Chồng đòi li hôn, tôi cuống quýt níu kéo bằng…tiền
Tôi điên cuồng níu kéo anh. Nhưng sau tất cả những gì tôi làm, anh vẫn ra đi bỏ lại tờ giấy ly hôn mà tôi vẫn chưa ký.
Tôi thà chấp nhận cuộc sống hôn nhân “có như không” này còn hơn phải chịu bị đàm tiếu. (Ảnh minh họa)
Tôi gặp anh trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn cũ thời đại học. Anh đẹp trai, ga lăng, tính tình vui vẻ, thân thiện lại có khiếu hài hước. Anh thu hút mọi ánh nhìn của các chị em phụ nữ tham gia buổi tiệc trong đó có tôi.
Qua bạn giới thiệu, được biết anh học giỏi nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn nên ra trường nhiều năm mà vẫn chưa xin được việc. Tôi, một người phụ nữ kinh doanh thành đạt thừa hưởng cơ nghiệp từ gia đình, không có gì khác ngoài tiền.
Chúng tôi nhanh chóng quen nhau và đến với nhau như những mảnh ghép tìm thấy mảnh ghép còn thiếu phù hợp. Anh thiếu tiền còn tôi thì thiếu tình.
Ông bà ta xưa lấy nhau đa phần không có tình yêu, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thậm chí có những đôi đến ngày cưới mới biết mặt nhau vậy mà vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long. Trong khi ngày nay có những cặp yêu nhau sáu bảy năm, lấy nhau về chưa đầy một tháng đã đòi ly hôn. Thế nên tôi càng vững tin vào quyết định của của mình. Rằng tôi lấy anh không có tình yêu nhưng sẽ vững bền và lâu dần chắc rồi cũng nảy sinh tình cảm.
Từ khi lấy tôi, anh có việc làm lương cao ổn định, có nhà đẹp, có xe hơi…và anh đã hoàn toàn thay đổi. Vốn đẹp trai hào hoa, nay lại trở thành người đàn ông giàu có, anh là đối tượng trong tầm ngắm của không ít các cô gái trẻ đẹp trong cơ quan cũng như ngoài cơ quan. Mà đàn ông thì mấy ai không bị cám dỗ!
Anh có tình nhân bên ngoài. Tôi biết nhưng vẫn lờ đi vờ như không biết. Thời gian trôi đi, “giọt nước tràn ly”, anh đòi ly hôn. Anh nói anh đã có tất cả nhưng không có tình yêu, anh cần tình yêu, cuộc sống này quá tẻ nhạt và vô vị.Hơn lúc nào hết tôi chợt nhận ra tiền không phải là tất cả. Tôi không đồng ý ly hôn, tôi không thể để gia đình lo lắng, càng không thể để bạn bè chê cười lấy tôi ra làm đề tài bàn tán. Tôi cực kỳ ác cảm với dư luận. Tôi không thích và ghét nó. Tôi thà chấp nhận cuộc sống hôn nhân “có như không” này còn hơn phải chịu bị đàm tiếu, làm trò cười cho thiên hạ.
Tôi điên cuồng níu kéo anh. Tôi thay xe mới xịn hơn, sang hơn cho anh, mua quần áo hàng hiệu cho anh và đưa thêm gấp nhiều lần sinh hoạt phí hàng tháng. Không những thế, đánh vào tâm lý thương mẹ, tôi mua nhân sâm, nhung hươu biếu mẹ chồng để nhờ khéo bà gây áp lực đến anh.
Video đang HOT
Tôi làm tất cả có thể để níu kéo, tôi như phát điên lên khi thấy anh không hề lay chuyển. Vì tình yêu? Không, chính tôi cũng không biết tôi có yêu anh hay không hay tôi đang làm tất cả chỉ vì giữ thể diện và danh dự của chính bản thân mình? Nếu tôi yêu thì sao anh có nhân tình tôi lại thờ ơ không cảm thấy gì được. Tôi phát điên lên vì tình yêu hay vì bản tính hiếu thắng vốn có của bản thân mình?
Giống như nắm cát trong tay, càng nắm chặt thì cát lại càng tuột khỏi tay. Cái gì mà ta càng cố giữ thì nó lại càng rời xa ta. Sau tất cả những gì tôi làm, anh vẫn ra đi bỏ lại tờ giấy ly hôn mà tôi vẫn chưa ký.
Theo blogtamsu
4 lần bỏ vợ vì mẹ ghen điên cuồng với con dâu
Ruột gan chị đau tím tái. Cũng vì bị mẹ chồng ngăn cấm nên mãi chị chưa có con. Bà lại om sòm than phiền với hàng xóm, nói chị là "cau điếc", "gà không biết đẻ trứng"...
ảnh minh họa
Mẹ chồng điên cuồng ghen với con dâu
Ở một làng quê nhỏ bé thuần nông của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chuyện của một nhà nhưng cả xóm cả thôn đều hay tỏ. Cũng bởi thế mà không ai không biết đến chuyện nhà chị Liễu. Vào tuổi cập kê, là người chăm làm, lại xinh xắn nên chị được nhiều trai làng để ý. Tối nào nhà chị cũng tốn nước chè để tiếp, thanh niên ở làng khác nghe tiếng về chị cũng sang chơi thì bị trai trong thôn chặn đường, đánh nhau đến chảy máu mũi máu mồm.
Có lần, giữa ngày rét cắt da cắt thịt, chàng thanh niên làng bên bị con trai làng chị đẩy cả người lẫn xe xuống ao, bắt anh vừa mò ốc vừa hát "cuộc đời vẫn đẹp sao". Ấy vậy mà chị yêu anh và quyết định mọi cách để tiếp cận và yêu bằng được anh. Ngày cưới, ai cũng mừng vì chị chon được nơi có "nhà ngói cây mít" không phải lo xây cửa làm nhà, chỉ làm để ăn thì chẳng mấy mà có của ăn của để.
Bố chồng chị mất sớm nhưng cũng để lại một cơ ngơi mà nhiều người ở nông thôn phải mơ ước. Mẹ anh được tiếng ăn nói khéo léo không để ai chê trách. Vậy mà có ngờ đâu, cuộc đời làm dâu của chị Liễu lại như sống trong tù ngục. Kinh tế nhà khá giả nhưng ngày nào bà mẹ chồng cũng bắt chị dậy từ 4 giờ sáng để quét nhà, nấu cơm, thậm chí không có việc gì cũng phải dậy. Bà bảo đàn bà ngủ nhiều ươn xác.
Đêm đến, chồng chị chờ mãi không thấy vợ vào ngủ nên thường ngủ trước, anh không biết rằng mẹ bắt vợ không được đi ngủ cùng chồng. Chị không hiểu vì sao mẹ lại tai quái với mình đến vậy, nghĩ đi nghĩ lại chị vẫn chưa hiểu mình đã thất thố gì với bà.
Có lần chị đánh bạo, hỏi mẹ chồng xem mình có lỗi gì, mong bà góp ý để sửa chữa. Bà đang nhai trầu, thấy chị hỏi thế liền nhổ toẹt xuống ống, tay vuốt miệng bảo: "Chị thì xinh đẹp rồi nhưng chị khỏe thế kia thì mấy mà con tôi mòn người. Các cụ bảo tốt mái hại sống chẳng có sai. Từ ngày con tôi lấy chị, chị xem nó có khác gì con mắm khô không! Chị tha cho con tôi, tôi xin chị".
Lúc này chị mới ngớ người ra, mới hiểu vì sao bà bắt chị đi ngủ muộn, đêm nào cũng đẩy cửa phòng vào kiểm tra con trai 4 - 5 lượt. Con trai có thắc mắc, bà bảo sợ vợ anh đạp mất chăn, lạnh thì ốm. Sau một thời gian có lẽ thức đêm nhiều nên bà sinh bệnh, bà bắt con trai chuyển giường đến ngủ cùng phòng. Còn nàng dâu, bà bắt xuống ngủ ở gian nhà cấp bốn, nơi chứa nhiều đồ đạc, khoai sắn của cả nhà. Có lần chồng trốn mẹ xuống với vợ, đang lúc mặn nồng bà du cửa vào, chửi chị làm hại con bà.
Cũng vì thế mà vợ chồng mới cưới cứ như mặt trăng mặt trời, chẳng mấy khi được gần gũi. Ngồi cùng mâm cơm, bà ngồi ở giữa, vợ chồng có chuyện vui cũng không dám cười. Lần đầu chị không biết, thấy anh kể chuyện vui chị cười rồi liếc yêu chồng, bà mẹ điên quá, đứng lên đập vỡ bát cơm rồi bù lu bù loa: "Con dâu gì mà đoảng, cười bắn cả cơm vào mặt mẹ chồng".
Ruột gan chị đau tím tái. Cũng vì bị mẹ chồng ngăn cấm nên mãi chị chưa có con. Bà lại om sòm than phiền với hàng xóm, nói chị là "cau điếc", "gà không biết đẻ trứng"... Sau nhiều lần anh đánh liều gặp vợ, cuối cùng sau hơn hai năm, chị Liễu đã có bầu. Những tưởng hạnh phúc được làm bà sẽ khiến bà mẹ chồng khó tính thôi bám rịt lấy con trai mà chăm sóc đứa cháu tương lai. Chị đã nhầm.
Thấy vợ bụng vượt mặt vẫn không lúc nào ngơi tay làm công việc đồng áng rồi khi về nhà lại giặt giũ nấu nướng, có lần anh chồng mang bát đi rửa và giặt quần áo giúp vợ. Bà mẹ tru tréo mắng con trai tơi tả: "Đàn ông không đi lo việc lớn mà ngồi bếp bám váy vợ thì làm ăn được gì".
Chị vất vả một phần mà căng thẳng vì mẹ chồng ghen tuông mười phần. Sau khi sinh, chị trở thành người trầm cảm, ôm con đi ra đi vào, khuôn mặt như cô hồn. Một thời gian sau, chị bỏ về nhà mẹ đẻ. Bây giờ chị Liễu đã có một cuộc sống mới, tuy không giàu có nhưng chị thoải mái đầu óc.
"Tôi kể chuyện mẹ chồng ghen ngược với con dâu thì nhiều người không tin nhưng có ở cùng mới thấy trái khoáy vô cùng. Dù có tình cảm với chồng nhưng tôi không hối hận với quyết định ly hôn. Chỉ có cách đó mới giải thoát được tôi. Tôi được biết, sau khi ly hôn tôi, anh đã lấy thêm 3 vợ nữa, người nào cũng chỉ được vài tháng hoặc một năm là ly dị. Hiện anh sống cùng cô vợ khá trẻ, nghe đâu là giáo viên mầm non nhưng chẳng biết có trụ lại được hay không", chị Liễu thở dài.
Một đêm "do thám" 5 - 6 lần
Tôi đem chuyện mẹ chồng kỳ dị của chị bạn ở quê tôi kể cho mấy chị bạn ở cơ quan thì được biết chuyện này không phải là hiếm. Sau câu chuyện rôm rả, mọi người ai về phòng nấy, chỉ còn chị Nhiên ngồi thừ lại chỗ tôi.
Chị thở dài não nề: "Ở cơ quan thì vui chứ về chị cũng rơi vào hoàn cảnh khóc dở mếu dở như thế em ạ. Những ngày đầu lấy về chị không thể ngờ bà ấy lại đối xử lạ lùng vậy. Vợ chồng son mà đi đâu bà cũng hỏi, có lần đến nhà chị bạn lâu không về bà bắt taxi xông thẳng vào nhà chị bạn tìm con. Chồng chị cao lớn là thế mà bà lôi xềnh xệch bắt lên taxi về nhà ăn cơm, chị đứng trơ ra không biết làm gì. Đời chị rơi vào cảnh oái oăm".
Chị tâm sự, từ nhỏ anh đã được mẹ lo lắng chăm sóc đến nỗi chưa bao giờ biết rửa bát, nấu cơm, chưa biết là quần áo. Đến khi chị lấy anh, dù biết thói quen của chồng là xấu nhưng chị cũng cố khắc phục dần. Buổi sáng chị đang chuẩn bị đồ đạc, là quần áo cho chồng thì bị bà mẹ chồng giật phăng bàn ủi la lớn: "Chị làm hỏng hết quần áo của con tôi ...".
Anh chồng thấy vậy, ôm mẹ mà nói rằng: "Nhiên làm được mà mẹ". Bà quay ngoắt sang mắng: "Từ ngày có vợ, anh còn coi tôi ra gì đâu. Lúc nào anh cũng chỉ có vợ thôi".
Bà đi rêu rao với cả khu phố là con trai chỉ nghe lời vợ không chịu quan tâm đến mẹ. Không những vậy, bà còn cấm con trai được làm những việc của đàn bà như tự cất giày vào ngăn tủ, tự thu dọn bàn ăn sau khi ăn xong một mình, thu cất quần áo cho cả nhà, cùng vợ nấu nướng...
Khi chị về làm dâu, bà có dặn phải chăm sóc chồng chu đáo nhưng vợ chồng càng tình cảm thì bà càng tỏ ra khó chịu. Có lần chồng đùa vợ, nhét quả sơ ri đầy chặt miệng vợ, bị bà nhìn thấy. Bà không nói không rằng ra ngoài vườn ôm con mèo cả buổi tối.
Ở nhà chị mặc quần ngắn cho mát mẻ thì bị mẹ không bằng lòng. Nhiều hôm thấy bà liếc xéo chị không hiểu chuyện gì. Đến một hôm bà đi chợ về, nói là có quà cho chị. Chị ngạc nhiên thấy lần đầu tiên mẹ chồng tâm lý, liền hồ hởi mở túi bóng ra xem. Hóa bà tặng chị một bộ quần áo ở nhà "kín cổng cao tường".
Bà không quên chua thêm câu: "Con đừng mặc đồ hở cả ngực nữa, đàn bà mặc thế chồng đánh giá đấy". Chị nhìn bộ đồ dài rộng chất liệu pha nhiều nylon mà ngao ngán.
"Nhất cử nhất động của vợ chồng đều bị bà soi xét. Đêm đến, vợ chồng muốn gần gũi cũng phải chờ bà đi ngủ mới dám. Thế nhưng có đêm bà sang tìm đèn pin với tìm nến đến 5 - 6 lần. Muốn tình cảm với nhau cũng phải nhìn trước ngó sau, trong nhà cứ có người do thám".
Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, những bà mẹ chồng kiểu này thường là những người bị tổn thất lớn về tình cảm như chồng mất sớm, ly dị chồng rồi sống một mình nuôi con... Họ dồn hết tình cảm cho con, nuôi con khôn lớn trưởng thành nên khi xuất hiện một người phụ nữ khác, họ cảm thấy hụt hẫng rồi sinh ra nghi kỵ, bực tức.
Vì thế khi có mâu thuẫn, cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây nên mâu thuẫn là gì. Cần có thái độ bình tĩnh, sáng suốt trong giải quyết các mâu thuẫn gia đình. Mỗi người nên có thái độ nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ cũng như các hành vi ứng xử của mình trong gia đình. Người chồng luôn có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Theo Iblog
Lần theo địa chỉ nhà người yêu, tôi cay đắng phát hiện ra sự thật Quá đau khổ khi Lâm chia tay, tôi lên tận nhà Lâm tìm gặp, không ngờ tôi lại phát hiện ra một sự thật động trời. Tôi yêu Lâm khi đang học năm cuối đại học. Lâm là người lao động tự do, khi yêu nhau, Lâm đang làm thuê cho một cửa hàng đồ ăn nhanh, công việc của anh là giao...