Chồng đi xa, tôi bị mẹ chồng “canh giữ”
Tôi thấy mình không khác gì bị tù treo, đi đâu một bước cũng bị theo dõi. Cuộc sống vốn đã cô đơn vì phải xa chồng càng trở nên nặng nề.
Tôi thấy lạc lõng, tủi thân giữa gia đình chồng
Tôi 28 tuổi, công tác tại một trường đại học ở Hà Nội. Mặc dù mới lấy chồng hơn hai năm nhưng tôi đã thấy mình ngu dại khi tự trói mình vào hôn nhân, bởi từ khi kết hôn, những ngày vui của tôi chẳng đáng là bao so với những ngày ấm ức, buồn tủi.
Cưới được mấy tháng, chồng tôi đi du học. Sống cùng bố mẹ, ông bà nội chồng và vợ chồng anh trai chồng trong một tòa nhà lớn, tôi tủi thân vì những người khác trong nhà dù già hay trẻ đều có đôi có cặp, còn tôi bé nhỏ nhất, lại vừa chân ướt chân ráo đến, đã thui thủi một mình. Tệ hơn nữa là tôi cảm thấy lạc lõng giữa họ, những con người kiêu kỳ đó nhìn tôi như một người ở đẳng cấp dưới. Tôi là gái tỉnh lẻ, không có gì nổi bật, trong khi anh là trai thủ đô, vừa đẹp vừa con nhà khá giả. Khi chồng tôi ở nhà, mọi người còn ra vẻ quan tâm, độ lượng với tôi, nhưng khi anh đi vắng, họ như muốn lờ tôi đi.
Thế nhưng tôi không bị lờ đi hoàn toàn, vì chỉ cần về muộn hay đi vắng là mẹ chồng phát hiện ra ngay. Dù không nói thẳng ra nhưng bà muốn ngoài giờ làm, tôi phải về nhà ngay chứ không gặp gỡ bạn bè hay tham gia hình thức vui chơi giải trí nào. Buổi trưa, trường gần nhà nên tôi phải về ăn cơm. Buổi chiều, hôm nào họp hành hay công việc có vấn đề ngoài dự kiến, tôi về muộn khoảng một giờ đã bị bà gọi vào nhắc nhở. Tôi lý giải là cơ quan có việc, nhưng hình như bà không tin: “Con nói vậy thì mẹ biết vậy, mẹ chỉ nhắc thế thôi. Đàn bà chồng đi vắng thì càng nên giữ gìn kẻo mang tiếng cho con, cho cả gia đình”.
Muốn hòa nhập, buổi tối, tôi cũng tìm cách bắt chuyện với mọi người nhưng họ đều hờ hững với tôi. Rồi thì ai về phòng nấy và tôi lại một mình. Tôi khóc thầm rất nhiều vì cuộc sống quá ngột ngạt và vô vị, có những khi cảm thấy không chịu nổi. Tôi thật ngu ngốc, đang tự do bay nhảy bỗng đâm đầu vào chốn tù đày như thế này, không một ai bên cạnh. Hơn một năm sống như thế, tôi gầy rộc đi.
Tôi viết mail yêu cầu chồng thuyết phục bố mẹ cho ra ở riêng khi anh về chơi. Đây là một chuyện động trời, vì tuy bố mẹ chồng tôi thừa tiền mua nhà cho mỗi con trai nhưng đến giờ, tất cả đều phải sống chung. Nhưng chồng tôi quá kiên quyết, và ông bà vẫn chiều con út (cũng vì chiều anh nên họ mới đồng ý cho cưới tôi) nên cuối cùng, anh được phép mua một căn hộ chung cư nhỏ. Chuyển nhà được một tuần thì anh đi.
Lại cô đơn, nhưng tôi sung sướng vì cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều, tôi có thể làm những gì mình muốn, có thể đi chơi, thăm bạn bè. Nhưng tôi đã mừng hơi sớm. Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ làm việc là mẹ chồng gọi điện vào số cố định nhà tôi để hỏi han, nhưng thực chất là kiểm tra tôi có về đúng giờ không. Nếu không thấy nghe máy, sau đấy kiểu gì bà cũng hoạnh họe, nhắc nhở rất khó chịu, giống như nhắc nhở một đứa hư hỏng. Sang nhà mới một thời gian, tôi phát hiện ra mẹ chồng nhờ một người quen, trông xe ở tầng một, để mắt đến tôi, nên tôi về lúc mấy giờ, đưa ai về chơi bà đều biết rõ, và bà tỏ ý không bằng lòng nếu tôi để bạn ngủ lại.
Dự định đi chơi vào những ngày chủ nhật của tôi cũng rất khó thực hiện bởi từ khi tôi chuyển đi, mẹ chồng quy định cuối tuần là phải đoàn tụ gia đình, tôi dĩ nhiên phải có mặt để cùng chị dâu làm cơm. Có đôi lần, các bạn tụ tập ăn uống, năn nỉ tôi tham gia và tôi cũng thèm đi quá nên xin phép mẹ chồng cho vắng mặt vào chủ nhật. Bà đồng ý, nhưng lần nào cũng vậy, sau khi nấu nướng với các bạn, tôi vừa ngồi vào mâm là có điện thoại của mẹ chồng, bảo có việc gấp, nhờ tôi về chở bà đi. Việc gấp ấy khi là sang chơi nhà bà bạn, khi thì đi mua cái gì đó, những việc mà tôi biết bà vừa nghĩ ra. Bình thường muốn đi đâu, bà đều đi taxi chứ không khiến tôi chở, vì tôi nặng có 40 kg, mẹ chồng nặng 64 kg, bản thân bà cũng thấy không an toàn. Sau mấy lần bị triệu hồi như vậy, tôi vừa ngại với bạn vừa biết không hy vọng gì được vui chơi thoải mái nên không tham gia tụ tập nữa, chấp nhận làm tù nhân của mẹ chồng.
Mẹ chồng luôn theo dõi nhất cử nhất động của con dâu
Tôi thấy khổ quá. Tôi không hiểu nổi tại sao mẹ chồng lại đối xử với mình như vậy, không hiểu cấm cung tôi thì bà được lợi gì. Bà biết thừa tôi không buông thả hay làm gì sai cơ mà. Buồn hơn là bây giờ chồng tôi không muốn nghe vợ than thở nữa, có lẽ vì nghe mãi cũng chán tai mà chẳng làm được gì. Có hôm anh cáu tôi, bảo đã làm hết sức để tôi được ở riêng rồi, anh trai và chị dâu cũng muốn ra riêng mà có được đâu, giờ tôi phải biết chịu đựng chứ.
Đứa bạn thân thì bảo, tôi phải biết phản kháng thì nhà chồng mới tôn trọng, hoặc ít ra cũng để cuộc sống của mình trở nên dễ chịu hơn trong khi không ai vì mình cả. “Mày cứ đi chơi, cứ về muộn, bà ấy mắng thì cứ vâng dạ rồi việc mình mình làm, chủ nhật thì không nhất thiết hôm nào cũng sang, lâu dần bà ấy cũng quen thôi”, nó xui thế. Thực sự tôi thấy nó có lý, nhưng tôi sợ mẹ chồng sẽ làm loạn lên và chồng tôi chưa chắc đã đứng về phía vợ.
Chồng tôi phải năm rưỡi nữa mới về, chừng ấy thời gian nếu cứ sống thế này thì tôi chết mất. Tôi nên làm gì đây?
Theo VNE
Yêu Dại Khờ...
"Tình yêu không có luật lệ, phải không? Nhưng giới hạn thì có. Em nghĩ mình đi qua giới hạn rồi. Tình yêu đâu thể tranh cướp khi người ta đã thuộc về ai đó, em hiểu mà. Là vì em dại khờ thôi..."
1. Phòng trà Mây một buổi chiều thứ tư...
An lặng lẽ hòa vào hàng ghế khán giả nghe Hoàng hát. Khúc tình ca sâu lắng và ngọt ngào quá, An ước nó chỉ dành riêng cho mình.
Mắt An chốc chốc lại đảo về phía phải sân khấu - nơi cô gái đang chơi piano cứ luôn luôn nhìn Hoàng bằng cái ánh mắt trìu mến hệt như An. Cô gái rất xinh đẹp, vẻ đẹp mong manh, dịu nhẹ nhưng dường như bị khuyết tật, An chợt chú ý đến chiếc xe lăn mà cô gái đang ngồi.
Tiết mục của Hoàng vừa kết thúc, cả tiếng piano và tiếng hát đều dừng cùng lúc. Hoàng chào khán giả rồi tiến đến đẩy chiếc xe lăn cô gái đang ngồi vào phía trong sân khấu. Nụ cười Hoàng dịu dàng như cái ánh mắt hai người giao nhau, An chợt thấy tim mình nghẹn lại.
Video đang HOT
Buổi học thêm tối hôm ấy...
Ánh mắt An hết nhìn Hoàng đang say sưa giảng bài lại lơ đãng ra phía ban công. Tiếng Hoàng giảng cứ nhảy nhót lung tung:
- Để giải chỗ này, ta sẽ sử dụng... Này An, tập trung đi!
An quay nhìn Hoàng, cái nhìn trực diện, trong veo và kiên định làm Hoàng hơi bối rối. Mắt An xoáy sâu, cố tìm trong ánh mắt Hoàng một tia nhìn dịu dàng mà chiều nay mình đã thấy. Chẳng có gì ngoài cái ánh mắt có phần nghiêm túc Hoàng vẫn thường nhìn An. An bỗng thất vọng:
- Hôm nay mình nghỉ sớm 15 phút đi, em hơi mệt.
Nói đoạn An đứng dậy, ôm chồng sách lững thững bước xuống cầu thang trước ánh mắt ngạc nhiên của Hoàng.
Đứng nép sau cửa sổ phòng ngủ, An còn nhìn theo mãi sau lúc Hoàng dắt xe ra về. An chẳng ngờ mình thích Hoàng - cái chàng trai thuộc kiểu mẫu mực An vẫn hay trêu chọc.
An là một cô gái nổi loạn đúng nghĩa. Tóc ngắn rối bù không kiểu cách, áo quần đơn giản không khác nào con trai, động một chút là thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nơi An xuất hiện chính là nơi An làm chủ tình thế: những mối quan hệ bạn bè, những tình huống éo le hay cả chuyện tình cảm nhưng xem ra lần này, An đã chẳng còn là An.
Tính đến bây giờ, Hoàng đã là vị gia sư thứ 5 mẹ mời về để ôn vào đại học cho An, cũng là người ở lại lâu nhất trong cái phòng học trên tít tầng cao này. Những vị gia sư trước đây không sao ép được An vào khuôn khổ. Nhưng đến lượt Hoàng thì khác. Chàng sinh viên thông minh và giỏi giang ấy có gì khiến An ngoan ngoãn nghe lời, An cũng không biết nữa. An chỉ biết rất rõ một điều rằng mình đã thích Hoàng ngay từ hôm gặp mặt đầu tiên còn bây giờ, An không rõ cái cảm giác ấy đã tiến thêm một bước hay nửa bước trong trái tim mình.
2. An vẫn đến phòng trà đều đặn vào mỗi buổi chiều thứ tư nhưng không phải để nghe Hoàng hát. An không biết từ bao giờ mình có cái ý định chen sâu vào đời tư của Hoàng khi mà An đến đây chỉ để biết rõ Hoàng nhìn cô gái ấy - cái cô gái hay chơi đàn cho Hoàng hát như thế nào? Họ có trao nhau một cái nắm tay hay một cử chỉ tình tứ? Chính An cũng không thể hiểu nổi mình nữa.
Hôm nay An cũng đến phòng trà nhưng không ngồi trực diện sân khấu như mọi khi mà đứng vào một góc khuất đằng xa, đủ để nhìn thấy Hoàng và cô gái đó. Tiếng hát Hoàng vừa dứt cũng là lúc khách khứa tản ra, Hoàng lại tiến đến chỗ chiếc xe lăn nhưng không đẩy luôn vào phía trong, Hoàng quỳ một chân xuống bên chiếc xe lăn và cùng trò chuyện. An không nghe thấy gì nhưng chỉ thấy Hoàng cười rất tươi. Cô gái đó còn bất chợt cúi xuống hôn lên trán Hoàng, ánh mắt cô long lanh và gò má chuyển dần sắc đỏ. An chợt thấy hơi thở mình dồn dập hơn, ánh mắt nhạt nhòa nhìn bóng Hoàng đẩy chiếc xe lăn tiến vào phía trong sân khấu.
Vừa thấy Hoàng bước ra khỏi phòng trà, An kéo tay Hoàng giật mạnh về phía sau làm Hoàng suýt ngã. Khi Hoàng còn chưa kịp nói lời nào vì thấy đôi mắt An hoe đỏ, An đã nói như sợ ai cướp mất cơ hội, giọng vô cùng kiên quyết:
- Hoàng, nhìn em đi!
Hoàng nhìn An, ánh mắt ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tiếng thở dài của An càng làm Hoàng thấy có gì đó không ổn. Hoàng toan hỏi thì An đã buông bàn tay đang nắm chặt rồi lẳng lặng bỏ đi:
- Không phải nó rồi. Thôi, tối nay anh đừng đến, em không muốn học.
3. Hoàng ngồi trí lặng yên nghe tiếng nhạc rè rè phát ra từ chiếc radio cũ mèm của quán cafe ven đường. Những suy nghĩ về An cứ thoắt ẩn hiện không cho trí óc Hoàng nghỉ ngơi. Còn một tiếng nữa mới tới giờ phụ đạo cho An, Hoàng sẽ ngồi đây đợi, dù An nói Hoàng đừng đến nhưng đó đã là thói quen. Thói quen ăn sâu vào tiềm thức, như một người nào đó Hoàng đang đợi chờ, không rõ hình dung.
Thái độ của An dạo gần đây, cả cái cách An nhìn Hoàng, tất cả đều khác lạ, giống như sự băn khoăn đang nhởn nhơ trong lòng Hoàng hiện tại.
Vì sao An có mặt ở phòng trà? Vì sao An khóc? Lí do gì khiến An cứ hủy lịch học liên tục? Ánh mắt đó, thái độ đó là sao? Ngần ấy câu hỏi, Hoàng nhất định phải tìm cho ra lời giải đáp.
***
Hoàng đến nhà An sớm hơn 30 phút, vì sốt sắng lo cho cô trò nhỏ. Sự vắng vẻ luôn thường trực trong căn nhà này vì bố mẹ An tối ngày bận việc, rồi đi công tác. Thiếu vòng tay bố mẹ lâu ngày, có lẽ đó là lí do vì sao ẩn sâu trong một cô gái thường ngày tỏ ra vui vẻ, lí lắc, sự đơn độc vẫn luôn ẩn hiện đâu đó.
Đứng trước cửa phòng An, Hoàng lặng lẽ quan sát cô giúp việc gõ cửa liên tục:
- An, mở cửa xuống ăn cơm đi cháu. Sắp đến giờ học rồi, không ăn sức đâu mà học.
- Cháu không ăn đâu, hôm nay không học, cô cứ xuống đi ạ.
Cứ thế, cuộc đối thoại tiếp diễn giữa "Không" và những lời khuyên nhủ.
Một phút...
Hai phút...
An vẫn không mở cửa. Hoàng ngỏ ý giúp để người phụ nữ trung niên có thể xuống sắp xếp công việc còn đang làm dở. Hoàng gõ nhẹ vào cửa phòng:
- An, mở cửa đi! Anh, Hoàng đây!
- Em đã bảo anh không cần đến cơ mà.
- ...
- Anh... - Cánh cửa phòng bật mở. An yên lặng cho đến khi Hoàng bước hẳn vào.
An mặc bộ võ phục Taekwondo. Thời tiết đang lạnh buốt mà mồ hôi túa ra, nhỏ giọt trên vầng trán dô bướng bỉnh. Hoàng nhìn An yên lặng một lát, ánh mắt ẩn chứa điều gì khó đoán. An lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng:
- Anh biết cái này chứ, có muốn thử vài quyền không? - An chỉ tấm đệm trải sẵn trên nền nhà.
Cuộc đấu bắt đầu ngay sau lời đề nghị của An. An đánh rất hăng nhưng một cô gái 18 tuổi dù thường ngày quen đấm đá khi đứng trước sức vóc của một chàng trai đang độ đôi mươi cũng không sao bì kịp. An bị Hoàng quật ngã sau khi bắt đầu không lâu. Hoàng tiến đến toan đỡ An dậy nhưng rất nhanh, An quật lại Hoàng nhân lúc Hoàng không đề phòng. An thở dốc, ghì chặt để Hoàng không có cơ hội thứ hai.
- Em phạm luật rồi.
- Tình yêu đâu có luật lệ, phải không?
- Em muốn nói gì?
- Chỉ là... - An nhắm chặt mắt, hôn nhẹ lên môi Hoàng. Thoáng cảm nhận hơi thở nóng ran đang phả ra.
4. Hoàng một mình ngồi gảy guitar trong căn phòng ngủ vắng lạnh. Hà Nội vào đông thực sự rồi. Cơn gió rít cứ gọi cửa luôn tục khiến đôi tay đỏ ửng lên. Suy nghĩ về An thoáng hiện về khiến ngón tay Hoàng lơ đãng trên những dây đàn.
Một buổi chiều, hai nụ hôn bất ngờ của hai cô gái gần như trái ngược, những câu nói lạ kì, những giọt nước mắt chưa từng thấy và cả những xúc cảm lần thứ nhất trong đời Hoàng có được. Có vẻ như thế giới của Hoàng đang có sự sắp xếp lại, vì sự xuất hiện của An chứ không phải Mây - cô nàng chủ quán hay chơi piano cho Hoàng hát ở phòng trà.
Chuyện con gái theo đuổi Hoàng xưa nay không phải hiếm. Hoàng không quá đẹp trai nhưng thông minh và nói chuyện rất có duyên. Hoàng lại nhiệt tình, với ai cũng tốt, cũng hết mình nên những hiểu lầm là điều khó tránh. Lâu dần cũng quen nhưng với một cô gái sớm chịu thiệt thòi như Mây, lời từ chối nói ra hay một thái độ lạnh lùng dường như quá khó với Hoàng.
Không hiểu sao trong lúc này, Hoàng nghĩ đến An, bỗng ước ao có lấy một tình yêu để làm điểm tựa những lúc chơi vơi.
- Tình yêu đâu có luật lệ, phải không?
Ừ, An nói đúng, tình yêu đâu có luật lệ, chỉ là một khắc hai trái tim cùng nhau đi lạc nhưng có lẽ, Hoàng đi quá giới hạn rồi.
- Đừng nghĩ đến chuyện gì. Việc của em bây giờ là vào đại học, em biết bố mẹ em kì vọng nhiều thế nào mà.
- Không, nó không được đáp ứng đâu. Thứ gì em thích, em biết rõ, em sẽ làm bằng được. Anh biết em dư sức vào ngôi trường đó, phải không?
- Sao anh biết được? Mà nếu thế, anh sẽ nghỉ để em có thời gian tự ôn tập.
Vòng tay ôm của An bất chợt ghì siết từ phía sau:
- Không, anh đừng như thế.
5. Sắp đến ngày thi nhưng An vẫn đi tập võ rất đều đặn. Hôm nay phòng tập vắng hơn mọi ngày. Được hơn một tiếng đấm đá hết mình, An thở mệt ngồi phịch xuống sàn. Anh chàng cao ngồng là bạn tập quen thuộc của An cười khì khì:
- Có muốn thử lại vài quyền Taekwondo không, anh thấy em quên nhiều rồi đấy.
An bỗng thừ người không đáp lại lời đề nghị ấy. Câu nói vô tình khiến An chợt nhớ đến Hoàng. Hoàng nghỉ dạy mấy tháng nay rồi, An cũng nói gắt với mẹ để không một vị gia sư nào phải đến nữa . Mẹ đã đồng ý ngay khi Hoàng chủ động đề nghị nghỉ vì phát hiện cái thái độ lạ lùng của An. Điện thoại cũng bị tịch thu khi những tin nhắn vu vơ của An chưa được hồi đáp.
Thất bại tình đầu của một cô gái 18 tuổi quá ư bướng bỉnh và chưa từng thất bại trong bất cứ chuyện gì đã khiến lòng tự cao của An bị tổn thương ghê gớm. An chọn cách quên để lỗ hổng trong tim mình dần được lấp đầy. Một trường đại học ở tận trong Sài Gòn - nơi xa lạ, không một ai quen biết được An xem là lựa chọn tốt nhất. An không chọn cách trách móc Hoàng, hay dằn vặt, hay đại loại cố níu kéo vì An hiểu, một chàng trai như Hoàng thích bảo vệ người con gái của mình chứ không phải An - cô gái bướng bỉnh thích thay người khác làm mọi chuyện. An đau, là tự mình thôi...
6. Hoàng ngồi ở phòng chờ sân bay, dán mắt vào bức thư dài hơn hai trang viết tay mới nhận được chiều qua, là An gửi. Hoàng không quá bất ngờ khi thấy dấu bưu điện ở Sài Gòn vì Hoàng biết, lúc nào An cũng chờ cơ hội này, để thỏa sức vẫy vùng theo cái cách mà An mơ ước.
Bốn tháng thôi dạy cho An, chưa đêm nào An không xuất hiện trong suy nghĩ của Hoàng. Không thể liên lạc lại nghĩ đến những lời mẹ An nói, Hoàng ngần ngại, rồi lo cho An nữa để rồi nỗi nhớ nhung cứ lớn hơn sau mỗi đêm ngủ không tròn giấc. Càng ngày Hoàng càng nhận ra, khi con người ta thật lòng yêu, ai cũng ngây dại hơn mình nghĩ quá nhiều.
"Tình yêu không có luật lệ, phải không? Nhưng giới hạn thì có. Em nghĩ mình đi qua giới hạn rồi. Tình yêu đâu thể tranh cướp khi người ta đã thuộc về ai đó, em hiểu mà. Là vì em dại khờ thôi..."
Giờ thì Hoàng đã hiểu, có lẽ trái tim kia cũng đã từng và vẫn còn đang nhói đau, không khác Hoàng là mấy. Hoàng bỗng trầm ngâm nhìn bức thư đôi chỗ hoen màu mực vì nước mắt đã khô. Chuyến bay vào Sài Gòn chuẩn bị cất cánh. Nụ cười Hoàng thoáng mở, khóe mắt chợt ánh lên chan chứa:
"Con bé này, kẻ dại khờ đâu chỉ có mình em."
Theo VNE
Công tắc tình cảm bật lên, cớ gì không tắt được? Chúng ta có thể chết vì thiếu oxy, chứ chẳng thể chết vì tình cảm của mình không được đáp lại... Ngày một, ngày hai còn có thể nghĩ mình nhớ thương đau buồn đến độ chết đi được, nhưng nhìn xem, có ai ôm quá khứ mà sống mãi được đâu? Khi một người quan trọng của cuộc đời mình lựa chọn...