì tuột?”
- “Cái ấy đó”
Video đang HOT
Vừa dứt lời, em lại thấy mình vô duyên quá đỗi, thì hồi ấy em đâu biết phân biệt cái bàn đạp hay giò đĩa, hộp sên.
Anh tủm tỉm cười hiền, kéo ghế cho em ngồi rồi bảo sợ muộn học thì lấy xe anh mà đi, lát về mang vào đổi cũng được. Em liếc nhìn xe của anh, chao ôi, chiếc xe chắc từ đời ông cố nội để lại, trong khi xe mình mới mua có một năm, còn mới cứng, đây không dại nhé.
Em càng buồn cười hơn khi trông thấy bộ dạng anh, chiếc áo sơ mi sờn cũ lộ bờ vai rắn chắc, tay áo rách te tua bị tuột cứ bay phần phật trong gió. Em ngồi nghĩ vu vơ đâu đó năm phút thì anh bảo xong rồi, tới trường nhanh kẻo muộn. Lôi tiền ra trả thì anh không nhận, bảo có sửa gì đâu, lần khác sửa lấy tiền luôn. Em đành hanh với ý nghĩ trong đầu, người đâu ác thấy ớn, trù họ hư xe để vào sửa hả ông, đừng mơ.
Từ dạo đó, mỗi lúc tan trường, ngang qua “cơ đồ” của anh, em hay ghé mắt nhìn. Có lúc thấy anh hì hụi sửa xe cho người ta, vẫn chiếc áo sờn rách, cái quần đen thui chẳng rõ màu nguyên thủy và bàn tay đầy những dầu mỡ. Có lúc lại thấy anh chăm chú bên cuốn sách, khuôn mặt anh khi ấy sáng bừng, lộ vẻ say mê, đăm chiêu đến lạ.
Rồi em cũng điều tra được “nhân thân” của anh thông qua cô bạn cùng lớp. Nó vẫn hay bi bô, “anh ấy mà chỉn chu thì đẹp trai chẳng thua gì diễn viên Hàn Quốc mày nhỉ”. Xem ra, khối đứa con gái rung rinh vì anh chứ chẳng ít.
Nhà anh nghèo, anh nghỉ học từ sớm để bươn chải đỡ đần bố mẹ. Anh học việc ở quán sửa xe của ông chú, thấy anh chăm chỉ và thạo việc, ông chú cho anh mượn đồ nghề rồi thuê một chỗ ven đường để anh lập nghiệp. Tối về anh vẫn đi học bổ túc, cần cù mấy năm rốt cuộc anh cũng lấy được bằng tại chức.
Duyên số đưa đẩy thế nào mình cùng vào làm một cơ quan. Anh bảo anh làm ở đây là làm thêm thôi, nghề chính vẫn là sửa xe, em bĩu môi tỏ vẻ không tin. Thú thực, ngay lúc ấy, tim em đã xốn xang vì anh lắm lắm rồi.
Hóa ra tối về, anh vẫn để cửa tiệm sáng đèn, anh bảo lỡ như xe ai hư, đoạn đường ấy vắng, có thủng xăm dắt bộ cũng chết người ta. Đêm, vừa ngồi ngắm trăng, đọc sách, thi thoảng sửa chiếc xe cũng chẳng nhọc nhằn gì.
Bàn tay tra dầu mỡ nhiều năm của anh đen sạm, nhẵn bóng. Anh vẫn bảo anh không có tướng làm quan, tướng anh là tướng nông dân, tướng rửa xe, em thương làm gì. Em cười, có sao, áo rách em còn thương được mà.
Thấm thoát vợ chồng mình cưới nhau đã bốn năm, cái nghèo vẫn chưa rời đi và cảm giác chắc “nó” còn vương vấn vợ chồng mình lâu lắm. Chúng mình vẫn chăm chỉ làm việc, thi thoảng tối về anh vẫn hì hụi sửa xe cho những ai nhỡ đường.
Em chẳng dám có tham vọng gì nhiều, bởi tham vọng thì vô tận mà lòng tham lại vô đáy. Nhiều khi giàu có, no đủ đến mấy cũng chưa chắc đã bằng lòng. Cho nên tham vọng của em vẫn là hai chữ “hạnh phúc”.
Năm tháng còn dài, vật chất từ từ rồi cũng tới, bằng chứng là cuộc sống của ta ngày càng “đỡ nghèo” đó thôi, em vẫn luôn cười tươi còn anh vẫn ngủ thẳng giấc và tình yêu hai ta ngày một đong đầy.
Áo rách còn biết đường lấy kim chỉ mà khâu, chứ còn trái tim rách, lương tâm nát thì dẫu khéo tay đến mấy cũng há dễ gì khâu vá lại được…
Theo Dantri
Một cách bắt đầu khác
Trong nó, kí ức về bố là một người đàn ông công tác triền miên, nửa năm mới về một lần nhưng lần nào cũng chỉ ở nhà trong vài ngày ngắn ngủi rồi lại xách vali đi tiếp.
Vậy nên, nó không can ngăn, cũng chẳng khóc lóc nài nỉ khi biết tin bố mẹ ly dị. Xét cho cùng, cuộc sống thiếu bố với một đứa con gái như nó không phải là một điều gì quá khó khăn.
Nó cũng yêu bố lắm chứ. Nhưng nó biết, người ta có thể cố ăn, cố làm, cố cười... nhưng không thể cố yêu, cố chịu đựng. Và nó tin, mẹ đủ sáng suốt để làm chủ nửa đời còn lại của mình.
Từ ngày bố mẹ "đường ai nấy đi", nó ít tụ họp và la cà quán xá. Đêm đến, nó ôm bộ chăn sang phòng ngủ chung với mẹ. Vắng bố, mẹ con nó vẫn lo chu toàn mọi việc trong nhà, vẫn thay được bóng đèn, đóng cái móc đồ và thậm chí sửa cả quạt máy. Nó cứ nghĩ rồi mọi thứ sẽ đâu vào đó cho đến ngày nó học về sớm và nhìn thấy mẹ khóc. Tim nó như thắt lại. Mẹ ngồi phờ phạc giữa căn phòng rộng lớn, xung quanh vương vãi mấy cuốn album gia đình, vài tấm ảnh bị xé nát. Nó bước thật nhanh ra cổng, hít một hơi thật sâu, cố kìm nén bao giọt nước mắt nóng hổi đang chực trào ra ngoài. Rốt cục, khi sự mạnh mẽ không còn đủ cứng rắn để bao bọc nỗi cô đơn, thì mọi cảm xúc thật nhất sẽ vỡ òa. Nó cảm nhận được sự mỏng manh, yếu đuối của mẹ và thương mẹ rất nhiều.
Nó quyết định chấm dứt với Dương vì phát hiện mối quan hệ không trong sáng giữa Dương và Sa - nhỏ bạn chí cốt của mình. Tối, nó sang phòng mẹ tỉ tê mọi chuyện. Mẹ cười hiền, bảo nó làm như vậy là phải, sự dối trá nào cũng đáng bị trừng phạt. Nó thiếp đi, chợt thấy lòng nhẹ bẫng.
Mẹ quyết định thay giấy dán tường. Căn nhà được "khoác" lên lớp "áo" mới, hồng nhạt, sáng bừng lên. Nó rút tiền tiết kiệm mua thêm vài cái chuông gió treo bên ngoài cửa sổ. Chiếc giỏ mây nó tặng mẹ nhân ngày tám tháng ba được mẹ trưng dụng cắm mấy bó hoa khô. Căn bếp trở nên thoáng đãng sau khi "thanh lý" hết đống chén, bát cũ và một số đồ lặt vặt không dùng. Lục lọi một hồi, mẹ thấy hộp đồ nghề sửa xe của bố, mẹ thần người ra một lúc rồi lại nhẹ nhàng đặt chúng vào chỗ cũ. Nó thoáng thấy mẹ cười, giây phút hiếm hoi mẹ tươi tỉnh. Trong vô thức, nó rút điện thoại nhắn tin cho bố, nói rằng 2 mẹ con rất nhớ bố. Và khi nhớ lại, nó đã không hối hận về hành động đó của mình.
Một ngày, khi mẹ đang hì hụi xới đất trồng rau trước sân nhà thì có tiếng chuông cửa. Mẹ đang dở tay nên gọi nó, mà nó thì đang ở tít trên sân thượng nên mẹ đành ra mở cổng. Từ ban công, nó mỉm cười khi thấy mẹ đứng thần người trước vị khách đặc biệt. Mãi đến khi bố bảo mệt và muốn vào nhà, mẹ mới hối hả tháo găng tay và gọi nó xuống.
Sau bữa trưa, trong lúc mẹ thu dọn thức ăn thì bố lôi hộp đồ nghề sửa xe ra sân. Nó nghe bố hỏi mẹ: "Xe em có hư hỏng chỗ nào không?" và tiếng mẹ trả lời: "Không, anh à!". Đã lâu, căn nhà nhỏ của nó có sự hiện diện đầy đủ cả gia đình. Khoảng trống vô tình từ lúc bố xách va li ra khỏi cửa và chào tạm biệt hai mẹ con như được lấp đầy.
Nó nghe mẹ nói bố sẽ ở lại với mẹ con nó thêm vài ngày nữa rồi mới đi. Bố đã tìm được người để bàn giao công tác và khi thu xếp xong tất cả, bố sẽ chuyển hẳn về đây làm việc. Nó loáng thoáng nghe mẹ dặn bố mặc ấm, ăn uống đúng bữa. Sáng đó, mẹ đi chợ và mua về rất nhiều rau củ. Nó đoán, thể nào cũng có món thịt bò xào cần - món "ruột" của bố.
Nó nhận ra, đâu phải sự kết thúc nào cũng đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Đôi khi, đó còn là cách khác để ta lại có thể bắt đầu...
Theo Dantri
Cuống quýt quay đầu khi thấy tình cũ phát tài Khi nhận ra người đàn ông lắm tiền, cư xử chịu chơi ấy là tình cũ vừa nghèo vừa quê năm nào, Hà ngã ngồi xuống ghế, lòng đau như cắt, tự nhủ phải chi cô đừng bỏ anh thì giờ đã ấm thân, lại vẫn được tiếng chung tình. Lỡ dại vứt bỏ đại gia tương lai Sau mấy năm nhớ nhung...