Chồng động kinh dắt vợ mù đi mò ốc
Nhiều hôm đang mò ốc, nghe tiếng tay buông thõng xuống nước, bà Nguyễn Thị Suốt vội lần mò về chỗ nào sủi bọt để tìm chồng. Gần 30 năm qua, đôi vợ chồng già bệnh tật sống nhờ vào những con ốc.
Mùa đông, dòng nước lạnh ngắt, vợ chồng bà Suốt ở thị trấn Đồng Văn ( Duy Tiên, Hà Nam) vẫn dầm mình dưới nước mò ốc. Một tay giữ thau, tay kia mò mẫm, khuôn mặt người chồng lo âu nhìn vợ. Người phụ nữ đứng cạnh ông có đôi mắt mờ đục cùng bám vào chậu để chắc chắn chồng còn ở đó.
Khi chiếc thau đã đầy ốc, ông bà mới nghỉ tay. Bà Suốt khoe mới mò 2 tiếng đã được cả chậu ốc đầy. Sợ vợ lạnh, hai thân già dắt díu nhau về nhà. Chồng bà, ông Nguyễn Kiệm, 58 tuổi, lập cập vừa dắt vợ vừa cắp thau ốc.
Rời quân ngũ, ông Kiệm trở về quê với di chứng chiến tranh là bệnh động kinh. Không ai muốn lấy hay thuê ông làm việc. Còn bà Suốt (kém ông 6 tuổi) ngay khi sinh ra đã bị mù do chất độc da cam di truyền từ bố mẹ. Bà tưởng ở vậy hết đời vì chẳng ai dám hỏi người con gái mù làm vợ.
Hàng ngày, ông Kiệm và vợ dầm mình dưới nước mò ốc. Ảnh: Tiểu Nguyễn.
“Thôi thì nồi méo úp vung méo. Đã là vợ chồng thì phải ăn ở trọn tình trọn nghĩa với nhau, đến chết mới thôi”, bà Suốt cười hiền từ khi nói về duyên phận của ông bà. Vậy là từ ngày đó đến nay, họ dắt nhau đi hết cánh đồng này bờ bãi nọ kiếm con ốc, con trai bán nuôi thân cùng ba đứa con.
Mùa hè cũng như mùa đông, trừ những ngày mưa gió quá to, ông bà đều đưa nhau đi bắt ốc. “Không làm việc hôm nào thì hôm đó nhịn đói”, bà Suốt thở dài.
Do sức khỏe ông Kiệm không ổn định nên công việc bắt ốc phần lớn do bà Suốt làm. Bà kể, có hôm nghe tiếng tay chồng buông thõng xuống nước, biết bị ngã sặc nước, bà hốt hoảng tìm ông. Nghe tiếng sủi bọt nước ở chỗ nào, bà lần mò về chỗ ấy. Vực chồng lên bờ, bà chỉ biết nghẹn ngào, chua xót cho số phận.
Video đang HOT
Có ngày trời quá lạnh, ông không thể xuống nước đành ngồi trên bờ chỉ dẫn cho vợ. Ngâm nước nhiều giờ tay bà bị tê, mất cảm giác, ông lại lụi cụi xin nắm rơm và lửa ở nhà dân quanh đó ra đốt cho vợ đỡ lạnh. Nhiều hôm gặp hàng xóm hỏi thăm, nhưng họ không trả lời được vì quá rét, hai hàm cứng đơ. Ai không biết lại tưởng họ khinh người.
Mò ốc đến tối, ông Kiệm đem đi bán. Trung bình mỗi ngày ông bà mò được 4 kg ốc, bán 8.000 đồng/kg. Nhiều hôm không bán được ở chợ, ông phải dắt xe đi bán rong. Những hôm để chồng một mình đi bán, bà Suốt ở nhà nơm nớp lo chồng đổ bệnh bất chợt.
Vợ chồng ông Kiệm bên ngôi nhà được hợp tác xã xây giúp. Ảnh: Tiểu Nguyễn.
Bà Suốt tâm sự, nhiều hôm chỉ bắt được vài con ốc, ông bà đành mua sắn chịu để ăn và phần lại bát cơm trắng cho các con. Những ngày chẳng có sắn, ông bà an ủi nhau ăn rau cúc tần luộc cho đỡ đói. Thương hoàn cảnh vợ chồng nghèo, hàng xóm thỉnh thoảng cho họ quần áo, đồ ăn.
Ngày còn nhỏ, mấy đứa con của ông bà hay thắc mắc vì sao con chỉ có mấy quyển sách phải viết chung lẫn lộn trong khi bạn bè mỗi môn đều có vở viết riêng. Mỗi lần nghe con hỏi như vậy, bà Suốt lại thấy đắng lòng. 3 đứa con trai của ông bà cũng đi bắt ốc mò cua và bán hàng giúp bố mẹ.
Giờ hai anh lớn có gia đình riêng và ở bên nhà vợ nơi đất khách nên không đỡ đần được gì cho bố mẹ. Con út muốn thoát ly nhưng không được ăn học đến nơi nên thất nghiệp. “Chúng nó còn vợ, còn con phải lo, nuôi sao được bố mẹ. Thành ra gần 60 tuổi đầu vợ chồng tôi vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, giọng bà Suốt chua chát.
Hoàn cảnh khó khăn nên ông bà không thể tự lợp được nhà để ở. Suốt nhiều thập kỷ qua, vợ chồng bà Suốt ở trong căn nhà hết lợp giấy dầu, lá dong đến lá chuối. Mới đây hợp tác xã chung tay dựng giúp ông bà Kiệm căn nhà ngói.
Bà Đỗ Thị Thêm, Đội trưởng đội 2, thôn Đồng Văn cho biết, gia cảnh của vợ chồng ông Kiệm rất khó khăn. Cả hai đều yếu, muốn đi làm thuê cũng chẳng ai thuê. “Số tiền trợ cấp ít ỏi hàng không thể trang trải đủ cho 3 miệng ăn nên ông bà Kiệm đành phải đi mò cua bắt ốc”, bà Thêm cho biết.
Theo VNE
Ông lão 4 lần khoác long bào đi cày
Từng bước chậm rãi, song dứt khoát, ông Đinh Trọng Tế (84 tuổi) bắt đầu tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày những thửa ruộng đầu tiên trong năm mới ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đã 84 tuổi nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Ảnh: Văn Định.
Nhiều năm nay người dân trong vùng mỗi dịp đầu xuân thường kéo đến xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, xem lễ hội tịch điền. Không chỉ cầu một năm mưa thuận gió hòa, họ còn muốn được xem ông cụ 84 tuổi đóng giả vua đi cày.
Đã bước qua tuổi bát tuần nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Hàng ngày, cụ thức dậy từ sớm để luyện tập động tác đi đứng, cử chỉ thật nhuần nhuyễn chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm sắp tới gần. Kể từ năm 2009 lễ hội tịch điền được khôi phục đến nay, năm nào cụ Tế cũng đứng ra nhận trọng trách của cả làng là đóng giả vua đi cày.
Cụ Tế kể, xuân 2009, bô lão trong làng họp bàn tìm ra người phù hợp đóng giả vua đi cày là cụ Ngụy Nguyên Chiều (82 tuổi). Đến ngày tổng duyệt (25 tháng chạp), cụ Chiều đổ bệnh rồi 10 ngày sau qua đời. Việc chuẩn bị đã gần như tươm tất, nhưng ban tổ chức vẫn "rối như tơ vò" vì chưa tìm được ai thay thế. Lúc này cụ Tế tự ứng cử. Thấy thế nhiều người cười nhạt vì lo cụ không làm nổi. Con cháu ra sức khuyên cụ từ bỏ ý định vì sợ "đắc tội với bề trên".
4 lần khoác long bào đóng giả vua đi cày, ông Tế chia sẻ: 'Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi'. Ảnh: Văn Định.
"Trước tới nay tôi chưa bao giờ tin vào chuyện bị bề trên 'vật' cả", cụ Tế khẳng định. Đọc nhiều sổ sách ghi chép nên phần nào cụ nắm được các nghi thức, phong tục lễ hội thời xưa. Để mọi người tin tưởng, cụ diễn vài bước cơ bản và được vỗ tay tán thưởng. Muốn cho động tác nhuần nhuyễn, nhiều hôm cụ thức tập cả đêm. Có hôm đang ngủ tay cụ vẫn giơ lên trời khiến cụ bà giật mình gọi dậy.
Ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua, cụ Tế run run lo lắng. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, cụ bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống để cầu một năm mùa màng bội thu.
Sau màn đóng giả vua đi cày thành công, cụ Tế tiếp tục được ban tổ chức tin tưởng giao trọng trách đóng vua vào năm sau. Năm 2011, khi gần đến lễ hội thì cụ ngã bệnh rồi nằm liệt giường. Người được lựa chọn thay thế là cụ Phạm Lương Bì (74 tuổi). Điều lạ là mới tập dượt được vài ngày thì cụ Bì lại ngã bệnh rồi không thể tham gia. Gần đến ngày hội, cụ Tế tỉnh dậy quyết đóng vua đi cày bằng được.
Để có sức khỏe và những đường cày thẳng tắp, hàng ngày cụ Tế vẫn chăm chỉ tập thể dục. Ảnh: Văn Định.
Trải qua 4 lần khoác áo vua, đến nay dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày cụ vẫn đạp xe hàng chục cây số, có bận còn đạp sang Hưng Yên, Nam Định để rèn luyện sức khỏe. Con cái nhiều lần khuyên cha nghỉ ngơi tuổi già nhưng cụ nhất quyết không nghe.
Có nhiều thành tích trong việc xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều năm qua cụ Tế được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng bằng khen. Nói về dự định sắp tới, cụ ông cười hiền nói: "Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi".
Ông Lê Thế Quân, Phó bí thư xã Đọi Sơn cho biết, lễ hội tịch điền được tổ chức từ mùng 5 đến 7 tháng giêng hàng năm. Đến nay việc đóng vua đi cày đều do ông Đinh Trọng Tế đảm nhận và làm rất tốt. "Chính quyền và nhân dân xã Đọi Sơn luôn đề cử ông Tế gánh vác trọng trách này cho tới khi ông không làm được nữa", ông Quân nói thêm.
Sử sách ghi lại, lễ hội tịch điền lần đầu tiên diễn ra vào thế kỷ thứ 10 ở tỉnh Hà Nam, quê hương của vua Lê Đại Hành. Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng bá quan văn võ đi cày ruộng ở xã Đọi Sơn rồi thấy dưới đất một chiếc chum vàng. Một năm sau vua đi cày ở Bàn Hải thì bắt được một chiếc chum bạc. Từ đó những thửa ruộng này được nhà vua đặt tên là Kim Ngân Điền (ruộng của vua) nay thuộc xã Đọi Sơn, Duy Tiên.
Hàng năm cứ mỗi dịp đầu xuân, nhà vua lại xắn long bào cùng văn võ bá quan xuống đồng cày ruộng cầu cho dân chúng no ấm, hạnh phúc. Lễ hội này được duy trì qua nhiều thế kỷ nhưng đến đời vua Khải Định thì dần mai một. Năm 2009, nhằm lưu giữ những phong tục truyền thống bị đánh mất, lễ hội tịch điền được khôi phục và tổ chức tại xã Đọi Sơn. Việc quan trọng nhất là cử ra người đóng giả vua để tái hiện lại cảnh đi cày.
Theo VNE
Bệnh tật bủa vây gia đình nghèo ở Hà Nam Bà nội bị tâm thần, bố mù lòa, vợ bị ung thư tuyến giáp, con gái mắc u máu khiến anh Hoàng Văn Cường ở xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) chỉ biết lao đi làm kiếm tiền lo viện phí và cái ăn, nhưng chẳng bao giờ đủ. Chị Tâm tranh thủ xát ít gạo để các bà nội, bố mẹ...